Diễn viên sân khấu & điện ảnh Mai Huê:

Hoa vàng lại cháy

Chủ Nhật, 06/10/2013, 14:33
Từng được xem là một trong 10 đại mỹ nhân của điện ảnh Việt Nam, vậy mà thiếu nữ yêu kiều bỏ cuộc chơi khi đang ở giai đoạn gặt hái nhiều thành công vinh quang của nghề đem lại. Nữ diễn viên sân khấu điện ảnh Mai Huê dứt bỏ nghệ thuật để đến với người tình mới - làm nữ tiếp viên hàng không. Thấm thoắát từ ngày đó đến nay đã vừa vặn một con giáp, nỗi nhớ nghề bừng bừng trỗi dậy, phải chăng có một cái gì đó đang sôi sục, nỉ non, quẫy đạp trong lòng.

Những vai diễn vụt đến, vụt đi. Những ánh đèn vàng sân khấu. Tiếng nhạc vang lên. Cả cánh màn nhung thẫm. Lời thoại ríu rít như chim sâu. Ôi! Nhớ. Nhớ đến da diết. Rồi, đầu thu năm nay, sau ngần ấy năm xa cách, như một cơ duyên của bàn tay sắp đặt của số phận. mỹ nhân trở về với sân khấu và nàng có mặt ngay trong vai diễn cô giáo Thúy trong “Mùa hạ cuối cùng” của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.

Sau một dạo phim mì ăn liền và tràn lan phim video từ những năm cuối thập niên 80 và đầu những năm 90 của thế kỉ trước, tung hoành các rạp chiếu bóng trên toàn quốc. Nhưng rồi, có lẽ, quá ngán ngẩm với những cốt truyện tàm tạm hay những cuộc tình tay ba sướt mướt, dòng phim thị trường cuối cùng cũng không còn chỗ đứng và nhường chỗ cho một dòng phim nghiêm túc và mang tính nghệ thuật cao hơn: phim truyền hình.

Từ giữa những năm 1990, truyền hình không có nhiều kênh như bây giờ mà chỉ tập trung ở các kênh của Đài truyền hình Việt Nam. Phim truyền hình được chú trọng, được xem như một trong những món ăn tinh thần, khán giả rầm rập đón nhận và chờ đợi. Nhiều tên tuổi của đạo diễn nổi lên, những gương mặt diễn viên được công chúng yêu thích. Khi đó, trở thành diễn viên điện ảnh là mơ ước, yêu thích nhất đời của vô vàn lứa tuổi học sinh, sinh viên.

Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội nằm trong khu văn công Mai Dịch từ giữa những năm 90 cỏ lau ngút ngàn, đường vào trường chưa trải nhựa bóng loáng như bây giờ. Ngày đó, cứ mỗi một khóa tuyển diễn viên có đến hơn 1000 thí sinh tham gia, nhưng qua hai đợt thi tuyển con số trong một lớp học chỉ có 13 sinh viên. Năm 1996, Mai Huê vừa tròn 18. Nàng đẹp dịu dàng, khả ái, dáng đi uyển chuyển. Nàng vừa có chút gì nũng nịu trẻ con lại vừa đài các, kiêu sa. Vừa hiền hậu, ngây thơ, lại vừa mơ mộng, cuốn hút. Vẻ đẹp của Huê rất khác với những sinh viên lớp diễn xuất trong trường lúc bấy giờ. Mọi người nhìn vào nhan sắc của nàng và ngưỡng mộ. Thì ra: “Chè Thái, gái Tuyên” là thế đấy!

Trong đám đông, không ồn ào như một số người, cũng chẳng cần bắt chuyện hỏi han, nàng luôn nổi bật. Vào trường nghệ thuật tìm diễn viên, trong cả rừng nhan sắc mỗi người một vẻ đó, Mai Huê vẫn có cách quyến rũ của riêng mình. Trong khi các bạn đồng lứa, cùng lớp họa hoằn vài tháng, cả năm mới được một vài vai phụ. Với một sinh viên, vai phụ cũng đã là tốt lắm. Có những vai phụ chỉ xuất hiện vài giây, và có những vai phụ xuất hiện vài phút. Có những vai phụ đóng lót cho người ta mắng, người ta đánh, người ta tát. Ôi chao! Diễn viên vai phụ!!!

Thuở bén duyên với điện ảnh, có bạn cùng khóa để được xuất hiện trên truyền hình đã phải chịu cảnh vào một vai bé tí, không tính cách, không số phận, bị tát nảy đom đóm mắt, đau đến phát khóc trong một cảnh quay có vài phút. Có sinh viên cả 4 năm học chỉ được gọi đi làm những vai quần chúng. Những vai chạy trên truyền hình bị lẫn trong cả chục, cả trăm người xung quanh, lấp ló, loáng thoáng trong hình hài mờ nhạt.

Nhưng Mai Huê thì khác. Ông trời ưu đãi cho làm nghề nên đã ban tặng cho nàng một gia tài nhan sắc. Nàng sở hữu vẻ đẹp thanh tao, tinh khiết là thế nên chả ai nỡ nói nặng với nàng. Một vẻ đẹp mong manh, sương khói dễ vỡ. Một vẻ đẹp đến nao lòng khiến người đối diện không thể không bối rối. Và, nàng đã nhanh chóng chinh phục nhiều đạo diễn khó tính. Ngay từ năm đầu tiên nàng đã xuất hiện trên truyền hình vai chính trong Thổ cẩm. Rồi, ngay sau đó, một sê ri phim truyền hình mà nàng toàn đảm nhận vai chính: Dòng trong dòng đục, Dương tính, Vết trói, Kẻ không cầu may… Không chỉ là gương mặt diễn viên ăn khách mà còn xuất hiện với gương mặt đại diện cho nhiều sản phẩm danh tiếng trên truyền hình.

Sau 4 năm học, để có bằng cử nhân nghệ thuật, các sinh viên sẽ phải đóng một vở kịch. Các đoàn nghệ thuật cử người đến để chọn diễn viên. NSƯT Anh Tú, (Nhà hát Tuổi trẻ), NSND Hoàng Dũng (Nhà hát Kịch Hà Nội), NSƯT Trần Nhượng (Đoàn kịch Công an)… ngồi dưới hàng ghế khán giả xem và những khán giả là diễn viên khó tính ấy, ai nấy đều chấm cô sinh viên mang vẻ đẹp riêng, nét đẹp yêu kiều, diễn đầy cảm xúc: Vũ Mai Huê. Loài chim công khuê các, điệu múa của nó có cách quyến rũ riêng. Đương nhiên, nàng có hẳn lợi thế hơn các bạn, thay vì phải đi xin, nàng được các nhà hát lôi kéo, mời về.

Nàng quyết định về Nhà hát Tuổi trẻ. May mắn sao ngay buổi đầu tiên ấy, nàng được các lãnh đạo hoặc ưu ái, hoặc trọng dụng nhân tài hạ bút ký cho ngay chân biên chế. Trong khi đó, một vài sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp về đây, mòn vẹt với các vai diễn phụ, có người sau 5 năm mới được chính thức kí hợp đồng. NSND Lê Hùng vốn có con mắt xanh trong việc chọn diễn viên đã nhìn ngay ra cô bé có tố chất để diễn xuất. A, cái cô bé này, vốn có lợi thế ngoại hình, lại diễn xuất khá tinh tế và giàu cảm xúc. Vậy là nàng có ngay một vai trong Lò luyện trạng của đạo diễn được mệnh danh là vua rồng.

Rồi các vai diễn cứ đến với nàng như thể nàng sinh ra là để cho cái nghiệp diễn này. Nàng sinh ra là để xúng xính váy áo, yêu kiều tươi tắn bước lên sân khấu. Dưới ánh đèn vàng rực, màn nhung kéo sang hai cánh gà sân khấu, nàng bước lên, hóa thân vai Mầu trong Chuyện làng Mầu, Kẻ khóc người cười. Trong dàn diễn viên trẻ xinh tươi của nhà hát, NSND Phạm Thị Thành cũng đã chọn nàng để nàng có một vai chính trong Bóng tối phù dung. Tất cả, đời sống nghệ thuật cả sân khấu lẫn màn bạc, như thể, con đường danh vọng được trải thảm đỏ, rực rỡ, ngát hương dưới chân nàng.

Vậy mà, không ai ngờ, nàng ra đi. Nàng bỏ hẳn sân khấu và điện ảnh. Nàng bỏ hẳn danh vọng và khát vọng nghệ thuật. Nàng như một người tuyệt tình tàn nhẫn và lạnh lùng. Trái tim của nàng hóa đá rồi sao? Nàng đi đâu? Có gì quyến rũ nàng hơn các vai diễn tưng bừng như thể viết ra là để cho nàng? Nhiều nghệ sĩ thành danh, công chúng hâm mộ tiếc cho nàng. Còn nàng, bình thản đến lạnh lùng. Ôi! Một trái tim băng giá. Một cái đầu tỉnh táo?!

Nếu là một người khác bỏ nghề thì mọi người chẳng có gì để tiếc cho nàng, còn với nàng thì nhiều người không khỏi tiếc nuối. Trong khi mọi người đang ngơ ngẩn vì nàng thì nàng đã bay lơ lửng, phiêu diêu trên các vùng trời. Nàng như một con chim xanh, mơ mộng khám phá các nơi trên thế giới. Ngày đó, không ít các diễn viên điện ảnh rẽ bước sang ngang làm tiếp viên hàng không. Nghề tiếp viên hàng không khi đó là giấc mơ của nhiều cô gái và nàng cũng không khỏi bị dẫn dụ. Nhiều hành khách khi xem phim của nàng bảo muốn nàng quay về nghệ thuật.

Trong tâm hồn nàng lại lay động, xao xuyến. Chao ôi! cái ngày đó, vừa gần vừa xa. Tình yêu nghệ thuật được giấu kín ở một góc nào đó. Lại ầm ào, cuộn chảy, quẫy đạp, gào thét. Thế rồi nàng lại… chán. Và rồi vùng trời đêm đen và xanh thẫm các vì sao, ánh trăng, các miền đất lạ ấy cũng chẳng thể quyến rũ được nàng. Lương cao cũng không thể níu kéo nàng lâu hơn. Nàng thôi nghề tiếp viên hàng không mà không một chút hối tiếc. Nàng xuống mặt đất và chuyển sang một công ty của Dầu khí.

Rồi tình cờ nàng cùng tôi đi xem kịch. Một vở. Hai vở. Và ba vở. Tôi quan sát trạng thái biến chuyển của nàng. Trở về với giấc mơ xưa. Ở dưới khán phòng, nàng thôi thúc bị mê hoặc, quyến rũ đến mụ mị. Nàng nhớ đến nao lòng. Nàng ngơ ngẩn như một kẻ si tình nhất thế gian. Nàng quả quyết: “Mình phải trở lại với nghệ thuật thôi”. Tôi nhìn nàng, đôi mắt nàng long lanh, không còn cái vẻ nhí nhảnh kiểu trẻ con thuở bồng bột mới lớn.

Giờ đây, cộng với thời gian, nhan sắc của nàng trở nên đằm thắm và quyến rũ hơn. Rồi nàng trở về ngôi nhà của mình - Nhà hát Tuổi trẻ, cái nôi mà khi tốt nghiệp ra trường đã dang tay đón nàng. Cái nôi mà nàng đã diễn những vai diễn đầu tiên của nghệ thuật sân khấu để đến với khán giả. Hay tin nàng trở về, NSND Lê Khanh và NSND Lan Hương, hai nhan sắc lộng lẫy và tài năng của ngành sân khấu và điện ảnh là bậc đàn chị đỡ đầu cho nàng. Bên cạnh nàng là các bạn đồng nghiệp trẻ.

Ôi, khi xưa, lớp sinh viên năm đó ra trường có 13 người, sau này một vài người đóng phim nhưng rốt cuộc mọi người cũng rẽ bước sang ngang. Hoàng Hường đi làm phóng viên của một tờ báo. Kim Oanh về đài truyền hình. Cát Trần Tùng bay sang trời tây xa xôi… Còn nàng, bây giờ như một sự se duyên không báo trước. Ôi! Con thuyền định mệnh. Dù có đi đâu, cũng phải quay về với bến bờ xưa.

Mùa thu năm nay, mùa thu của cảm xúc, mùa thu của tình yêu, mùa thu của cơn gió mới. Nàng nhẹ nhàng trong vai Thúy với vở Mùa hạ cuối cùng của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Nàng ma quái đóng Bạch Cốt Tinh – Tiểu Hoa trong Tôn Ngộ Không phục vụ các em nhỏ dịp tết Trung thu. Ở dưới khán đài, hai cậu bé lên 7, lên 3 hò reo cổ vũ mẹ. Hai cậu bé từ lúc sinh ra đến giờ chưa một lần xem mẹ diễn, lần đầu tiên nhìn thấy mẹ trên sân khấu vừa vui sướng vừa ngơ ngác.

Chả ai ngờ rằng, mỗi tuần có hai đến ba xuất diễn. Mỗi xuất diễn có vỏn vẹn 100 nghìn đồng. Thế mà nàng quyết tâm quay lại với nghiệp Tổ. Rồi sắp tới đây, một loạt các vai diễn sẽ báo hiệu ngày trở về của nàng. Nàng, dù thế nào đi chăng nữa là con người của nghệ thuật. Nàng - không ai khác - là người tình tuyệt vời của sân khấu và điện ảnh

Mỹ Trần
.
.