Khi Tổng thống Reagan đọc thơ nữ sĩ Akhmatova

Thứ Hai, 04/05/2009, 10:52
Tổng thống Mỹ thứ 40 Ronald Reagan được nhớ tới như một minh tinh Hollywood đầu tiên vào làm chủ Nhà trắng và cũng là người đã lợi dụng thành công những sơ hở của Điện Kremli dưới thời Tổng thống Mikhail Gorbachev để đẩy nhanh quá trình tan rã Liên bang Xôviết, đưa thế giới vào một giai đoạn phát triển khác. Là một diễn viên bẩm sinh, ông Reagan rất biết cách "nhảy múa" với các đối tượng khác nhau để tìm phần đắc lợi cho mình.

Nhà thơ Nga nổi tiếng Evgueni Evtushenko mới đây trên tạp chí Itogi đã kể lại câu chuyện  về việc ông Reagan trong chuyến thăm Moskva năm 1988 đã khôn khéo làm ra vẻ như mình cũng thuộc nhiều thơ Nga, đặc biệt là thơ của nữ sĩ đầy tinh tế và không dễ đọc Anna Akhmatova, để "ve vãn" giới văn nghệ sĩ Xôviết lúc đó... Và cũng trong chuyến đi đó sang Moskva, ông Reagan đã tìm được cơ hội để xoá bỏ câu nói đầy ác ý và phi lý "đế chế của cái ác" mà trong một cơn nóng nảy ông đã dùng để chỉ nước Nga...

Nhà thơ Evtushenko nhận xét, tới thời điểm năm 1988, ông Ronald Reagan, một diễn viên điện ảnh đã có sau lưng 64 vai ở Hollywood, đã có bảy năm đóng vai mới là vai Tổng thống Hoa Kỳ khả ái hơn những người tiền nhiệm.

Và với sự nhạy cảm bản năng, ông Reagan hiểu rằng, nếu không cải chính câu nói gần như lỡ lời "Liên Xô - đế chế của cái ác" thì có thể đó sẽ là một dạng bom nguyên tử treo lơ lửng trên đầu lịch sử như thanh gươm Damocles. Theo cảm nhận của thi sĩ, ông Reagan không hẳn đã nghĩ như thế nhưng là một thủ lĩnh ở siêu cường hàng đầu đối trọng với Moskva, ông Reagan dễ "vu vạ" chính thể Xôviết để lấy điểm cho mình hơn.

Nhà thơ Evtushenko bình luận: "Cố gắng bỏ qua ý kiến của những nhà bình luận thấp bé nhẹ cân về những vai nhỏ của ông, Reagan mặc dầu thế hoàn toàn không dửng dưng với những gì mà nhà bình luận chính yếu - Lịch sử - sẽ nói về vai chính yếu - vai Tổng thống - của ông. Đã có lần ông tâm sự với người bạn buột miệng Bob Hope của mình rằng, nghề làm Tổng thống khác với nghề diễn viên ở chỗ, Tổng thống tự mình viết kịch bản cho mình.

Ông muốn bằng cách nào đó để thực hiện một bước hòa giải đối với nước Nga - bản tính ông ta không phải là người quá ác ý và cũng không hay mặc cảm; ông muốn  chấm dứt tám năm lãnh đạo của mình bằng một happy-end (kết cục hạnh phúc) quen thuộc kiểu Hollywood để điều đó còn lại trong lịch sử...".

"Bà đầm thép" người Anh Margaret Thatcher, chính trị gia duy nhất trên thế giới mà Tổng thống Reagan lắng nghe ý kiến một cách tin cậy, đã khá rốt ráo khuyên ông tìm hiểu gần hơn vị Tổng bí thư mới Gorbachev mà khi gặp đã khiến ông bất ngờ có  cảm tình (ở đây nên nhắc lại một chân lý, khi đối thủ có cảm tình với ta tức là đối thủ đã nhìn ra ở ta điểm yếu để có thể hạ ta!)

Và thế là năm 1988, ông Reagan đã thực hiện một chuyến thăm chính thức tới nơi mà ông từng gọi là "đế chế của cái ác". Ở Moskva, để làm phong phú thêm nội dung chuyến thăm của vị Tổng thống vốn là minh tinh màn bạc, Hội Nhà văn Liên Xô đã nhận được nhiệm vụ tổ chức một buổi dạ tiệc chiêu đãi khách tại nhà hàng của Trung tâm Văn học.

Nhà thơ Evtushenko  cũng nhận được giấy mời dự bữa tiệc long trọng này. Trong thời điểm ấy, phụ trách Hội Nhà văn Liên Xô là nhà văn Vladimir Karpov, cựu sĩ quan quân báo, anh hùng Liên Xô, tác giả của nhiều hồi ức chiến tranh và Tổng biên tập tạp chí "Thế giới mới", một nhân sĩ theo khuynh hướng trung dung và rất thiện chí với mọi phong cách sáng tác.

Evtushenko rất kính trọng Karpov còn vì chính Karpov đã giúp cho nhà thơ công bố được trường ca "Mẹ và bom nơtơrông". Khi đọc bản thảo trường ca này, một số nhân vật có trách nhiệm lo ngại về những ám chỉ đa nghĩa có thể không hữu ích lắm cho tư tưởng xã hội. Bằng uy tín của mình, Karpov đã "bảo lãnh" cho giá trị chính trị của tập trường ca.

Cũng chính Karpov, sau khi được Evtushenko "hoa tiêu" đã tìm cách cho bộ phim rất tuyệt vời nhưng không thể được tiếp nhận một cách đơn giản "Chính ủy" của đạo diễn Aleksandr Askoldov được công chiếu rộng rãi sau hai mươi năm bị xếp trong kho...

Đối với Karpov với tư cách là một nhà hoạt động xã hội, trách nhiệm đứng ra tổ chức dạ tiệc chiêu đãi Tổng thống Mỹ là một vinh hạnh lớn và vì thế, ông rất phấn chấn, hay nói theo cách của Evtushenko, "hạnh phúc như ở trên tầng trời thứ bảy". Evtushenko kể lại:

"Khi MC buổi lễ cài nơ và đi giày hồ bóng loáng long trọng thông báo "Tổng thống Họp chủng quốc Hoa Kỳ Ronald Reagan và phu nhân!" và một khoảnh khắc sau: "Thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Liên Xô Vladimir Karpov và phu nhân!", tôi nhìn thấy ở ông Karpov của chúng ta, ngôi sao Anh hùng cũng như sáng loáng hơn và trong đôi mắt ông trào ra những giọt lệ mặn mòi của sự hãnh diện nam nhi, đôi vai vươn thẳng, còn vợ ông, cặp tay chồng, lướt đi như một con công trong một bộ váy cực kỳ bắt mắt may bằng vải crếp mà trên đó, như trong bài hát về Katiusa "đào vừa ra hoa, cành theo gió bay về phương nào"...

Tôi chợt nhớ lại câu chuyện mà Karpov kể về cuộc hẹn hò đầu tiên của họ; khi ấy, bà còn là một cô công nhân trẻ, đã không đến nơi hẹn, mặc ông, một người lính trẻ ngực đeo đầy huân, huy chương chờ chán chê mê mỏi. Và khi người trẻ nghĩ rằng cô gái ấy coi rẻ mình đã kiêu hãnh và cay đắng đi vào khu ký túc xá của cô. Và thấy trong đó cô bạn gái của mình đang khóc nức nở vì cô và cô bạn cùng phòng chỉ có chung một bộ váy diện mà cô bạn kia đã sai hẹn mặc đi chưa về.

Giờ đây đối với phu nhân của Karpov, những năm tháng cũ đã ở quá xa xôi và Tổng thống Mỹ Reagan, bất chấp những vết nhăn tuổi tác trên mặt vẫn thanh tú, nhanh nhẹn như vừa mới nhảy từ ngựa xuống, sau khi xếp bà Nancy của mình ngồi vào bàn rồi, đã lịch lãm đứng chờ quý bà Karpov, tay đỡ cái ghế dành cho bà để mời bà ngồi xuống cạnh mình.

Đôi mắt bà Karpov thoáng trở nên mông lung nhưng bà đã bình tĩnh lại rất nhanh và gật đầu đồng ý với Tổng thống Mỹ, ngồi xuống cái ghế mà ông Reagan dành sẵn cho bà, tay sửa lại váy một cách e lệ rất Nga. Ông Karpov hoàn toàn có quyền tự hào về bà.

Ngồi cùng bàn với họ hôm đó còn có đại  sứ Mỹ tại Liên Xô Jack Matlock, cộng thêm với nghề ngoại giao còn là một nhà ngữ văn xuất sắc, người đã dịch được tác phẩm của nhà văn trào phúng cổ điển khó dịch nhất, đã trở thành một phần của kho tàng văn học trào phúng dân gian Nga, Saltykov - Sedrin.  Saltykov - Sedrin viết  về cái gì? Về những kẻ hèn nhát nghĩ rằng, trốn tránh lịch sử trong đám sình lầy dưới đáy của nó là sự khôn ngoan  tuyệt tác. Về vũng lầy quan liêu đang ăn tươi nuốt sống con người.

Về những kẻ mọt dân keo kiệt xơ xác đi bởi tính tham lam tràn đầy trong ruột chúng như những con sán xơ mít. Than ôi, Saltykov - Sedrin, thật là một nỗi bất hạnh chung cho nước Nga, cho tới hôm nay vẫn là một nhà văn mang đầy tính thời sự. "Khi nào thì Saltykov - Sedrin mới trở nên lỗi thời?" - Matlock đôi khi tự vấn và nhún vai tự đáp.--PageBreak--

Matlock vừa phiên dịch rất khéo cuộc trò chuyện của vợ chồng Tổng thống Mỹ với vợ chồng ông Karpov, vừa nhìn quanh gian phòng đang đầy chật những người tháp tùng Tổng thống Mỹ, "những nhà nghiên cứu nghệ thuật học mặc quần áo dân sự" - những nhân viên an ninh cả Mỹ và Liên Xô, cũng như những nhà văn, bảo thủ và cách tân, những người thiên phương Tây và những người thiên Slavơ và cả một số người nhất quán theo tư tưởng Stalin. Ông đại sứ có lẽ lúc đó cũng vẫn đang tiếp tục sưu tầm tư liệu cho những hồi ức chấn động sau này..."

Trong bữa tiệc đó, nhà thơ Evtushenko ngồi giữa hai vị tướng, một của Liên Xô (không biết nói tiếng Anh), một của Mỹ (không biết nói tiếng Nga). Họ có phiên dịch nhưng anh này mải ăn uống quá nên Evtushenko đã phải thực hiện thay nhiệm vụ của anh ta. Evtushenko kể tiếp:

"Phiên dịch đặc biệt khó trong lúc Tổng thống Reagan đọc bài diễn văn dài, khoảng 30 phút. Đó là bài khiến mọi người ngồi ở đó đều kinh ngạc vì  giống như một luận văn tụng ca nền văn học Nga. Tôi không hoài nghi gì về việc bài diễn văn đã được chính Jack Matlock viết chứ không phải ai khác. Tổng thống Mỹ nhắc tới tên họ của những nhà văn, nhà thơ cổ điển của chúng ta và những tác giả nổi tiếng nhất thời hiện đại, không bị vấp ở bất cứ một người nào. Có lẽ ông đã tập trước với đại sứ Matlock. Số lượng những tên họ mà ông đã nhắc tới, theo tôi, không dưới 20 người.

- Tổng thống của quý vị hiểu văn học thật đấy! - ông tướng Xôviết trầm trồ. - Tôi, một người Nga, từng tốt nghiệp Học viện Quân sự mà cũng  không biết hết một nửa số tên họ ấy.

Khi tôi dịch câu này cho ông tướng Nga, thì ông ta bật cười sặc sụa. Nhìn vào đôi mắt tinh ranh của ông ấy, tôi hiểu rằng, ông ấy cười sự ngây thơ con trẻ của ông tướng Xôviết. Ông ấy hiểu rằng, bản tụng ca đó không phải do Tổng thống Reagan viết và có lẽ tất cả những tên họ mà ông Reagan vừa nêu ra cũng là những tên họ mà Tổng thống Mỹ lần đầu tiên được biết tới.

Ông Reagan đọc bản tụng ca đó rất trôi chảy, không quá căng thẳng và thay đổi nhịp điệu rất khéo tùy theo ý nghĩa từng đoạn, nhấn mạnh ở những chỗ nào cần. Nhưng tiết mục tủ của ông là một bài thơ của Anna Akhmatova, thật đáng tiếc là tôi đã quên mất tên bài thơ đó.

Giọng của ông Reagan lúc vang lên như tiếng sấm của một cơn giông giận dữ, lúc chuyển hóa thành tiếng xạc xào của lá, lúc du dương như tiếng sóng bể sau cơn bão biển... Cử tọa đã vỗ tay nhiệt liệt hoan hô...

Karpov, hơi căng thẳng khi Reagan bắt đầu bài diễn văn, tới lúc đó đã rất sảng khoái vì Tổng thống Mỹ đã khéo léo tránh động tới những chủ đề nhạy cảm, nâng ly rượu sâmpanh lên và nói nhịu, quên mất nên gọi ai là ngài, còn ai thì phải gọi là đồng chí:

-Thưa đồng chí Reagan, đồng chí với ngài Gorbachev, cả hai người trong thế kỷ phức tạp của chúng ta đúng là như một cứu tinh chung...

Tổng thống Reagan hơi sững người ra rồi bật cười sặc sụa, người rung lên bần bật, lâu đến mức trào cả nước mắt ra..."

Khi ông Reagan rời khỏi bàn để ra về, gần tới cửa phòng, bất ngờ một nhà báo trẻ đã xuất hiện trước ông và hỏi:

-Thưa ngài Reagan, làm sao một người yêu văn học Nga như thế lại có thể gọi đất nước chúng tôi là "đế chế của cái ác"?

Đây là một hành động bột phát, không có kế hoạch trước. Tất cả xung quanh đều lặng đi. Tổng thống Mỹ cũng lặng đi giây lát rồi bước thẳng đến phía nhà báo trẻ mỉm cười:

-Hãy cố gắng quên điều đó đi, chàng trai ạ, - rồi ông hạ giọng để thêm phần thân mật nhưng cũng đủ để những người xung quanh nghe thấy. - Và tôi cũng cố gắng quên đi điều đó...

Có lẽ đó là nhận thức thật của ông Reagan khi tiếp xúc gần với người Xôviết. Tuy nhiên, điều đó cũng không thể trở thành cản trở để vị Tổng thống Mỹ thứ 40 khi gặp thời cơ tìm cách "đổ dầu vào lửa" góp tay làm tan rã Liên bang Xôviết

Thủy Phương
.
.