Học giả An Chi: Nếp xưa đã khuất
Lâu lắm rồi, mới sang lại nhà. Tôi gọi học giả An Chi là bác, xưng cháu. Học giả xưng chú, gọi tôi bằng tên. Tình thật thì biết học giả nhiều việc, muốn sang ngồi hầu chuyện nhiều nhưng ngại quấy quả thời gian. Mà thời gian với học giả bây giờ thì quý còn hơn hiện kim.
Mấy hôm trước, đọc Facebook cá nhân biết bác An Chi phải vào bệnh viện, lòng lo lắng khôn nguôi. May, vẫn còn khang kiện. Có ý này cũng xin nhắc nốt, học giả An Chi là người kỹ tính. Thân đến cách mấy, chuyện không tinh tường nhất định không lạm bàn. Giả khi tôi hỏi: “Thưa học giả, cái Tết truyền thống của mình có nguồn gốc từ Trung Hoa phải không ạ?”. Học giả sẽ trả lời: “N.K.L thông cảm cho chú, chú có đọc nhưng không nghiên cứu về cái này, nên không dám chắc lắm. Chỉ nghĩ là nhiều khả năng như vậy, còn xác tín hay không thì không dám bàn”.
- Thưa học giả An Chi, năm 1975 - học giả đang ở miền Bắc đúng không ạ?
- Phải, thời điểm ấy tôi đang công tác tại trường học sinh miền Nam số 8 ở Tam Đảo (Vĩnh Phú, nay là tỉnh Vĩnh Phúc). Xét về tính thời điểm, thì trường học sinh miền Nam số 8 được ưu ái rất nhiều từ phương tiện, vật chất cho đến nhu yếu phẩm. Đây là ngôi trường dành cho con em cán bộ Trung ương Cục miền Nam học tập. Trường được thành lập năm 1972.
- Không khí của cái Tết lịch sử - 1975 diễn ra trong nhà trường như thế nào ạ?
- Dĩ nhiên là hào hứng lắm chứ. Có thể là cái Tết ấy không biến chuyển nhiều về vật chất, nhưng về tinh thần thì tình thiệt là rất mừng vui. Vì năm 1968, mình mừng hụt một lần rồi. Cứ tưởng năm ấy đất nước đã thống nhất nhưng lại không trọn vẹn. Nên 1975 là cái Tết rất vuông tròn.
- Rồi học giả vào lại Sài Gòn? Bởi sau chiến thắng miền Nam, trường học sinh miền Nam số 8 giải thể.
- Đúng rồi, tháng 8/1975 tôi về lại Sài Gòn.
- Sài Gòn lúc đó ra sao ạ?
- Nhiều thay đổi so với ngày tôi ra Bắc. Người dân vẫn hân hoan với những thay đổi thời cuộc.
- Thưa học giả, tôi cũng có đọc ít nhiều về những biến chuyển của thời cuộc. Nên xin hỏi lại về chi tiết người dân vẫn hân hoan với những thay đổi thời cuộc?
- Đó là sự thật, xung quanh tôi là những gương mặt hân hoan của người dân.
- Tôi người nhà quê, thưa học giả. Nên đến tận bây giờ vẫn náo nức khi nghĩ về ngày Tết. Tâm trạng trong những ngày cận Tết của học giả ra sao ạ?
- Chỉ mong nó qua đi thôi. Ngày nhỏ thì mình cũng mong Tết lắm, đêm Giao thừa được ôm trái dưa hấu nhỏ trong lòng để mong tránh được bệnh trái rạ, lau dọn nhà cửa, sắm sửa… nhiều sướng vui lắm. Nhưng bây giờ thì chỉ mong nó qua nhanh, đến lúc nào đó thì thời gian đuổi sau lưng mình.
- Theo quan sát của tôi, Tết giờ cũng nhạt nhiều. Có cả những gia đình đặt tour du lịch đến hết Tết mới trở về, nếp xưa đã khuất thưa học giả?
- Có lẽ vậy, nếp xưa đã khuất.