Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền: Tình cha con

Thứ Tư, 28/08/2019, 14:19
Ngôi nhà không quá rộng, cũng chẳèng nhỏ, không tuyệt đối yên tĩnh, cũng chẳng lắm ồn ào, nhà của hoạ sĩ Nguyễn Thị Hiền nằm trong một con ngõ trên phố Trần Khát Chân (Hà Nội).

Ngôi nhà này được chị mua cách đây vài năm với ý định ban đầu là làm Nhà tưởng niệm cho cha  - nhà văn Kim Lân. Sau này, thấy xây nhà tưởng niệm cha ở làng Phù Lưu (Bắc Ninh) hợp lý hơn nên nơi đây chỉ để treo tranh của chị. Tuy nhiên tầng 4 ngôi nhà vẫn được trang trọng làm nơi thờ tự nhà văn của làng quê Việt.

1. Thường thì họa sĩ Nguyễn Thị Hiền sống ở Sài Gòn, đất phồn hoa đô hội nhưng thi thoảng chị lại trốn ra Hà Nội đóng mình trong gian phòng để vẽ tranh. Chị bảo, năm sau là kỉ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Kim Lân, nên chị muốn làm điều gì đó thật có ý nghĩa cho ông hay đúng ra là cho cả hai cha con. 

Ý tưởng vẽ 100 bức chân dung và những người bạn cùng thời sẽ triển lãm vào năm Canh Tý 2020, bây giờ chị đã đi được hơn một nửa chặng đường. Làm con một nhà văn có tài, lại nổi tiếng là quý bạn nên chị may mắn được tiếp xúc gần gũi với những cây cao bóng cả, cây đa cây đề trong giới văn học nghệ thuật nước nhà là những người bạn của cha mình: Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Ngô Tất Tố, Trần Dần, Văn Cao, Sỹ Ngọc, Bùi Xuân Phái... 

May mắn ấy không phải ai cũng có được. Và, giờ đây, sau biết bao nhiêu mưa gió và giông tố cuộc đời, những kỉ niệm trong veo từ bao  thập niên cứ hiện ra như mới ngày hôm qua.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và cha - nhà văn Kim Lân.

2. Nhà văn Nguyên Hồng là một người dí dỏm, ông thường vui chuyện nhớ về kỉ niệm ông Kim Lân đưa vợ đi đẻ. Vợ ông ôm bụng bầu to tướng, lặc lè đi qua đi lại chợ Giàu (chợ quê nức tiếng của làng Phù Lưu, Bắc Ninh). Ông Kim Lân hớt hải đi theo sau, cầm cái làn trong đó có vài ba cái tã và ấm phích.

Nhà văn Nguyên Hồng xăng xái đi theo để tò mò xem đứa bé trong bụng là trai hay gái. Nhưng vợ ông đến trạm xá chả buồn đẻ, bà đỡ lại phải cho về. Họ dắt díu nhau, cứ đi đi lại lại vài ba bận như thế. Các bà bán hàng ở chợ Giàu nhìn thấy thì khúc khích cười. 

Ông Kim Lân xấu hổ quay ra bảo: “Cười cái gì mà cười?”. Một bà nói với ra, chắc như đinh đóng cột: “Cái đứa bé trong bụng này bướng lắm. Nó không chịu ra đâu. Ông về nhà mà không lội qua ao và leo lên nóc nhà mỗi chỗ ba lần, thì không thể nào sinh ra đứa bé này được”. 

Chả dè, nhà văn Nguyên Hồng về quan sát thấy ông bạn mình ngó nghiêng một lúc không thấy ai liền lội qua ao và leo lên nóc nhà mỗi nơi ba lần như lời bà bán hàng ở chợ Giàu đã dặn. Mà, không ngờ sau khi ông Kim Lân làm theo lời bà bán hàng ở chợ thì lần này bà nhà ra trạm xá đẻ thật. Đứa bé đỏ hỏn, khóc oe oe ấy sau này chính là hoạ sĩ Nguyễn Thị Hiền.

3. Năm Nguyễn Thị Hiền lên 5 tuổi được nhà văn Nguyễn Công Hoan dẫn vào trường xin học. Thầy giáo đưa cho đứa bé quyển sách bảo: “Trò đọc chữ o, chữ a đi”. Đứa bé ngước mắt nhìn ông thầy, chẳng nói gì. Thầy lại bảo: “Trò có biết đọc không?”. Đứa bé vẫn im lặng, mắt mở trân trân nhìn người thầy tóc bạc trắng. Vậy là đứa bé này chưa biết đọc rồi, ông thầy đánh trượt.

Về nhà, nhà văn Kim Lân ngạc nhiên lắm, không thể hiểu nổi sao con gái yêu của mình lại không thể đỗ?! Ông hỏi rõ ngọn ngành, lúc ấy cô con gái mới bộc bạch, giọng đầy giận dỗi: “Con đã biết đọc hết cả quyển truyện rồi, thầy lại bảo con tập đánh vần chữ o, chữ a”. 

Thì ra là vậy, ông xoa đầu con và căn dặn đứa bé mấy hôm nữa lên trường phải thi cho tốt. Lần này nhà văn Nguyễn Công Hoan vẫn là người đưa đứa bé quay lại trường để thi. Sau khi giao đứa bé cho người thầy giáo già, ông đi ra ngoài.

Người thầy lại đưa quyển sách cũ cho đứa bé, bảo: “Trò tập đánh vần đi”. Đứa bé lần này không nhìn ông thầy già nữa mà rút phắt một cuốn sách đã để sẵn ở trong người ra đọc veo veo. Đó là truyện Kép Tư Bền. Người thầy nghe đọc một lúc thấy đứa bé vẫn say sưa liền bảo: “Thôi, trò không phải đọc nữa”. 

Lúc sau, nhà văn Nguyễn Công Hoan quay lại, vị thầy bảo với ông: “Trò bướng quá, tôi bảo trò đánh vần, mà trò lại rút truyện của anh ra đọc...”.

Một lần, người bạn của bố là chú Phùng Cung đến chơi, tặng cho đứa bé cá tính một con búp bê. Con búp bê trông yêu lắm, mái tóc vàng, đôi mắt xanh biếc, hàng mi cong vút và cái miệng chúm chím hồng. Mẹ liền đặt nó vào trong tủ kính và ngồi bán hàng. Các bà, các cô, trẻ em đi qua ai cũng trầm trồ, nhìn ngó. 

Chị Nguyễn Thị Hiền hướng ánh mắt xa xăm bảo: “Không ngờ cái lần nhận con búp bê của chú Phùng Cung là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, mình không bao giờ nhìn thấy chú ấy nữa”. 

4. Nhà văn Kim Lân là một người đa tài, chơi hoa, chơi chim, nặn tượng, vẽ tranh, yêu hội hoạ say đắm và mê mệt thi ca, nhưng ông chỉ có duyên với văn chương chứ không đến được với hội hoạ. Tuy nhiên tình yêu đó đã “lây” sang hai người con của ông nên sau này Nguyễn Thị Hiền và Thành Chương đều đi theo con đường hội hoạ và có những thành tựu đáng nể. 

Hoạ sĩ Nguyễn Thị Hiền là thiếu nhi trẻ tuổi nhất đoạt giải Hội hoạ quốc tế thiếu nhi. Những năm tháng chiến tranh, lúc ấy ở Hà Nội tránh máy bay Mỹ nên Trường Mỹ thuật cũng như bao ngôi trường khác sơ tán lên Đại Từ, Thái Nguyên. 

Một lần, khi ấy hoạ sĩ Nguyễn Thị Hiền đang chuẩn bị tốt nghiệp Trường Mỹ thuật thì bác Phạm Văn Đôn vào bảo: “Hiền ơi, cháu ra bố cháu gặp”. Chị chạy ra, nhìn thấy bố. Hai cha con lững thững đi bộ ra cánh đồng, trời chiều chạng vạng, tiếng ếch nhái râm ran. 

Nhà văn Kim Lân gương mặt phảng phất buồn bảo với con: “Ngày mai nhà trường sẽ công bố điểm thi. Bố biết con đi học bao giờ cũng đứng đầu lớp nhưng con nên nhớ trường sẽ cho con đỗ bét. Những bạn kém hơn con điểm vẫn cao hơn con. Học tài thi phận...”. 

Dặn dò con gái xong, ông đạp xe 70 cây số về Bắc Ninh. Con gái đứng nhìn cha khuất hẳn, không còn nghe tiếng nan xe lọc xọc nữa. Quả nhiên, mấy hôm sau, một người bạn gái chạy vào ôm lấy chị nói: “Hiền ơi, mày đỗ bét rồi, tao học dốt hơn mày nhưng điểm thi của tao còn cao hơn mày”. Người thanh nữ lạnh lùng bảo: “Tôi biết rồi”. 

Sau này khi sống ở TP Hồ Chí Minh, một hôm hoạ sĩ đang ở trong phòng thì thấy cánh cửa bật mở, nhà văn Kim Lân thở hổn hển bước vào. Quá giờ ăn, mâm cơm cũng đã dọn đi rồi, chị giật mình bảo: “Sao bố vào mà không báo trước cho con để con đi đón. Bố thích ăn gì không để con mua?”. 

Nhà văn bảo: “Con lấy cho bố ít tiền”. Chị chạy đi lấy cho cha một nắm tiền bảo: “Thế này đủ chưa ạ?”. Nhà văn cầm lấy số tiền con gái đưa, gật đầu bảo: “Đủ rồi”. Ông chả kịp ăn gì, nói với con gái: “Con chạy ra chợ mua cho cha nhiều quần áo ấm vào”. Nữ hoạ sĩ đi chợ lát sau mang về cho cha cả một bọc quần áo lớn. 

Ông trò chuyện với con gái một hồi rồi bảo: “Thôi, đặt vé để cha về Hà Nội luôn đây”. Hôm sau, đưa cha ra sân bay, hoạ sĩ trìu mến nhìn cha, người ông gầy gò bé nhỏ mà ôm một bọc quần áo to trĩu cả tay. Ông thở dài: “Những cái này không phải để bố dùng, mà bố đưa cho chú Nguyễn Hữu Đang, chú ấy cần hơn bố”.

Kể đến đây chị bảo, tính ông vốn vậy, rất chu đáo, khẳng khái và luôn hết mình với bạn bè. 

Trần Mỹ Hiền
.
.