Họa sĩ Phạm Bình Chương: Có một tình yêu mang tên Hà Nội

Thứ Ba, 22/09/2015, 11:59
Tôi vốn không phải là người thích tranh tả thực. Những bức họa còn “thật hơn cả thật” đôi khi làm tôi ngại. Có cảm giác như nó “bó cứng” trí tưởng tượng của tôi, tiêu diệt cảm xúc của tôi hơn là thăng hoa.

Với quan điểm của một công chúng thuần túy, không màng đoái hoài những kỹ thuật, kỹ năng hay trường phái này kia, càng không phải người làm nghề để phục nhau đường nét, bố cục hay màu sắc, tôi cho rằng, hội họa không nên làm thay công việc của nhiếp ảnh. Hội họa phải đủ sự bí ẩn để khơi gợi cảm xúc và trí óc của tôi, nó phải làm tôi xúc động.

Nhưng quan điểm đó của tôi đã bị xóa đi khi xem tranh hiện thực của Phạm Bình Chương. Chương đã cho tôi hiểu rằng, tôi thiên kiến. Một ý nghĩ ăn sâu trong trí óc một hôm bị đánh bật, bởi những bức tranh thoạt nhìn cũng rất nhẹ nhàng, của Chương. Những bức tranh tả thực về phố Hà Nội. Tôi đã nghe một tiếng nói cực kỳ đặc biệt trong tranh tả thực của anh, rằng không có một giới hạn nào cho nghệ thuật. Phương thức biểu hiện đơn thuần chỉ là sự lựa chọn phù hợp của người nghệ sĩ, nó không phải là thứ quyết định cảm xúc của người xem, bởi cái lõi của câu chuyện quan trọng nhất, là người nghệ sĩ biểu hiện như thế nào.

Phạm Bình Chương còn trẻ. Anh làm nghệ thuật thầm lặng, song song với công việc giảng dạy ở Trường Mỹ thuật. Ban đầu anh say mê với tranh trừu tượng, và có kha khá tranh vẽ theo lối này. Nhưng rồi thình lình anh chuyển sang tả thực. Và bất chợt phát hiện ra, chỗ của mình phải ở đấy. Chọn đề tài Phố Hà Nội để theo đuổi, Chương ít nhiều chơi trò đánh cược với bản thân. Trước anh và sau anh, có biết bao họa sĩ say mê đề tài này. Bao nhiêu tên tuổi sừng sững thành công trong vẽ Phố, Chương phải vượt qua, hay chí ít phải làm sao để khác biệt. 

Phạm Bình Chương chia sẻ: “Mình thực ra chẳng nghĩ ngợi nhiều đâu. Đầu tiên chỉ là vẽ những gì mình thân thuộc. Sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Gà, tuổi thơ và tuổi trẻ của mình gắn với từng con phố Hà Nội. Phố ở trong đời sống hàng ngày của mình, ở trong tâm hồn mình, và tất nhiên, là tình yêu của mình. Cứ vẽ thôi, trung thành với cảm nhận từ đáy sâu của mình về phố, để nó là của riêng biệt mình, không cần phải bắt chước ai, ảnh hưởng ai”.

Vì là tả thực, Phố trong tranh của Phạm Bình Chương thật đến nỗi ta có cảm giác như mình vừa nhìn con phố đó ở đâu đây, trên đường đi làm buổi sáng, hay vừa ngồi đó trà đá vỉa hè với bạn về. Những mảng tưởng rêu bong tróc, những vũng nước sau cơn mưa rào nằm lặng im soi bóng bầu trời, soi bóng chiếc ôtô sang trọng của một quý bà quý ông nào vừa đỗ ở đó. Những chiếc bạt màu xanh trước cửa hàng bán quần áo, dưới tán bàng vào thu lá vàng ruộm. Những ô cửa sổ cũ kỹ với lòa xòa tán cây hoa sữa. Những “tiệm” cắt tóc vỉa hè bình dân của người Hà Nội hay một cửa hàng sách cũ trên phố Tràng Thi… 

Những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội hoặc là sống lâu năm ở Hà Nội xem tranh của Phạm Bình Chương đều ít nhiều thấy chính cuộc sống của họ trong đó. Những không gian hay hình ảnh cực kỳ quen thuộc mỗi ngày họ đi qua, hít thở, yêu thương, buồn bã hay nhung nhớ. Dù cho không có chú thích nằm dưới mỗi bức họa, người xem vẫn cảm nhận rõ cái hồn của Hà Nội, cái “chất” đặc sệt Hà Nội trong tranh Phạm Bình Chương. Làm thế nào để có được điều đó?

Phạm Bình Chương nói, tất cả từ tình yêu Hà Nội trong anh. Tình yêu ấy không nói được bằng lời, không thể diễn tả nó hình thù ra sao, không gọi tên cho chính xác được. Nó nằm trong máu, trong tim, trong tâm hồn, trong mỗi buổi đi về trên ngõ phố, và nó được chuyển hóa sang tranh bằng màu và hình. Những vệt sáng xiên chéo  rất đặc trưng của những ngõ nhỏ Hà Nội. Chương lưu giữ những vẻ đẹp đã mai một dần đi, thậm chí đã mất đi rồi của Hà Nội. Cái tiệm sách cũ vào tranh của anh, ẩn giấu một câu chuyện văn hóa phía sau nó. 

Người chủ tiệm sách cả đời chỉ cho thuê sách cũ. Dẫu cho cuộc sống hiện đại có đổi thay bao nhiêu, hào nhoáng bao nhiêu, giá cho thuê nhà mặt phố có ngất ngưởng dường nào, người chủ tiệm vẫn giữ lề lối, nếp sống, nếp sinh hoạt, nếp kinh doanh cũ của mình. Con cháu trong nhà vẫn tuân theo nề nếp ấy, cho đến khi người cha mất đi, họ mới thay đổi theo thời cuộc. Bức tranh vẽ tiệm sách cũ thì còn đó, bảo toàn một giá trị văn hóa Hà Nội mà nhiều thế hệ đã thân thuộc, nhưng tiệm sách vào tranh thì thực tế đã mất đi rồi.

Tôi thích cách kể chuyện của Phạm Bình Chương trong tranh phố. Đầu tiên là chất thơ bảng lảng đâu đó, trong cách anh dùng màu. Tả thực mà giàu chất thơ không phải dễ. Cái chất thơ đó nó “cứu” bức tranh tả thực khỏi vẻ khô khan, gò gẫm, “nệ” thực mà rất nhiều họa sĩ theo trường phái này mắc phải, và đặc biệt nó cực kỳ phù hợp với phố Hà Nội. 

Tả thực mà gợi ra sự mơ màng, thơ mộng, sự xôn xao của nắng hè, sự hanh hao của gió thu, một chút buồn trong phố mùa đông, những mảng tường lở vôi nhiều tâm trạng, là ấn tượng đặc biệt có thể cảm nhận trong tranh của Chương. Nó nhắc rằng, người nghệ sĩ đã kỳ khu tỉ mẩn tả thực, nhưng thực ra đã “bay” trên hiện thực, đã vẽ trong sự xúc động mạnh mẽ về cảnh vật, trong một tình yêu sâu sắc phố phường Hà Nội nơi anh sinh ra. 

Tranh của Phạm Bình Chương có được sự phóng khoáng bản năng rất hiếm thấy ở các họa sĩ hiện thực khác. Anh không gò bó tư duy mình trong tranh Phố. Anh biểu đạt Phố theo đúng tâm trạng mình, thời đại mình, không “khư khư” bảo thủ giữ gìn những giá trị truyền thống một cách bắt buộc, khiên cưỡng.

Bên cạnh những vẻ đẹp đặc trưng Hà Nội như mái ngói cũ, phố nhỏ ngõ nhỏ, quán nước trà, gánh hàng rong, tiệm sách cũ, hình ảnh những chiếc xe ôtô sang trọng, những xe máy tấp nập trên đường, những nhà cao tầng hay đơn giản là chiếc bạt màu chói lóa trước những cửa hàng buôn bán tạo nên một sự tương phản đặc biệt trong không ít bức tranh.

Những cảnh trí ấy kể chuyện về một Hà Nội đang thở, đang thay đổi, đang lớn lên hay mất đi. Đôi lúc nó trò chuyện cùng nhau, thậm chí đối kháng, nhưng cơ bản là có sự chấp nhận nhau. Một tất yếu của đô thị hóa, của xu hướng đổi mới phát triển mà dù muốn hay không, đấy vẫn là con đường một đô thị phải đi qua.

Phạm Bình Chương sinh năm 1973. Anh biểu đạt Phố bằng con mắt của một họa sĩ thế hệ 7X, ngắm nhìn và lưu giữ truyền thống, nhưng cũng cởi mở với những giá trị mới đang hình thành, hoàn toàn để ngỏ cảm xúc cho người xem lắng nghe, chia sẻ, không cực đoan hay khó khăn. Cái tĩnh được đặc tả trong phần lớn tranh phố Hà Nội của nhiều họa sĩ lớn tuổi hơn Chương, thành danh hơn anh. 

Riêng Chương, tĩnh và động đều có cơ hội vào tranh của anh. Một cách tự nhiên như đời sống. Có lẽ vì thế mà tranh của anh toát lên sự gần gụi, được đông đảo công chúng quan tâm, yêu mến. Những ngày đầu thu, một trang mạng post lên một sê-ri tranh vẽ Phố của Chương theo lối tả thực, hoàn toàn bất ngờ về lượng view và chia sẻ chóng mặt sau đó. Thông thường, những gì liên quan đến hội họa được quan tâm theo góc hẹp, một nhóm độc giả đặc biệt. Hàng nghìn lượt chia sẻ, hàng nghìn comment và hàng trăm chia sẻ của độc giả cho thấy sự thích thú của họ với lối vẽ của Chương.

Trên trang cá nhân của họa sĩ, tới tấp những bình luận và tin nhắn của người xem. Gặp Phạm Bình Chương trong quán cà phê, anh cười rất tươi, đùa rằng tự dưng thấy mình được nếm mùi của các sao showbiz quá. Nhiều người muốn gặp anh trò chuyện, mua tranh, hay đơn giản là tỏ ý hâm mộ, yêu thích. Điều này quá bất ngờ với một họa sĩ mà nghề được xem là chính lại là nghề dạy học. Vẽ tranh là công việc, là đam mê, nhưng Phạm Bình Chương nói, anh không bao giờ “định” nổi tiếng.

Nói về chuyện nổi tiếng, về cái “Tôi” nghệ sĩ, thầy giáo họa sĩ chợt trầm ngâm. “Công việc giảng dạy có một cái hay cho tôi, là nó nhắc tôi đừng đặt nặng cái Tôi của mình trong nghệ thuật. Tôi cũng thường nhắc nhở các học trò của mình như vậy. Có một sự lầm tai hại là nhiều người nghĩ rằng đã làm một nghệ sĩ thì cái Tôi phải lớn, phải to đùng, thậm chí đến mức không ai có thể đo hay kiểm soát được nó. Thực ra không phải vậy đâu. Cái Tôi của nhiều nghệ sĩ mà chúng ta đang nhìn hàng ngày phần lớn là cái hình thức, cái vỏ bên ngoài, là sự cố gắng thể hiện ra đôi khi chỉ để mưu cầu sự chú ý của đám đông. Người nghệ sĩ thực không cần cái Tôi đó. Họ phải biết im lặng thậm chí vô danh. Họ cứ làm việc thôi, với cung cách nhìn thật sâu vào chính mình, gọi ra cho bằng hết những cái riêng biệt của chính mình, tận cùng mình, khi đó họ may ra mới đạt được một giá trị thực nào đó”. Nghề làm thầy cũng cho Phạm Bình Chương nhận diện rõ “những cái chết” trong nghệ thuật. Học trò của anh đều là những nghệ sĩ tương lai. Không hiếm người đã “chết” bởi ảo tưởng, bởi nôn nóng, bởi toan tính trước nghệ thuật.

Vậy điều gì cần trước tiên khi một người đứng trước ngôi đền nghệ thuật và định bước chân vào đó? Trong tinh thần của Phạm Bình Chương, trước khi nói đến tài năng, hãy nhìn về thái độ ứng xử của họ với nghệ thuật. Họ phải trả lời rành rẽ câu hỏi mình tìm kiếm gì trong ngôi đền đó. Hiểu rõ sự “vô tăm tích” của nghệ thuật để bình thản với con đường mình sẽ đi. Không chất lên nghệ thuật những gánh nặng tầm thường, không đánh đổi hay đánh tráo, người nghệ sĩ chỉ có một cách thôi là đối diện trung thực với bản thân mình.

Tôi nghĩ rằng tất cả những điều Phạm Bình Chương tin tưởng đó, anh đã biểu đạt trong mỗi bức tranh, mà dĩ nhiên, vẽ Phố, và vẽ theo lối hiện thực chỉ là một phần của câu chuyện. Anh mong muốn hội họa phải làm bớt đi những ý nghĩ cao siêu, bớt đi khoảng cách trong lòng công chúng, bằng việc người họa sĩ hãy biểu đạt một cách giản dị nhất có thể những suy ngẫm của mình. Một bức họa bao giờ cũng phải chứa nhiều hơn những thứ cơ bản tạo nên nó về mặt nhìn thấy, như màu, hình, hay bố cục, hòa sắc. Đằng sau những thứ đó cần phải có một sự run rẩy của trái tim người họa sĩ, hay nói khác đi là một tình yêu sâu sắc nằm ở đấy. Và phải như vậy thì mới có thể “chạm” vào cảm xúc của người xem…

Bình Nguyên Trang
.
.