Họa sĩ Lê Trí Dũng: Tài hoa ra trận, tài hoa đời

Chủ Nhật, 10/05/2015, 23:02
Tháng 4, cận ngày đại lễ, họa sĩ Lê Trí Dũng cùng đồng đội trên một chuyến xe, hành quân về chiến trường xưa. 40 năm tròn sau ngày 30-4 lịch sử, những chàng trai đương tuổi thanh xuân thuở ấy, ngơ ngác và chộn rộn giữa một thành phố Sài Gòn vừa giải phóng, giờ đều đã đủ đầy danh phận, thành ông nội ông ngoại, chầm chậm đếm bước, hồi tưởng kí ức mình.

Xếp gọn bảng màu giá vẽ, rời xa giảng đường đại học, xung trận đúng lúc cuộc chiến vào hồi cam go ác liệt nhất, vẹn nguyên trở về như một phép nhiệm màu của số phận, họa sỹ Lê Trí Dũng đã sống tiếp phần đời hòa bình nhọc nhằn hào sảng không chỉ cho cá nhân, mà còn thay cả muôn vàn người lính đã nằm lại dọc đường. 

1. Tóc loăn xoăn, gương mặt còn lưu đường nét khôi ngô thời giai trẻ, phong độ và nhanh nhẹn hơn nhiều so với tuổi đã quá 60 từ lâu, họa sĩ Lê Trí Dũng men theo những bậc cầu thang nhỏ hẹp chứa đầy sách, dẫn khách lên xưởng vẽ cũng là không gian chất đầy kỷ vật chiến trường của ông.

Một góc trang trọng trong căn phòng rộng thênh đậm màu thời gian được sắp đặt ngay hàng thẳng lối những bi đông lính Mỹ, bi đông lính Việt, võng dù, giày bốt cao cổ, mũ sắt, dép cao su, túi đeo vai, thùng đạn..., cả những bức tượng gỗ tuyệt đẹp do người dân Lào tặng bộ đội ta, tất cả đều là sự gắng công hiếm có mà Lê Trí Dũng góp nhặt, thu vén nâng niu dọc đường hành quân, sau những trận đánh mịt mùng khói lửa.

Được thừa hưởng thú chơi đồ cổ của cha, họa sỹ Lê Quốc Lộc, một trong những họa sỹ của thế kỉ XX được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật ngay đợt đầu tiên - năm 2000 - Lê Trí Dũng đã kì khu sưu tầm, như một cách thư giãn giữa lằn ranh sinh tử, và sau 40 năm hậu chiến, những vật dụng nằm lòng với người lính cả đôi bên chiến tuyến đã thành gia tài vô giá để người hôm nay nhắc về năm tháng cũ, như cách mà ông tự bạch trên trang cá nhân: “Góc khuất của người lính! Ngôi nhà Hòa Hợp. Tại đây, ta có thể gặp các loại bi đông từ to nhất là K3 của đặc chủng xe tăng, đến bi đông Trung Quốc, Liên Xô, Mỹ... Rồi những chiếc mũ sắt của Việt Nam cộng hòa, của Mỹ... Bìa phải là một chiếc mũ sắt lủng nhiều lỗ của AK 47. Rồi hòm đạn đại liên (tôi dùng để bảo quản phim ảnh). Bao đạn các loại, ba lô lính Mỹ và Việt Nam cộng hòa... Đôi giày trận của đặc nhiệm Mỹ và đôi dép đúc, còn gọi là dép râu thân thương... Chiến trường thế đấy!”, là sự ám ảnh thôi thúc, là những dằn vặt suy tư chưa một khoảng lặng nào yên, là nỗi nhớ đứt đoạn và cả sự gấp gáp của từng giây phút sống Lê Trí Dũng luôn chiêm nghiệm, sống cho mình, sống cho cả  những đồng đội đã “mãi mãi tuổi hai mươi”.

Tháng 12/1971, đang làm bài thi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu, Lê Trí Dũng nhập ngũ theo lệnh tổng động viên. Một thế hệ “tài hoa ra trận” vào đúng tháng ngày nóng bỏng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã khiến nhiều người sau này giật mình vì những tổn thất, mất mát không dễ gì bù đắp, gây dựng lại. 

Xuất thân là lính bộ binh thuộc Sư đoàn 338 Quân khu Thủ đô, kinh qua chiến trường Quảng Trị không hề hấn gì, đến khi cùng đoàn quân thắng trận tiến tiếp vào Nam thì chàng binh nhì Lê Trí Dũng được gọi trở lại, trở thành học viên được đào tạo tại Trường Hạ sĩ quan tăng thiết giáp. Cơ duyên đẩy đưa người họa sỹ vốn sở trường lãng mạn trở thành lính xe tăng, chuẩn bị cho đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn năm 1975.

Ngày 30/4/1975 cùng đơn vị tiếp quản thị xã Phan Rang, sang ngày 1/5 có mặt ở Sài Gòn, tâm trạng của những người lính như Dũng lúc ấy, không hẳn hân hoan niềm vui chiến thắng, không ra nỗi xao xuyến vì ước mơ hòa bình đã thành hiện thực, mà đơn giản chỉ là sống rồi, là không còn bom rơi đạn nổ, không còn đổ máu, nỗi lo sợ cái chết đã lùi về dĩ vãng. Sau một đêm, sau ít giờ đồng hồ, cảm thức của người lính hừng hực khí thế ra trận, coi tính mạng nhẹ tựa lông hồng đã ngoặt sang một sự thay đổi quá lớn lao.

Được trải nghiệm giấc mơ mở mắt ra thấy hòa bình, chiến tranh đã chấm dứt, nên sau này những bon chen phận số, những gắt gao tranh giành chụp giựt là điều Lê Trí Dũng và đồng đội ít đoái hoài tới. Dẫu có lúc có đoạn nào ai đấy buồn rầu oán thán vì lỡ một cơ hội làm quan, lỡ thời cơ thành anh hùng, tất cả cũng lại thoáng chốc thành vui, lập tức chuyển sang phấn chấn vì biết rằng, mình may mắn hơn rất nhiều những người A, người B..., những người đồng ngũ cùng đơn vị đã không thể trở về vào giây phút lặng thinh tiếng súng.

2. Trở thành lính như sứ mệnh, điều tất yếu của “trai thời loạn”, hết chiến tranh nhẹ tênh quay lại công việc thường ngày, Lê Trí Dũng rời cây súng cầm bút vẽ, điều mà trong những khoảnh khắc nhất định, anh đã âm thầm thực hiện ở chiến trường. Nhiều kí họa chiến trường của Lê Trí Dũng từ trước 1975 được lưu lại, phát lộ nét tài hoa chuẩn mực của một họa sỹ con nhà nòi được đào tạo bài bản. Làm lính bộ binh rồi lính tăng thiết giáp, dẫu vậy mà dọc đường hành quân, dừng chân ở đâu là anh cũng có thể cầm bút lên vẽ luôn tại chỗ.

Chuyến hành hương về nguồn lần này, Lê Trí Dũng lên kế hoạch tìm cho ra em bé Triệu Phong, nhân vật của một kí họa ấm áp, đầy tươi sáng tại Quảng Trị năm 1973. Cậu bé với ước mơ “lớn lên cháu sẽ đi bộ đội thiết giáp giải phóng Quảng Trị” nếu còn sống, cũng xấp xỉ 50, và thời gian không hiểu sẽ làm phận sự của một người môi giới tốt lành hay rủi ro định mệnh, Lê Trí Dũng rất lạc quan hồ hởi với những cuộc kiếm tìm ngập tràn hy vọng. Mãi sau này đã thành danh, mảng hội họa về đề tài chiến tranh vẫn là thế mạnh đặc thù, làm nên sự khác biệt của Lê Trí Dũng, bên cạnh sự khác biệt về tranh ngựa, để rồi trong giới mỹ thuật và bạn bè thân quen ghép luôn tên anh thành Dũng “ngựa”.

Ký họa chiến trường của họa sĩ Lê Trí Dũng.

Năm 1978, sự chào đời của người con trai đầu lòng làm hồi sinh xúc cảm nghệ thuật của Lê Trí Dũng, anh bắt đầu vẽ những bức tranh ngựa đầu tiên và định danh mình trong mảng màu có một không ai, không hề lẫn lộn đụng hàng giữa đời sống mỹ thuật hiện đại. Lạ một điều dù được cách điệu, dù chỉ là đôi nét xuyến qua, dù mảng màu rực hay trầm buồn đen trắng thể hiện trên giấy dó, giấy điệp hay đơn thuần bút sắt trên giấy báo, tranh ngựa Lê Trí Dũng làm gờn gợn cảm giác ông đang tự họa chính ông.

Một sự khoáng đạt u uẩn, một đôi mắt sáng thiện lương và mái đầu bờm xờm không ngăn nắp, thần thái hình hài cốt cách tinh thần Lê Trí Dũng phả hết vào những con ngựa muôn hình vạn trạng lúc nào cũng một tư thế xông lên phía trước. Tranh ngựa mang đến danh vọng tiếng tăm, cả tiền tài, Lê Trí Dũng thú nhận vẽ ngựa và bán được rất nhiều, tức là con người họa sỹ hiện thân qua tác phẩm đã lập tức tìm được sự đồng cảm ở khắp nơi.

Vốn con nhà nòi gia đình căn cốt, xưởng vẽ còn trang trọng treo bức ảnh Bác Hồ tới thăm gia đình ông ngoại năm 1962, họa sĩ Lê Trí Dũng có nền tảng văn hóa và trải nghiệm đời sống được trui rèn từ bé. Vậy nên không chỉ vẽ, anh còn có tài văn chương viết lách, điều không hẳn là nhiều trong giới mỹ thuật. Một nỗi nhớ chiến trường, nỗi hoài niệm đồng đội, sự hoang mang khó đoán định về cậu bé Cửa Việt năm xưa hay những bất an nhói đau về các khúc đoạn đời thường mỏi mệt cũng có thể khiến Lê Trí Dũng bật ra thành câu chữ, hình thành nên một bài báo, một tản văn đầy suy tư và đậm dáng vóc cá nhân.

Vui đấy cười đấy mà canh cánh nặng lòng ngay đấy, Lê Trí Dũng từng có rất nhiều “những hòn cuội nhặt dọc đường hành quân”, như tên một tập tạp văn của anh, và thêm nữa “những hòn cuội nhặt dọc đường” gió bụi, như một bộ sưu tập bằng văn bản những kí ức của người lính 40 năm rời xa trận mạc nhưng chưa phút giây nào nguôi ngoai nỗi nhớ, lãng quên đồng đội, hay xao nhãng ám ảnh chiến trường.

40 năm sự kiện thống nhất đất nước, Lê Trí Dũng cùng đồng đội mình, những người lính tăng thiết giáp, mà rất nhiều trong số đó có tên trong sách giáo khoa lịch sử, lại gặp nhau, nhắc nhớ từng trận đánh, rưng rưng với sự hy sinh ngay trước thời khắc hòa bình của những người lính trong đội quân xe tăng, hoặc tự xuất bản miệng đính chính lại một chi tiết sự thực khác xa hình tượng, hoặc đơn giản hơn, là vui, là mãn nguyện, là khôn nguôi mừng vì ô hay, mình vẫn còn được sống đến ngày hôm nay, được ôm cháu ngoại bé bỏng trên tay mà thấy cuộc đời, đâu còn cần gì hơn để mà đòi hỏi, vơ vào cho nặng lòng nhọc bước...

Ngô Hương Sen
.
.