Không có chí làm quan, Không có gan làm giàu

Thứ Năm, 06/03/2008, 09:30
Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn - người nổi lên gần đây nhờ tiểu thuyết "Luật đời & cha con" cùng với xery phim truyền hình "Luật Đời" chuyển thể từ tiểu thuyết của ông phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam vừa qua đang ẩn mình như một đạo sỹ trong "Lâu đài đá" ở số 11 Lạc Long Quân.

"Dư chấn của dư luận" sau 5 lần tái bản "Luật đời & cha con" trong 2 năm liên tục kể từ khi tiểu thuyết ra mắt bạn đọc đã mang đến cho nhà văn vốn xuất thân là một viên chức trong ngành Văn hóa - Thông tin một đời sống khác.

Có thể sự phát lộ tài năng muộn, cùng với sự khám phá những khả năng còn kỳ diệu hơn của bản thân từ trước đến nay hay sự thành công hơn cả mong đợi đối với một nhà văn khi trình làng bạn đọc tiểu thuyết đầu tay này đang cho ông những dư vị ngọt ngào.

Những ngày này, ông lại tiếp tục cô lập mình trên lầu 3 của "Lâu đài đá" để sinh đẻ tiếp phần 2 đứa con tinh thần "Luật đời & cha con".

Trò chuyện với ông suốt cả một buổi sáng mùa đông dài dằng dặc và lạnh khủng khiếp tại phòng văn của ông ở ngõ nhỏ, phố nhỏ đường Lạc Long Quân, tôi được nghe ông "tổng kết" và đúc rút từ cuộc đời làm công chức của mình khi còn là một thầy giáo dạy văn trên bục giảng, đến 10 năm từng là Phó hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An rồi tiếp tục 10 năm tham gia công tác quản ký công tác Báo chí và Xuất bản ở Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội.

Có vẻ như hôm ấy là một buổi sáng đặc biệt trong năm mới để nhà văn Nguyễn Bắc Sơn trút bầu tâm sự về cuộc đời làm công chức của mình. Những câu chuyện về những sáng kiến cụ thể khi ông còn làm quản lý ở ngành Giáo dục, hay Văn hoá khá thú vị, đủ  cho tôi nhận thấy ông là một phần của nhân vật "ông nghị quyết" Hòe trong tiểu thuyết đầu tay - một cuốn tiểu thuyết viết khá bạo tay về đề tài chính trị xã hội và tình ái, ngồn ngộn vốn sống, chất liệu cuộc đời.

Đặc biệt sau khi xery phim truyền hình "Luật Đời" dài 26 tập trên VTV1 được nhà Đài chuyển thể từ tiểu thuyết này, cái tên Nguyễn Bắc Sơn trước nay chỉ xuất hiện ở một số báo chí địa phương thì sau tiểu thuyết đầu tay này được mọi người chú ý đến vì gắn với một tác phẩm như bông hoa nở muộn, độc, tỏa ra thứ hương sắc lạ.

Cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn kể cũng đáng nói. Ông có một đời sống vắt qua chiều dài lịch sử hai cuộc kháng chiến của dân tộc một cách khá trọn vẹn. Cứ như thể biến động lớn nào của thời cuộc, ông đều có những dính dáng nhất định, dù không hẳn là nhiều.

Quê Hà Nội, sinh ra ở Nam Định, kháng chiến chống Pháp, gia đình tản cư lên Phú Thọ. Tại đây, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn tham gia phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp từ năm 12 tuổi với vai trò là diễn viên hát múa của Đoàn Thiếu nhi nghệ thuật Lưu Hữu Phước.

Năm 1955 ông trở về Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội ngành Văn sử năm 1962, trở thành thầy giáo dạy Văn ở Trường THPT Hoàn Kiếm trong 10 năm liền. Năm 1972, ông gia nhập quân ngũ cầm súng đi đánh Mỹ. Giải phóng đất nước, ông lại trở về với bục giảng.

Từ năm 1981 cho đến năm 1992, liên tục 10 năm liền ông giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An. Cũng chính thời gian làm quản lý giáo dục, ông say mê công tác nghiên cứu, viết lách và có khá nhiều bài báo, công trình nghiên cứu rất ấn tượng.

Ông là người có loạt bài bút ký về cầu Long Biên đoạt hai giải nhất và giải nhì cuộc thi viết về Thăng Long, Hà Nội. Ông cũng đã từng có những kiến giải rất hay về các vấn đề lịch sử ví như  bài "Trận địa cọc" trên sông Bạc Đằng năm xưa thi công như thế nào đăng ở Tạp chí Khoa học kỹ thuật đời sống năm 1987. Hay như những nghiên cứu có tính khoa học khá thú vị, như vì sao một số ít người thuận tay trái, rẽ ngôi tóc bên phải v.v...

Có lẽ tính khảo cứu, nghiên cứu phê bình là những tố chất sẵn có nên các bút ký, tùy bút của ông khá chắc tay, độ chính xác chi tiết cao, và bao giờ cũng hàm chứa các vấn đề thời sự chính trị nóng bỏng. Chính vì thế mà sau quãng thời gian dạy học, ông đã có tập phê bình nghiên cứu: "Tản mạn với nghề cầm phấn và cầm bút". Lạ lùng cho ông Phó hiệu trưởng Nguyễn Bắc Sơn khi đó, được đề bạt lên làm Hiệu trưởng, ông đã từ chối không làm, bởi lẽ "trót" làm quản lý trong một guồng máy thời bao cấp hơn ai hết ông rất hiểu sự ràng buộc, bận rộn về mặt thời gian, sự nhiêu khê của công tác quản lý, tổ chức v.v... nên hễ có cơ hội thoát ra tự do với ngòi bút là ông tìm cách thoát.

Vì thế, khi được mời về làm Trưởng phòng Quản lý báo chí, xuất bản, của Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội, ông gật đầu đánh rụp, đi ngay, không luyến tiếc. Lý giải việc chuyển nghề lúc đó, Nguyễn Bắc Sơn cười khà: "Tớ chỉ biết là cái nghề báo chí, xuất bản là gần với sách vở chữ nghĩa, thế là tớ thích rồi, mê rồi. Tớ khoái đi viết hơn là làm quản lý giáo dục, vì mê viết lách chữ nghĩa lắm mới dứt khỏi giáo dục ấy chứ".

Chính trong quãng thời gian 10 năm làm ở Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội là 10 năm Nguyễn Bắc Sơn rời thế giới mô phạm của những bài giảng để đến với thực tế đời sống, cọ xát và va đập đến tận cùng với cuộc đời của một anh công chức ngành Văn hóa, có tí chức quyền mọn.

Khi mà cơ chế thị trường đang dần xuất hiện, nhiều giá trị bị đảo lộn, đời sống con người, tư duy và bản lĩnh cũng đang phải đổi thay chóng mặt để thích ứng với thời cuộc, vì thế có biết bao bi kịch đau đớn trong cái đời sống phức tạp ấy.

Nguyễn Bắc Sơn tự thấy ông là người sống đến tận cùng cái cuộc sống mà ông đang sở hữu, làm việc cũng hết mình, làm chủ công việc toàn diện và sâu sắc. Bước vào lĩnh vực quản lý văn hóa, công việc dù là ở mức cấp phòng của một Sở Văn hóa nhưng lại không kém phần phức tạp và quan trọng bởi nó thuộc TP Hà Nội, Thủ đô của cả nước. --PageBreak--

Ông đã không bỏ sót một chi tiết nhỏ của công việc mới mẻ. Để tiếp cận và chiếm lĩnh được nó, ông đã bỏ ra 5 năm nghiên cứu. Chính trong 5 năm đó, ông đã cho ra đời cuốn "Tản mạn với Văn hóa Thông tin - Tiểu luận và những bài báo".

Nhưng vui nhất là việc nhà văn Nguyễn Bắc Sơn say sưa kể về những “chiến công” của ông trong việc phát hiện những điểm bất cập, thiếu khách quan và thậm chí cả sự vô lý trong một số nghị quyết, nghị định, chỉ thị thông tư của các cơ quan quản lý Nhà nước trong quãng thời gian ông đang làm Trưởng phòng Quản lý báo chí, xuất bản.

Vì những đóng góp thiết thực và bổ ích ấy, cách đây 10 năm, ông được mời tham gia Tổ biên tập Văn kiện Đại hộ Đảng bộ của thành phố. Ông nói có sách, mách có chứng, tự hào lôi ra những văn bản trước và sau khi sửa đổi nhờ đóng góp của ông.

Lúc này, tôi lại nhìn thấy nhân vật "ông nghị quyết" Hòe rõ rệt hơn trong một phần tính cách và cuộc đời ông. Tôi nói với nhà văn Nguyễn Bắc Sơn cảm nhận đó, nhà văn lại cười to, không phản đối: "Tớ là một người hết lòng vì công việc, đã làm việc gì thì dốc hết tâm sức, hết tinh lực, hết chất xám ra để làm cho bằng tốt, cho đến cùng. Đầu óc tớ luôn vận động, luôn tìm tòi phát hiện cái mới. Chính vì thế tớ là người nặng lòng và kỹ lưỡng hơn trong cuộc đời".

Sau khi đã làm chủ và nắm bắt được công việc mới, ông bắt đầu tung tẩy với nghề viết và lần lượt cho ra đời những tập bút ký, tùy bút thấm đẫm hơi thở của cuộc sống và ngồn ngộn những vấn đề đặt ra cho thời cuộc.

Đó là "Người dẫn đường trời", "Hoa Lộc vừng", "Hồng Hà ơi", "Nghề đi mây về gió", "Đá dậy thì" và một số tập truyện ngắn: "Thực hư", "Quyền không được yêu", "Luật Đời".

 Nhưng cho đến lúc ông về hưu, thôi chức Trưởng phòng ở Sở Văn hóa - Thông tin thì ông vẫn chỉ là một người có những thiên bút ký, tùy bút, chuyên luận sắc sảo, thạo nghề chứ chưa phải là một tác giả văn học nổi tiếng như nhiều bạn bè cùng trang lứa.

So với bạn bè thì nhà văn Nguyễn Bắc Sơn đến với văn chương xem ra khá muộn màng. Khi đã về hưu, rời bỏ đời sống công chức về với hai chữ "tự do" nhà văn chợt nhận ra mình đang sở hữu quá nhiều tư liệu, chất liệu của đời sống xã hội, bản thân có cái nhìn chính trị khá sắc bén, tư duy chặt chẽ, sắc sảo, tinh tường.

Đó là những tố chất cần thiết cho một người viết tiểu thuyết chính trị xã hội. Và thế là cuốn tiểu thuyết "Luật đời & cha con" phát triển từ truyện vừa "Luật Đời" đã gây được tiếng vang trong dư luận.

Với tiểu thuyết đầu tay này, khi đặt bút, tất cả những nhân vật, những vấn đề xã hội, những vấn đề chính trị bỗng bước ra tự nhiên và chững chạc vì đã được tích tụ trong nhà văn suốt cả một đời. Thì ra ông đã ấp ủ nó từ rất lâu, thai nghén nó một cách tự nhiên trong quá trình sống và làm việc, để đến lúc ông nghỉ hưu nó đã ra đời một cách hoàn hảo, dễ dàng, không mấy nhọc nhằn.

Tiểu thuyết của ông, ngay lúc xuất hiện cùng bạn đọc đã có sức thuyết phục bởi đã thể hiện một cách gai góc và sinh động nhiều vấn đề chính trị hết sức nhạy cảm và đề cập những vấn đề hiện thực của cuộc sống, và của con người hiện đại ở góc nhìn mới, trực diện.

Mặc dù vừa trải qua một cơn đột quị, sức khỏe cũng đã hồi phục nhưng trông ông vẫn còn xanh xao lắm. Nhưng, vượt lên tất cả sự mệt mỏi, lúc này, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn đang làm việc với sự hưng phấn dồi dào của một người vừa gặt hái thành công ở cuốn tiểu thuyết đầu tiên.

Ông khoe đã viết xong phần hai của "Luật đời & cha con". Phần hai dày khoảng 700 trang, chín chắn, sâu sắc hơn trong các vấn đề đã được đặt ra ở phần một. Về chủ đề nó tiếp tục đề cập đến gia đình và xã hội, cơ chế và cải cách hành chính, trong đó các nhân vật đi đến tận cùng số phận của nó. Câu chuyện cũng sẽ được đẩy lên đến tận cùng.

Được hỏi về chân dung tự viết, nhà văn cười: "Tớ một vợ, ba con trai, không một ai tỏ ra quan tâm công việc mà tớ đang tâm huyết. Nói thật, tớ không có chí làm quan, không có gan làm giàu, chỉ biết có chữ nghĩa văn chương thôi".

Giữa TP Hà Nội đang sôi sục với những cơn sốt, các nhà văn cũng đang đua nhau đi làm giàu thì cuộc sống của ông xem ra thật thanh đạm và bình yên lắm.

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn thú nhận, có lẽ cuộc sống của ông bình yên mãi mãi vì ông đến với văn chương muộn, khi sức đã tàn, đầu đã bạc, chứ nếu đến ngay từ thời còn trẻ thì không chừng giông tố cuộc đời đã ghé qua

Như Bình
.
.