Họa sĩ Lê Tiến Vượng và cuộc chơi “Đa di năng” trong nghệ thuật

Chủ Nhật, 03/11/2013, 14:54

Tự nhận mình là một họa sĩ “thị trường” đúng nghĩa, nhưng khi trò chuyện với Lê Tiến Vượng, tôi không thấy anh thị trường chút nào. Anh hồn nhiên, chân tình. Và nói về nghệ thuật thì say mê như lên đồng. Nghe kỹ câu chuyện của anh thì có thể hiểu, hai chữ thị trường mà anh muốn nhắc tới, chính là sự thấu hiểu đến đáy nhu cầu của người thưởng thức nghệ thuật. Một khi người làm nghệ thuật đã hiểu được mong muốn của công chúng, họ sẽ có nhiều công chúng.

Lê Tiến Vượng là một họa sĩ được biết đến từ lâu, ở nhiều góc độ. Anh là họa sĩ đa di năng, không chỉ được yêu thích với tranh sơn dầu hay bột màu, mà còn được biết đến như một họa sĩ minh họa trên rất nhiều ấn phẩm báo chí lớn. Nhưng có một mảng anh thực sự là của hiếm, là cái tên không thể không nhắc đến như là những người hàng đầu, đó là đồ họa.

Anh có biệt danh là Vượng “logo” vì số lượng logo anh đã làm cũng như số lượng giải thưởng anh giành được trong địa hạt này khiến cho những người làm nghề cũng phải có lúc ghen tị. Các tác phẩm đồ họa của Lê Tiến Vượng có một ưu điểm nổi bật là rất dễ xem, dễ nhìn, dễ nhớ, không bao giờ có một nét thừa. Khả năng mạch lạc, khúc chiết trong tư duy, trong phong cách làm logo của anh luôn chinh phục được những nhà lãnh đạo, những nhà quản lý khó tính nhất.

Khi bạn tới một nhà máy, bệnh viện, xí nghiệp, thậm chí nhà hàng ăn uống, shop thời trang... hãy chịu khó nhìn vào logo của địa chỉ đó. Nếu bạn thấy nó có một sự khúc chiết, hợp lý, và nhất là thấy cả chất thơ trong đó, thì rất có thể đó là logo do họa sĩ Lê Tiến Vượng vẽ. Vì Lê Tiến Vượng không chỉ là một họa sĩ, anh còn làm thơ rất hay.

Nói về chất thơ trong những sản phẩm đồ họa, Lê Tiến Vượng chia sẻ: “Tôi quan niệm một tác phẩm đồ họa cũng giống như một bài thơ vậy. Ngoài vấn đề kỹ thuật, người họa sĩ phải nhìn thấy góc độ thi vị nhất của sản phẩm, và làm thế nào để người xem cũng cảm nhận thấy sự thi vị đó. Đồ họa không phải là cái gì khô cứng, công nghiệp như người ta hay nghĩ. Nó phải rất sinh động, có hồn”.

Chùa quê.

Đồ họa cũng là một công việc đã giúp Lê Tiến Vượng thay đổi cuộc sống.  Ai nói người nghệ sĩ phải sống nghèo, thì với Lê Tiến Vượng không phải vậy. Ai nói nghệ thuật không thể mang tới cho người nghệ sĩ một sự sung túc, thì với Lê Tiến Vượng không phải vậy.

“Tôi là kẻ thực ra không biết làm việc gì khác ngoài nghệ thuật. Nhưng nghệ thuật đã cho tôi không chỉ những giá trị tinh thần, mà cụ thể hơn là cả nhà lầu xe hơi nữa. Vậy thì câu chuyện ở đây chỉ là vấn đề chúng ta phải hiểu thị trường nghệ thuật và đưa được những gì chúng ta lao động, suy ngẫm vào trong đời sống công chúng”.

Câu chuyện thị trường đúng là còn khá xa lạ với phần đông người làm nghệ thuật ở ta. Hầu hết họ mới chỉ nghĩ đến việc sáng tạo, mà chưa nghĩ đến việc những sáng tạo của mình góp mặt thế nào trong đời sống, phục vụ thế nào cho công chúng. Hoặc nếu có thì phải nhờ đến một khâu trung gian nào đó. Lê Tiến Vượng tự làm “ông bầu” của chính mình. Anh nhạy cảm, tỉnh táo.

Khi làm nghệ thuật thì đắm đuối hết mình, nhưng anh cũng biết đứng xa con người nghệ sĩ của mình ra một chút khi cần thiết, để hiểu về thị trường, công chúng. Suy nghĩ của anh rất giản dị nhưng cũng rất thức thời, là nghệ thuật phải đến và nằm trong công chúng. Những giá trị đẹp, những giá trị tốt phải được nhiều người biết đến nhất. Đôi khi anh ở trong vai trò “người bán hàng”. 

Và anh có một khả năng thuyết phục rất lớn đối với khách hàng của mình, những nhà quản lý, những ông chủ, những người có ý định sử dụng nghệ thuật trong đời sống và công việc của họ. Bởi thế, không chỉ có những hợp đồng làm logo, áp phích đủ để “làm không hết việc”, họa sĩ Lê Tiến Vượng còn là họa sĩ bán tranh hội họa tốt. Riêng mảng tranh minh họa trên báo, anh cũng là người có số lượng tranh minh họa kỷ lục.

Họa sĩ Lê Tâm từng viết về Lê Tiến Vượng: “Lê Tiến Vượng, đến từ Lĩnh Nam. Đất này vốn nhiều tay quái. Cao như tài tử xi nê, tóc lúc dài lúc ngắn không ổn định. Lê Tiến Vượng là thiết bị “đa năng” bốn mấy năm nay vẫn “chạy tốt trong mọi thời tiết”. Thể loại bản thảo gì cũng “ok”, “đong” tất. Mọi đề tài, lứa tuổi, vẽ loại nào ra loại ấy, không lẫn vào đâu được”.

Còn họa sĩ Nguyễn Đăng Phú thì nhận xét: “Trong lĩnh vực tranh minh họa trên báo, muốn có nhiều đơn đặt hàng thì phải có phong cách riêng, phải nhanh. Lê Tiến Vượng có được cả hai điều đó. Anh năng động, nhạy cảm, luôn biết chiều chuộng độc giả của từng tờ báo, lại là người có kỹ thuật tốt, có phương tiện, nên anh luôn sẵn sàng làm việc trong mọi tình huống. Điều nữa, là khi vẽ minh họa trên báo, dù vội đến bao nhiêu, Vượng bao giờ cũng đọc bản thảo. Dù đó là một truyện ngắn hay bài thơ, bài báo, anh đều đọc kỹ. Đọc để vẽ cho đúng tinh thần, câu chuyện, nâng câu chuyện đó lên. Anh làm nghề có tâm. Anh hiểu được rằng một bức minh họa dù nhỏ, nhưng nó rất quan trọng. Nó không chỉ phục vụ một độc giả mà phục vụ hàng vạn độc giả”.

Sau nhiều năm làm nghề, lần đầu tiên họa sĩ Lê Tiến Vượng tổ chức một triển lãm cá nhân. Một câu chuyện của riêng anh về hội họa, tại 16 Ngô Quyền Hà Nội. Câu chuyện anh kể thật đặc biệt. Nó là hai mảng lớn trong đời sống nghệ thuật của anh, như cách anh gọi, quê và phố. Quê, chính là 30 bức hội họa bằng các chất liệu sơn dầu, thuốc nước, phấn màu, bột màu...

Những bức họa về quê hương làm lòng người xem như dịu lại. Một sự níu giữ của người họa sĩ, về những vẻ đẹp đang dần mất đi. Những bến nước, dòng sông, đường làng, ngõ xóm, cây đa, sân đình. Những hình ảnh quen thuộc mà trong tâm hồn bất kỳ ai cũng có. Nhưng khi vào tranh của Lê Tiến Vượng nó đầy ắp tình cảm. Nó khiến người ta phải tiếc nuối, nương nhờ, gìn giữ.

Đúng như tâm trạng của anh khi tâm sự về những vẻ đẹp đang mất: “Giờ nhìn đâu cũng thấy bê tông hóa với nhà ống. Tôi vẽ làng quê với những cảnh sắc mộc mạc giản dị nhất, để gửi gắm một thông điệp rằng chúng ta đừng đánh mất mà hãy giữ gìn những vẻ đẹp hồn cốt của quê hương”.

Đứng trước những bức tranh làng quê của Lê Tiến Vượng, tôi thấy như mình đang trong từ trường của sự tưởng nhớ. Tưởng nhớ về những gì sâu thẳm trong tâm hồn người Việt. Những gì còn lại rất mong manh nhưng nó lại có sức mạnh bền sâu, gốc rễ. Một mảnh hồn làng đang rời bỏ, hay đang trở về, trên chính những sắc màu, bố cục trong tranh vẽ của Lê Tiến Vượng.

Nhưng Lê Tiến Vượng cũng không để người xem bồi hồi lâu quá. Anh vốn thông minh trong việc làm cân bằng, hài hòa cảm xúc của công chúng. Anh kéo người xem sang một góc khác của triển lãm. Ở đó, là những gì hiện đại nhất, đương thời nhất. Những tác phẩm đồ họa như là gương mặt của một đời sống đô thị đang phát triển. Nó không chỉ kể những giá trị truyền thống được kết tinh, mà nó kể về sự tiếp nối, sự phát triển.

Một câu chuyện xã hội rất sâu sắc, thông qua những những tác phẩm đồ họa, những logo. Người nhìn logo đơn giản có thể sẽ nói, ồ, có gì đâu, chỉ là những nhãn hàng. Nhưng thực ra không phải vậy. Mỗi logo của anh là một bài thơ, một sự suy ngẫm về một giá trị nào đó, dù có thể những giá trị đó người làm kinh doanh gọi nó là “nhãn hàng”.

Khi nhìn vào hàng trăm logo của anh đã làm, chúng ta nhìn thất ở đó một câu chuyện về sự thay đổi của xã hội. Người Việt mình đã bước từ quê ra phố như thế nào. Hay nói khác đi, đã thay đổi theo cách chuyên nghiệp như thế nào để đi trong lòng thế giới. Xét cho cùng, ngay cả những bức tranh làng quê của Lê Tiến Vượng cũng chính là một logo quan trọng và cần thiết trong tâm hồn mỗi người Việt Nam, trong hành trình đi về phía trước.

Ít ai biết rằng trước khi làm hội họa chuyên nghiệp, Lê Tiến Vượng là một người lính. Cuộc đời anh đã trải qua nhiều gian nan vất vả. Nhưng nghĩ lại những tháng năm phục vụ trong quân ngũ, Lê Tiến Vượng luôn bâng khuâng, bồi hồi. Chính quân đội đã tôi rèn và cho anh cơ hội được thể hiện bản thân mình trong nghệ thuật, khi anh mới chỉ là một chàng trai trẻ học trung cấp mỹ thuật.

Anh vẽ tranh cổ động, tham gia vào các hoạt động văn nghệ sôi nổi trong trung đoàn, sư đoàn nơi anh đóng quân. Anh đã gặp được những vị chỉ huy tình nghĩa, có con mắt xanh để nhìn thấy tiềm năng của một anh lính trơn, được sống trong đậm đà tình đồng đội. Rời quân ngũ Lê Tiến Vượng dường như đã trở thành một người nghệ sĩ thực sự.

Anh đã không thể ở lại, đi học sĩ quan, phục vụ lâu dài cho Quân đội. Chỉ vì anh nghĩ anh phải trở về đời sống, vẫn đi học nhưng phải lăn lộn với cuộc đời để kiếm tiền, thay đổi cuộc sống của gia đình, bởi hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Anh làm việc ở Nhà máy Thực phẩm Hà Nội một thời gian ngắn. Ở đâu anh tới thì phong trào văn nghệ ở đó “lên như diều”.

Và lòng đố kỵ anh cũng gặp ít nhiều tại đó. Lê Tiến Vượng quyết tâm đi học. Anh thi đậu vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và vừa học nghề vừa vẽ tranh. Lê Tiến Vượng nhớ lại, bức tranh đầu tiên anh vẽ phố Bạch Mai, có người mua với giá tiền tương đương một cây vàng. Lần đầu có số tiền lớn thế, anh dùng để giúp đỡ các em, cha mẹ. Thì ra người ta có thể sống được bằng nghệ thuật - lần bán tranh đầu tiên đã mang tới cho anh ý nghĩ ấy.

Anh hăng say vào việc vẽ, chưng cất tất cả xúc cảm của mình để đổ lên giá vẽ. Rồi sự tưởng thưởng thật quý giá. Anh có thể sửa nhà cho cha mẹ, mua xe máy ở cái thời rất nhiều người chưa có khái niệm về xe máy. Cuộc sống khá dần lên, cũng bởi sự ban thưởng của nghệ thuật. Lê Tiến Vượng ý thức được sâu sắc rằng, càng cẩn trọng, hết lòng, đắm đuối, dấn thân, toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật, càng được nhận những món quà xứng đáng...

Không ít người quan niệm, đồ họa không phải là nghệ thuật. Nó không thể đại diện cho những câu chuyện đúng nghĩa của nghệ thuật. Lại cũng có người khuyên Lê Tiến Vượng hãy chuyên tâm vào mảng hội họa. Vì đó mới là câu chuyện còn lại cuối cùng của người họa sĩ. Chia sẻ về điều này, Lê Tiến Vượng cười rất vô tư. Một ánh nhìn rất trong sáng đủ để ta tin vào một sự hồn nhiên, giản dị của anh trong quan niệm về nghệ thuật. Rằng, hãy làm việc ngay cả với một đơn đặt hàng nào đó, bằng một tâm hồn bay bổng nhất của một người nghệ sĩ. Hãy sáng tạo không biên giới, dù chỉ là trên một chiếc logo, hay một bức minh họa nhỏ. Sau những tính toán cần phải có về mặt kỹ thuật, là câu chuyện tự do của người nghệ sĩ.

Cống hiến là khi anh không ràng buộc mình vào câu chuyện vật chất. Ngay cả tiền cũng chỉ là câu chuyện đến sau, khi đã lao động và đam mê đến đáy. Bởi vậy, Lê Tiến Vượng chẳng dại gì mà không đi bằng cả hai chân: hội họa và đồ họa. Anh đang thành công trên cả hai lĩnh vực đó...

Bình Nguyên Trang
.
.