Hoàng Vĩnh Giang như tôi biết

Thứ Ba, 07/03/2006, 07:58

Giọng nam trung ấm áp của ông từng được nhiều người tán thưởng. Ông thuộc nằm lòng hàng trăm ca khúc Nga, Trung Quốc hay Indonesia. Solo, duo hay đi bè cho bạn, đều là sở trường của ông và tôi không quên niềm tự hào vì cách đây 40 năm, mình đã được đệm phong cầm cho tốp ca nam của giới Thể thao Việt Nam hát bài ca "Lướt sóng ra khơi" ngay trên đại chiến hạm Thái Bình của Hải quân Trung Quốc...

Nếu ai hỏi: hãy chỉ ra một nhân vật tiêu biểu của Thể thao Việt Nam, đạt đủ các điều kiện, vừa là vận động viên tiêu biểu, vừa là nhà quản lý có dấu ấn riêng, xin được nói ngay đó là ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam.

1.Hoàng Vĩnh Giang có nhân thân thật đặc biệt. Là con trai của cố GS Hoàng Minh Giám, một trí thức tiêu biểu, người đã từng được giữ nhiều trọng trách trong bộ máy lãnh đạo của Nhà nước ta ngay từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Hoàng Vĩnh Giang không chỉ thừa kế di sản quý báu về tinh thần và trí tuệ mà người cha đã để lại, từ bé bộc lộ rất rõ năng khiếu thể thao. Chưa hết. Anh trai Hoàng Trung Hùng, từng là một hậu vệ cừ khi ông còn cùng học với tôi ở Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc, sau đó đã hy sinh tại chiến trường B, anh trai khác - Hoàng Vĩnh Hồ là tay bơi có hạng của Thể thao Hà Nội và sau này là Chủ tịch Hội Pencak silat Hà Nội, người chị gái, bà Hoàng Thị Phúc, khi còn đi học cũng chạy rất nhanh trong cuộc thi ở Tâm Hư, Trung Quốc và người vợ hiện nay, bà Trương Thị Ngọc Lan chính là huấn luyện viên đội nhảy cầu của Việt Nam. Gần đây, đứa cháu gọi ông Giang bằng bác đã trở thành một nghệ sỹ piano trẻ xuất sắc và đoạt một giải quốc tế tổ chức tại Nhật Bản.

Lúc trẻ, Hoàng Vĩnh Giang là nhà vô địch nhảy cao với thành tích 1m96, vậy mà ít người biết rằng khi qua Liên Xô (cũ) học ở Học viện Thể dục thể thao Kiev, cùng đợt với anh Trần Duy Long, Hoàng Vĩnh Giang còn mạnh dạn sử dụng kỹ thuật mới để "bay" qua mức xà 2m01, cao hơn đầu mình đến 32cm. Nên nhớ, hồi ấy người ta còn ít biết đến việc qua xà bằng lưng như bây giờ, đa số chỉ "cắt kéo" hoặc Stepanov và cái chí mạng là độ chênh giữa mức xà và chiều cao người nhảy còn là sự khiêm tốn; khi ấy nhà vô địch Liên Xô là anh sinh viên Brumen cao hơn thước chín mà khoảng cách từ đầu tới mức xà cũng chỉ ba tấc có lẻ! 

Khoảng năm 70 gì đó, trong một trận đấu bóng rổ giữa đội Trường TDTT Quần Ngựa và đội Xe đạp Thống Nhất (Hà Nội), hậu vệ Hoàng Vĩnh Giang - vào đội một cách bất đắc dĩ vì không phải môn ruột, bỗng có bóng ở sân nhà và dẫn bóng vọt lên. Trên khán đài hôm ấy, tôi đã vô cùng ngạc nhiên vì nhìn thấy sức bật và độ dẻo kinh khủng(!) của ông, khi vượt qua 3 đối thủ rồi lên rổ, dù không ghi được 2 điểm song với tôi, vốn cựu tuyển thủ quốc gia môn này xin khẳng định, đến nay vẫn chưa thấy có một cầu thủ bóng rổ Việt Nam nào làm được điều kỳ diệu như thế.

Hoàng Vĩnh Giang còn là một người yêu ca hát. Giọng nam trung ấm áp của ông từng được nhiều người tán thưởng. Ông thuộc nằm lòng hàng trăm ca khúc Nga, Trung Quốc hay Indonesia. Solo, duo hay đi bè cho bạn, đều là sở trường của ông và tôi không quên niềm tự hào vì cách đây 40 năm, mình đã được đệm phong cầm cho tốp ca nam của giới Thể thao Việt Nam hát bài ca "Lướt sóng ra khơi" ngay trên đại chiến hạm Thái Bình của Hải quân Trung Quốc, ông Giang đứng cạnh các bạn khác như Ngọc Điệp, Năng Sơn, Duy Long, Ngọc Đán, Văn Phụng… còn hôm nay, ở tuổi 60 song con người đa tài ấy vẫn còn giữ được tình yêu ca hát như thuở nào.

2. Hoàng Vĩnh Giang là nhà thể thao bẩm sinh. Trời phú cho ông cái căn cơ ấy và dù ai đó có bảo Hoàng Vĩnh Giang là huấn luyện viên hay nhà vô địch gì đó, tôi lại khăng khăng ông là người "lo" việc cho người khác, bởi đã có câu "một người lo, một kho người làm" mà người làm thì nhiều lắm, rất nhiều là khác, nhưng còn người lo, tôi đồ rằng nói công bằng thì cho đến nay ở giới thể thao, con số ấy cũng chỉ cỡ vài ba.

Có căn cơ và chịu khó tìm tòi, Hoàng Vĩnh Giang hiểu và nắm chắc khá nhiều nguyên lý của thể thao đỉnh cao. Từ đó, bằng tầm nhìn, ông biết nên làm gì khi xắn tay xây dựng ngôi nhà thể thao cho Hà Nội và cho Việt Nam. Tôi không kể lại quá nhiều cái mà những đồng nghiệp đã viết về ông, cũng không nêu ra một kết luận gì về con người có rất nhiều công lao ấy mà chỉ nhìn ông Giang qua cái cảm rất riêng của mình.

Ở khía cạnh vi mô, mặc dù biết nhiều là thế, ông không dạy thật cụ thể cho một trò nào mà như nhà giáo dục học Xô viết Kharmalov đã từng nói: "Một người thày tồi chỉ biết dạy chân lý cho trò, còn ông thày giỏi sẽ biết dạy trò cách tìm ra chân lý", tôi cho rằng về điều này ông còn làm được cả với những ông thày của Thể thao Việt Nam. Ở tầng vĩ mô, đó mới là sở trường của Hoàng Vĩnh Giang, ông đã để lại những dấu ấn không thể nào quên của Thể thao Việt Nam và điều này sẽ khiến ông đi vào lịch sử.

Ai đó đã nhầm khi bảo ông Giang bỏ bóng đá mà chỉ làm võ "Tàu", song chính đội bóng đá nữ Hà Nội là mũi đột phá rất sớm của Thể thao Việt Nam ở nội dung này. Kẻ khác cho rằng ông Giám đốc họ Hoàng quá chú ý các môn chơi khu vực trong "chiêu" đi tắt đón đầu, song từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, chính ông Hoàng Vĩnh Giang đã triển khai việc khôi phục môn boxing ở Hà Nội và võ sư quyền Anh Thủ đô Hoàng Kiềm đã có cuộc đi lại với giới "võ lâm" thành phố Cảng và xứ Quảng để hình thành thế 3 chân cho ngày tái xuất của boxing Việt Nam…

Tại Việt Nam, ông Giang là một trong số rất, rất ít những nhà thể thao có quan hệ tốt và có uy tín với những yếu nhân của thể thao quốc tế, cũng rất ít người như ông, sớm tiếp cận yếu tố kinh tế là khía cạnh nhạy cảm nhất ở môi trường này. Cách đây ngót mười năm, tại sân vận động Don Muong (Bangkok, Thái Lan), trước trận đấu bóng đá nữ giữa hai đội chủ nhà và Việt Nam, khi một người của ban tổ chức đến yêu cầu các cầu thủ dự bị của đội Việt Nam cởi ngay chiếc áo gió màu vàng đang mặc bên ngoài lúc khởi động, mọi người từ huấn luyện viên trưởng Giả Quảng Thác đến ông "phó" Mai Đức Chung còn đang ngớ ra thì ông Hoàng Vĩnh Giang đã chạy đến và nói nhanh, đại ý, họ yêu cầu điều ấy là đúng, trên sân này, hãng Kodak không có thị phần thì áo ấy phải cất đi, thế thôi!--PageBreak--

3. Hoàng Vĩnh Giang tinh thông 3 thứ ngoại ngữ: Nga, Trung, Anh và ông tác nghiệp trên cái nền vững chắc của văn hóa giao tiếp. Có lẽ đây là trường hợp hầu như là duy nhất của giới quản lý của Thể thao Việt Nam. Nhưng, biết không phải là để lòe đời như ai đó, trái lại, ông sử dụng đúng chỗ và đúng lúc, có hiệu quả.

SEA Games 21 tại Kuala Lumpur, ngay trên đường đi dự khán bóng đá nữ, vị Trưởng đoàn Việt Nam bỗng nhận điện thoại xa, rằng đội wushu Philippines vừa nhập cảnh được 2 nữ võ sỹ người Phúc Kiến, Trung Quốc, có trình độ cao hơn so với Phương Lan và Thúy Hiền ở các nội dung đã đăng ký. Gần như là "cùng tắc biến", ông Giang lập tức vạch ra đối sách, từ chung đến riêng, rồi trực tiếp thực hiện và kiểm tra việc thực hiện. Lúc đó, tôi đã ghi vào sổ câu này: không biết kiểm tra thì chưa là quản lý, dù sau đó chính tôi đã từng làm ông Giang giận vì viết một điều thiếu tế nhị xung quanh ý tưởng ấy.

Hoàng Vĩnh Giang biết chọn người cộng sự và giúp việc cho mình. Biên niên sử của thể thao rồi sẽ ghi lại những bất cập của một số vị khách nào đó, song sẽ ghi nhận công lao của những Phan Hán Quang, Trần Húc Hồng, Ngô Thanh Vỹ, Lư Kiến Thành, Giả Quảng Thác, Suhartono, K. Pizma hay N. Alexev… và họ đều đến với Việt Nam qua… ông Giám đốc Sở Thể dục Thể thao Hà Nội.

Không trực tiếp cầm tay chỉ việc, song tôi cam đoan nhiều gương mặt ưu tú của thể thao Hà Nội dám coi ông như người cha tinh thần của họ, đó là những Phương Lan, Thúy Hiền, Duy Kiếm, Thanh Xuân (wushu); Nguyễn Thị Tĩnh, Lan Anh, Chí Đông (điền kinh); Ngân Thương (thể dục) và cả những người thuộc địa phương khác.

Không kể hết nhiều địa phương trong nước đã học theo cách làm của Hà Nội ở lĩnh vực thể thao mà tác giả của nó là ông Hoàng Vĩnh Giang. Trong thực tế thì đôi khi cái cách tiếp cận ấy là chưa đem ngay hiệu quả về, song sau một chu kỳ đầu tư, người ta sẽ nhận ra tính kinh tế của nó được ẩn giấu dưới một cấu trúc lạ, đôi khi bị hiểu lầm và bị soi mà sự phát triển của bóng đá nữ, cầu mây và điền kinh, là những ví dụ sinh động như thế. Đã có người làm cái việc cân đong đo đếm và nhận ra rằng trong một ý nghĩa hẹp thì SEA Games 22 là một lời giải thỏa đáng cho cách làm thể thao mang Made in Hoangvinhgiang, cái nhãn hiệu ấy được sự đồng thuận và tiếp sức bởi một bộ óc khác, của một người sinh cùng năm với ông, một gương mặt xuất sắc nữa của Thể thao Việt Nam thời mở cửa, chính họ, trong nhiều trăn trở và đôi khi từng có cái nhìn khác hướng, song đã chung sức lại, hợp tác toàn diện và tạo ra những cú hích để ra đời các quyết sách quan trọng cho thành công của SEA Games 23 và cho cả những bước đi sắp tới.

Đó là Nguyễn Hồng Minh, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 của Ủy ban Thể dục Thể thao. Họ là hai chàng trai sinh năm Bính Tuất, hết năm nay sẽ "hạ cánh" và để lại sau lưng mình trang sử đẹp nhất ở tuổi thanh xuân hiến dâng cho sự nghiệp thể thao của đất nước.

Khi xưa, ở thời Tam quốc, chiêm tinh gia Tư Mã Huy đã bảo rằng: Phục Long, Phượng Sồ, chỉ một trong hai người ấy đủ yên thiên hạ. Là người ưa truyện cổ, có đôi khi tôi cứ ví Hoàng Vĩnh Giang và Nguyễn Hồng Minh như cặp bài trùng nói trên của Thể thao Việt Nam mà nếu vắng mặt hai người này, những chuyến đi của thể thao tất sẽ gặp phải vô vàn khó khăn.

Sôi nổi và hoạt bát, song Hoàng Vĩnh Giang là người thâm trầm. Thành tích lọt vào Top 3 của Thể thao Việt Nam bằng những tư duy đúng đắn và quyết sách xuất sắc của ông và toàn ngành đáng được trân trọng. Khẳng định điều này, bỗng tôi liên tưởng đến bài thơ "Bát trận đồ" của Đỗ Phủ, trong đó có hai câu cuối: Công cái tam phân quốc/ Danh thành bát trận đồ (Tam phân quốc công cao tột bậc/ Bát trận đồ danh nức muôn đời)

Bằng tài năng và nhân cách của một nhà thể thao xuất sắc, ông là huyền thoại của Thể thao Việt Nam và cũng như nhiều người, tôi thật khó mà tin được rằng, trong những ngày tới, vào thời điểm mà con thuyền Thể thao Việt Nam như dòng sông lớn sắp đổ ra biển cả, sẽ lại thiếu đi sự góp mặt của Hoàng Vĩnh Giang

.
.