Hoạ sĩ Phạm Viết Hồng Lam: Có những khủng hoảng... lành mạnh

Thứ Sáu, 20/11/2009, 09:13
Biết và tỏ nguyện vọng muốn viết ký chân dung về họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam, bằng sự ngưỡng mộ, tôi đã có mặt trong ngôi nhà khá khang trang của ông.

Ở đó, tôi bị choáng ngợp bởi những vuông tranh sắc màu tươi rói, đầy bản năng và đượm chất cổ tích. Lòng chợt hỏi lòng, nếu tôi ở đỉnh cao của nghiệp văn, tôi sẽ sống với vinh quang đó và sẽ xuống dốc? Hay tôi sẽ vẫn cựa quậy để tìm một giai đoạn sáng tạo khác? Tôi không trả lời được, và khi nói chuyện với người không chịu để mình cũ - Phạm Viết Hồng Lam đã chỉ ra những khát vọng của ông mà người làm nghệ thuật nào cũng nên tham khảo.

Bốn lần thoát khỏi lưỡi hái tử thần

Sinh năm 1946, là con trai của cố họa sĩ Phạm Viết Song, thuở nhỏ cùng gia đình lang bạt khắp nơi, điều đó làm nên cái "chất" của Phạm Viết Hồng Lam sau này. Quê gốc ở Nam Định, nhưng cha mẹ sinh Hồng Lam ở đất Nghệ An có núi Hồng Lĩnh có dòng sông Lam, nên tên ông được ghép bởi hai địa danh nổi tiếng. Năm 1954, cụ Song đưa gia đình ra Hà Nội, Hồng Lam học hết lớp 7 thì được đưa vào học Trường Mỹ thuật dân lập do cha mình làm hiệu trưởng.

Khi còn học dở, Hồng Lam xung phong vào bộ đội và được đưa vào Trường Sửa chữa xe cơ giới (Cục Quản lý xe - Tổng cục Hậu cần) 3 tháng, rồi được điều đi B, chuyên đi "cấp cứu" những chiếc xe dính bom trên đường. Chàng thanh niên đi khắp chiến trường, ở đâu có xe cần cấp cứu là đến, phục hồi sửa chữa để dùng lại. Khi được điều về Bộ Tư lệnh Đoàn 559, Hồng Lam vào đội kích kéo, chuyên đi phá bom từ trường. Bốn lần thoát khỏi lưỡi hái tử thần thì ba lần ở trong chiến trường.

Ông kể: "Lần thứ nhất đang hành quân đi qua phà Bến Thủy (Nghệ An) thì bị bom, một mảnh bom găm gọn vào cạnh sườn, nhưng tôi được đồng đội cứu. Lần thứ hai khi còn đang ốm, tôi vẫn đi cấp cứu xe và bị máy bay B52 đánh bom ở dốc Con Mèo (gần Binh trạm 42). Tôi bị vùi trong lòng đất, tưởng không thể thoát khỏi. Nhưng rồi đồng đội cũng moi được tôi lên. Lần thứ ba là ở tụ điểm Tha Mé khi đang trên đường theo xe từ trường đi phá bom. Tôi cũng dính, bị đánh bật rồi điếc hẳn một bên tai. Ghê gớm thật!".

Lần thoát khỏi lưỡi hái tử thần thứ tư diễn ra ở thời bình, chính là hội họa đã cứu Phạm Viết Hồng Lam. Đó là khi ông đã là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, là giáo viên Trường Cao đẳng Nhạc họa Trung ương. Năm 1990, ông bị ung thư vòm họng phải nằm liệt giường rất thê thảm, đến nỗi Đảng ủy nhà trường nơi ông công tác nghĩ Hồng Lam không thể qua khỏi, đã viết điếu văn chờ ngày ông "lên đường". Hồng Lam nhớ lại: "Ngày đó bạn bè đến thăm vẫn cứ động viên, bảo sức mạnh của tôi là ở màu. Màu là bản năng, không ai dạy được. Lúc đó, tình yêu hội họa lại sống dậy, tôi quyết tâm chữa cho khỏi bệnh để sống với hội họa. Vì còn khát vọng nên còn ham sống, điều đó làm tôi chiến thắng tử thần. Ngẫm lại cũng thấy đúng: Y học chỉ là phương tiện, còn khát vọng mới là liều thuốc tái sinh tôi".

Hai lần làm nên hiện tượng

Sau khi bị thương nặng lần thứ ba, Phạm Viết Hồng Lam được chuyển từ chiến trường ra Trạm An dưỡng Hoằng Hóa (Thanh Hóa) rồi về Hà Nội. Ở Trạm An dưỡng Thương binh Xã hội Từ Liêm, Hồng Lam đi học bổ túc văn hóa và luyện thi mỹ thuật. Dù được tiêu chuẩn đi học ở nước ngoài, nhưng vì sức khỏe yếu, tai bị điếc cộng thêm mặc cảm, ông xin ở nhà để thi vào Trường Mỹ thuật Yết Kiêu.

Ông họa sĩ nói rằng, ngày đó thi vào trường không khó vì là thương binh, đảng viên nên được ưu tiên. Đỗ và theo học cùng với một số người đã làm thầy của thiên hạ rồi, Hồng Lam cố gắng phấn đấu học suốt ngày đêm. Cũng từ đó, niềm đam mê hội họa của ông mới được đánh thức thực sự. Ông lại tìm thấy tình yêu đôi lứa khi học chung với cô gái Tạ Phương Thảo - là ái nữ của họa sĩ Tạ Thúc Bình. Hai người cưới nhau khi còn là sinh viên. Ra trường, hai vợ chồng công tác ở Trường Cao đẳng Nhạc họa TW, tiếp nối công việc dạy học của cha mình. Chính giai đoạn này quyết định đến sự nghiệp hội họa của Hồng Lam. Bởi vì ông vẽ bằng xúc cảm, chủ yếu để làm phác thảo và chỉ để giảng dạy chứ không ý thức để bán.

Có người thắc mắc tại sao, Hồng Lam chọn chất liệu bột màu là loại rẻ tiền nhất để vẽ, trong khi người khác chọn sơn mài, sơn dầu... ? Tôi cũng hỏi lại câu đó, người họa sĩ nói đến ba lý do: Thứ nhất, thời gian dạy học không cho phép ông dùng chất liệu có thời gian thi công lâu. Thứ hai, tranh bột màu là loại dễ lưu trữ do nhà cửa chật hẹp. Thứ ba cũng là lý do chính, vì chất liệu rẻ tiền, dễ truyền cảm xúc, phù hợp với tâm tính tình cảm của ông. Tôi từng nghe nhiều họa sĩ nói: "Chất liệu không tạo nên tác phẩm đặc sắc". Khi gặp họa sĩ Hồng Lam, tôi càng được khẳng định điều đó là đúng, bởi vì tài năng mới là cái quyết định. Trong tất cả các ngành nghệ thuật sáng tạo, tác phẩm là thứ chứng minh rõ nhất cho chủ thể sáng tạo.--PageBreak--

Được học trong thời gian không nhiều và lại chọn một con đường riêng, Phạm Viết Hồng Lam cảm thấy ấm lòng hơn, bớt chống chếnh hơn khi người vợ thảo hiền của mình động viên: "Bố nó vẽ bột màu đẹp lắm!". Cho đến năm 1980, trong đợt Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, Hồng Lam có 3 tranh bột màu được duyệt tham gia.

Ngày đó, có tranh trong đợt triển lãm, dù chưa phải to tát và có tiếng vang gì, nhưng cũng là mơ ước của không ít họa sĩ. Với Hồng Lam thì đó là một vinh dự và làm ông tự tin hơn. Mấy năm sau, khi đã là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, do bạn bè động viên, Hồng Lam đồng ý triển lãm chung với một người, nhưng gần đến thời gian thì người bạn xin rút. Người họa sĩ trẻ lúc ấy lạnh sống lưng, định bỏ, song được tiếp thêm nghị lực bởi bạn bè và người thân nên đã mạnh dạn triển lãm khoảng 100 bức bột màu.

Ngày triển lãm, hai vợ chồng hì hụi đèo tranh đến 16 Ngô Quyền (Hà Nội) từ rất sớm trong tâm trạng hồi hộp khó tả. Có khoảng 8, 9 họa sĩ nổi tiếng trong Hội đồng xét duyệt TW gồm các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Nguyễn Văn Tỵ, Phan Kế An, Trần Đình Thọ, Mai Văn Hiến, Bùi Xuân Phái... là những người sẽ quyết định duyệt bức tranh nào được treo triển lãm. Tranh được trải ra đất, sau khi ngắm nghía qua, rồi nâng niu, một họa sĩ hỏi: "Em có bao nhiêu bức?". Hồng Lam trả lời: "Dạ, khoảng hơn trăm bức ạ". Ông họa sĩ này nói bằng giọng dứt khoát: "Thôi, tranh của em không cần duyệt, treo hết đi. Đẹp quá rồi!".

Ngày khai mạc đó khách đến xem đông chưa từng thấy và sự xuất hiện tranh bột màu của Hồng Lam ngay lập tức thành hiện tượng của hội họa miền Bắc. Bảo tàng Mỹ thuật mua luôn 10 bức và bộ sưu tập của Hội Mỹ thuật cũng mua 5 bức. Tranh bán được khá nhiều, Hồng Lam có được số tiền kha khá để trang trải cuộc sống. Một bước ngoặt lớn diễn ra trong cuộc đời người họa sĩ khiến ngay cả chính tác giả của những bức bột màu đó cũng bất ngờ.

Phạm Viết Hồng Lam còn trẻ, không tên tuổi, nghèo rớt được "đôn" lên thành nổi tiếng và ngay tức khắc nhiều họa sĩ đổ xô đi vẽ tranh bột màu, như thể tranh bột màu là chìa khóa để một họa sĩ đến với vinh quang. Sau triển lãm, họa sĩ Hồng Lam lâm ngay vào khủng hoảng mà theo ông, người ngoài nghề rất khó hiểu. "Tôi hoang mang trước cái thành công đó. Vì tôi đã được tôn vinh ở đỉnh cao của mình. Tôi trăn trở là làm sao để phát triển tiếp ở một giai đoạn khác. Bao nhiêu đêm thức trắng tìm câu trả lời, hướng đi mới và tôi đã bị ung thư vòm họng. Nằm trên giường, lúc nào tôi cũng nghĩ đến màu sắc và ám ảnh màu sắc".

Vâng, cũng sau thời gian khủng hoảng và lâm bệnh ung thư, và sau khi chiến thắng bệnh ung thư, Phạm Viết Hồng Lam đã làm nên một hiện tượng thứ hai cho con đường hội họa của mình. Chính tranh xé giấy là lối thoát cho ông, vì nó mang bảng màu của bản năng. Tranh xé giấy là tranh mà trẻ em chuộng, tranh cho những tâm hồn thơ ngây và hồn nhiên. Là tranh mà ông làm để giải khuây trong lúc bệnh tật.

Đúng là một sự kỳ diệu mà nói ra, ít người tin. Hồng Lam kể, khi bạn bè đến thăm ông, họ đã ngạc nhiên trước những bức tranh thủ công xé giấy của học sinh, mà tác giả của nó là người bệnh đang nằm trên giường. Ở thể loại tranh xé giấy, Hồng Lam cũng xoay quanh những đề tài nông thôn gần gũi, đó là con bò, là cánh lục bình, là những cánh hoa sen trong sáng bình minh rực rỡ. Năm 1991, sau khi được cứu bởi tranh xé giấy, bè bạn lại động viên Hồng Lam làm một chuyên đề về tranh xé giấy và ngay tức khắc lại thành một hiện tượng. Ông cũng là một trong những họa sĩ đầu tiên được mời đi triển lãm ở Singapore.

"Tôi có khủng hoảng... lành mạnh"

Hồng Lam là người không chịu dừng lại và lúc nào cũng đau đáu sáng tạo, làm mới mình. Ông có những khủng hoảng mà theo ông đó là khủng hoảng lành mạnh trong tâm hồn. Ông quan niệm mình đã ở một cái đỉnh nào đó thì không thể nhai lại mà phải tìm một cách sáng tạo khác mới hơn. Cứ như thế, trong khoảng 3 năm trở lại đây, ông vẫn sáng tạo môtíp tranh làng quê, nhưng phát triển lên ở dạng vẽ về nền văn hóa, miền văn hóa làm nên cái chất của văn hóa Bắc Bộ.

Bằng con tim nhạy cảm, những bức tranh dân dã được vẽ cách điệu ở tầm cao nhưng vẫn chuyển tải được cái thần thái, các yếu tố tâm linh, cái chất folklore. Nó không bê nguyên cảnh sinh hoạt hằng ngày như người ta sao chép cuộc sống, nó là cái mà Hồng Lam cảm nhận cuộc sống sôi động đẹp đẽ ngoài kia. Tranh của ông như một thiên đường đẹp đẽ tươi rói, riêng biệt không giống với bất cứ họa sĩ nào. Đó là một cuộc cách mạng cho tâm hồn mà không phải ai muốn mà làm được.

Sau này, Phạm Viết Hồng Lam nhận ra, cái làm nên tên tuổi ông chính là tâm thế hồn nhiên của trẻ thơ. Dù được một triệu phú Singapore mời sang định cư để vẽ, nhưng ông không muốn vì không thể xa không gian văn hóa của mình. Ông không thể có cảm xúc để vẽ nếu thiếu phong cảnh quê hương. Ông gần gũi với những làng quê có dây tơ hồng, có hoa mướp, có cánh cò, có cả mùi phân trâu ẩm mốc... Ông yêu tất cả những thứ đã làm nên tâm hồn những đứa trẻ quê và ao ước sống mãi với nó, để nó làm nên màu sắc tranh, hương vị tranh.

Cũng như những người sáng tác văn chương, người sáng tạo hội họa như Hồng Lam có miền yêu, miền ký ức, miền thương và cảm được một cách mãnh liệt. May mắn cho Hồng Lam là ông được đắm mình trong không gian làng quê từ thuở bé khá nhiều. Trong làng hội họa, ông không ảnh hưởng ai, mà ảnh hưởng bởi cách suy nghĩ của cha mình. Làng hội họa gọi ông là gã họa sĩ dũng cảm, không chỉ bởi ông trung thành với đề tài phong cảnh nông thôn, mà còn vì ông dấn thân cho một dòng tranh không hề bán chạy như những dòng khác. Ông vẽ bằng sự tươi tắn hồn nhiên chứ không có sự tính toán vặt vãnh trong đó. Nhắc lại điều này, Hồng Lam cười, một nụ cười bình thản như bức tranh quê yên bình.

Là người viết văn, tôi cũng ao ước mình có thể có khủng hoảng nào đó, ít nhất là để mình viết khác đi, ít nhất là để tạo nên một cái tên trong lòng bạn đọc. Khi nâng niu bức tranh của Phạm Viết Hồng Lam trên tay, với sắc màu tươi rói và sự hồn nhiên không mảy may tính toán, từng trải, tôi chợt nghĩ: Để có tác phẩm hay, người sáng tạo phải có tâm hồn không toan tính mà chỉ một lòng hướng tới NGHỆ THUẬT

Nguyễn Văn Học
.
.