Họa sĩ Đặng Việt Cường: Chỉ là mình thôi

Thứ Sáu, 13/09/2013, 15:22
Đặng Việt Cường tâm sự: “Vẽ tranh, Giám đốc sở và  Bí thư huyện... hay làm thợ làm thầy, làm gì cũng là công việc. Tất cả, như câu hát của Trịnh: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”...  Đặng Việt Cường mời tôi ra Gallery 96 Hàng Trống dự khai mạc phòng tranh ký họa của anh. Chưa hết ngỡ ngàng bởi ấn tượng của ký họa Đặng Việt Cường, hôm sau lại thấy Cường gọi điện “Mời anh về Hải Dương dự khai mạc phòng tranh sơn dầu và sơn mài”. Lại choáng!. Choáng hơn, Cường  nhận quyết định đi làm... Bí thư huyện ủy...

Một lối riêng hội họa

Cường muốn là Cường. Điều ấy thể hiện rõ ở cá tính sáng tạo của anh.

Sinh năm 1961, 13 tuổi Đặng Việt Cường thi đỗ vào Trường Mỹ thuật Hà Nội.  Hình như nghệ thuật tạo hình đã chọn Cường. Mười năm học trung cấp, và đại học, hai năm cao học nữa là vị chi 12 năm. Giữa những cái mốc ấy là khoảng lặng nghĩ suy trăn trở. Cuối cùng thì anh đã đi thật sự vào con đường mình lựa chọn, không hoang mang nuối tiếc.

Chàng họa sĩ trẻ Đặng Việt Cường ôm giá vẽ về Hải Dương, những tưởng từ ấy gắn đời mình vào với toan, với màu nhưng rồi trong con người ấy còn những phẩm chất khác. Mười ba năm lăn vào công việc của ngành văn hóa, Cường ít có thời gian toàn tâm cho hội họa, nhưng thiên chức nghệ sĩ trong anh luôn song hành với dằng dặc những chuyến đi về cơ sở, những là liên miên họp hành, chỉ đạo, kiểm tra công việc…

Đứng ngoài mọi ồn ào, lợi danh tiền bạc, Đặng Việt Cường luôn hướng về thiên chức nghệ sĩ của mình, dù anh có nhiều cơ hội thăng tiến. Một thời, cứ ngỡ anh đã đi khá sâu vào hoạn lộ, và con đường ấy nhiều triển vọng đang mở phía trước, nhưng hình như Cường chỉ muốn đi tìm sự an nhiên, tìm chính chân dung mình bằng nghệ thuật. Và cú “đúp” hội họa với việc mở cùng lúc hai triển lãm ở Hà Nội và thành phố quê hương Hải Dương của anh làm nhiều người giật mình, là tín hiệu một sự “bùng nổ” về nghệ thuật.

Trên phù phiếm cõi nhân gian, giữa cánh đồng bao la của cuộc sống, Đặng Việt  Cường muốn để lại những dấu vết trung hậu, vô tư. Chả thế mà mới 13 tuổi, Cường đã xin cha cho tu hành trong thế giới của màu sắc đường nét, của nghệ thuật tạo hình. Con đường ấy ngốn mất quá nửa cuộc đời và hơn ai hết, Cường “ngộ” ra rằng cái chính mình mới là tất cả.

Với Khoảnh khắc 1. Đặng Việt Cường xuất hiện lần đầu tiên tại Hà Nội với phòng tranh ký họa treo tại Gallery 96 Hàng Trống. Cả cái cách giới thiệu của người tổ chức phòng tranh như một phát hiện một nghệ sĩ từ địa phương đem đến công chúng rộng rãi. Cường lặng lẽ vẽ, lặng lẽ sáng tạo trong thế giới nội tại riêng mình. Ngỡ ngàng trước một Đặng Việt Cường ký họa khỏe khoắn, tài hoa.

Hàng trăm bức vẽ trong những chuyến lên vùng cao làm ta ấn tượng về một phong cách rất riêng của Cường. Không phác thảo. Những chân dung cứ thế hiện lên dưới bàn tay người họa sĩ với chì than và bút sắt. Cuộc sống trong ký họa của Đặng Việt Cường là đời sống đồng bào vùng cao: những bức chân dung ký họa tình cờ nhưng đẹp và đặc biệt ấn tượng về một phong cách riêng: Đi tìm thần thái nhân vật và chỉ vài nét chì đã có một chân dung với đầy đủ dáng hình, cá tính, tâm trạng… Nhân vật của Cường thường là những người phụ nữ, những em bé dân tộc Mông, Dao…

Họ xuống chợ, hay đang làm lụng, vẫn có cái nét đặc trưng trang phục, phong cách riêng của họ. Bà mẹ Mông đèo bồng cả một giang sơn của mình trên người với chiếc gùi sau lưng và đứa con trước ngực. Một cô gái Mông đứng bán hàng mà trên lưng là bé con “mặt trời của mẹ”. Hầu hết những nhân vật vùng cao của Cường đều có cái gùi nặng sau lưng và vì thế cái cổ của họ mới dài và vươn ra trước. Cường tả cái chân, bàn tay người miền núi mới tuyệt làm sao. Đó là những bàn tay thô ráp vì làm lụng.

Có những bức vẽ theo tôi mang trong nó bóng dáng của tài hoa... Bức Cô gái dắt ngựa đề ngày 9/5/2000 không thể có một tác phẩm thứ hai đẹp hơn. Hay như bức Phó Cáo ghi ngày 30/7/2007 là chân dung một cụ bà rất sinh động, bức Bắc Hà đề ngày 9/5/2010 vẽ cô gái Mông địu con thật xúc động... Không là “hiện tượng” thì cũng lấp lánh ở Cường một tài hoa.

Họa sĩ Phạm Trí Tuệ, người thầy giáo đầu tiên của Đặng Việt Cường vẫn dõi theo người học trò của mình đến tận bây giờ kể: “Thằng bé nhỏ thó và hiền lành hồi ấy ít ai biết được rằng ba mươi lăm năm sau bắt đầu bùng nổ trong nghệ thuật”. Cậu học trò từ Hải Dương ấy đã lọ mọ lên số 42 Yết Kiêu Hà Nội như một định mệnh nghề nghiệp.

Trên con đường đến với đạo cầm bút, Cường như kẻ chân tu. Tranh của anh đa dạng. Mảng sơn dầu của Cường thật sự gây ấn tượng mạnh với người xem.. Mà có lẽ ảnh hưởng bởi chủ nghĩa ấn tượng, Cường đã tìm thêm cho mình lối riêng, đó là sự phá cách táo bạo và cả sự thâm trầm trong ý tưởng. Cả sơn dầu và mảng sơn mài, Cường đều vẽ không nặng về  phong cách ấn tượng.

Chuyến lữ hành mang tên nghệ thuật

Hội họa Đặng Việt Cường thể hiện một cái nhìn mới, không mang dấu vết định kiến và khác biệt với trường phái tự nhiên, hiện thực. Không nghiêng về chủ nghĩa ấn tượng, không theo trường phái dã thú. Bằng thủ pháp sử dụng sự va đập của màu sắc, nét vẽ ngắn khỏe, lối vẽ bất cần nghi thức, xa rời phương pháp cổ điển và với nghệ thuật sử dụng ánh sáng hợp lý đưa người xem đến cảm nhận ban đầu trong trẻo nhất về đối tượng.

Đôi ba nét cọ, những vết màu quệt đa dạng phóng khoáng và khuôn mặt không chi tiết khiến có cảm giác bức vẽ dở dang. Nhưng những bức vẽ ngỡ như chưa hoàn thiện ấy lại là những bức tranh hoàn thiện bởi sự nắm bắt thần thái của nhân vật trong khoảnh khắc đầu tiên. Không đi sâu vào chi tiết và chú trọng đến quy luật, mỗi bức vẽ là một câu chuyện tóm tắt nhất về nhân vật.

Nói như Tiến sĩ, họa sĩ Nguyễn Thế Hùng, mỗi bức tranh của Cường dù là sơn mài, sơn dầu, than hay bút sắt đều là những suy cảm của người họa sĩ. Hình ảnh người phụ nữ trong tranh của anh là người mẹ, người vợ, người chị, người con gái... những nhân vật gần gũi thân thương có mặt trong tranh anh với ấn tượng mạnh từ đường nét, màu sắc. Sự trầm ấm và rực rỡ của màu  luôn cho ta cảm giác yên ổn, thanh bình dẫu chủ đề và tính tư tưởng của tác phẩm đôi khi dữ dội...

Phần lớn tranh của anh là những bức sơn dầu. Nhân vật của anh thường bỏ trống khuôn mặt. Vẻ đẹp của gương mặt ấy như những ẩn số để ta có quyền tưởng tượng. Tha hồ tưởng tượng... Đó là nhưng khuôn mặt mờ ảo của con người giữa cõi nhân gian. Nội dung tác phẩm ẩn chứa bên trong toan và màu. Có bức khiến ta thẫn thờ như tác phẩm Cạn ngày. Những người đàn bà vẫn cắm mặt xuống đồng ruộng khi ánh ngày sắp tắt. Trong cái lam lũ ấy ánh lên niềm tin yêu cuộc sống lao động...

Trong những phiên chợ vùng cao, chất liệu sơn mài tạo một vĩnh hằng bản sắc văn hóa Việt. Những áo váy, những bán mua, chỉ là cái “vỏ” của một triết lý về cõi nhân sinh. Tôi mê bức Cường vẽ núi cao Hà Giang. Giữa núi là những nhan sắc ẩn hiện. Núi cũng ghen hay sao mà núi chen lấn trong tranh? Ám ảnh nhất trong tranh Cường là những bức vẽ về vũ điệu trên bãi đá cổ Sa Pa.

Mô phỏng  các vũ điệu và hình hài trên các bức họa của người cổ, Đặng Việt Cường muốn chuyển tải một thông điệp về lịch sử nghệ thuật ông cha ta. Con người ở thời nào thì cũng là trung tâm của vũ trụ. Cái vũ trụ trong tranh Cường là quầng sáng để con người nhảy múa ca hát, sản xuất và yêu đương... Vẻ đẹp gồ ghề dưới cây cọ của anh mang thông điệp khác về kiếp người. Vâng anh đã dâng hiến, đã an nhiên giữa cuộc đời này như thế.

Và những duyên nghiệp bất ngờ

Cường sống hết mình, uống hết mình. Có lần mấy anh em gồm Cường, một vài người bạn họa sĩ và tôi đêm xuống lang thang phố nhỏ tỉnh Đông, thèm sà vào một hàng rượu cỏ. Vài quả cóc quả ổi, đôi chai rượu trắng và một câu chuyện dài về nghề vẽ, về buồn vui nghiệp đời người nghệ sĩ tạo hình... Nửa đêm rượu ngấm, Cường  trở về căn nhà nhỏ và lên gác để bắt đầu vẽ. Lặng lẽ sáng tạo trong những đêm như thế.

 Điều khiến ta yên ổn là bởi tác phẩm của anh, dù nhân vật là ai thì không bao giờ bộc lộ vẻ bi lụy hay thất vọng trước cuộc đời. Hàng trăm tác phẩm của anh chứa chất bên trong niềm vui, sự an nhiên của con người dẫu là thân phận, dẫu là xuôi ngược trong cõi nhân sinh. Tôi gọi đó là chuyến lữ hành khiêm nhường trở về Đại ngã. Đó là sự sẻ chia ý nghĩa nhất của người nghệ sĩ với cuộc đời...

 Làm Giám đốc Sở Văn hóa thông tin Hải Dương hơn mười năm, anh được xem là giám đốc trẻ nhất thời ấy và cũng là người tạo được những dấu ấn cho văn hóa xứ Đông với ý tưởng giữ đất cho không gian văn hóa làng xã, với những công trình trùng tu tôn tạo các di sản: Đền thờ Chu Văn An, Văn Miếu Mao Điền, Đền thờ Nguyễn Trãi ở Côn Sơn Kiếp Bạc... Sau cú đúp hội họa  của Cường,  tôi được tin từ Tỉnh ủy Hải Dương: Họa sĩ Đặng Việt Cường đã được phân công về huyện Thanh Miện làm... Bí thư. Thì ra chàng họa sĩ này còn nhiều duyên nghiệp...

Bây giờ gặp lại, hình như có một Đặng Việt Cường nhiều trải nghiệm hơn sau hai năm làm Bí thư huyện ủy bởi mỗi ngày qua đi anh xử lý cả trăm ngàn “Chuyện thường ngày ở huyện”. Nào là đời sống kinh tế xã hội, an ninh trật tự, nếp sống văn hóa. Nào là  cải tạo đảo cò Chi Lăng Nam ra sao để giữ lấy một địa chỉ sinh thái môi trường cho du lịch... “Điều làm cho Cường nhẹ nhõm, an nhiên không phải là danh lợi mà là sống đúng mình, sống hết mình, thế thôi. Làm họa sĩ hay làm giám đốc; hoặc bí thư huyện hay làm gì cũng là công việc. Tất cả như câu hát của Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”. Không còn tâm trí cho việc vẽ, Cường viết. Những chiêm nghiệm anh chắt thành thơ.

Thơ Đặng Việt Cường hồn nhiên và trí tuệ đến bất ngờ. Tôi lại nghĩ, biết đâu lại có thêm một nhà thơ bên cạnh các chức phận anh đã và đang mang... Trên chuyến lữ hành dằng dặc của cuộc đời, Cường thản nhiên sống với những chức phận  của mình, với một sự mở  lòng và bằng cả tấm lòng. Đó cũng là triết lý của một người biết “ngộ”

Tân Linh
.
.