Họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân – Phiêu lưu cùng phố

Thứ Ba, 25/12/2012, 13:45

Năm ngoái, nghe Nguyễn Ngọc Dân trình bày ý tưởng sẽ làm một triển lãm sắp đặt về chủ đề “Phố” khổng lồ nhất từ trước đến nay, với “chất liệu” là xe tải hạng nặng, xe cứu hỏa, xe tắc-xi, cột điện cao thế, loa truyền thanh và tất nhiên là rất nhiều dây điện nữa, cứ ngỡ Dân đùa. Nào ngờ Dân làm thật.

Và trước khi nói ra ý tưởng đó, chàng họa sĩ quê Hải Phòng đã âm thầm chuẩn bị cho triển lãm từ lâu. Anh đã bỏ ra 2 năm chỉ để đi tìm mua những cây cột điện cũ, con sứ điện và loa truyền thanh cũ. Đến xem Dân chuẩn bị cho ngày khai mạc triển lãm của mình tại  nhà triển lãm Vân Hồ không khỏi giật mình vì một cuộc triển lãm mỹ thuật lại có thể giống một “công trường” đến thế...

Nguyễn Ngọc Dân là kiểu nghệ sĩ thích ngẫm ngợi hơn là thích nói. Anh cứ im lặng làm việc, và thỉnh thoảng gây một cú sốc cho công chúng bằng những ý tưởng nghệ thuật độc đáo. Dân có lẽ là người đầu tiên ở Việt Nam, và cũng có thể là người đầu tiên ở châu Á, thành danh với tranh dây điện. Chỉ là vẽ dây điện thôi, nhưng tranh của Dân chuyển đi một tín hiệu rất đương đại, rất toàn cầu, khiến cả tây và ta đều thích.

Tranh dây điện của Dân có mặt trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, được mời đi triển lãm tại nhiều quốc gia châu Âu. Và lần này, cũng từ dây điện, Dân giải phóng và mở rộng biên độ cảm xúc của mình, không chỉ đơn thuần ở sơn dầu, bằng việc tìm tòi nhiều cách thể hiện mới, trong một cuộc chơi sắp đặt mà Dân tự hứa rằng khán giả đến với không gian của anh sẽ không thể không mãn nhãn.

Nếu công chúng đã từng ngạc nhiên khi vẽ tranh dây điện, Dân đã không dùng bút mà dùng que để vẽ, thì lần này công chúng sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa khi Dân “làm tranh” mà không dùng màu hay dùng bút. Trong những chiếc khung nhỏ hẹp về giới hạn, Dân mở ra mênh mông một không gian thưởng ngoạn bởi những bức tranh có thể xem cả hai mặt. Thậm chí khi khán giả nhìn vào bức tranh, họ cũng trở thành một phần của bức tranh ấy. Đó là những bức tranh được làm từ dây điện, con sứ thật, có khi là hình tròn, lúc lại hình vuông, hình tam giác, rất đa dạng.

Loa cây - tác phẩm trên gỗ của Nguyễn Ngọc Dân.

Ngay cả khi vẽ chân dung tự họa, Dân cũng thể hiện mình qua hình ảnh chiếc cột đèn giao thông một cách ấn tượng. Dân không ngại ngần đưa các vật liệu khác vào tranh dây điện của mình, như cồng chiêng, bóng đèn điện, chiếc rìu đá cổ, chiếc bình vôi...Tất cả để thể hiện cho một sự vang vọng của đời sống từ xa xưa đến hiện đại. Một sự kết nối lớp lang về chủ đề thông tin trong đời sống con người. Những bức tranh được sắp đặt trong triển lãm hầu hết là khổ lớn, có bức lên tới 220 x 500cm. Làm choáng ngợp độc giả về độ lớn của những bức tranh là một chủ đích của Dân. Nhưng choáng ngợp hơn nữa là rất nhiều hình khối được tạo thành bởi những cây cột điện mà Dân đã đổ rất nhiều tiền của, công sức để sở hữu nó, phục vụ cho ý tưởng nghệ thuật của mình.

Ngay lối vào không gian triển lãm, bên cạnh những chiếc xe ô tô đồ sộ, là kết cấu ba chiều của rất nhiều cột điện. Chúng như những xa lộ thông tin nói với ta về sự phức tạp của phố phường của một đời sống đô thị đang phát triển. “Cây thông tin” đổ dài chiều cao từ nóc nhà triển lãm xuống với hàng trăm chiếc loa truyền thanh cũ thực sự làm người xem “choáng” về thị giác. Chúng không ngừng truyền tới người xem những thông điệp phố phường, vừa nhiễu loạn vừa thú vị. Cũng từ vật liệu là chiếc loa truyền thanh cũ, công chúng không thể không dừng lại ở tác phẩm được kết hợp từ thân cây gỗ nặng hơn 2 tấn. Bằng cách nào đó, người nghệ sĩ đã biến thân gỗ đồ sộ ấy thành một cây âm thanh mềm mại với chiếc loa cũ xỉn màu thời gian như đang nở ra những dòng thác thông tin...

Triển lãm sắp đặt Phố của Nguyễn Ngọc Dân thực sự là một cuộc chơi của bố cục và hình khối. Mọi thứ được Dân đẩy đến giới hạn bởi kích cỡ, màu sắc, sự rối rắm và cả sự tối giản. Một cuộc chơi ngông, nếu nói vậy cũng không quá lời. Và nếu kẻ chơi ngông Nguyễn Ngọc Dân chỉ dừng lại ở câu chuyện hình khối, kích cỡ thì rốt cục anh cũng chỉ là kẻ khoe mẽ không hơn.

Chúng ta từng chứng kiến, sự điên rồ của kẻ làm nghệ thuật bất tài đôi khi chỉ là cuộc chơi tốn kém mà thu hoạch sẽ là một sự trống rỗng trong cảm nhận của công chúng. Nhưng rất may ở cuộc chơi này Nguyễn Ngọc Dân đã vượt qua sự choáng váng bề ngoài ấy. Những thông điệp, tín hiệu nghệ thuật anh muốn chuyển tải tới người xem có sức nặng hoàn toàn tương ứng. Một cuộc “làm lớn” có chủ đích, của một kẻ có tài và tự tin vào sức mạnh của mình. Vì lẽ đó, Phố là cuộc phiêu lưu của một kẻ sống chết với nghệ thuật, đắm đuối hết lòng với nghệ thuật.

Nguyễn Ngọc Dân cầm cọ đã lâu, nhưng anh vẫn là một họa sĩ thế hệ trẻ. Anh lớn lên ở một thành phố tỉnh lẻ và trưởng thành ở thủ đô. Tôi tin rằng Dân đã dành rất nhiều thời gian để ngẫm ngợi về phố, về ý niệm của sự đông đúc, náo loạn hay yên tĩnh. Dân đã chọn một góc nhìn phố theo cách riêng của anh, đó là nhìn lên cao. Đó là những cột điện và những búi dây, những biển hiệu nhà hàng, quán xá.

Và tại triển lãm sắp đặt lần này, Dân mang thêm ô tô vào câu chuyện Phố mà mình kể. Dân ít thể hiện hình ảnh người, như lẽ thông thường người ta hay nói đến để phân biệt khái niệm phố hay nông thôn. Vì con người là chủ thể biểu hiện cao nhất cho sự khác nhau về văn hóa, từ cái ăn, cái chơi, đến cái mặc. Nhưng Dân không chọn cách biểu hiện này. Không bóng dáng con người, song tác phẩm của Dân vẫn cho ta một cảm nhận xôn xao của đời sống. Ta nhìn những cột đèn đường lúc xanh lúc đỏ mà nghe được sự ồn ào, náo nhiệt của phố. Ta nhìn dây điện mà thấy được một xã hội đang bị bủa vây bởi những mạng lưới thông tin không biết đâu là đầu, đâu là cuối.

Không thể ngờ từ những dây, những loa, những cột điện, những thứ hết sức quen thuộc trong đời sống hàng ngày, Nguyễn Ngọc Dân lại có thể dẫn dắt chúng ta vào mê lộ của nghĩ suy và liên tưởng mạnh mẽ đến vậy. Trong không gian của Dân, thông tin và cảm xúc không còn bị giới hạn nữa, bởi anh là nghệ sĩ giỏi về khả năng “khuếch đại” tín hiệu nghệ thuật. Đẩy những đồ vật quen thuộc như loa, dây điện...thành những biểu tượng của thời đại thông tin, thì chỉ Dân mới có thể.

Những tưởng hội họa, mỹ thuật luôn là những bùng nổ mang tính cá nhân của người nghệ sĩ. Nó ít khi là câu chuyện mang đậm dấu ấn xã hội, dấu ấn thời đại như văn chương hay điện ảnh. Với Nguyễn Ngọc Dân điều này là không đúng. Bằng những tác phẩm nghệ thuật về chủ đề dây điện hay phố, anh đã khắc dấu ấn thời đại mình vào lịch sử mỹ thuật.

Xem tác phẩm của Dân, chúng ta buộc phải nghĩ ngợi không ngừng về đời sống đương đại mà mình đang trải qua mỗi ngày, ngay trong những năm đầu của thế kỷ XXI này. Một đời sống được tự do bởi thông tin, nhưng cũng bị lệ thuộc, chằng bíu, thậm chí trống rỗng, nhiễu loạn bởi thông tin. Con người ta vẫn đang phải cố gắng đi tìm kiếm chính mình, tìm lại chính mình trong xã hội bộn bề thông tin ấy.

Xem tác phẩm của Nguyễn Ngọc Dân, có lúc anh làm ta hoang mang vì những câu hỏi. Nhưng phần lớn Dân biết an ủi cảm xúc người xem thì đúng hơn. Chẳng hạn như với một cột bê tông khổng lồ kê trên hai trụ cũng bằng bê tông lớn, một cây đèn cao áp, loa truyền thanh và dây điện, Dân sắp đặt thành hình ảnh một cây đàn bầu. Trong không gian của Dân, rất nhiều bê tông, hình khối tưởng có thể “hù dọa” người xem bất chợt tan biến. Nghe như từng giọt âm thanh đang mời gọi cảm giác công chúng, mà thị giác dù có choáng ngợp đến đâu cũng phải nhường chỗ.

Ở một vài quãng nghỉ, Dân làm dịu cảm xúc của người xem bằng vài bức họa một ga tàu hoang vắng, đìu hiu cột đèn âm thầm cháy đỏ như vừa đưa tiễn hay đang chờ đợi bước chân người. Một vệt đường mờ xa với những ngọn đèn cao áp và cột cây số chỉ ra sân bay Nội Bài 7km. Hay một bức tranh với vô cùng rối rắm dây điện. Rối đến không thể rối hơn, cứ như chực làm loạn đầu óc người xem. Nhưng rồi cứ nhìn đến điểm giới hạn của nó, thật kỳ lạ, sự rối rắm đã nhường chỗ cho sự thư giãn, yên lặng, thảnh thơi. Người họa sĩ đã giải tỏa cảm xúc cho người xem, bằng chính tài năng, tình cảm của mình gửi gắm vào bức họa. Ai đó từng nói, dưới mỗi quyển sách là một quyển sách khác, thì cũng có thể nói, dưới mỗi bức tranh là một bức tranh khác. Nó mở ra vô tận trong tình cảm của người xem, bởi hơn cả tài năng, là tấm lòng của người họa sĩ. Ít ra là trong trường hợp của Dân.

Làm nghệ thuật phải có tài năng, điều chung nhất ấy ai cũng có thể nói. Nhưng kỹ lưỡng hơn, một người nghệ sĩ tài năng cần phải có ý tưởng nghệ thuật mới, lạ, độc đáo, thì mới có thể tạo ra từ trường thu hút sự quan tâm của công chúng. Nguyễn Ngọc Dân là kẻ táo bạo trong nghệ thuật. Anh rốt ráo với chính mình và luôn hướng đến sự đặc biệt. Khi đã tìm ra một ý tưởng, anh đeo bám và kiên trì với ý tưởng của mình, tìm kiếm những cách thể hiện mang đậm dấu ấn cá nhân.

Với Phố, Dân thực sự bước vào một cuộc chơi nghệ thuật tốn kém. Dân đi xe máy cà tàng, áo quần tuềnh toàng, để dành tiền bán tranh phục vụ triển lãm tiền tỉ này. Dân cầu kỳ và trung thành với ý tưởng độc và lạ từ “chiếc” giấy mời xem triển lãm. Chưa từng có ai in giấy mời triển lãm mỹ thuật trên gốm sứ Bát Tràng, đẹp và thẩm mỹ như Dân.

Anh thậm chí còn đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ cho “sản phẩm” giấy mời bằng gốm sứ của mình. Dân “điên” hết mình khi sáng tạo, còn lúc chuẩn bị cho triển lãm, anh lại dùng cái đầu lạnh, và xem chừng cả sự tính toán của một nhà kinh tế nữa, để mọi thứ được diễn ra hiệu quả và hoàn hảo nhất. Với Dân, nghệ thuật phải là tận cùng, không có sự nửa vời và không thể nửa vời. Anh rất khó chịu nếu chỉ là một khiếm khuyết nhỏ. Sự cầu kỳ sốt ruột ấy, xét đến cùng, cũng bởi bắt đầu từ tình yêu quá lớn Dân dành cho nghệ thuật và cho công chúng của mình

B.N.T.
.
.