Họa sĩ Văn Sáng: Đủng đỉnh giữa đời

Thứ Năm, 19/12/2013, 14:30

Đủng đỉnh giữa cuộc đời, Văn Sáng không bao giờ cho ta một cảm nhận vội vàng từ phía anh. Ngay cả khi thúc ép anh làm bìa sách cho ai đó thật nhanh, và anh có thể trả sản phẩm cho người đặt hàng sớm nhất đi nữa, thì dứt khoát anh cũng không vội vàng. Anh bảo: Đời có gì nghiêm trọng đến mức lúc nào ta cũng phải quay cuồng hấp tấp. Giữ một tâm thế bình yên, tĩnh lặng để làm việc mới khó.

Cắt nghĩa về sự đủng đỉnh ấy, Văn Sáng bảo, có lẽ anh may mắn được sinh ra ở phố cũ Hà Nội. Gia đình anh nhiều đời sống ở Hà Nội. Nói như bạn anh, họa sĩ Đỗ Phấn, những kẻ sinh ra, lớn lên ở Hà Nội, luôn có một tâm thế bình chân như vại trước mọi biến chuyển của đời sống. Phần nữa, Văn Sáng không để nhiều áp lực lên vai mình, trong cả công việc lẫn cuộc đời.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề làm bìa sách, Văn Sáng chỉ có một giai đoạn rất ngắn làm công chức nhà nước, sau đó anh rời bỏ để làm nghề tự do. Có giai đoạn anh lập một công ty tư nhân chuyên về thiết kế, đồ họa. Công việc suôn sẻ, thuận lợi hơn cả tưởng tượng ban đầu.

Rồi cũng được chừng một năm, Văn Sáng đóng cửa công ty, quay lại đời sống tự do như trước đó, vì một lý do duy nhất, thấy mình không phải là mình nữa, khi làm kinh doanh. “Tôi sợ công việc quản lý, nó mất tự do kinh khủng. Rồi phải đối mặt với những tính toán khác. Vì đã làm kinh doanh là phải nghĩ tới lợi nhuận. Nhiều người tiếc cho tôi. Nhưng tôi vẫn quay về làm một người tự do. Chỉ đơn giản, tôi muốn là chính mình”.

Và Văn Sáng quay về, làm một “tay” đủng đỉnh giữa đời, chuyên vẽ bìa sách cho các nhà xuất bản, các tác giả thuộc nhiều lĩnh vực. Nói là tự do nhưng anh không hề lười biếng. Anh làm việc cật lực. Hàng trăm, hàng vạn cuốn sách ra đời, ghi hàng chữ nhỏ xíu phía cuối trang sách: “Bìa Văn Sáng”. Đó là niềm vui, là khoái cảm của người làm nghề. Vẽ xong một bìa sách đẹp, cảm giác sung sướng như được thăng hoa vậy.

Văn Sáng là họa sĩ đầu tiên kiếm sống hoàn toàn bằng nhuận bút thiết kế bìa sách. Nguồn tài chính ấy, trong tình trạng xuất bản nước mình, ai cũng hiểu là khó mà dồi dào, dư dả. “Nhưng tôi vẫn sống ổn, vì thực ra nhu cầu vật chất của tôi không lớn lắm”. Văn Sáng đùa, bây giờ mà tự nhiên anh có nhiều tiền, “là chết ấy chứ”. Vì mình không có văn hóa tiêu tiền tương xứng là rất nguy. Có nhiều khi chúng ta ở trong một không gian sống cao mà lại không có năng lực cảm nhận cái không gian sống ấy thì cũng là vô tác dụng.

Giống như cái bìa sách, nếu nó không phù hợp, không tôn vinh, không làm đẹp nội dung cuốn sách mà nó chứa đựng thì hiệu quả mang đến cho người thưởng thức cũng không đáng kể là bao. Với lại, mình đã từng có cơ hội để kiếm tiền nhiều hơn, nhưng mình đã không chọn. Mình chọn con đường của kẻ làm nghệ thuật. Nếu tiền là cơn khát, là nhu cầu, thì kẻ điên nào lại chọn nghệ thuật để đuổi theo. Vả lại, nếu vì tiền mà làm nghệ thuật, thì nghệ thuật sẽ không ở với mình. Nhưng nghệ thuật cũng bất ngờ ở chỗ, những ai không có động cơ kiếm tiền trong sáng tạo, thì có khi lại sống được bằng nghề này.

Văn Sáng không thể nhớ trong hơn 20 năm qua anh làm bao nhiêu bìa sách. Dễ thường có đến hàng vạn cái bìa anh đã thiết kế. Và dễ thường hàng trăm tác giả sách đã xem anh như một người bạn, vì sự thấu hiểu của anh với những gì họ viết ra, hiển hiện trên những trang bìa, vốn được xem như chiếc áo, như gương mặt của một cuốn sách. Văn Sáng gần như dành toàn bộ thời gian của anh cho việc làm bìa sách, ở tất cả các thể loại.

Nhưng Văn Sáng thấy mình có duyên hơn cả khi anh làm bìa sách văn học, đặc biệt là thơ. “Làm bìa cho thơ theo tôi là khó nhất. Vì nó không biểu hiện những gì cụ thể như câu chuyện của văn xuôi, hay của các loại hình khác. Thơ cần một sự nắm bắt về tinh thần.  Khi ta đọc một bài thơ hay một tập thơ, ta có thể cảm nhận những thi ảnh thơ đẹp, hay, nhưng diễn đạt ra bằng lời nói có khi rất khó. Và sẽ còn khó hơn nhiều lần khi ta thể hiện những cảm nhận đó bằng màu và hình. Song, cũng bởi sự khó ấy, trừu tượng ấy của thơ, mà khi tôi làm bìa sách thơ, tôi lại thích thú. Vì tôi hoàn toàn được tự do, hoàn toàn bay bổng trong cảm nhận, không bị lệ thuộc vào những gì cụ thể”.

Trong thực tế, chúng ta đã từng gặp không ít cuốn sách thơ mà bìa thì như sách văn xuôi, rất nhiều bìa sách thơ mà không có “tính thơ” trong đó. Nắm bắt cho được tinh thần của thơ và thể hiện nó trên bìa một cuốn sách, không bao giờ chỉ đơn giản là câu chuyện của người giỏi nghề, giỏi kỹ thuật, mà cao hơn, nó thuộc về năng lực cảm thụ của người họa sĩ. Trời cho Văn Sáng một khả năng cảm nhận văn chương, đặc biệt là thơ, rất tốt.

“Tôi có thể không đọc tỉ mỉ từng bài trong cả cuốn sách thơ tôi làm bìa, nhưng tôi có thể cảm nhận tinh thần tác giả. Và khi làm bìa cho cuốn sách, tôi làm thỏa mãn những gì tôi cảm nhận được đó”. Giả sử nếu thiếu đi hạt nhân, là một  năng lực cảm nhận thơ đủ mạnh, thì người họa sĩ vẽ bìa có thể đọc đi đọc lại một tác phẩm thơ, nhưng chưa chắc họ đã cảm nhận thấy, nhìn thấy cái cốt lõi của thơ. Và một khi không nhìn ra cái cốt lõi, người ta sẽ không thể nào thể hiện nó trên bìa cuốn sách cho đẹp, cho hay, cho trúng…

Những bìa sách thơ của Văn Sáng, thật khó phân tích cụ thể, nhưng nó luôn luôn chứa những thông điệp, những tín hiệu để tác giả và người đọc đều chung một cảm nhận, là nó “rất thơ”. Phần lớn các nhà thơ khi in sách đều muốn anh làm bìa vì lẽ đó. Làm bìa sách, Văn Sáng nghiêng về sự đơn giản. Anh rất kiệm trong ngôn ngữ thể hiện. Những bìa thơ thường đầy sức gợi, tinh tế và có độ mở về không gian cho người thưởng thức suy ngẫm. Văn Sáng quan niệm, bìa một cuốn sách thơ phải đơn giản và sang. Những tín hiệu về mặt thị giác phải là biển chỉ dẫn đưa người ta tới không gian của sự khoáng đạt, của sự buông lơi, sự trừu tượng và lắng đọng.

Hỏi Văn Sáng, anh có tính tới yếu tố thương mại, yếu tố công chúng khi làm bìa cho một cuốn sách thơ hay không. Anh nói ngay, là có. Bởi thế, anh muốn dùng chữ đơn giản trong phong cách làm bìa sách, mà không dùng “tối giản”. Vì anh muốn cuốn sách trở nên gần gũi với độc giả hơn. Bìa một cuốn sách không nên giống một gương mặt người đẹp trang điểm quá cầu kỳ, quá kỹ, đến mức người đối diện thấy xa cách, cũng không nên tỏ ra rối rắm, bí hiểm, cao siêu khiến người đọc ngần ngại. Mà hãy là một lời mời mọc, một khơi gợi, một ham muốn, để người thưởng thức lựa chọn bước vào không gian của cuốn sách, trải nghiệm những gì tác giả đã viết.

Thời buổi công nghệ thông tin phát triển, máy móc có thể hỗ trợ rất nhiều cho người họa sĩ trong việc thiết kế một bìa sách. Không ít những bìa sách ta nhìn như vô cảm, vô hồn, như cuộc hù dọa của kỹ thuật đồ họa, bởi người họa sĩ đã quá lạm dụng công cụ hỗ trợ. Nhưng bìa sách của Văn Sáng, thật may, lúc nào cũng cho ta một cảm nhận rất hồn vía, như thể anh đã ngồi tỉ mỉ dùng tay để vẽ, và phả toàn bộ những cảm nhận tinh tế của mình vào hình và màu anh dùng.

Chia sẻ với anh điều này, Văn Sáng cười đủng đỉnh. Anh bảo, dại gì mà người họa sĩ không tận dụng những phương tiện kỹ thuật hỗ trợ cho công việc của mình. Nhưng lạm dụng lại là câu chuyện khác. Nếu lạm dụng kỹ thuật, nghĩa là anh đang giết chết mọi sáng tạo của mình. Văn Sáng thường rất cầu toàn trong mỗi chiếc bìa sách anh thiết kế. Anh thường tính toán rất kỹ mọi chi tiết, bố cục. “Không có một chi tiết nào trên bìa sách không chứa đựng ý đồ của tôi. Nhưng tôi ý thức rằng, mọi tính toán phải được giấu giếm tinh tế. Làm sao để bạn đọc cảm thấy đó là một sự ngẫu nhiên, một sự buông lơi, một sự hài hoà, không phải một sự sắp đặt, thì đó là thành công”.

Những người tham gia vào công việc sáng tạo, có lẽ đều mong muốn tác phẩm, tên tuổi của mình được nhiều người biết đến. Văn Sáng làm bìa sách, tên của anh thường đặt khiêm tốn phía cuối cùng cuốn sách. Và cũng không biết có bao nhiêu độc giả thông thường khi cầm một cuốn sách thì tự hỏi, ai là người làm bìa cho cuốn sách. Tôi nghĩ không quá nhiều. Nghĩa là, tên của họa sĩ Văn Sáng chưa từng hot trong đời sống.

Và thực sự thì anh cũng rất đủng đỉnh khi nhắc về câu chuyện nổi tiếng hay không nổi tiếng. “Tôi hiểu rất rõ rằng vai trò của họa sĩ vẽ bìa là làm đẹp cho cuốn sách. Với một cuốn sách thơ, tôi muốn làm cho thơ ca trở nên sang trọng hơn. Ở đây không có sự thay thế hay che mờ nào cả. Tôi chỉ muốn rằng một bìa sách đẹp sẽ làm cho bạn đọc yêu quý văn chương hơn. Với tác giả sách văn học, tôi luôn muốn hài hòa với họ, hiểu họ, đồng hành cùng với họ. Một sự hài hòa từ bìa sách đến nội dung sách là một câu chuyện rất đẹp mà người được lợi chính là độc giả”.

Văn Sáng mê thơ, nhưng anh chưa bao giờ làm thơ, và cũng không có ý định “mon men” tới thánh địa đó. Nhưng đối với người viết bài này, Văn Sáng là một thi sĩ. Mỗi bìa sách thơ anh đã làm, ở một nghĩa nào đó, cũng giống như một bài thơ hay. Riêng cái sự cảm thơ của Văn Sáng, thì nhiều người làm thơ chuyên nghiệp phải chịu anh. Anh có thể ngồi “tay bo” với các nhà thơ để bàn cho “hết nhẽ” câu chuyện thi ca.

Những kiến giải của anh cho mỗi câu chuyện cũng rất đáng giá. Anh không phải nhà nghiên cứu về thơ, không màng những vấn đề của lý thuyết. Những cảm nhận thi ca của anh là rất bản năng, tự nhiên mà tràn đầy. Văn Sáng mạnh về trực cảm. Đây là yếu tố quan trọng để anh “bóc vỏ” một bài thơ, một cuốn sách thơ. Ngoài ra, Văn Sáng cũng thường “đánh đu” với những người bạn viết văn, làm thơ, thân thiết tri kỷ trong câu chuyện văn chương.

Để làm bìa cho một cuốn sách văn học, theo quan niệm của Văn Sáng, không phải chỉ đọc tác phẩm rồi vẽ là đủ. Nếu có thể thì hãy tiếp xúc, làm bạn với người viết, chắc chắn sẽ hiểu nhiều hơn về  tinh thần của họ. Nhiều nhà thơ khi đã làm bạn của Văn Sáng, tin cậy anh đến nỗi không bao giờ can thiệp vào việc anh làm bìa cho tập thơ của mình. Văn Sáng rất ưng bộ sách thơ anh vừa làm xong, hai tập thơ Nỗi buồn tốc ký của nhà thơ Hồng Thanh Quang, bạn anh.

Anh bảo: “Hồng Thanh Quang cho tôi tự do hoàn toàn khi làm bộ sách cho bạn. Và đây là một bộ sách mà về mặt hình thức, tôi nghĩ, nếu tham gia vào Hội chợ sách quốc tế đi nữa, thì cũng hoàn toàn tự tin, không có gì phải mặc cảm cả…”.

B.N.T.
.
.