Hitler trong mắt Ngoại trưởng Liên Xô Molotov

Thứ Tư, 06/05/2009, 16:50
Ông Molotov nhận xét: "Hitler là một phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan, một kẻ chống cộng mù quáng và ngu ngốc... Nhìn bề ngoài thì không thấy cái gì đặc biệt đập ngay vào mắt cả. Nhưng đó là một kẻ rất tự mãn, có thể nói là kẻ yêu bản thân mình quá đáng..."

Nhà thơ kiêm bình luận viên chính trị Feliks Chuev (1941-1999), Anh hùng lao động, là tác giả của tập tư liệu quý về nền ngoại giao Liên Xô trong những năm trước và sau chiến tranh thế giới thứ hai "40 cuộc trò chuyện với ông Molotov". Đây là những cuộc trò chuyện với vị Bộ trưởng Ngoại giao Xôviết lừng danh Vyacheslav Mikhailovich Molotov (1890-1986), diễn ra từ năm 1969 tới khi ông mất.

Ông Molotov đã lãnh đạo Bộ Ngoại giao Liên Xô trong những năm 1939-1949 và 1953-1956. Cũng chính ông  Molotov đã tiến hành những cuộc thương thảo với nước Đức trong những năm trước khi bùng nổ cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại tháng 6/1941. Những chi tiết về Hitler qua con mắt nhìn gần của ông Molotov có thể giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn tính cách phức tạp của tên trùm phát xít này.

Khi nhà văn Chuev nói: "Các đài phương Tây nói về ông nhiều lắm, họ toàn phê phán Stalin và ông thôi". Molotov trả lời ngắn gọn: "Sẽ tồi tệ hơn nếu như họ khen".

Năm 1939, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Ribbentrop sang Moskva. Máy bay chở ông ta chút nữa thì bị hệ thống phòng không Xôviết bắn hạ. Ribbentrop là một người đàn ông dáng gày, cao. Các cuộc thương thuyết diễn ra trong Điện Kremli. Hai đoàn đã uống rượu sâmpanh cùng nhau. Ông Molotov kể:

"Khi chúng tôi tiếp Ribbentrop, ông ta dĩ nhiên lúc nâng ly lên đã nói lời chúc rượu mừng đồng chí Stalin, mừng tôi - như thể đó là anh bạn tốt nhất của tôi. Stalin bất ngờ đề nghị: "Chúng ta cùng uống mừng người phản đối Cộng sản Quốc tế" - Stalin vừa nói một cách châm chọc vừa kín đáo nháy mắt với tôi. Ông muốn đùa cợt để thử phản ứng của Ribbentrop. Ngoại trưởng Đức tưởng thật đã vội vàng mừng rỡ báo tin này về Berlin cho Hitler. Hitler trầm trồ với ông ta: "Ôi, ngài Bộ trưởng Ngoại giao thiên tài của ta!" Hitler không bao giờ hiểu được những người Mác xít như Stalin!".

Tháng 11/1940, ông Molotov dẫn đầu phái đoàn ngoại giao Liên Xô sang Berlin. Và đã có hai cuộc trò chuyện - hai vòng thương thảo với Hitler. Ông kể:

"Trong cuộc trò chuyện thứ nhất, chủ yếu là Hitler nói, còn tôi chủ yếu là đặt ra một số câu hỏi, làm rõ một số chi tiết. Ông ta nói chi tiết những điều cho là cần. Còn tôi nghe. Tôi chỉ nói ở trong cuộc trò chuyện thứ hai...".

Ông Molotov nhận xét: "Hitler là một phần tử dân tộc chủ nghĩa cực đoan, một kẻ chống cộng mù quáng và ngu ngốc...

Nhìn bề ngoài thì không thấy cái gì đặc biệt đập ngay vào mắt cả. Nhưng đó là một kẻ rất tự mãn, có thể nói là kẻ yêu bản thân mình quá đáng. Tất nhiên, cũng không giống như thiên hạ diễn tả y trong phim và sách. Trong đó họ chỉ nêu ra cái bên ngoài, thể hiện y như một gã bạo lực cuồng dại, điều đó không hẳn thế. Hitler rất khôn ngoan, nhưng bị hạn chế và khờ dại vì sự tự yêu mình thái quá và sự phi lý của tư tưởng ban đầu của y.

Tuy nhiên, khi tiếp tôi, y không hề lên cơn. Trong buổi trò chuyện thứ nhất, y gần như là chỉ nói một mình, còn tôi thì cứ gật gù để y nói ra thêm nữa... Hitler bảo: "Tại sao lại xảy ra chuyện nước Anh, nhúm đảo bất hạnh ấy lại làm chủ tới một nửa thế giới và muốn chiếm lấy toàn bộ thế giới - không thể để việc này xảy ra được! Thế là không công bằng!".

Tôi đáp rằng, đúng là chuyện như thế thì không thể để cho xảy ra. Và tôi rất cảm thông với y. "Không thể coi đó là việc bình thường" - tôi nói với Hitler". Hitler nói: "Các ông cần có đường tiếp cận với những vùng biển ấm. Iran, Ấn Độ - đó là triển vọng của các ông". Tôi nói với y: "Đó là một ý tưởng cũng thú vị đấy, làm sao ông nghĩ ra nó?". Tôi lôi kéo y vào cuộc trò chuyện để y có thể nói hết ý của y.

Đối với tôi, đó không phải là cuộc trò chuyện nghiêm túc, nhưng lại rất hứng khởi đưa ra những luận điểm chứng minh rằng, cần phải tiêu diệt nước Anh và đẩy Moskva vào Ấn Độ thông qua đường Iran. Không hiểu rõ được chính sách của quốc gia Xôviết, lại thiển cận trong nhãn quan chính trị, Hitler muốn lôi kéo Moskva vào một cuộc phiêu lưu với tham vọng là, khi người Nga bị sa lầy vào đó, ở phương Nam, y sẽ dễ xoay xở hơn và người Nga sẽ phải phụ thuộc vào y khi nước Anh chiến đấu với Moskva. Phải là người quá ngây thơ để không hiểu ra điều này...

Và trong cuộc trò chuyện thứ hai với Hitler, tôi đã chuyển sang nói những chuyện của mình. Tôi bảo, các ngài đưa cho chúng tôi những nước cũng hay đấy, nhưng năm 1939, khi Ribbentrop sang Moskva, chúng ta đã đạt được thỏa thuận rằng, các vùng biên giới phải bình yên và cả ở Phần Lan lẫn Rumania đều không được có các đơn vị quân sự nước ngoài, vậy mà các ngài lại duy trì binh lính ở đó. Y bảo: "Đó chỉ là chuyện vặt!".

Không cần thô thiển hóa nhưng giữa những nước xã hội chủ nghĩa và những nước tư bản chủ nghĩa, nếu họ muốn đạt được thỏa thuận với chúng ta, luôn tồn tại sự khác biệt: Đó là khu vực ảnh hưởng của các ông, còn đây là của chúng tôi. Với Ribbentrop chúng ta đã đạt được thỏa thuận là, đường biên giới với Ba Lan sẽ là thế này, còn ở Phần Lan và Rumania thì không thể có bất cứ quân đội nước ngoài nào. "Sao các ông lại duy trì ở đó?" - "Đấy là chuyện vặt". - "Làm sao chúng tôi với các ông có thể thỏa thuận được những việc lớn, một khi chúng ta không thể thỏa thuận được những vấn đề thứ yếu...". Y nói chuyện của y, tôi nói chuyện của tôi. Và y bắt đầu nóng nảy. Tôi vẫn cứ kiên trì nói chuyện của mình và làm y điên tiết".

Ông Molotov kể tiếp:

"Trong quá trình thương thảo với Hitler, mọi người ngồi quanh bàn. Các chuyên viên có một cái bàn, các phiên dịch cũng có riêng một bàn. Người phiên dịch cho Hitler là Khilger. Ông này sinh ra ở Odessa (nay thuộc Ucraina - TG), mẹ là người Nga. Con trai ông ta sau này đã bị chết trên chiến trường Xôviết, gần Moskva. Khilger chống lại chiến tranh với người Nga... Ông ấy rất thạo tiếng Nga, theo giọng nói thì không thể biết rằng đấy không phải người Nga...

Sau cuộc trò chuyện, chúng tôi dùng bữa trưa. Hitler nói: "Đang có chiến tranh, tôi bây giờ không uống cà phê vì dân chúng của tôi không uống cà phê. Tôi không ăn thịt, tôi chỉ ăn chay, tôi không hút thuốc, không uống rượu". Tôi có cảm giác như ngồi trước mặt tôi chỉ là một con thỏ thôi, con thỏ chỉ tuyền ăn cỏ, một người đàn ông lý tưởng. Tôi tất nhiên không từ chối bất cứ thứ gì. Đám đệ tử của Hitler cũng ăn uống thoải mái. Cần phải nói rằng, đám người này không tạo ra cảm giác rằng đó là những kẻ mất trí...

Khi mọi người cùng uống cà phê, đã diễn ra cuộc nói chuyện phiếm như thông lệ của giới ngoại giao. Ribbentrop, một nhà kinh doanh rượu vang cũ, nói về các loại rượu vang, về loại rượu vang Massandra ở vùng Krym… Hitler bày trò và muốn gây ấn tượng với tôi. Khi chụp ảnh, Hitler một tay ôm lấy tôi. Năm 1942, ở Canada người ta hỏi tôi, tại sao trong bức ảnh ấy tôi lại cười? Đơn giản chỉ vì lúc ấy chẳng ai được việc gì cả và sẽ không bao giờ được việc gì cả...

Ông ta nói với tôi: "Đấy, có những nước hay đấy...". Còn tôi nói: "Đã có thỏa thuận thông qua ông Ribbentrop năm 1939 rằng, các ông sẽ không đóng quân ở Phần Lan, vậy mà giờ ông đã giữ quân tại đó, tới bao giờ thì việc này sẽ kết thúc? Đã có thỏa thuận rằng, các ông ở Rumania cũng không đóng quân, ở đó chỉ được có binh lính Rumania thôi, vậy mà giờ ông cũng giữ quân ở đó, ngay sát biên giới nước chúng tôi. Tại sao lại như vậy? Điều này trái với thỏa thuận của chúng ta"...

Đáp lại, Hitler cứ cố tỏ ra ngạc nhiên vì tôi cứ nói tới nhu cầu phải giải quyết một việc thứ yếu như thế... Tôi nói với ông ta: "Phải giải quyết việc này đi". Còn ông  ta cứ lẩm bẩm với tôi điều gì đó không rõ ràng về một việc gì đó lớn hơn...

Khi chia tay, Hitler tiễn tôi ra tận phòng ngoài. Tới đó, sát mắc áo, khi tôi choàng áo khoác, ông ta nói: "Tôi tin rằng lịch sử sẽ vĩnh viễn ghi tên ông Stalin" - "Tôi không hề hoài nghi việc này" - tôi nói. - "Nhưng tôi tin  rằng, lịch sử cũng ghi nhớ tôi" - "Tôi cũng không hề hoài nghi việc này" - tôi lại đáp.

 Trong hai lần tiếp xúc với ông Molotov, Hitler đã cố gắng kích động để Moskva ít nhiều đứng về phía nước Đức nhằm chống lại nước Anh. Tất nhiên, vị Bộ trưởng Ngoại giao Xôviết không hề ngây thơ để mắc câu của Hitler. Ông kể:

"Tôi rất lắng nghe Hitler nói. Ông ta cứ tuyên truyền mọi thứ với tôi. Ông ta mạnh ư? Làm sao mà mạnh được. Bởi lẽ tư duy rất một chiều, một kẻ dân tộc chủ nghĩa quá cực đoan, bị loá mắt bởi những ý tưởng của chính mình. Ông ta muốn tôn vinh nước Đức bằng cách đè bẹp mọi nước khác dưới gót chân mình. Nói chuyện với tôi khi đó, ông ta tránh phê phán những người Bolshevic. Phép ngoại giao mà, khác đi thì làm sao thương thảo được. Muốn đàm phán xong thì nhổ vào mặt nhau ngay. Nhưng ở đây đành phải trò chuyện theo kiểu con người. Đành phải như thế...".

Thế là tôi với ông ta đã không thể thỏa thuận được thêm điều gì, vì vậy, tôi đã nói với ông ta: "Đó không phải là câu trả lời. Tôi đặt cho ông câu hỏi, nhưng ông lại không đưa ra một câu trả lời rõ ràng nào, mà tôi lại cần một câu trả lời rõ ràng"... Rõ ràng là người Đức không muốn nhượng bộ gì với chúng ta..."

Nguyễn Trung Tín
.
.