Hậu duệ của "Nhạn trắng Cà Mau" mang nụ hôn thần chết

Thứ Hai, 10/03/2008, 09:30
Tôi thích nhìn Trí Nguyễn ở một góc khác, ở một góc mà anh ưa nói nhất, là võ thuật và phim ảnh, những công việc cho anh cuộc sống tốt tại Mỹ và trở nên nổi tiếng tại Việt Nam...

Tôi rất chán khi đọc những bài phỏng vấn Johny Trí Nguyễn. Hầu hết là chuyện liên quan đến tình cảm và mối quan hệ của anh với những nữ đồng nghiệp khác, phần lớn là những chân dài. Tôi nghĩ rằng, có thể vì anh quá đẹp trai và độc giả của những tờ báo kia thích đọc những câu chuyện tình nghệ sỹ. Hoặc hài hước hơn, người phỏng vấn anh chàng này là những nữ phóng viên trẻ!

Tôi thích nhìn Trí Nguyễn ở một góc khác, ở một góc mà anh ưa nói nhất, là võ thuật và phim ảnh, những công việc cho anh cuộc sống tốt tại Mỹ và trở nên nổi tiếng tại Việt Nam...

1. Nếu tìm thông tin về Johny Trí Nguyễn trên Internet, sẽ bắt gặp những trang dành cho những nghệ sỹ tự do giới thiệu về mình, như myspace chẳng hạn, hoặc những kho tư liệu điện ảnh Anh ngữ như IMDB. Ở những trang ấy, Trí Nguyễn bộc lộ mình thẳng thắn, đơn giản và đầy đủ, giống như bộ phim "Dòng máu anh hùng", bộ phim đầu tay của anh chàng "tiểu hổ" sinh năm 1974 này.

Trên trang IMDB, Trí Nguyễn trong vai trò actor (diễn viên) với 19 phim, còn trong vai trò stuntman (người đóng thế) là 14 phim và trong số này có một phim được nhắc nhiều nhất, vì sự phổ cập của nó, đó là "Người nhện". Còn trên blog của mình, Trí Nguyễn khiến nhiều người lầm tưởng, đây là trang cá nhân của một thanh niên mười bảy tuổi, đơn giản và có phần... trong sáng.

Có thể vốn từ tiếng Việt của anh không đủ nhiều để "đánh võng" như hầu hết các blogger khác. Nhưng có thể đó là bản tính của anh nhiều hơn. Johny Trí Nguyễn trong những lần trả lời phỏng vấn của tôi đều nhất quán: nói thẳng, không tô vẽ mình và không trả lời những câu hỏi liên quan đến gia đình. Vì thế, người ta mới biết anh đã phải vất vả bầm dập ra sao với nghề đóng thế để kiếm tiền nuôi gia đình.

Người ta mới biết rằng chẳng phải cứ ở Việt Nam làm diễn viên mới khổ, ở Mỹ thì diễn viên đã nhận hợp đồng là phải làm cho xong, dù đóng cảnh trước bị khâu chục mũi trên trán, dù vợ khóc thương chồng làm nghề nguy hiểm. Và người ta cũng mới biết rằng, làm nghề gần chục năm, nhưng Trí Nguyễn cũng chỉ được xuất hiện trong phim với những vai... không nói một câu nào! Nói về những vai diễn đó, Trí Nguyễn thường cười rất tươi, như một nét tự trào.

2. Tôi nhớ lần phỏng vấn Phạm Linh Đan trong dịp chị về nước cuối năm 2007, tôi chợt nhận ra ở Linh Đan và Trí Nguyễn có nét tương đồng trong điện ảnh. Họ là những diễn viên gốc Á và tìm đường tiến thân tại những nền điện ảnh do người Âu làm thống soái. Phạm Linh Đan tình cờ mà được tuyển vào vai cô gái Việt trong một bộ phim liên quan đến Việt Nam. Và rất nhiều năm sau đó, chị chỉ nhận được vai những người phụ nữ châu Á, như vai cô gái MaoLin trong "Trái tim lỗi nhịp" đưa chị đến giải Cesar năm 2006 cũng vậy.

Nhưng may mắn từ sau Cesar ấy, Phạm Linh Đan đã vươn lên ngang hàng với những ngôi sao khác. Chị nhận được những vai diễn phù hợp, chứ không phải là những "vai diễn Á Đông phù hợp".

Còn Trí Nguyễn, anh khởi đầu là một vận động viên võ thuật, rồi được vào phim với những vai "không được nói một tiếng nào" hoặc "chỉ xuất hiện 30 giây rồi bị bắn chết" như lời anh nói. Và anh đi làm diễn viên đóng thế, một công việc nguy hiểm nhất trong công nghiệp điện ảnh Hoa Kỳ. Nhưng cũng không phải là nhận được tất cả các loại vai mà chủ yếu vẫn là đóng thế cho những nhân vật người châu Á.

Ngay như trong "Người nhện", điểm nhấn trong sự nghiệp điện ảnh của anh, thì anh chỉ được chọn khi anh giỏi võ và dáng người bé nhỏ, hợp với vóc dáng của Tobey Maguire mà thôi. Thế nên không có gì lạ khi anh từ bỏ những hợp đồng đóng thế tiếp theo để về Việt Nam, viết kịch bản và sản xuất phim. Phía sau ý nghĩ "phải làm cái gì đó của riêng mình" có lẽ không ngoài cảm giác nhàm chán bởi sự lặp lại, những hình ảnh vụt trôi và sẽ không thể vươn lên vị trí một ngôi sao.

Ở một nền điện ảnh mà những "chú hổ châu Á", những người hùng thần tượng của khán giả cả châu lục vẫn phải rút quân sau những cuộc đổ bộ bất thành như điện ảnh Mỹ, cơ hội cho anh có lẽ chỉ là như thế, làm một diễn viên đóng thế để kiếm sống nhiều hơn là kiếm danh. Và cũng không phải những hợp đồng đóng phim tự nhiên mà có. Chính anh đã bỏ trường điện ảnh để đi làm phim vì anh hiểu rằng, những vai diễn không tự nhiên mà đến và muốn tiến thân trong giới điện ảnh Hollywood, cần phải quen biết nhiều.

Và ngay như sự xuất hiện của anh trong những bộ phim Thái Lan, phần lớn cũng là những phim hành động, ít thoại và cá tính mờ nhạt. Tự tạo cơ hội cho mình bằng việc sản xuất một bộ phim, Trí Nguyễn đã làm được một điều gì đó.

3. Về Việt Nam, Trí Nguyễn thực sự là một ngôi sao, hình ảnh của anh tràn ngập trên mặt báo và bộ phim của Trí Nguyễn đã gây được tiếng vang. Khi xem bộ phim ấy, tôi đã từng chê những cắt ghép lịch sử phi logic, nhưng vẫn phải nhận ra đây là một bộ phim hấp dẫn và lôi cuốn, nó mang đến cho người xem cảm giác giải trí của một bộ phim hành động. Cái cảm giác hưng phấn khi xem một bộ phim Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện trong tôi.

Vì điều gì đặc biệt thì không phải. Có lẽ vì bộ phim đã giúp tôi gỡ bỏ được trong mình những định kiến về phim Việt kiều nói riêng và phim Việt Nam nói chung. Và nó gợi mở cả một niềm hy vọng, mong manh thôi, nhưng vẫn hơn rất nhiều những lúc buộc phải thở dài cay đắng. Nhưng ít người quan tâm xem anh đã phải lao động vất vả như thế nào cho kịch bản ấy, đã phải tập luyện bao nhiêu năm để đánh võ thuần thục như trong phim hoặc những xoay xở thuần túy về cơm áo gạo tiền cho kinh phí làm phim hành động ở Việt Nam.

Và cũng ít người quan tâm vì sao anh lại chọn Việt Nam làm thị trường chính cho việc phát hành bộ phim này, cái thị trường mà phim chưa kịp ra rạp bản đĩa lậu đã xuất hiện, việc phát hành phim như "đánh bạc với trời".

Tôi nhớ khi Trí Nguyễn vừa hoàn thành kịch bản, anh đã trả lời tôi rất nhiều câu hỏi đầy định kiến của tôi về anh. Trí Nguyễn đã nói rất kỹ về võ thuật trong bộ phim của mình.

Trước hết, "Dòng máu anh hùng" phải là một phim Việt Nam, nên không thể lấy cách đánh thô và mạnh của phim Mỹ, cũng không thể lấy cách diễn fantasy thiên về trình diễn của phim Hồng Kông. Phải là võ của người Việt. Anh đã học Thiếu lâm, Aikido và Wushu từ nhỏ, đã từng vào đội tuyển Wushu của Mỹ và đoạt 2 Huy chương vàng tại "Pan America International Wushu 1998". Khi chuẩn bị đóng "Dòng máu anh hùng", anh còn học thêm Vovinam để tạo dựng những thế đánh của mình trong phim.

Chỉ đến khi ấy tôi mới biết, gốc gác của Trí là một lò võ tận miệt ruộng Bạc Liêu. Ông nội anh, người sáng lập võ phái Liên Phong Quyền với bộ bà ba trắng và những đường quyền tinh sắc, được cả một vùng gọi tên "Nhạn trắng Cà Mau". Và anh mê võ từ nhỏ, như một dòng chảy bình thường trong huyết quản. Anh thích tìm hiểu sâu về võ Việt Nam, trước hết để làm bộ phim của mình chân thật hơn và sâu hơn là khao khát tìm những vẻ đẹp đích thực của tinh thần võ Việt còn lẩn khuất đâu đó hoặc bị thời gian làm nhòe mờ đi.

Chỉ riêng với điều ấy, tôi cho rằng, Trí Nguyễn đã thành công trong việc "lấy lòng" những khán giả của mình, dù họ khắt khe và khó tính nhất...

4.Tết này, Johny Trí Nguyễn xuất hiện trong một bộ phim hài lãng mạn về thần chết và huyền thoại về nụ hôn rút hồn người sống của Nguyễn Quang Dũng mang tên "Nụ hôn thần chết".

Vai Du của Trí Nguyễn ngơ ngác, vụng dại, đơn giản và nghĩa hiệp, dám xả thân cứu cô gái mà mình yêu khỏi cái chết tiền định. Trong phim, tiếng Việt của Trí Nguyễn đã có ngữ điệu, khá hơn rất nhiều so với hồi "Dòng máu anh hùng". Nhưng vẫn là một vai diễn đơn giản, một chiều. Có lẽ Trí Nguyễn là một gương mặt phù hợp cho những phim giải trí.

Anh không giỏi diễn, đặc biệt là lột tả nội tâm nhân vật. Anh chỉ là một diễn viên thạo nghề. Nhiều người dự đoán "Nụ hôn thần chết" sẽ tạo tiếng vang lớn trong mùa Tết này. Cũng có thể một phần nhờ sự xuất hiện của Trí Nguyễn. Nhưng anh thì đã gác qua mọi chuyện. Anh đã kịp đi quay bổ sung bộ phim võ thuật "Power Kids" của điện ảnh Thái Lan và đang chuẩn bị cho một kịch bản mới.

Đọc blog của Trí Nguyễn, thấy anh kể đóng phim Thái Lan vô cùng cực khổ và có cảm giác như va đập mạnh trong những cảnh đánh nhau, đến mức anh bị gãy xương. Và anh không lấy làm tự hào gì khi nhận một vai phản diện, chuyên đi "ăn hiếp con nít". Nhưng anh vẫn nhận vai vì tình nghĩa với Sahamongkul Film, hãng phim Thái Lan đầu tiên mời anh đóng một vai lớn và anh ít nhiều có tiếng trong giới điện ảnh tại đây. Trí Nguyễn nói, đây là hành động "vị tình" của người Á Đông và anh tôn trọng truyền thống ấy...

Tôi vẫn cho rằng, những người dám bỏ tiền ra làm phim tại Việt Nam là những người quá dũng cảm. Bởi nếu mua danh thì người ta nên chọn phim truyền hình sẽ nhanh hơn và ít tốn kém hơn. Còn để kiếm lợi nhuận thì họ đang đi trên sợi dây mà điểm đầu thì rõ nhưng điểm cuối thì chơi vơi lưng chừng trời. Nên tôi coi Johny Trí Nguyễn và các cộng sự của anh là những người dũng cảm.

Dù bây giờ Trí Nguyễn là một nhân vật nổi tiếng và là "con cưng" của giới truyền thông, nhưng tôi vẫn muốn viết về anh như viết về một niềm hy vọng. Niềm hy vọng đến sau những hào nhoáng của vẻ đẹp trai. Nên tôi chờ một bộ phim tiếp sau, sau "Dòng máu anh hùng" và sau "Nụ hôn thần chết"...

Toàn Nguyễn
.
.