Họa sĩ Trần Lưu Hậu: Vẽ là một đạo sống

Thứ Bảy, 21/03/2020, 09:00
Ông thuộc thế hệ các họa sĩ kháng chiến nổi danh của mỹ thuật Việt Nam hiện đại, với những tên tuổi như họa sĩ Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Trần Lưu Hậu, Mai Long, Ngô Tôn Đệ, Lê Huy Hòa… những họa sĩ tài danh đã có đóng góp lớn và riêng biệt cho sự thay đổi quan trọng của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.


Ông có sức ảnh hưởng lớn đối với phong cách và quan điểm hội họa của nhiều thế hệ học trò, dù có người chưa một ngày được học ông tại trường Mỹ thuật Việt Nam. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng họa sĩ Chu Hùng Sơn, một người học trò của họa sĩ Trần Lưu Hậu, để biết thêm nhiều câu chuyện về người họa sĩ tài hoa vừa vĩnh biệt thế gian, với rất nhiều sự tiếc nuối trong lòng bạn bè, đồng nghiệp.

Như có một thần giao cách cảm, một điềm báo, những ngày gần đây tôi nhớ đến thầy giáo của mình, thầy Trần Lưu Hậu và tôi vẽ một mạch xong bức tranh với phong cách khác những bức tranh khác tôi thường vẽ, màu tối trầm buồn và hoang vắng, thì buổi tối, tôi được tin thầy Trần Lưu Hậu qua đời. Nó là một giao cảm kỳ lạ và tôi cảm giác trái tim mình đau thắt bởi không được gặp thầy một lần cuối trước khi thầy ra đi.

Họa sĩ Chu Hùng Sơn và thầy Trần Lưu Hậu.

Kỳ thực, từ đầu năm tới nay tôi vẽ liên miên, dự định làm một triển lãm cá nhân trong dịp cuối năm được mời thầy đến xem để như một cách chia sẻ với thầy và để thầy biết rằng, học trò của thầy, cũng như thầy, luôn làm việc chăm chỉ, không phụ tự tin cậy của thầy bấy lâu nay và cũng như thầy, luôn coi hội họa là lẽ sống của đời mình.

Tôi chịu nhiều ảnh hưởng của thầy, từ trong tư tưởng và cách sống. Thầy từng nói, họa sĩ làm được điều kỳ vĩ nhất là mang đến một hiện thực hội họa chứ không phải cái hiện thực của con mắt nhìn tự nhiên. Thế giới hội họa của ông khiến người xem đắm chìm vào trong đó, vừa hân hoan, vừa viên mãn, vừa được sống trong một thế giới đầy trách nhiệm của một người đau đớn, đầy nghĩ ngợi. Thầy là một người từng nghèo đến tận cùng, ở trong một ngôi nhà chật hẹp cùng vợ và 5 đứa con.

Có lần mua bát cà muối, 5 đứa con chạy đi chạy lại mà một lúc thì hết veo đĩa cà. Hai vợ chồng thầy phải ăn cơm cùng muối trắng. Có một thời gian khổ đến vậy nhưng thầy vẫn đắm chìm trong hội họa. Và cho đến thời điểm sau này, khi thầy đã ở đỉnh cao của đời sống, tiền bạc thì thứ thầy đam mê vẫn là hội họa. Khi được xem bức tranh những năm tháng cuối đời của thầy, tôi cứ hình dung tới cảnh thầy ngồi trên xe lăn mê mải vẽ, vệt xe lăn đè lên toan trộn chan hòa màu vẽ tạo nên những vệt hằn như những nét vẽ kỳ ảo, đẹp tuyệt vời về sự lao động và niềm đam mê cháy bỏng của một con người tận hiến hết mình cho hội hoạ.

Thầy từng tuyên ngôn rằng: điều tôi vẽ là tất cả ao ước, đó là những điều tôi muốn làm, một thế giới mà tôi khát vọng. Thầy luôn đinh ninh, không có biểu hiện cá nhân thì không có nghệ thuật, không có đời sống một cách nghiêm túc thì không có cảm xúc để biểu hiện.

Với sự tự tin và chín chắn vốn có, thầy luôn kiên định với cái nhìn có tính khái quát cao, để tạo trong tranh mình một thế giới rất thật mà không hề tự nhiên chủ nghĩa. Và thầy truyền cảm hứng đó cho các thế hệ học trò, những người theo học thầy 4 năm và những người chỉ biết thầy, được thầy chỉ dạy cho vài điều. Có lần, tôi đi vẽ thực tế một trang trại máy kéo ở Nam Định. Vẽ rất cẩn thận, tỉ mẩn, kỹ càng từng chi tiết như đinh ốc, từng bánh xe của cái máy. Thầy xem xong thì hờ hững bỏ qua. Rồi thầy lại nhìn vào những cái tôi vẽ rất bâng quơ, những cây cầu lắt lẻo, những bụi hoa nhăng nhít ven đường và bảo: đấy, vẽ là như thế này. Lúc ấy, tôi mới chợt bừng tỉnh và hiểu ra, nghệ thuật là những gì mình yêu thích và phải làm hết mình bằng cảm xúc.

Năm ấy tôi vẽ tốt nghiệp và bài thi của tôi được bày trong triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1980. Bức tranh tôi vẽ về mấy cô thợ sơn lao động trên cầu Thăng Long, một bức tranh theo khuôn khổ và đúng chủ đề nhưng có thái độ nghệ thuật. Sau này, khi ra trường, đi làm, ngoài công việc bổn phận, tôi dành toàn bộ thời gian vẽ về những gì mình thích và thỏa mãn niềm say mê của mình với sự ảnh hưởng không nhỏ từ những bài học của thầy Trần Lưu Hậu.

Đôi khi tôi ngạc nhiên, vì sao một người họa sĩ luôn tủm tỉm cười đôn hậu, nhã nhặn nhưng khi đã nói về hội họa thì là trở một con người khác hẳn, say sưa, nồng nhiệt, sắc sảo vô cùng. Trong hoàn cảnh khó khăn, thầy không buông xuôi, nản lòng.

Có lần thầy bảo tôi: “Một người làm xiếc, muốn thành tài thì từ bé xíu đã phải tập, có khi hết đời vẫn phải tập một tiết mục mà biểu diễn có khi còn xây xước rồi nguy hiểm đến tính mạng. Một thợ nhiếp ảnh vác máy vào rừng là phải say mê lắm, đi chụp một con chim, một con vượn hay một cái cây là phải vất vả khôn lường. Nghề của mình thì cứ ngồi đây, điều hòa máy lạnh, đủ thứ ăn uống mà mình cứ lười biếng. Trong khi có hỏng chỉ hỏng một tờ giấy, một tấm toan thôi. Thế là hạnh phúc lắm đấy. Nếu không chịu lao động nghệ thuật nữa thì không thể kỳ vọng có được những tác phẩm để lại cho đời...”.

Tranh của họa sĩ Trần Lưu Hậu.

Thầy thường suy ngẫm rất nhiều thứ và thường khuyên học trò đừng lãng phí khả năng của mình. Có một từ mà thầy vẫn thường nhận xét với học trò và với nhiều người, đó là từ "Được việc". Thầy nói một câu mà tôi nhớ mãi: "Làm được đấy, cứ chịu khó một tí, được việc đấy Sơn ạ!". Thầy cứ giản dị thôi nhưng mỗi lời nói, mỗi việc làm đều là cả sự tích lũy và trải nghiệm.

Có lần, tôi đến mời thầy một công việc gì đó. Khi ấy thầy đang làm Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Thầy mở ngăn kéo ra và bên trong đầy giấy mời họp hành này nọ. Thầy bảo, đấy Sơn xem, ngần này cái giấy mời có chết không cơ chứ. Mình cứ ước ao là một cái giấy mời nó thành một cái tranh. Tiếc thời gian lắm. Thời điểm ấy, thầy đã thành danh, đã có kinh tế mà vẫn đam mê với công việc, thầy chỉ ao ước có thêm thời gian để ngồi vẽ. Bởi vì thầy là người không bao giờ ngừng tư duy, luôn muốn làm việc, không bằng lòng với chính mình.

Những ngày về nghỉ hưu, những tưởng thầy thư thái an nhàn vui hưởng tuổi già. Nhưng, thật bất ngờ, hơn bao giờ hết, thầy cần mẫn, hối hả làm việc say sưa, kiên cường như để bù lại cho khoảng thời gian đã mất. Kết quả là thầy tổ chức nhiều triển lãm cá nhân, ra nhiều tập sách in tranh các đợt sáng tác của mình tạo dựng một không gian nghệ thuật đồ sộ, đặc sắc, mang đậm dấu ấn cá nhân Trần Lưu Hậu. Thầy thổ lộ: "Tôi còn nhiều việc phải làm hơn là những gì tôi đã làm hoặc thậm chí đã mường tượng tới".

Có lần thấy thầy làm việc cần mẫn, cặm cụi, nể phục thầy thì thầy bảo, già rồi mình bôi quệt nhăng nhít cho vui. Tôi xua tay, thầy ơi thầy cứ nói thế thôi chứ sao mà bôi quệt được, vẽ là một thứ đầy vất vả. “Ừ cậu nghĩ được vậy là đúng, mình luôn phải ép mình vào công việc, vào khuôn khổ chứ không được cậy già mà buông lỏng mình đâu” - thầy đáp. Thầy là người yêu nước, yêu nghề đến đắm đuối, hết lòng. Hội họa của thầy có khi chỉ là quệt, là vạch nhưng tạo ra một thế giới riêng biệt. Những bức tranh của thầy, kể cả bất cứ thầy vẽ trong thời điểm nào vẫn luôn sang trọng và ấn tượng.

Có một điều mà thầy luôn nói: "Tôi cảm ơn hội họa, hội họa đã cho tôi tất cả!". Còn với chúng tôi thì luôn tâm niệm, mình là học trò của thầy thì mình phải sống sao cho xứng đáng với hình ảnh của thầy. Và chúng tôi nghĩ rằng, dù thầy đã đi xa nhưng thực sự thầy xứng đáng với mọi danh xưng mà hội họa đặt tên cho thầy vì cả một đời thầy đã dành toàn tâm toàn ý, toàn cuộc đời của mình cho những cung bậc trên toan màu.

Lũ học trò chúng tôi ai cũng hiểu hội họa với thầy như một đạo sống!

Trần Hoàng Thiên Kim (Ghi theo lời kể của họa sĩ Chu Hùng Sơn)
.
.