Khẩu khí Thảo Am

Thứ Hai, 14/07/2008, 11:00

Dù buồn mấy Thảo Am cũng cười. Trước ngôi mộ của mình, cụ cũng đã soạn sẵn đôi câu đối: "Chẳng có danh thơm mà để lại / Làm chi xác thúi phải chôn đi". Cụ tự giễu nhại cuộc đời mình, nhưng hậu thế không quên nhà thơ Thảo Am với nhân cách đáng trọng, với không ít câu thơ vẫn có sức thức tỉnh con người hôm nay trong cơn lốc đảo điên "đổi trắng thay đen tiền có sẵn" đang hủy hoại biết bao những giá trị tinh thần quý báu mà dân tộc ta đã vun đắp nên trong trường tồn lịch sử…

Bị chiếc cầu mới bắc qua sông Hương ở phía cuối thôn Vỹ án ngữ trước mặt, căn nhà cổ ẩn mình dưới bóng cây nhãn sum suê ấy càng chìm lặng như một di tích. Mà quả thật, căn nhà ấy từng chứng kiến những con người và sự kiện cũng đáng được xếp hạng là di tích văn hóa lịch sử.

Là chỗ quen biết, tôi bước vào căn nhà bằng cửa hông, đi qua gần suốt ba gian, đến cạnh chiếc giường nhỏ kê sát bức tường đầu hồi, nơi chủ nhân đang tựa lưng đeo kính đọc An ninh thế giới, nhưng bà vẫn không hay biết. Bà đã sống gần trọn thế kỷ, tuy vậy, tôi thường gọi là chị - chị Nguyễn Khoa Bội Lan. Chị có cả một kho chuyện trong Nam ngoài Bắc, cả bên Lào nữa, liên quan đến rất nhiều nhân vật lịch sử, nhưng xin dành bài viết này nói đến thân phụ của chị - nhà thơ Thảo Am Nguyễn Khoa Vy (1881-1968).

Cũng vừa dịp kỷ niệm 40 năm ngày cụ đi theo ông bạn thơ Ưng Bình Thúc Giạ sang "Cõi khác". Hai cụ là chủ soái và phó soái "Hương Bình thi xã", một hội thơ được lập ra ở Huế từ hơn bảy mươi năm trước. Cụ Ưng Bình là cháu nội nhà thơ hoàng tộc Tuy Lý Vương Miên Thẩm, đỗ cử nhân Hán học, tinh thông Pháp ngữ, nhiều năm làm quan, về hưu với hàm Thượng thư Hiệp tá Đại học sĩ; nhưng người đời lại nhớ đến cụ với cảnh bầu rượu túi thơ, với những câu hát câu hò nổi tiếng: "Thuở ra sân khấu không làm rộn/ Khi hạ vai tuồng ít hổ ngươi".

Nhắc đến hai tiên sinh, chị Nguyễn Khoa Bội Lan từng viết: "Bác Thúc Giạ rất thông minh, nhưng hơi hiền. Thơ ca của bác nhẹ nhàng, tình tứ. Cha tôi thì không thế. Lúc còn trẻ, cha tôi hay nghịch, lớn tuổi vẫn còn nghịch...".

Nhà thơ Thảo Am cũng tinh thông Nho học và chữ Pháp, am hiểu văn chương cổ điển, làm công chức hỏa xa, rồi bưu điện thời Pháp thuộc nhiều năm, nhưng thơ ca của cụ lại đậm chất hài, giễu nhại của văn nghệ dân gian. Chính cái chất "nghịch" đời dân dã ấy cùng với tài sử dụng tục ngữ, ca dao khiến nhiều bài thơ, câu ca của cụ sống mãi trong lòng dân chúng. Cho đến nay, nhiều người vẫn nhớ câu đối cụ ra trong một ngày Tết chưa có ai đối được thật hay: "Tết tới túng tiền tiêu/ Tính toán toan tìm tay tử tế". Hai câu thơ cụ viết thời Huế bị giặc Pháp tái chiếm cũng được lưu truyền mãi: "Núi Ngự không cây cu ngủ đất/ Sông Hương vắng khách đĩ kêu trời!".

Thơ ca của cụ dân dã mà không dễ dãi, thậm chí nhiều bài phải là người có học, lắm chữ mới hiểu hết cái lắt léo và ẩn ý của cụ. Trong bài thơ "Phẩm đề" cho "Thảo Am thi tập" (1957), cụ Ưng Bình Thúc Giạ đã viết: "…Câu thơ nói lái cũng tài/ Câu thơ đọc ngược không sai luật vần…/ Mười mấy cách, mấy trăm bài/ Thử xem cho biết thi tài Thảo Am".

"Thi tài" của cụ được thể hiện với nhiều "cách" rất độc đáo. Như bài "Tâm tướng người xấu" là "cách" mỗi câu phải có tên hai con thú: "Ngồi nhăn răng khỉ, chống râu dê/ Tướng cóc hình mang ngó gớm ghê/ Đã buộc cổ mèo, treo cổ chó/ Còn ham con diếc, tiếc con trê/ Miệng hùm gan thỏ, người khinh bỉ/ Mặt ngựa đầu trâu chúng nhạo chê/ Vẽ rắn vẽ rồng khoe tốt đẹp/ Lòng lang dạ hổ có ai dè".

Bài "Khai bút năm 72 tuổi" lại theo "cách" mỗi câu đều có từ nói đến một bộ phận của cơ thể: "Tuổi đầu nay đã bảy mươi hai/ Chân bước săn giòn chẳng kém trai/ Gan ruột tuy không to giống họ/ Râu mày cũng có, đủ như ai/ Trò đời thấy mãi thêm gai mắt/ Chuyện rảm nghe hoài phải chán tai/ Uống rượu ngâm thơ cho sướng miệng/ Gánh tình ít nặng khỏi đau vai".

Cụ Thảo Am trổ tài chơi chữ, lại khéo gửi gắm những lẽ đời phải-trái, thịnh-suy của kiếp người muôn thuở nên được nhiều tầng lớp truyền tụng. Và đúng như chị Nguyễn Khoa Bội Lan đã viết, cụ "lớn tuổi vẫn còn nghịch"; chính cái tiếng cười - khi tủm tỉm, lúc mỉa mai, đã khiến thơ cụ có sức sống lâu bền.

Bài "Con muỗi kêu" là "cách" hài hước của cụ: "Ai ơi chớ thấy nhỏ mà khinh/ Châm chích vào ai cũng giật mình/ Trướng rủ màn che vô cũng lọt/ Năm canh to nhỏ biết bao tình". Cụ viết về con muỗi, nhưng người đọc muốn nghĩ là "con…" gì đó càng hay! Cũng như bài "Đề cái quạt của gái giang hồ", có thể nghĩ là cụ viết về "cái…" khác như kiểu thơ Hồ Xuân Hương: "Mới nắm trăng ra đã thấy duyên/ Hèn chi thiên hạ tốn đồng tiền/ Trong cơn nóng nực ai ai cũng/ Thao thức, không thời đố ngủ yên!" (Xin mở ngoặc chú giải hai từ địa phương để rõ thêm chất hài của nhà thơ: "Trăng" tức là giăng ra; còn "thời" có thể hiểu là "thì" mà cũng có nghĩa là "xơi", "nếm").

Nhà thơ Thảo Am được công chúng mến mộ không chỉ nhờ "thi tài" mà còn vì tiếng thơ của cụ đã nói hộ bao nỗi niềm của người dân Huế phải sống trong cảnh đất nước không có độc lập và tự do. Chỉ 4 câu trong bài "Làm câm" đủ thấy tài sử dụng tục ngữ và sự bất bình của cụ với xã hội đương thời: "Hay ăn thì hay đói/ Hay nói lại hay lầm/ Lỡ miệng bưng không kịp/ Làm câm!".

Bài "Nhân tình thế thái" cũng là cách dùng tiếng nói dân gian để đả kích thói xấu của một lớp người: "Oam như tre miễu cao thành thấp/ Ngọng bởi xôi chùa dở hóa ngon/ Đổi trắng thay đen tiền có sẵn/ Vô lòn ra cúi bạc lăn tròn".

Chính từ thái độ phê phán ấy, nhà thơ Thảo Am cũng như vị chủ soái "Hương Bình thi xã" Thúc Giạ đã hồ hởi đón chào Cách mạng Tháng Tám như một "ngày hội non sông". Trong hồi ức của mình, chị Nguyễn Khoa Bội Lan đã viết:

"…Khi biết rõ Việt Minh do Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo, hai ông cụ rất mừng. Khăn đen, áo dài, tối nào hai cụ cũng cặp kè nhau đi dự các cuộc mít tinh, cướp chính quyền, đi theo các đoàn tuần hành mà không biết mệt…".--PageBreak--

Sau Cách mạng Tháng Tám, cụ Thảo Am là cộng tác viên tích cực của Phòng Văn nghệ Nha Tuyên truyền Trung Bộ, sáng tác rất nhiều thơ ca cổ động phong trào và đã được xuất bản năm 1946. Trong không khí sục sôi ngày tiền khởi nghĩa, cụ đã ứng khẩu câu hò-ví ủng hộ Việt Minh với cách sử dụng thuật chơi chữ (jeu de mots): "Việt Minh là việc của mình/ Anh chị em ơi mau mau cầm cờ vác gậy mà đi biểu tình với bà con".

Mối quan hệ gần gũi của cụ với tổ chức cách mạng được thể hiện trong giai thoại về một lần gặp gỡ với đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Hôm đó, cụ Thúc Giạ và Thảo Am đến Nhà xuất bản Tân Văn hóa của Việt Minh Trung Bộ tìm chị Nguyễn Khoa Bội Lan, tình cờ gặp đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Ông nồng nhiệt mời hai cụ vào nhà, dù chị Nguyễn Khoa Bội Lan đi vắng. Ông hỏi chuyện hai cụ và muốn được nghe những câu hò các cụ mới sáng tác.

Cụ Thúc Giạ bèn kể: “Hồi sáng qua chợ Đông Ba ăn cháo lòng, một cô tuổi khoảng tứ tuần bỗng níu áo lão phu mà khóc: "Yêng ơi yêng, lâu ngày không gặp yêng, em nhớ và thương yêng quá!". Lão có nhớ cô ta là ai, nhưng cũng phải lịch sự mời cô cùng ăn. Ai dè, ăn xong, cô lại khóc: "Yêng ơi yêng, lúc này em túng tiền quá, yêng cho em xin vài chục". Hai lão phu chẳng còn đồng nào, nên định ghé hỏi mượn con Bội Lan và cũng để khoe với nó câu hò cụ Thảo Am vừa ứng tác”.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh vốn là một "cây" hò, nên vui vẻ bảo: "Hai bác hò lên, nếu nghe hay thì cháu sẽ bỏ tiền cho bác đãi cô nhân tình già…". Thế là cụ Thảo Am hò và cụ Thúc Giạ gõ nhịp: "Sáng mai anh gặp em, em nói thiếu tình yêu/ Buổi chiều lại gặp em, em nói thiếu tiền tiêu/ Ngày xuân em hãy còn nhiều/ Sáu ngàn ba vạn còn biết bao nhiêu là buổi mai buổi chiều nữa hở em!". Mọi người ngồi quanh hoan hô và đồng chí Nguyễn Chí Thanh giữ lời hứa, lục túi nhưng chẳng có đồng nào, nên đành ra mượn tạm thủ quỹ và dặn khi nào chị Nguyễn Khoa Bội Lan về thì nhờ chị trả giúp!

Thật tiếc là những ngày vui Huế được độc lập chóng qua. Giặc Pháp tái chiếm Huế. Căn nhà của cụ bị chúng chiếm làm đồn lính, sách vở bị chúng đốt phá. Nhìn bọn lính Tây lố nhố trong đồn Mang Cá, cụ không nén được lòng căm giận: "Lũ quỷ nay lại về lũy cũ/ Thầy tu mô Phật cũng thù Tây!".

Với nghệ thuật vận dụng kiểu nói lái tài tình (lũ quỷ - lũy cũ; thầy tu - thù Tây) câu thơ đả kích sắc nhọn của cụ càng có sức lan tỏa mạnh. Đến mức Phan Văn Giáo (Thủ hiến Trung Kỳ lúc đó) cho người đến hăm dọa cụ đã viết thơ ca ủng hộ Việt Minh, đồng thời chiêu dụ cụ về làm cho Đài phát thanh với bổng lộc hậu hĩ, nhưng cụ đã từ chối.

Tấm lòng chung thủy của nhà thơ với cách mạng suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp được thể hiện khéo léo trong 4 câu: "Bến bãi xa xa canh gà gáy sáng/ Phương trời vẳng vẳng tiếng nhạn kêu sương/ Thuyền em đậu bến sông Hương/ Trông mặt trời cho mau rạng để người thương em về".

Cụ mỏi mắt trông chờ người kháng chiến trở về, nhưng rồi đất nước bị chia cắt, cuộc sống càng mất tự do. "Cấm ăn, cấm nói, cấm hỏi cấm chào/ Cấm người qua lại xôn xao/ Mở miệng cười thì ngậm lại/ Nước mắt trào thì nuốt đi!". Cho dù vậy, cụ vẫn khuyên bà con, bạn bè: "Cứ lui, cứ tới/ Cứ đợi cứ chờ/ Cứ bền lòng giữ dạ tóc tơ…".

Mãi cho đến mùa xuân năm 1968, tuy đã ngoại bát tuần, cụ đã đón mừng cuộc "Tổng tiến công" với giọng điệu thật trẻ trung: "Tiếng súng nổ vang trời, thiên hạ khỏi lo mua pháo Tết/ Hàng rào nằm sát đất, chúa Xuân không ngại bước chông gai". Nhưng rồi cụ đã qua đời vào cuối năm đó, để lại bài thơ đầy tâm trạng nuối tiếc vì ước vọng chưa thành: "…Tưởng tới tự do nôn cả ruột/ Trông hoài độc lập mỏi con ngươi/ Những điều nghe thấy thêm đau đớn/ Khóc chẳng ai thương lại phải cười!". 

Đúng là khẩu khí Thảo Am. Dù buồn mấy cũng cười. Cả trước ngôi mộ của mình, cụ cũng đã soạn sẵn đôi câu đối: "Chẳng có danh thơm mà để lại / Làm chi xác thúi phải chôn đi".

Cụ tự giễu nhại cuộc đời mình, nhưng hậu thế không quên nhà thơ Thảo Am với nhân cách đáng trọng, với không ít câu thơ vẫn có sức thức tỉnh con người hôm nay trong cơn lốc đảo điên "đổi trắng thay đen tiền có sẵn" đang hủy hoại biết bao những giá trị tinh thần quý báu mà dân tộc ta đã vun đắp nên trong trường tồn lịch sử…

(Theo lời kể của chị Nguyễn Khoa Bội Lan và sách "Thơ Thảo Am", Sở VHTT Thừa Thiên - Huế xuất bản năm 1991)

Nguyễn Khắc Phê
.
.