Khi ông Lý bị ép làm… Thạch Sanh

Thứ Bảy, 02/01/2016, 10:50
Nông Văn Lý ngoại ngũ tuần, hơi hói đầu, nói năng đặc giọng Tày, ở cái nhà sàn ám khói từ thuở cụ kỵ ông bà để lại. Ông giản dị đến mức chẳng ai tin Lý ta từng đóng chức Chủ tịch UBND xã Sơn Phú, huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang trong không ít năm. Cả bản làng, cả đại gia đình Lý, chẳng ai tin có ngày một gã nhà báo húc chiếc ôtô dã chiến vào gậm sàn nhà Lý ở bản Dạ mà ngủ qua đêm. 

Miền quê thanh bình tuyệt vời, với rừng nghiến cổ thụ, với những mó nước và cơm mới ăn với măng luộc thơm đến nẫu lòng. Vậy mà mình Lý bị ép phải trở thành Thạch Sanh, bị cướp hết bao nhiêu công sức, kỷ luật, cách chức Chủ tịch, đẩy ông đến chỗ làm thuê kiếm ăn lần hồi rồi nhiều năm phẫn uất đi tìm công lý.

Dân bản thì vẫn kính trọng chàng Thạch Sanh vạm vỡ của mình thôi, nhưng trên danh nghĩa, gì thì gì, Lý vẫn là người bị truất quyền Chủ tịch ủy ban nhân dân (UBND) xã, bị công an địa phương dọa khởi tố bắt giam bao lần. 

Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2006, khi “nước đến chân” rồi, khi Thủy điện Tuyên Quang nước đã dâng lên từng ngày, huyện có kế hoạch khẩn cấp di dân “vén lên”, chạy nước cứu tài sản. Cán bộ có văn bản đánh vào xã Sơn Phú, rằng phải sơ tán dân nhanh, nếu không làm thì sẽ hạch tội ông chủ tịch đến nơi đến chốn. Tiền chả có, chỉ có mệnh lệnh, nào nhà ủy ban, nào trường học, nào trạm y tế to đùng. 

Lý là Đảng viên gương mẫu, gia đình truyền thống có uy tín trong cả vùng, Lý lại là cựu binh từng đi đánh giặc ở biên giới phía Bắc, giấy khen bằng khen treo kín các bức vách trong nhà. Lý nhiệt tình vận động bà con, thuê thêm các tráng đinh trong bản phá dỡ nhà cửa, công trình và  di dời lên các đỉnh núi chạy “giặc nước”. Khênh vác xong, thuê xe trâu kéo, mở đường cho xe tải vào chở đồ. 

Lên chỗ mới, nhà ủy ban, trường học, trạm y tế, nhà mẫu giáo chưa dựng mới được, nhiều công trình gỗ lạt “để thì là tấm áo, dỡ ra thì thành đống giẻ rách”, thế là Nông Văn Lý cùng những người tâm huyết lại mua vật liệu về dựng tạm các trụ sở mới phục vụ bà con.

Lý nhớ lại: Tôi làm hăng quá, giờ bị cách chức, cơ mà nếu ngồi im nhìn nước dâng, có khi bây giờ tôi bóc lịch trong tù rồi… Trong quá trình lăn xả vào làm việc, Lý rất tự hào. Nhà có 40 con trâu thả bán hoang dã trên núi, từng được đi dự hội nghị nông dân sản xuất giỏi, ông bảo bà vợ Dương Thị Ngơi, bán trâu bò đi để lo việc quốc gia đại sự. 

Trâu bò bán hết, lợn gà cũng giết hết để đãi cán bộ huyện, cán bộ tỉnh về đốc thúc, chỉ đạo công việc. Cán bộ ngủ kín nhà sàn rộng thênh, bà vợ Lý lúc nào cũng đầu tắt mặt tối phục vụ dăm bảy mâm một bữa. Có vị lãnh đạo còn chỉ trỏ khoe với cán bộ cấp dưới ngay tại bản: quân của tao, thằng Lý tuyệt vời thế chứ. Lý và bản Dạ, ai nghe cũng mát lòng mát dạ.

Trong quá trình làm việc, cán bộ bảo, tiền của trung ương, của tỉnh, huyện chưa về, Lý cứ ứng tiền nhà ra lo việc “nước sôi lửa bỏng” đã. Lý làm, tính công xá, trả tiền thợ thuyền, mua đồ ăn uống rồi ghi cả lại. Nhiều lần Lý phóng xe máy vượt mấy chục cây số núi non ra huyện, phòng tài chính, ban di dân gì đó, họ bảo chưa có tiền. Cứ ứng đi “cơm chưa ăn thì gạo còn đấy”. 

Công văn số 446 do Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Chuyền ký rồi, có dám không thực hiện không nào? Trước ngày 30/6/2006 phải xong, nếu không thì cứ liệu thần hồn. Lý hãi quá, nhìn biển nước dâng lên ăm ắp, cách trụ sở Ủy ban mà Lý đương làm Chủ tịch có 2m. Lý đôn đáo ra huyện vay tiền ngân hàng về để “ứng ra” lo việc đại cục. 

Có người bảo Lý, nguy hiểm quá, không khéo mất oan núi tiền, gánh núi nợ vì cái tội “vác tù và hàng tổng”. Lý và vợ đi “cắm quán” mua gạo, rau, thịt về phục vụ các đoàn cán bộ và dân công, cứ là nợ như Chúa Chổm. Lý bảo, đời nào tỉnh, huyện, trung ương bỏ rơi người tử tế như mình. Lại có cả hội đồng dự toán, kiểm kê, cán bộ nằm nhà Lý cả tháng trời để đo vẽ, lên kế hoạch tài chính từng khoản từng khoản một cơ mà. 

Đến lúc các chủ nợ đòi ầm ầm, giữa lúc bán hết trâu bò, thịt hết lợn gà đãi khách, đứng tên vay tiền ngân hàng để lo việc chung, thì huyện tỉnh không cấp tiền cho Lý và gia đình như đã hứa. Không còn cách nào khác, Lý phải đi đòi và phàn nàn về việc cán bộ thất hứa. Nhỏ giọt, từng chục triệu một được cán bộ gọi Lý ra huyện lấy về. Lý đi như đi ăn xin. Lấy tiền đến đâu, trả nợ đến đó. 

Nông Văn Thưởng là phó bản Dạ, cùng Lý phụ trách nhóm di dời các đại công trình trong xã của Lý, bao năm nay đi bán thịt mà không thu được xu nào, vì nhóm thợ di dời chạy lũ chưa được thanh toán công xá họ cứ xách thịt về ăn trừ nợ. Lý thì tiếp tục có văn bản kiến nghị đòi tiền, kẻo gia đình mình chẳng có tiền đong gạo, chết đói đến nơi.

Ở đời, “đấu tranh thì tránh đi đâu”, dường như Lý đã làm nhóm cán bộ tức khí. Họ quay lại vạch tội Lý rằng: anh làm sai nguyên tắc tài chính. Tiền chính phủ, anh nhận về, phải nhập vào kế toán xã, đưa cho thủ quỹ chi tiêu. Chứ anh trả nợ thẳng, hóa đơn chứng từ lấy ở đâu? Thế là họ kỷ luật Lý, họ đòi khởi tố điều tra tội tày trời của ông Chủ tịch Nông Văn Lý.

Nông Văn Lý và rất nhiều bằng khen của cả đời sống gương mẫu, bỗng dưng bị “xử” oan trái.

Lý đi kiện tiếp, sao lại vô lý thế. Tôi lăn xả vào làm, ngày quên ăn, đêm quên ngủ, bán hết cả đàn bò đông đúc nhất xã mà các ông bà không trả cho tôi một xu, lúc thậm thụt đưa tiền cho tôi như đem bố thí cũng chả hướng dẫn tôi cách làm đúng quy trình. Sau bao nhiêu lần đi đòi, Lý lĩnh được cả thảy 128 triệu đồng để chi trả công xá, mua vật liệu; còn lại “núi tiền” đã chi tiêu được ghi trong sổ sách thì có mà… bắc thang lên hỏi ông trời.

“Mà tôi sai quy trình suốt 6 năm chẳng ai nhắc nhở, đến lúc bị tôi tố cáo thì mới lấy lý do trừng trị? Chẳng qua tôi đi tìm sự thật, sắp lòi ra quan tham, thì họ mới xử lý tôi để bịt miệng người ngay!”, Lý đanh thép. 

Đắm đò giặt mẹt, được đà, họ cách luôn chức Chủ tịch của Lý cho khỏi ký công văn “tố cáo” các khuất tất tày trời của công tác đền bù di dân tái định cư. Đồng thời, Lý rất có lý khi tố cáo rằng, họ đã giấu biệt các văn bản dự toán kinh phí di dời công trình nhà cửa của xã Sơn Phú, để khỏi có bằng chứng rằng tiền đã trôi vào túi ai thay vì trả cho Nông Văn Lý và đông đảo bà con…

Dòng họ danh giá nhà Nông Văn Lý, con cháu giỏi giang của Nông Văn Lý vô cùng phẫn uất. Lý cũng bỏ tất cả để đi kêu cầu, kiến nghị. Ông Hiến, Bí thư Chi bộ bản Dạ, người hàng xóm hơn 30 năm tuổi Đảng của Nông Văn Lý xác nhận: “Thằng Lý quá tử tế, bản này ai cũng muốn ký đơn kêu oan cho nó đấy” (và lá đơn đó đã ra đời). 

Nhiều tháng ngày đằng đẵng, Lý mướt mải mồ hôi đi xe khách hoặc phóng xe máy 300km về tìm tôi, bảo rằng, tôi tin anh. Có người thương xót tôi, đinh ninh dặn rằng, nhất định phải gặp anh và phải nói cho anh hiểu sự tình. Lý về Hà Nội đến lần thứ 20 để trình bày, tôi dường như buộc phải lên bản Dạ điều tra và yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Nà Hang phải cho Lý được đối thoại thực hư một lần.

Cuộc gặp do ông Phạm Ninh Thái, bấy giờ là Chủ tịch huyện với đủ phòng nội vụ huyện (ông Chẩu Xuân Khoanh, hai Phó ban di dân tái định cư (ông Vũ và ông Phượng), những đơn vị trực tiếp làm việc với Lý, rồi nỗi oan bị Lý Thông cướp công của Thạch Sanh Nông Văn Lý ra đời, rồi phòng nội vụ ra quyết định miễn nhiệm chức Chủ tịch của Lý. Tất cả các cán bộ đều nói rằng họ quý, trọng và thấy rõ sự thật thà tử tế của Nông Văn Lý. 

Cũng như năm 2011, cán bộ cấp trên chật vật bãi nhiệm Lý, sau đó bầu khóa mới, Lý lại vẫn trúng Chủ tịch UBND với 98% số phiếu bầu. Trong cuộc đối chất, các cán bộ di dân đổ lỗi cho những người tiền nhiệm, lẽ ra phải lập dự toán, kiểm kê tài sản và kinh phí di dời, thì cán bộ “hình như họ không làm hay sao ấy” và “chắc do trình độ yếu kém nên...”. Thế nên, khi rà soát các văn bản, chúng tôi mới hãi hùng nhận ra họ lập văn bản, lập dự toán, riêng tiền mua đinh vít dựng ngôi nhà gỗ sau khi di dời đã lên lên tới… 50 triệu đồng!

Khi điều tra vụ việc này, các nhà báo đã gặp từng “chủ nhân” các chữ ký đứng đơn kêu oan cho Nông Văn Lý và phỏng vấn họ, thì đúng là bà con yêu quý và muốn Lý tiếp tục làm Chủ tịch thật. Nhưng thời gian như vặt lông vịt, 10 năm trôi qua rồi, lớp lớp lãnh đạo lên thay nhau ở Nà Hang, người kỷ luật Lý ngày xưa bây giờ hoặc về hưu hoặc lên tỉnh đức cao vọng trọng rồi. Lý và gia đình với nỗi oan chết đứng kia chẳng biết bấu víu vào đâu. Họ cứ kiến nghị khắp nơi, nhưng lời nào cũng có vẻ rơi vào hư không. 

Lý buồn, tôi cũng ngậm ngùi, rằng ông “Chủ tịch UBND xã Nông Văn Lý” nằm chết dưới đáy hồ thủy điện kia rồi, giờ chỉ còn gã trai Tày tên Lý đi làm thuê kiếm sống và trả nợ đậy mấy trăm triệu từ cái thời lãnh đạo bà con chạy giặc nước kia. Thỉnh thoảng, vợ con lại theo chân Lý, đội nắng mưa giá rét, cưỡi xe máy cà tàng vượt 300km về Hà Nội để đi tìm… Bao Công. 

Có lần, tiễn bầu đoàn thê tử nhà Lý đi kêu oan trở về Nà Hang trong chiều rét mướt nhập nhoạng tối, tôi đã ứa lệ bấm đốt ngón tay nhẩm tính: nếu đi liên tục, có lẽ đến sáng bảnh ngày hôm sau họ mới về đến bản Dạ. Nhiều lần, Lý cứ lấy hai bàn tay thô ráp vò nhàu gương mặt mình mà rằng: “Tiền mất thì thôi, cho dân cho nước thì chẳng mất đi đằng nào. Nhưng tôi cần phải đòi lại danh dự. Chứ sao mà vô lý đến mức ấy được, hả nhà báo ơi!”.

Đỗ Doãn Hoàng
.
.