Hoài Linh: Hành trình tìm kiếm chính mình

Thứ Ba, 08/08/2006, 15:30

"Ảnh của tôi là cuộc sống hiện ra với muôn hình muôn vẻ. Tôi không thể chụp những bức ảnh người đẹp, hay đại loại những cái gì sang trọng quá. Ảnh của tôi chính là cuộc sống tôi, là hơi thở tôi, là những đau đớn và hoài vọng mà tôi nhận lấy ở cuộc sống này và giữ gìn nó”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoài Linh tâm sự.

"Tôi nghe thấy trong những âm thanh ồn ã của phố phường Hà Nội, một giai điệu rất trầm. Tôi nhìn thấy trên những gương mặt lạ đi ngang qua buổi chiều của thành phố này một nụ cười rất quen. Tôi chợt nhận ra dưới những không gian nén chặt của khu phố cổ, một mùi hương nhè nhẹ. Và tôi chợt hiểu rằng thành phố nơi tôi ở có vô số những con đường tôi chưa từng qua, cuộc sống có nhiều điều lạ lùng mà tôi chưa từng biết. Và hạnh phúc có vô vàn điều ngọt ngào bình dị mà tôi chưa từng trải. Trong hành trình đi tìm chính mình, nhiều khi, tôi cảm thấy lúng túng không biết làm sao để yêu hết cuộc sống mà tôi đang có, cái thành phố nơi tôi sinh ra và đắm mình từ đó. Những khi ấy tôi bấm máy".

Cái tên Hoài Linh Quán Sứ nhắc nhớ cho những người yêu Hà Nội về những bức ảnh đen trắng của một Hà Nội xa xăm, Hà Nội đang đằm mình lặng lẽ trong cuộc sống thường nhật, treo trên những bức tường ở cái quán cà phê ảnh nổi tiếng trên con phố Quán Sứ cổ kính và sầm uất. Khách ghiền cà phê ngon, tới đây tìm cảm giác của Hà Thành xưa, Hà Thành nay đang trôi đi miên man và lặng lẽ trong từng khoảnh khắc của cuộc sống hiện tại có ở trong từng bức ảnh chủ quán dày công lưu giữ. Hà Nội có bao nhiêu quán cà phê ảnh, nhưng những bức ảnh đen trắng về cuộc sống đang từng ngày diễn ra của chốn kinh kỳ dưới một góc nhìn mang tính lịch sử thì e rằng chỉ có 1 của Linh.

Mới biết, ông chủ quán này có thú chơi tao nhã. Ông mở mấy quán cà phê kiếm tiền, làm giàu để có điều kiện mà thủy chung với niềm đam mê trót nhỡ. Để được tận cùng với con đường nghệ thuật mà ông đã đa mang.

Hà Thành này có bao người đàn ông sành điệu, bao kẻ lãng du phong trần hết mình cho niềm đam mê nghệ thuật chắc lẽ không nhiều người tỉnh táo và khôn ngoan như ông chủ quán này. Tôi nói thế khi gặp Hoài Linh lần đầu. Anh cười, chậm rãi với tách cà phê, chậm rãi với những bức ảnh đang xếp bề bộn trên chiếc bàn nhỏ một góc cà phê ảnh yên tĩnh.

Hoài Linh đến với ảnh từ năm 1990, sau những lạc lõng và thiếu phương hướng khi lựa chọn cho mình một con đường nghề nghiệp. Cuộc gặp gỡ mang "duyên kỳ ngộ" của định mệnh giữa anh với cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Trọng Thanh đã soi rọi cho anh một linh cảm nghề nghiệp. Từ đó, hết những ngày tháng "không tìm thấy chính mình" trên con đường mà mình đang đi. Hết những mộng mị, trăn trở, những day dứt với hoài bão và khát vọng chưa tới. Hoài Linh rẽ vào nghề nhiếp ảnh sau những lạc bước vô vị.

Nếu nói ống kính là cá tính của con người thì xem những bức ảnh Hoài Linh chụp, tôi nhìn thấy anh thật rõ. Không cầu kỳ, rắc rối, không màu mè, những bức ảnh Hoài Linh đã chụp từ ngày khởi nghiệp phóng viên ở Báo Hoa học trò cho đến lúc đã thành danh trong giới nhiếp ảnh qua những cuộc triển lãm trong và ngoài nước, và đặc biệt nhất là hai cuốn sách ảnh của anh mang tên: "Cảm xúc Hà Nội" và "Châu thổ sông Hồng" sẽ thấy một Hoài Linh của cuộc sống thực vô cùng gần gũi và dung dị.

Nhắc đến Hoài Linh phải là những bức ảnh đen trắng, những bức ảnh về Hà Nội và vùng châu thổ sông Hồng. "Một Hà Nội cổ xưa, trầm mặc và xa xăm như đang trôi dần đi trong cái nhịp sống sôi động hối hả". Hay là những cuộc đời, những cá tính, đôi khi là những phận người nhọc nhằn và lam lũ ở vùng châu thổ sông Hồng đang ngày đêm bám víu vào mảnh đất nghìn năm cho họ phù sa để sống, để tồn tại.

Và những phận người, những cá tính, những mảng miếng cuộc sống trong những bức ảnh của Hoài Linh lấp lánh vẻ đẹp tinh khôi. Một vẻ đẹp thuần khiết, với một sức sống tràn căng, mãnh liệt. Tôi đã gọi vẻ đẹp thánh thiện trong từng bức ảnh của anh là những vẻ đẹp trinh trắng trong cuộc sống lấm láp và bụi bặm của cuộc đời.

Tôi không biết anh nhiều, nhưng những bức ảnh đen trắng của anh đã là những thông điệp gần gũi nhất, ấn tượng nhất cho tôi, và cả những độc giả hiểu anh hơn bởi những ý tưởng và cảm xúc mà anh chuyển tới mọi người qua tác phẩm của mình. Thực sự tôi xúc động khi ngắm những bức ảnh như: "Bánh mì rong trên phố Phùng Hưng", "Công nhân Nhà máy Cao su Sao Vàng", "Thợ bốc than chân cầu Long Biên", "Bãi Nghĩa Dũng", "Thợ làm muối Hải Thịnh" hay những bức ảnh về chợ như chợ đêm Long Biên, chợ cá, chợ Bát Tràng, hay những bức ảnh về những ngôi làng dung dị vùng châu thổ sông Hồng với: "Buổi sớm ở làng Thổ Hà", "Trong lò gạch"...

Tôi có cảm tưởng khi Hoài Linh nâng ống kính lên để bấm những bức ảnh này, trái tim của anh dường như đang thổn thức với cuộc sống. Thực ra cái cuộc sống mà chúng ta đang có, đang diễn ra xung quanh ta mỗi ngày mỗi giờ dung dị xiết bao, gần gũi mà ấm áp xiết bao. Cái vẻ đẹp tinh khiết và trong trẻo của cuộc sống lấm láp trụi trần kia hoàn toàn xa lạ với những gì cao siêu những gì to tát mà chúng ta quen đi tìm kiếm, quen thèm khát và quen chiếm đoạt nó. Không phải sự "tham-sân-si" có trong mỗi chúng ta đã khiến cho chúng ta nhiều khi đối xử thô bạo với chính cuộc sống của mình. Và kết quả mà ta nhận được ở đó là sự thất vọng, đổ vỡ và sự tổn thương khiến cho ta chai sạn và xơ cứng tâm hồn.

Tôi có cảm tưởng những bức ảnh của Hoài Linh đã giúp chính chúng ta bỏ lại sau lưng tất cả mọi ham hố của cuộc sống đang sôi lên sùng sục, để theo anh nhẹ nhõm với những bước chân trần, nhẹ nhõm với chiếc máy ảnh trên vai và lang thang sâu vào mọi ngõ ngách chật hẹp nhất, bình dị nhất của cái cuộc sống mà anh đang cảm nhận. Đó là một cuộc sống hoàn toàn khác, nơi chỉ có những giai điệu của đất đai, của không gian, của khí trời và những cuộc đời lao động đang thầm thì cất lên với cuộc mưu sinh đẫm mồ hôi và nụ cười hạnh phúc. Hoài Linh yêu cuộc sống một cách đắm đuối và cuồng nhiệt. Như thể anh sợ ngày mai mình không còn thời gian để yêu, không đủ sức để lưu giữ và chứa đựng. --PageBreak--

Anh nói: "Nghề ảnh với tôi như một thứ đạo. Tôi không thể làm vơi bớt đi sự linh thiêng của đạo cho dù cuộc sống của tôi có nhọc nhằn và khốn khó đến đâu. Đó là tiêu chí mà tôi đặt ra ngay từ đầu tôi bước chân vào nghề". Tất nhiên, Hoài Linh cũng chỉ là một người bình thường, anh cũng đang sống chính cái đời sống mà mọi người đang bị cuốn đi đấy thôi. Thế nhưng ảnh là một khoảng riêng mà cuộc mưu sinh không được phép chạm tới. Anh kiếm tiền bằng nhiều cách, trong đó cái cách nguyên thủy nhất, và hiệu quả nhất đấy là kinh doanh, là thương mại. Hai quán cà phê, một ở 68 Quán Sứ nổi tiếng với cà phê ảnh, và một ở Trần Bình Trọng với phong cách "Linh" rất riêng biệt đủ cho anh không ràng buộc bởi bất cứ hệ lụy nào, gánh nặng nào.

Có lẽ với những ai đã trót theo đuổi nghệ thuật, hãy như anh, nên dành riêng một nơi trang trọng nhất để tôn thờ, để còn lại một nơi đó cho mình tìm về, ngả lòng những lúc mình mệt mỏi nhất, thất vọng nhất. Nghệ thuật sẽ cứu rỗi tất cả chúng ta khỏi những đớn đau mà cuộc sống lỡ đưa đến.

Hai cơ quan, một trong nước và một tiếp xúc với các đồng nghiệp nước ngoài, nơi mà anh thử sức trong nghề nghiệp ở các môi trường khác nhau là Báo Hoa học trò, và tờ Thời báo Kinh tế bản tin tiếng Anh, đã cho anh nếm trải cuộc sống của một công chức. Tự do và khao khát hoạch định một tương lai theo cách của mình, Hoài Linh đã trở thành một người tự do rong ruổi trên con đường nghệ thuật. Anh đã cho ra đời hai tập sách ảnh: "Cảm xúc Hà Nội" và "Châu thổ sông Hồng". Tổ chức hai cuộc triển lãm cá nhân ở trong nước và đặc biệt anh đã mang những bức ảnh đen trắng về Hà Nội cổ xưa và trầm mặc, những bức ảnh ngồn ngộn hơi thở cuộc sống vùng châu thổ sông Hồng ra triển lãm ở các nước: Mỹ, Pháp, Nhật, Canada và tạo được ấn tượng mạnh về một Thủ đô Hà Nội, một đất nước Việt Nam, con người Việt Nam với vẻ đẹp đằm thắm mà hồn hậu trong lòng người xem nước bạn. Hiện tại, anh theo đuổi kinh doanh gia đình, làm ảnh tự do và cùng với nhóm các nhà nhiếp ảnh trẻ tổ chức và biên tập ảnh cho trang web photoworld.com.vn để thỏa những đam mê nghề nghiệp.

Nghề nhiếp ảnh với anh là công việc của một người ghi chép lịch sử. Không phải ngay từ đầu anh đã nhận ra cái tiêu chí của công việc mình làm. Những bức ảnh, sự cọ xát của nghề và những người thầy trong, ngoài nước đã giúp anh đến gần hơn với nghệ thuật nhiếp ảnh. Không có gì thuyết phục hơn bằng chính cái cuộc sống chân thực và sôi động đang diễn ra ngay bên cạnh chúng ta. Mỗi bức ảnh là một khoảnh khắc đời sống, một lát cắt của hiện thực đời sống ấy. Nếu không bám vào hiện thực cuộc sống, những bức ảnh sẽ nhạt nhòa đi, và sức sống của nó cũng sẽ lụi tàn theo thời gian.

Hoài Linh cho rằng: "Tại sao chúng ta lại cứ đi tìm một Hà Nội xa xưa đã mất đi trong dòng chảy thời gian, sao cứ phải tìm một đất nước Việt Nam của quá khứ. Ngày hôm nay đã là quá khứ của ngày mai rồi kia mà. Tại sao không lưu giữ lấy những hình ảnh của Hà Nội hôm nay, trong cuộc sống hiện đại sôi động này. Những bức ảnh tôi chụp hôm nay, ngày mai đã thành quá khứ. Tôi là một người ghi chép lịch sử bằng hình ảnh, tôi muốn lưu giữ lại ký ức của cuộc sống hôm nay để mai này 10 năm, 20 năm nữa thế hệ của các con tôi, cháu tôi sẽ biết được một Hà Nội thời tôi sống như thế nào.

Ảnh của tôi là cuộc sống hiện ra với muôn hình muôn vẻ. Tôi không thể chụp những bức ảnh người đẹp, hay đại loại những cái gì sang trọng quá. Ảnh của tôi chính là cuộc sống tôi, là hơi thở tôi, là những đau đớn và hoài vọng mà tôi nhận lấy ở cuộc sống này và giữ gìn nó. Cuộc sống nhiều nỗi đau, sự mất mát, và tôi nhiều khi vừa bấm máy vừa khóc. Nước mắt nhòe ướt khuôn hình mà vẫn phải chụp. Tôi cố gắng để không nhìn cuộc sống ở những góc độ tan vỡ. Tôi muốn làm cho những vết thương ấy nhẹ bớt, và cuộc sống luôn hiện lên với vẻ đẹp ấm áp. Tôi thừa nhận mình là người quá yêu cuộc sống này và rất dễ xúc động. Có lẽ vì tôi là người may mắn, cuộc sống đã cho tôi quá nhiều thứ và vì vậy tôi luôn cảm thấy bị mắc nợ chính cuộc sống này".

Kết thúc những ý niệm về anh trong bức chân dung này, tôi muốn nói rằng "ông chủ series quán cà phê" này là một người có tâm hồn mẫn cảm lạ lùng với cuộc sống. Ảnh, với những cuộc lang thang khắp nẻo miền đất anh đang sống thực ra là một cuộc hành trình anh tìm kiếm chính anh, tìm kiếm hạnh phúc trong cuộc sống quá đủ đầy mà anh đang có.

Cuộc đời là vậy, cần vô cùng một tình yêu, một niềm đam mê trong trẻo để mà nuôi dưỡng chính mình và để khỏi bị cuộc sống nuốt chửng. Ống kính máy ảnh với những bức ảnh được bấm máy sẽ giúp anh lưu giữ chính anh, cùng những ký ức của thời gian. Có lẽ đó là một cách lưu giữ chính mình, trong từng chặng thời gian mà anh đã đi qua, đã sống, đã yêu, một cách tinh tế nhất, và cũng thực tế nhất

Dương Thục Anh
.
.