“Hổ phụ” Lê Quốc Hưng và “hổ tử” Lê Minh Hiếu: Tiếng réo gọi của bộ gõ

Thứ Hai, 09/10/2017, 07:02
Trở về từ Drum Fest Singapore - lễ hội trống lớn của châu Á diễn ra tại Singapore vào tháng 8 vừa qua với chiến thắng dành cho độ tuổi dưới 18 và đoạt một trong bốn lá cymbal handmade quý giá (cymbal: chũm chọe - PV) do những nghệ nhân nổi tiếng nhất trên thế giới làm, tay trống trẻ Lê Minh Hiếu đã có một màn trình diễn khá ấn tượng. 

Hiếu nói, đây là lá cymbal nồng nã của đam mê, cất lên từ phía hậu trường. Ở đó, có những nhạc công, từ trước đến giờ vẫn bị xem là nhân vật phụ.

1. Thật ra, trong cộng đồng drumer Việt Nam, cái tên Lê Minh Hiếu không phải quá xa lạ dù rằng tuổi đời của cậu phải gọi rất nhiều người bằng cụ. Nếu ông bố - tay trống Lê Quốc Hưng chuyên chú trong vai trò giảng viên đại học sau thời kỳ Phương Đông band hay tam tấu Phù Sa đại náo sân khấu miền Bắc một dạo thì ông con Lê Minh Hiếu lại có vẻ hướng ngoại hơn.

Hiếu đang theo học năm 2, khoa Jazz của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Hiếu chơi trống ở khá nhiều tụ điểm âm nhạc của Hà Nội, cũng như từng tham gia Monsoon Festival, với dàn nhạc trẻ Maius, làm cộng tác viên thu thanh với Đài Truyền hình Việt Nam và một số nghệ sỹ nổi tiếng trên thế giới như Nguyên Lê, Martin Jacobsen, Hakan Rydin… 

Hai bố con Lê Quốc Hưng và Lê Minh Hiếu.

Hiếu cũng từng đoạt giải Nhất về trống toàn quốc vào năm 2013. Ngoài ra, cậu còn mở tài khoản mang tên mình trên kênh youtube và đăng rất nhiều bản drum cover để giao lưu với các bạn trẻ có cùng đam mê và sở thích.

Cái tiếng leng keng của lá cymbal quý giá ấy, Hiếu đã thử đánh một lần chưa? Dù muốn lắm nhưng Hiếu không nỡ. Có gì đó tiêng tiếc vì lỡ nó bay mất chữ thì sao? Cậu treo lên tường và thích ngắm nhìn nó như một kỉ vật. Bởi hơn cả một giải thưởng, hơn cả giá trị vật chất nếu quy đổi, trong dáng hình lá cymbal không biết nó trong trẻo, trầm ấm hay ngọt ngọt ấy, cậu nói, đó là 6 năm mà Hiếu và bố đã đồng hành, cùng đi, cùng đối thoại với trống.

Thứ nhạc cụ cổ xưa trên trái đất ấy từng được xem là linh hồn của một ban nhạc, là sức sống của một bản tổng phổ, thì ít nhiều, trong thời gian qua, đã bị quên lãng, hoặc chưa được nhìn nhận đúng vị trí của nó. 

Trên sân khấu, những nghệ sỹ chơi trống thường đứng ở phía bóng tối, là những người làm nền cho nghệ sỹ biểu diễn như ca sĩ, vũ công… Còn trong tổng thể dàn nhạc, bộ trống ít được ai nhắc đến. Nếu ví cả dàn nhạc như một đội bóng thì những tay trống được ví như tuyến hậu vệ. Guitar, violin, piano… thuộc tuyến giai điệu, được xem là tuyến tiền đạo. 

Nhưng thực ra, giai điệu cũng chỉ tạo nên 50%  giá trị của một tác phẩm. Sẽ thật khiếm khuyết nếu như chỉ nhắc đến giai điệu mà không nhắc đến tiết tấu. Mà tiết tấu ấy, chỉ có thể được tạo nên từ bộ gõ, trong đó có trống. 

Ước mơ của Hiếu là sang Mỹ học thêm về trống, rồi về nước, nói cho những bạn bè của mình một điều, đó là, trống hay ho như thế nào. Hiếu nói, nhiều người nghĩ piano, guitar hay violin là những nhạc cụ có giai điệu thì nó sẽ mang tính sắc thái hơn. 

Nhưng với cậu, trống cũng có sắc thái riêng của nó. Trống là loại nhạc cụ dễ khiến người ta bùng nổ nhất, “điên” nhất. Nhất là khi chơi cùng một ban nhạc hợp cạ, cảm giác rất phiêu linh. Còn khi solo, đó lại là một cảm giác khác. Khi đó, tính tập thể không còn. Một mình một sân, độc tấu thứ âm nhạc cất lên từ bản thể.  

Lê Minh Hiếu.

Ở ngoài, trông Hiếu hiền, nhát. Nhưng khi lên sân khấu, xem cách cậu đánh trống, nhìn cách cậu nghe ngóng tiết tấu, có lúc mắt nhắm nghiền lại, gương mặt giãn ra và nở nụ cười đó, Hiếu đích thị là một nghệ sỹ biểu diễn. Cậu nói, cậu chỉ có một cơn “điên” trong đời, cơn “điên” ấy lại chỉ "phát tiết" trên sân khấu, khi cầm dùi trống và để cho thứ âm thanh nguyên thủy, hoang sơ ấy cất lên trong lòng mình.

Hiếu là tay trống có thể "nhảy" được ở bất cứ dòng nhạc nào nhưng đắm đuối nhất vẫn là Jazz. Cậu nói, nếu như nhân vật chính của POP là giọng hát, của IDM là âm thanh điện tử thì của Jazz chính là sự ngẫu hứng, sự phóng khoáng của nhạc công khi chơi nhạc. Cái biên độ không theo một trật tự nào hoặc không có giới hạn nào đó chính là sức hấp dẫn của một bản tổng phổ mang màu sắc Jazz.

Để rồi, những ngẫu hứng, phóng khoáng ấy khi đứng cạnh nhau, chơi cùng nhau, làm cho ai cũng đầy phấn khích, khiến ban nhạc gắn kết với nhau hơn. Nhưng không vì thế mà mất đi cái tôi, cá tính của từng người. Lắm lúc, chính họ là những người tạo ra cho riêng mình một tác phẩm phái sinh khác so với bản gốc. Đó chính là cách chơi Jazz cá tính của mỗi người.

Nếu ông bố Lê Quốc Hưng thiên về độ tinh tế, sâu lắng của Jazz thì cậu con trai Lê Minh Hiếu lại thích sự nổi loạn của Jazz. Điều này cũng bình thường thôi. Hiếu đang trong độ tuổi muốn bứt phá để thể hiện mình. Tuổi đó, cá tính âm nhạc đó, không "điên" mới lạ.

Hiện nay, phần beat (nhịp/ phách) thay thế nhiệm vụ của trống rất nhiều. Vai trò của các drumer cũng dần bị khước từ dần bởi các âm thanh điện tử. Vì sao cậu không bỏ chiếc trống có phần lỗi thời đó để chuyển sang một nhạc cụ gì đó hợp thời hơn. Hiếu nói, hiện tại, dù cho, có những công cụ có thể thay thế trống thì lúc nào, trống cũng có sức sống riêng của nó. Trống có từ thuở xa xưa, tồn tại qua hàng nghìn năm, và bây giờ, nó vẫn rất thịnh hành, vẫn rất đương đại tùy theo cách nhìn và cách chơi của mỗi người. 

Với cậu, trống máy dù có hiện đại thì cũng không thể nào bằng trống do người đánh được. Âm thanh điện tử nghe rất mịn, rất chặt chẽ nhưng làm sao thay thế được tâm hồn của người chơi trống? Bởi, tâm hồn đó như thế nào thì sẽ phản chiếu vào thứ âm nhạc mà anh ta đang chơi. Nghe nhạc, cũng đọc vị được tâm hồn người chơi trống.

Ở một khía cạnh khác, Lê Minh Hiếu sinh năm 1998, cậu không thể rời bỏ hoàn toàn quan điểm nghe nhìn của thế hệ cậu. Cậu không thích sự mịn màng có phần giả tạo, vô hồn, chính xác tới cứng nhắc mà các âm thanh điện tử mang lại; nhưng không có nghĩa, cậu chối bỏ nó hoàn toàn. 

Trong những buổi diễn của mình, cậu vẫn "mix" bộ trống Jazz và bộ trống điện để tạo nên âm thanh điện tử rất hay mà vẫn đầy cảm xúc. Cậu nói, cái sự xù xì, thô mộc, co giãn tự nhiên giữa các tiết tấu theo cảm xúc lên xuống của người chơi mà trống mang lại làm cho cá tính âm nhạc này khác biệt với cá tính âm nhạc khác, thậm chí khác biệt ngay trong chính mỗi người bởi mỗi một lần chơi, là thêm một lần anh ta sáng tạo nên cái màu của mình. 

Một trong 4 lá cymbal quý giá trên thế giới thuộc về tay trống trẻ Lê Minh Hiếu của Việt Nam sau Drum Fest Singapore 2017.

Cái màu đó lắm lúc khác hẳn với tất cả những màu trước đó. Và âm nhạc thú vị ở chỗ, lúc nào cũng mang lại một cảm giác lạ lẫm. Lạ lẫm với ngay cả chính bản thân mình.

Người ta hay gọi những người chơi trống là nhạc công. Hiếu nói, cậu thích người khác gọi mình là nghệ sỹ chơi trống hơn. Nhạc công, đơn thuần chỉ là những người chơi nhạc cụ thuần túy, hơi chung chung, lại có gì đó gợi đến từ "thợ", người ta bảo sao nghe vậy. Thợ trống, thợ gõ… Đại khái vậy. Những nghệ sỹ chơi trống đâu chỉ dừng ở đó. Với mỹ cảm của mình, họ còn là những người sáng tạo ra những bản nhạc của riêng mình từ bản gốc.

2. Hồi còn bé, Hiếu học piano. Nhưng piano khiến cậu cảm thấy buồn chán nên cậu bỏ piano bẵng từ lúc 5 tuổi cho đến năm 13 tuổi. Đến khi học lớp 7, trong một lần nghịch máy tính, cậu tình cờ thấy trong phần lịch sử youtube của bố có một vài video về trống khá thú vị. Trong nhà lại chẳng thiếu bất cứ nhạc cụ gì. Cậu cầm dùi trống lên, đánh thử theo, rồi chơi trống từ đó cho đến giờ.

Để có được thành công từ Drum Fest Singapore, Lê Minh Hiếu đã phải nỗ lực rất nhiều với sự dạy dỗ của bố mình - tay trống Lê Quốc Hưng. Trong bối cảnh môi trường Việt Nam, các bạn trẻ ít được tiếp xúc với cộng đồng drumer quốc tế, nhất là những nghệ sỹ chơi trống giỏi, cũng không có nhiều hoạt động festival để cọ xát, học hỏi lẫn nhau, phần thưởng của Lê Minh Hiếu là một minh chứng rằng, ngành bộ gõ của Việt Nam hoàn toàn có thể hội nhập cùng thế giới nếu như sẵn một tấm lòng với nghề.

"Hổ phụ" Lê Quốc Hưng và "hổ tử" Lê Minh Hiếu: một người không còn trẻ nữa, một người mới bắt đầu tuổi trẻ của mình; một người truyền cảm hứng, một người tiếp nối giấc mơ. Hai tay trống thuộc về 2 thế hệ khác nhau, đối thoại cùng nhau trong một không gian âm nhạc nhiều đứt gãy, xáo trộn và không ít chát chúa, xập xình, cùng nghĩ về một thứ âm nhạc tử tế để say hết mình. 

Và trong tiếng réo gọi của bộ gõ như "tiếng réo gọi của tâm hồn" ấy, có hai chiếc bóng - một chắc nịch, đậm người của cha, một cao lớn của con - riêng biệt, không trộn lẫn.

Đậu Dung
.
.