Hùm xám đường 9
Sau 3 tháng được học tập chính trị, tập huấn công tác vận động quần chúng nhân dân và huấn luyện quân sự… lẽ ra, chàng trai ấy đã được biên chế vào Đội 10 - Đặc công Quảng Trị, nhưng do thông thạo địa bàn vùng Bắc đường 9 nên cấp trên đã giữ anh ở lại để trở về chiến đấu trên mảnh đất quê nhà.
Là một người quyết đoán, kiên định, trong những năm tháng chiến tranh tàn khốc ở chiến trường Quảng Trị và Đường 9 - Nam Lào, anh đã cùng đồng đội tổ chức hàng trăm trận đánh xuất quỷ nhập thần làm cho liên quân Mỹ-ngụy trên vùng đất này nhiều phen thất điên bát đảo. Kẻ thù gọi anh với biệt danh "Hùm xám Đường 9" và đã từng treo giá cho bất cứ ai nếu bắt hoặc tiêu diệt được anh sẽ được trọng thưởng đến 600 lượng vàng.
"Hùm xám Đường 9" với những chiến tích huyền thoại trên chiến trường ấy có tên là Nguyễn Minh Kỳ, con trai thứ hai trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Mẹ công tác ở Văn phòng Huyện ủy Cam Lộ từ thời chống Pháp. Cha là Thường vụ Huyện ủy, hy sinh năm 1967. Bác ruột và chú ruột cũng ngã xuống vì nền độc lập dân tộc trên mảnh đất quê hương…
"Hùm xám Đường 9" Nguyễn Minh Kỳ. |
Một ngày cuối tháng 3, "Hùm xám Đường 9" một thời, hẹn gặp tôi trong căn nhà mái ngói ba gian nằm chìm khuất trong một khu vườn sum suê cây trái. Ngồi đối diện với ông, chẳng những tôi mà bất cứ ai cũng không thể hình dung được con người ấy đã từng thoắt ẩn, thoắt hiện trong chiến tranh với những trận đánh vô tiền khoáng hậu…
Ông còn trẻ so với tuổi 65 của mình, vẻ điển trai làm người đối diện nghĩ rằng đó là một minh tinh màn bạc hơn là một viên chỉ huy chiến trận từng kinh qua các chức vụ Đội Công tác trinh sát, Xã Đội trưởng Cam Tuyền, Trưởng Công an xã, Bí thư Đoàn xã. 21 tuổi là Huyện ủy viên Huyện ủy Cam Lộ, rồi Bí thư xã, Chủ tịch xã Cam Tuyền.
22 tuổi là Huyện Đội phó, rồi Huyện Đội trưởng Huyện Đội Cam Lộ, Phó Bí thư Huyện ủy kiêm Trưởng Ban an ninh. 24 tuổi được bầu vào Ban chấp hành Tỉnh ủy Quảng Trị giữ chức Bí thư Huyện ủy Cam Lộ. 26 tuổi được điều động về làm Bí thư Nông hội tỉnh Quảng Trị, rồi làm Bí thư thị xã Quảng - Hà (thị xã Quảng Trị và Thành phố Đông Hà ngày nay).
Năm 1975, đất nước thống nhất, ông làm Bí thư thị xã Đông Hà, đến năm 1976 thì được đi học Trường Đảng cao cấp ở Hà Nội. Năm 1978, trở về làm Chủ tịch thị xã Đông Hà, rồi được đề bạt làm ủy viên Ban thư ký của UBND tỉnh Bình Trị Thiên. Năm 1985, Bộ Công an thống nhất đưa ông về làm Trưởng ty Công an Bình Trị Thiên, nhưng sau đó vì tình hình cấp bách nên ông lại nhận nhiệm vụ Trưởng ban biên giới của tỉnh.
Năm 1989, Bình Trị Thiên chia tách thành ba đơn vị hành chính, ông trở lại quê nhà Quảng Trị để giữ chức Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị. Năm 1999, ông giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho đến lúc về hưu năm 2004.
Nhấp một ngụm rượu, ông xúc động kể lại cho tôi và hai đồng nghiệp cùng đi là nhà báo Trương Đức Minh Tứ - Phó tổng Biên tập Báo Quảng Trị và nhà báo Nguyễn Hoàn - Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Quảng Trị nghe về một thời hào hùng trong lửa đạn. ông bảo rằng, trong chiến tranh, đặc biệt là từ những năm 1966 đến 1973, cứ mỗi ngày trên quê hương ông là một ngày ác liệt.
Ngày ấy, dọc theo hai bên Đường 9 từ Đồi 31, Dốc Miếu, Cồn Tiên, sau làng An Mỹ, Miếu Bái Sơn, căn cứ Phu-lơ, cao điểm 241, cao điểm 52 kéo dài cho đến Sa Mưu…cứ vài cây số là có một đơn vị lính Mỹ cả bộ binh lẫn pháo binh, quân số cỡ trung đoàn đóng quân.
Phía trong dân thì nhiều binh chủng của ngụy trấn giữ gồm: địa phương quân, cộng hòa, nghĩa quân, tự vệ thôn (phòng vệ dân sự), thám báo, bình định nông thôn…giai đoạn cao điểm từ 1969 đến 1970 thì cứ mỗi người dân có đến 3 người lính…
Cho đến bây giờ, nhiều người dân Cam Lộ vẫn truyền tai nhau những câu chuyện mang tính huyền bí về một trung đội lính biệt kích ngụy có tên gọi là Xì Chuồn (do tên Xì Chuồn làm trung đội trưởng).
Đây là lực lượng được chính quyền ngụy tuyển chọn toàn ở các bản làng người dân tộc Vân Kiều. Những thanh niên này sau đó được đưa đến đào tạo tại Trung tâm huấn luyện biệt kích nằm trong căn cứ quân sự Phú Bài (Thừa Thiên Huế) do các chuyên gia quân sự Mỹ huấn luyện.
Năm 1966, Trung đội Xì Chuồn đổ bộ lên mặt trận Cam Lộ và ven theo Đường 9. Đây là lực lượng được huấn luyện hết sức tinh nhuệ và tàn ác. Chúng đến đâu là ở đó xảy ra tình trạng cướp bóc, hãm hiếp làm người dân hoang mang khiếp sợ. Ban đêm, chúng đột nhập để tập kích vào vùng hậu cứ của ta hoặc phục kích những cuộc hành quân của bộ đội, du kích địa phương dọc theo Đường 9.
Vì là người dân tộc thiểu số nên số lính này rất khỏe, chạy nhanh lại thông thạo địa hình nên quân ta phản kích rất ít khi mang lại hiệu quả. Đi đến đâu, Trung đội Xì Chuồn cũng tuyên truyền trong dân rằng, chúng có bùa, ngải nên đạn bắn không thể xuyên qua người. Nhiều phen chúng dàn cảnh để biểu diễn cho người dân thấy tường tận việc đạn bắn vào người chúng nhưng không hề gây ra thương tích.
"Hùm xám Đường 9" Nguyễn Minh Kỳ giải thích hiện tượng này như sau: Bọn Xì Chuồn thường sử dụng súng Tam-xông, loại mỗi băng có 30 viên đạn. Chúng tháo đầu đạn ra, rồi lấy sáp bịt kín phần thuốc súng trong viên đạn lại để nạp đạn vào hộp tiếp đạn. Số đầu đạn chúng đưa cho một số tên ngậm vào trong miệng đi trước, những tên cầm súng có đạn đã gỡ đầu đi sau.
Chúng dàn cảnh gây gổ nhau rồi một nhóm bỏ chạy, một nhóm đuổi theo bắn. Súng vẫn nổ rất giòn nhưng sau một loạt đạn thì tên bị bắn lại xòe tay khạc đầu đạn từ trong miệng ra và bước đi một cách tỉnh bơ. Người dân trong vùng thấy vậy ai cũng kinh hồn khiếp vía, thậm chí anh em du kích, bộ đội của ta cũng bán tín, bán nghi mà lo lắng e dè.
Không thể mãi để cho bọn Xì Chuồn ức hiếp người dân, Nguyễn Minh Kỳ quyết định sẽ chọn thời điểm thích hợp nhất để đọ súng. Một đêm gần cuối năm 1966, Nguyễn Minh Kỳ chỉ huy một cánh quân đi xuống vùng đồng bằng, đến đoạn Nhà máy Bơm nước Lam Lang thì chạm trán với lính Xì Chuồn đang phục kích.
Hai bên quần nhau cho đến khi trời gần sáng thì ông Kỳ cho lính rút lui. Trận này, Trung đội Xì Chuồn bị quân của ông Kỳ tiêu diệt gần một nửa. Tháng 3 năm 1967, cơ sở trong vùng báo tin: Sáng nào Trung đội Xì Chuồn cũng hành quân từ dưới Đồn theo đường thủy lên bến sông ở cao điểm 52, hoặc là đi từ ngoài Đường 9 vào để đặt súng cối bắn qua bên kia sông. Sau khi điều nghiên tình hình và rà soát trận địa, Nguyễn Minh Kỳ quyết định dẫn quân đi mai phục.
Từ 3 giờ sáng, ông phát lệnh hành quân, khoảng 4 giờ 30 là tất cả các mũi theo sự chỉ huy của ông đều ém vào trận địa để sẵn sàng chiến đấu. Hai đêm đầu trôi qua trong im lặng, anh em chỉ biết nhìn nhau cười chứ chẳng thấy bóng dáng địch ở đâu. Mọi người động viên nhau cố đi thêm một đêm nữa nếu không có địch thì giải tán kế hoạch.
Khoảng 5 giờ sáng ngày thứ ba, khi anh em ở cả ba mũi trực diện, mũi thọc sườn và mũi bọc hậu đều đang ăn cơm vắt thì bất ngờ địch xuất hiện theo hướng từ Đường 9 đi vào bến sông. Theo lệnh của chỉ huy Nguyễn Minh Kỳ, phải đợi cho địch lọt sâu vào trận địa, chỉ khi còn cách địch 2m thì mũi trực diện sẽ dùng súng trung liên khai hỏa.
Đúng như kế hoạch, khi tên đầu tiên còn cách mũi trực diện 2m thì anh em nổ súng. Địch tháo lui thì bị mũi thọc sườn liên tiếp bắn B40 và B41 để tiêu diệt. Một vài tên còn lại tìm đường tháo chạy thì bị mũi bọc hậu điểm hỏa 2 quả mìn định hướng nên không còn sống sót một tên. Trận thắng giòn giã, quân ông Kỳ tiêu diệt 19 tên biệt kích, thu 20 khẩu súng (trong số này có 1 khẩu súng ngắn của tên Trung đội phó A Via). Xì Chuồn không tham gia trận này nên thoát chết, nhưng từ đó Trung đội lính biệt kích thiện chiến này hoàn toàn bị xóa sổ.
Có một trận đánh khác mà cho đến bây giờ ngồi kể lại cho chúng tôi nghe "Hùm xám Đường 9" một thời dọc ngang vẫn rơm rớm nước mắt. Ấy là vào ngày 28/2/1969. Từ 8 giờ sáng, Bộ đội chủ lực thuộc Đại đội 1 và Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 27 phối hợp với quân địa phương do ông Kỳ chỉ huy đã chiến đấu với 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ ở Hố Khê - Đá Bạc (thuộc xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ).
Xế chiều, quân ta đã tiêu diệt và làm bị thương 120 lính Mỹ, bắn cháy 1 chiến xa hạng nặng M148 và giành thế làm chủ chiến trường. Thiệt hại lớn, giặc điên cuồng huy động toàn hỏa lực từ không quân, pháo binh và bộ binh trút đạn như mưa vào trận địa của Trung đoàn 27. Cả 13 anh em đang ở trong vị trí chiến đấu hôm đó đều hy sinh, địch đã gom xác rồi đặt mìn cho nổ bay tứ tán.
Ngày hôm sau, ông Kỳ cùng du kích mới lần hồi đi gom từng mảnh thịt của đồng đội mình chôn thành một nấm mồ tập thể. Cách đây mấy năm, khi không còn bộn bề công việc của một vị lãnh đạo đứng đầu tỉnh Quảng Trị, ông đã cùng với gia đình trích một khoản tiền không nhỏ để xây dựng một nhà bia tưởng niệm 13 chiến sỹ đã hy sinh ngay tại trận địa năm xưa…
Ông bảo rằng, cả một cuộc đời trận mạc của mình, ông đã chỉ huy đánh hàng trăm trận, bản thân ông đã tiêu diệt 105 lính Mỹ, hơn 100 thám báo, ác ôn…Ông đã vinh dự 17 lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, nhận hàng trăm huân chương, huy chương từ trong thời chiến lẫn thời bình… nhưng chưa một lúc nào ông nguôi quên hình bóng của những đồng đội ông dù người còn, người mất.
Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Ban thi đua khen thưởng của tỉnh vận động ông báo cáo thành tích để xét tặng danh hiệu Anh hùng. Ông đã từ chối rồi tự mình chạy vạy viết thành tích cho những người đồng đội đã hy sinh. Ngày Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho những đồng đội của ông đã khuất, ông đã khóc…
Chia tay tôi, ông bảo, nay đã hồi hưu sống cảnh an nhàn, ông dành nhiều thời gian để trở về chăm sóc mảnh vườn nơi ông đã lần đầu cất tiếng khóc. Trong mảnh vườn ấy bây giờ có mộ phần của song thân ông và cả ký ức của những ngày ông vào sinh ra tử. Ông trích lương hưu và vận động từ nhiều nguồn từ thiện khác để thường xuyên mua gạo và sách vở để tặng cho những gia đình liệt sĩ, những con em thương binh gặp khó khăn khi cắp sách đến trường.
"Hùm xám Đường 9" năm xưa nay là một cựu chiến binh hết lòng với công tác đền ơn đáp nghĩa. Vì hơn ai hết, ông hiểu được giá trị của sự lành lặn, hạnh phúc hôm nay mà ông có được đã phải đổi bằng rất nhiều xương máu của đồng chí, anh em…
Ba Thung - Đà Nẵng, tháng 3/2011