Họa sỹ Doãn Hoàng Lâm: Hổ phụ sinh hổ tử

Thứ Tư, 14/12/2011, 16:10
Phòng khách ba mặt tường đều ăm ắp sách, nhà họa sỹ Doãn Hoàng Lâm từng treo một bức sơn dầu khổ lớn, tỏa ra xung quanh thứ ánh sáng ấm áp và trong trẻo, vẽ con gái anh, bé Bí, giờ không thấy nữa, hỏi Lâm tranh đâu, anh cười: Bán rồi. Và như để làm dịu bớt cái sự bâng khuâng còn hiển hiện qua giọng nói, Lâm buồn buồn: “Tiếc là tôi chưa đủ giàu để có thể nói không với tất cả những bức tranh mà người ta muốn mua”.

Thực ra, đấy cũng chỉ là một cách tự trào, bởi cảm hứng bất tận được Doãn Hoàng Lâm ưu ái nhất hiện thời, chính là chân dung cô con gái bé bỏng và gương mặt tự họa trong sắc thái tình cảm khác thường, dị biệt.

1. Doãn Hoàng Lâm vừa có triển lãm cá nhân tại Gallery Âu Lạc, thành phố HCM. Đấy là cách thức riêng để anh trưng bày cái nội tâm không bình yên của mình qua những mảng màu đầy bạo liệt và sống động, mạnh mẽ. Lâm có vẻ tỉnh táo và bình thản để mọi chuyện diễn ra thật tự nhiên, không quá vồ vập hân hoan cũng chẳng e dè khách xáo.

Chỉ một chút, như thường lệ, chưa hài lòng ưng ý lắm, vì người ta luôn a dua a tòng theo thói quen cố hữu và dễ dãi, cứ nhất định nhấn mạnh vào tiểu sử nghề nghiệp, cái trích ngang lý lịch nghệ thuật của anh dòng chữ: Là con trai NSND Doãn Hoàng Giang. Sống trong gia đình nghệ sỹ, tận hưởng bầu không khí nghệ thuật từ nhỏ, lại là con một ông bố tài năng và nổi tiếng, một bà mẹ xinh đẹp từng tạo nên hàng loạt hình tượng nhân vật không thể quên trên sân khấu kịch nói một thời, Doãn Hoàng Lâm thấy mình may mắn.

Dẫu rằng anh, với tự trọng và sự hiếu thắng của tuổi trẻ, không bao giờ muốn người ta nhìn mình như một cây non được chở che dưới những cái tán rợp sum suê ấy. Số phận chiều chuộng nên sắp đặt cho Lâm một ngã rẽ khác, để tự lập cuộc đời và tự làm nên danh phận, định hình tên tuổi mình mà không cần lụy phiền vào những ưu ái sẵn có.

Học lớp 12, Lâm đã được theo bố Giang, người đầu tiên đưa Lâm vào đời nghệ thuật, theo thầy Doãn Châu, NSND nổi tiếng của mỹ thuật sân khấu đi làm kịch, đảm nhiệm phần việc của một họa sỹ thể hiện trên bục bệ của sân khấu hộp, vì anh có khả năng vẽ vời từ nhỏ. Thi đại học, Lâm vào luôn Trường Sân khấu - Điện ảnh, vẫn đi làm vở, được cả huy chương vàng hội diễn dành cho họa sỹ thiết kế.

Tưởng thế đã an bài, tuy nhiên bấy nhiêu với một chàng trai tuổi 20 nổi trội thiên hướng hội họa vẫn là chưa đủ. Đang xênh xang trên đường đời, Lâm bỏ hết, thi vào Trường Mỹ thuật Yết Kiêu, Hà Nội để bắt đầu con đường riêng, sự nghiệp riêng của mình. Bố Giang từng thích con trai theo nghề đạo diễn, còn đến tận bây giờ, Doãn Hoàng Lâm vẫn như vừa trút được gánh nặng tiền kiếp: Trời xui đất khiến mà đi làm đạo diễn thì chết, cả đời chẳng có cách thoát ra khỏi cái bóng lừng lững của ông bố Doãn Hoàng Giang.

Chân dung con gái Doãn Hoàng Lâm.

Doãn Hoàng Lâm thuộc lứa các họa sỹ đương đại, trưởng thành sau thời kỳ đổi mới. Ngoài 40, chắc chắn chưa già, nhưng cũng không còn quá trẻ để cứ nhất định phải gắn cái tính từ ấy vào danh xưng họa sỹ như cách truyền thông thường mặc định, Doãn Hoàng Lâm giống nhiều đồng nghiệp cùng thế hệ, luôn tự tin độc hành kiếm tìm cho mình lối đi riêng, kể cả khi cái riêng ấy, có lúc chưa nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của số đông. Lâm không chiều xu thế, để chạy theo cái thị hiếu đèm đẹp nhằm ve vãn số đông, dù với anh tranh vẽ ra cũng đơn thuần có thêm mục đích để bán, mà nhất định là bán chứ kiên quyết từ chối cho không.

Lâm bảo: “Có ai đến hàng phở để xin một bát phở, đến hàng café xin một ly café đâu. Nếu nói thích tranh của tôi thì phải mua, chứ xin tức là không hẳn đã thích rồi”. Phụ nữ khỏa thân trong tranh Doãn Hoàng Lâm cũng là những hình hài gai góc, gân guốc, không đường nét gợi cảm kiểu thông thường, một cách thức rất làm hờn tủi những người đẹp ưa tả thực.

Anh trước hết làm những gì mình thích, không thích đương nhiên sẽ bỏ qua, tranh của anh trước hết là từng câu chuyện trong đời sống của chính anh. “Giỏ nhà ai, quai nhà nấy”, thế nên cô con gái mới 4 tuổi của Lâm vẽ đẹp và có cá tính, học mấy bài hát thiếu nhi ở trường mẫu giáo, dạng “một con vịt xòe ra hai cái cánh” mãi cũng chỉ nhớ một đôi câu, nhưng ngược lại, nhạc tiếng Anh của ABBA, Boney M mẹ dạy hai buổi là thuộc làu làu.

Doãn Hoàng Lâm vốn ưa những gì quyết liệt mạnh mẽ, gây cảm giác giật mình, một cách thức gần với trường phái biểu hiện chứ không êm đềm dìu dặt. Anh thửa riêng trong trí não và cảm xúc của mình một cái camera nhỏ xíu, hoặc cả cái máy chụp X quang cực kỳ hiện đại, nội soi vào tận sâu trong từng ngóc ngách cơ thể của mỗi con người, nhằm bóc tách đến chi tiết cả khớp xương, tế bào não, mạch máu… qua những mảng màu nóng, rờ rỡ đối lập để thấu hiểu kỹ càng hơn phần nội tâm thường được giấu kín của mỗi cá nhân.

Tránh ồn ào, tiết chế tối đa sự xuất hiện với giới truyền thông, Doãn Hoàng Lâm thi hành phận sự của một họa sỹ đích thực, chuyên nghiệp, một người quen hoạt động độc lập, chăm chút cho cái tôi cá nhân mà ít màng tới phản ứng của thời cuộc. Dẫu vậy, Lâm vẫn có những fans hâm mộ cá biệt của mình, những người thực sự đồng cảm với thế giới nghệ thuật riêng của anh, thích tranh của anh, sưu tầm tự phát và cẩn trọng tranh Doãn Hoàng Lâm trước khi quan tâm đến con người thực của họa sỹ ngoài đời.

2. Có chỗ đứng riêng, vị thế riêng độc lập với ông bố Doãn Hoàng Giang mà còn không lẫn lộn giữa những người cùng thời, nhưng họa sỹ Doãn Hoàng Lâm chưa bao giờ ảo tưởng về mình. Sẵn cái văn minh của người có tri thức, có kỹ thuật và có cả phương tiện tiếp cận với cuộc sống bên ngoài  biên giới quốc gia, Doãn Hoàng Lâm luôn biết mình là ai, đứng ở đâu.

Mang tranh đi triển lãm nhóm ở New York (Mỹ), Lâm hồ hởi kể, bọn tây xã giao kinh lắm. Xem tranh của mình, họ vỗ tay, ôm ngực tưởng như vỡ tim sắp chết, rồi xuýt xoa khen ngợi. Kể ra thì cũng sướng đấy, nhưng sau phút ấy phải tĩnh tâm lại, tránh ngộ nhận, không sa vào ảo tưởng. Mà cần gì lâu la, đến luôn một gallery khác, vào bảo tàng New York thì biết mình là ai luôn ấy mà.

Người nước ngoài sưu tầm, mua tranh của các họa sỹ Việt Nam, ngoài một số rất ít thực sự đam mê, có con mắt thần hội họa, quan tâm đến hội họa ở các nước phương Đông, còn hầu hết mua như một vật trang trí, một mớ đồ đạc để “decor” dàn cảnh, làm đẹp cho các căn phòng hoặc các tòa nhà mới xây dựng.

Kiểu như, một cao ốc chuẩn bị khánh thành, đồ sộ tới 2.000 phòng, mỗi phòng cần một bức tranh để bày biện, hợp đồng đưa ra cho các họa sỹ xứ mình là đấy làm đi, vẽ đi, thời gian ngần này, cát sê ngần này. Hội họa nước mình, bán theo kiểu bán mớ. Mà họ cũng lựa như chọn hoa, đẹp mang về trưng, đến khi chán, héo tàn rụng ruỗng, lại vứt đi tìm chọn bó hoa khác.

Nghe thì có vẻ ê chề lạ lẫm, nhưng đấy lại là một phần cái sự thực bình thường và hiển nhiên mà không phải ai cũng đủ tĩnh tâm chấp nhận. Thế mới dẫn đến chuyện, có những họa sỹ thuộc hàng đỉnh ở xứ mình, ngồi chiếu trên, nhưng ra nước ngoài triển lãm nhóm, bị xếp chung mâm với cả đối tượng vô danh, ở quê nhà chưa ai biết là ai. Các chuyến đi, sự tiếp cận cọ xát giúp Lâm càng bình thản tỉnh táo hơn, và càng độc lập điềm đạm hơn trong tư duy nghệ thuật của mình.

Doãn Hoàng Lâm thừa hưởng được vẻ đẹp từ mẹ, cố NSƯT Nguyệt Ánh và nét ngang tàng, phong cách của cha, NSND Doãn Hoàng Giang, được hít thở bầu không khí nghệ thuật từ thuở lọt lòng, nhưng trong đời thường, anh lại chọn một cuộc sống yên bình, ít xáo động.

Ngày bé, xem mẹ diễn Đôi mắt, Cô gái đánh trống trận… cậu con trai chưa tới tuổi lên 10 đã biết choáng vì sao mẹ mình xinh đẹp thế, giỏi giang thế. Nhưng nghệ sỹ thời ấy khác hoàn toàn với bây giờ, NSƯT Nguyệt Ánh vào vai Nila, mặc váy đánh trống, quay tròn trên bàn, tà váy tung bay, chỉ kịp lộ bắp chân trần, mà ở nhà cậu con trai là Lâm đã bị bọn trẻ con hàng xóm trêu chọc.

Rồi khi NSND Doãn Hoàng Giang dựng Nhân danh công lý, NSƯT Nguyệt Ánh vào vai bà Hoán, vợ ông bộ trưởng, mang tiền đến nhà mẹ của anh bác sỹ bị con mình giết chết để mua chuộc, van xin nhằm chạy tội cho con, 2 bà mẹ, 2 nghệ sỹ, Nguyệt Ánh và Bích Thu đối mặt nhau trên sân khấu, đã làm cho Lâm ngồi dưới hàng ghế khán giả nuốt nước mắt, gai người rùng mình, rằng sao sân khấu lại có sức ám ảnh con người mạnh mẽ đến vậy.

Lấy một người vợ khác biệt với truyền thống gia đình, không dấp dính gì tới nghệ thuật, nhưng vẫn thấu hiểu và đồng cảm được với những gì anh theo đuổi, hòa hợp được cả với một cá tính độc đáo như NSND Doãn Hoàng Giang, Lâm cười hiền: “Sống với bố Giang dễ lắm. Bố Giang là người rất tâm lý. Thế giới có 7 tỷ người, bố Giang tâm lý với cả 7 tỷ, chỉ trừ một người, ấy là tôi”.

Ông Giang nghiêm khắc, nhưng không giáo điều, may là chưa một lần nào bắt cậu con trai duy nhất ngồi tạc tượng bên cạnh mình để thuyết giảng đạo đức, hay ban ra các mệnh lệnh thức buộc phải làm thế này, không phải làm thế kia. Chỉ đơn giản là, Lâm trìu mến, cả đời lúc nào cũng thấy bố làm việc, tận lúc này vẫn miệt mài làm việc, làm việc, làm việc suốt ngày, ít khi nhàn rỗi ở nhà.

Đấy chính là bài học sâu sắc mà Lâm nghiệm ra đã ngấm vào thẳm sâu con người anh từ lúc còn bé con, anh học được từ bố. Nước mắt chảy xuôi, với con gái mình, họa sỹ Doãn Hoàng Lâm cũng tự nhiên tạo cho con mình một môi trường nghệ thuật trong veo và hồn nhiên, để cô bé, dù còn chưa đến tuổi biết chữ, đã có thẩm mỹ khác xa với đám trẻ con cùng trang lứa

Ngô Hương Sen
.
.