Họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm: Trốn nỗi buồn thôi…

Thứ Ba, 25/03/2008, 14:15
Hoàng Hồng Cẩm khật khưỡng, nhỏ thó giữa những người mới quen tại một không gian lịch lãm, yên ả. Ánh mắt lờ đờ, thoáng chợt sáng rỡ, tinh anh, khi Cẩm lên đồng, gõ bát, ngất ngư lẩy những câu quan họ bằng chất giọng man dại, khiến thính giả tại chỗ thoắt chốc ngây người...

1. Anh còn son, em vẫn còn son. Ước gì ta được làm con một nhà. Em về thưa mấy mẹ cha... Cẩm vang, rền, nền, nẩy, luyến láy ngân nga như một liền anh đích thực. Chỉ khác là, Cẩm đơn phương làm nên một canh hát nguyên sơ, không cần thêm bất kỳ liền chị nào đối đáp... Cái máu xướng ca của một gã trai nguyên quán Kinh Bắc quyện chặt, neo vào Cẩm cả trăm làn điệu cổ của quê hương.

Ngưng quan họ, Cẩm tưng tưng hát chèo. Liêu trai, đắm đuối, nhừa nhựa, tưởng như anh đã thoát khỏi những ràng buộc với môi trường xung quanh, tự ru hồn vào một thế giới riêng mông mênh xa vắng. Nhưng không, Cẩm luôn ý thức được mình đã gây ấn tượng thế nào tới những người đang ngơ ngẩn dõi theo từng hành động bột phát rất khó đoán định của anh...

Cẩm thăng, múa máy với quan họ và chèo, anh khiến người ta phút chốc quên mất cái danh xưng họa sỹ đã làm nên một Hoàng Hồng Cẩm khó bị lẫn lộn giữa những người tài hoa cùng thế hệ... Cẩm sẵn lợi thế một lý lịch đạo mạo, căn cơ, dễ làm quen, dễ kết bạn, dễ được nhắc tên...

Anh là con trai danh họa Hoàng Lập Ngôn, chủ soái trường phái tướng tinh họa độc đáo, lại là con rể Giáo sư, nhạc sỹ Chu Minh, tác giả những khúc tráng ca nổi tiếng và quen thuộc: "Người là niềm tin tất thắng", "Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam"…

Được gia đình cho ăn học đàng hoàng, dạy dỗ chu đáo, Cẩm có thể đệm piano và hát như một lãng tử đầy chất chơi... Xác định được cái nhân cách độc đáo của mình, Hoàng Hồng Cẩm cũng thường trực những kiểu chơi chẳng chịu giống người, khó ép vào khuôn phép.

Chả ai động chạm, Cẩm đương dưng ôm mặt khóc nức, rồi nuốt nước mắt, nghẹn ngào đẩy đưa một vài ca khúc của Trịnh Công Sơn: Ôm lòng đêm, từng vầng trăng mới về nhớ chân giang hồ, ôi phù du, từng tuổi xuân đã già, một ngày kia đến bờ, đời người như gió qua... Cẩm hát nhạc Trịnh, quay quắt và âm tính, như một hồn ma đang phiêu dạt khất thực, ám ảnh, buốt giá.

Cẩm, một lần nữa, khiến những người vừa gặp, toàn doanh nhân trưởng giả, ngơ ngác bởi sự tài hoa bộc phát..., bởi cái khí chất thơ trẻ hồn nhiên toát ra từ người đàn ông trưởng thành, một người đàn ông mà chẳng mấy nỗi, cũng tròm trèm bước vào tuổi tri thiên mệnh... Những lần trình diễn cố ý ấy, biết vị thế độc tôn, Cẩm hay làm mình làm mẩy, hoạnh họe người này, bắt bẻ kẻ khác như một ngôi sao nhạc pop quen được nưng chiều, xưng tụng.

Cũng không hiểu sao, nhiều người ngoài giới họa sỹ, không lấy làm khó chịu, lại sẵn lòng mến phục, yêu quý, rộng lượng đáp ứng, nuông theo cái tính khí thất thường, khùng khùng, dở dở của Cẩm và còn lấy làm sung sướng, hào hứng lắm lắm…

2. Vẻ bên ngoài của Hoàng Hồng Cẩm đời thường đôi khi chẳng ăn nhập mấy với con người đích thực của một họa sỹ trong anh. Dáng điệu lừ đừ, bước đi khụng khiệng, cái đầu nhẵn bóng và khuôn mặt nhầu nhĩ, ít được chủ nhân quan tâm, chăm sóc, Cẩm dễ khiến người lạ ngại ngần khi bất đắc dĩ phải giáp mặt. Anh hay tạo vẻ lầm lỳ, ăn nói nhát gừng, sát sạt và khệnh khạng.

Trái ngược hoàn toàn với người cha đào hoa và hào hoa Hoàng Lập Ngôn, Cẩm đường đường một đấng nam nhi, sẵn sàng chỉ thẳng mặt cô gái xinh đẹp thoáng gặp, để oang oang vài câu làm phật lòng nhan sắc, vì những lý do "không chính đáng" kiểu thấy nàng điệu quá, khiến đương sự choáng váng như vừa chạm trán người tiền sử.

Hay, trầm trọng hơn, anh lộ liễu xoắn xuýt bày tỏ sự ngưỡng mộ với một mỹ nhân rực rỡ ngay trước mặt chồng nàng, để may mà được can ngăn kịp thời, nếu không hôm đó, chắc chắn đã phải kết thúc câu chuyện giữa hai người đàn ông vừa được giới thiệu làm quen bằng tay chân và đạo cụ...

Lạ một điều, ngay sau những sự kiện tưởng "ê chề" nhớ đời, Cẩm quên béng lập tức, như mình chưa bao giờ là nhân vật chính của những xì căng đan suýt nữa thành hiện thực. Cẩm là thế, nên người yếu bóng vía hay phải lôi cái trích ngang của anh ra để mà trấn an chính mình, rằng: Đây đích thực "con nhà", một người bình thường, không vấn đề gì về thần kinh, sức khỏe…--PageBreak--

Càng gồ ghề gai góc, xù xì xám xịt, trình diễn ngoài đời bao nhiêu, tranh của Hoàng Hồng Cẩm lại càng ấm áp, tươi tắn, khờ khạo bấy nhiêu. Anh, nhờ giời, còn giữ được nguyên vẹn bản năng trẻ thơ trong nghệ thuật.

Nhìn vào tranh Cẩm, dễ thấy tâm hồn mình thư thái, nhẹ tênh như vừa trút khỏi bao gánh nặng đeo đẳng kinh hoàng. Cẩm ngẫu hứng lập dị trong ngày thường, như một cách thức vô vọng chứng tỏ sự tồn tại của mình với bạn bè, với cộng đồng. Tranh anh cũng lấp lánh những khoảnh khắc ngẫu hứng, tươi sáng, dị thường như thế.

Thuở vào đời, không hề chọn hội họa làm đường đi, Cẩm đã tưởng như trở thành diễn viên kịch nói. Có quá khứ ấy, nên Cẩm hay được thể nhơn nhơn với toàn những NSND khả kính, như Trọng Khôi và Doãn Hoàng Giang, chất giọng khề khà, nhấn nhá: "Em đã từng biểu diễn tại Nhà hát Lớn từ năm 11 tuổi đấy".

May (hay không may) cho giới sân khấu, cái gen trội thừa hưởng từ người cha khiến Cẩm bị (hay được) hội họa hớp hồn. Bước tạt ngang lại trở thành định mệnh, đưa anh lạc vào thế giới của ánh sáng, màu sắc, hình khối... Cẩm trong mê cung hội họa như kẻ bị người âm ám, lúc tỉnh lúc lẫn, lúc khôn lúc dại. Bản thân Cẩm xem chừng cũng không biết cách nào để có thể điều khiển hành vi và suy nghĩ của mình.

Hoàng Hồng Cẩm hay nấn ná tách ra khỏi dòng chảy ào ạt của cuộc sống, hay thây kệ, chẳng bận tâm gì đến cuộc sống đang dào dạt, mơn man ngay bên cạnh. Anh, cứ u u mê mê theo cách riêng, không màng đến phản ứng và cảm xúc của người đối diện.

3. "Cẩm điên". Đấy là lối mà bạn bè trong giới hay thân tình cảm thán về Hoàng Hồng Cẩm. Cẩm không có cái hấp dẫn thời thượng của những họa sỹ nhà đẹp, vợ người mẫu, ôtô xịn, thường xuyên lui tới những chốn sang trọng đắt tiền... Nếu ngồi giữa những người đồng lứa đang ở thế thượng phong ấy, Cẩm sẽ lấn lướt bằng chất điên không sao vùi lấp. Giữa chốn đông, anh ưa nói năng nhăng cuội, bày mấy trò diễn góp vui mà ít khi cao giọng tuyên ngôn về nghệ thuật, về cuộc đời.

Thảng hoặc phải bước lên diễn đàn trang trọng, Hoàng Hồng Cẩm đầu không sợi tóc, lễ nghi complê, cavat quắc thước khiến thiên hạ nhiều người quay đi giấu giếm nụ cười.

Rượu, Cẩm uống ít, nhưng say nhiều. Hoặc cũng chỉ là, anh cố tình say tỉnh, tỉnh say để thu mình lại, trốn vào nỗi cô đơn mơ hồ, mong manh nhưng có sức nặng khủng khiếp… Bởi thế, mỗi khi Cẩm say, bạn bè dẫu hiểu anh đang "nhập vai" nhuần nhuyễn, vẫn ái ngại lo lo cho cái thân xác xiêu vẹo giữa phố xá bàng quan người và xe nhộn nhạo.

Càng ồn ã, "cá biệt" thường ngày, Hoàng Hồng Cẩm lại càng bị đè nén bởi nỗi cô đơn thẳm sâu mà anh chỉ có thể giải tỏa, giãi bày trên những tấm toan trắng trơn, lạnh lẽo… Anh "điên" để khỏa lấp, che giấu, đậy điệm sự yếu đuối kỳ lạ của mình. Nếu Cẩm không "điên" thế, chắc anh suốt ngày sẽ khóc, hay tự dang tay đấm ngực mình đến kiệt sức thì thôi. Tranh Cẩm thường trực cái nỗi buồn, nỗi cô đơn khó gọi tên.

Có lẽ vì "điên", nên Cẩm gìn giữ được con mắt trẻ thơ, thuần phác mỗi khi nhìn cuộc đời, sự vật. Anh phả vào tranh cái điên điều điệu của tâm hồn mình, để những bức vẽ thay anh, tương tác trở lại với công chúng… Nhiều nhà sưu tầm tranh dễ chạnh lòng bởi cái bản ngã hồn nhiên khờ khạo trong tác phẩm của anh, nhất là "bọn Tây", theo cách mà giới chủ gallery hay nói.

Không thuộc vào hàng "hot", "best seller" như Đặng Xuân Hòa, Hồng Việt Dũng, Lê Thiết Cương, Hà Trí Hiếu, v.v… những họa sỹ bán tranh chạy nhất đương thời ở xứ ta, Hoàng Hồng Cẩm dư sức sống ung dung, dư dả, nuôi vợ nuôi con đề huề từ thành quả lao động của mình.

Nhắc đến vợ và hai đứa con ngoan một trai một gái, dẫu đang điên đảo cách gì, Cẩm cũng thoắt đổi giọng, nhẹ tênh, dịu dàng, một điều "chị Vân nhà anh" hai điều "chị Vân nhà anh"… Đôi khi, vào một hoàn cảnh dở dang nào đó, Cẩm có xòe tay cầm tiền bạn cho để đi taxi hay uống rượu, cũng chỉ là hành vi vô thức, hay thực ra, dịp để đề cao sự quan tâm của người khác với chính mình…

Một dịch giả có tiếng khi ngợi khen một đồng nghiệp trẻ hơn của Hoàng Hồng Cẩm - họa sỹ Nguyễn Minh Thành - có coi Thành như cậu bé mãi không lớn trong thiên tiểu thuyết đoạt giải Nobel Cái trống thiếc của Guenter Grass. Mượn lời ông, tôi cũng muốn nhìn Hoàng Hồng Cẩm theo cách đó. Anh sẽ luôn núp vào những lập lòe bề nổi của cuộc sống, để chà xát nỗi buồn và sự cô đơn bằng một khoái cảm lạ lùng…

Ngô Hương Sen
.
.