"Hát về làng như hát với tháng ba..."

Thứ Tư, 13/03/2019, 09:39
Năm 2019, được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập tạp chí CAND, một tạp chí nghiên cứu khoa học của ngành công an, để được cống hiến hết mình cho công việc, song nhà văn Nguyễn Hồng Thái cũng đã có những dự định cho văn chương của riêng mình. 

"Tôi không biết làm nghề gì ngoài làm báo và viết văn. Làm báo để kiếm sống, còn viết văn vì thấy thích thú, muốn để lại những cuốn sách riêng của mình. Tôi viết văn chậm chạp và vất vả, nhưng nghĩ rằng mọi sự cố gắng sẽ đem lại một kết quả nào đó, nên rất kỹ khi viết một câu văn. Hoàn thành một tác phẩm, cảm giác như mình vừa kiệt sức, cô đơn bơi qua một khúc sông rộng, bỗng thấy thăng hoa, yêu mình hơn. Tôi không đặt cho mình một mục đích to tát nào về sáng tạo văn chương, nhưng rất hạnh phúc khi viết được một câu văn hay. Tuy vậy, mỗi tác phẩm của tôi đều mong muốn đưa đến một ý tưởng mới lạ, gợi mở hay giải đáp một câu hỏi nhân sinh cho mình, cho bạn bè…".

Tôi vẫn nhớ có lần trò chuyện cùng nhà văn Nguyễn Hồng Thái, anh chia sẻ rằng, anh có một tuổi thơ đói khổ và mong manh trong bom đạn thời chiến tranh chống Mỹ của vùng Khu 4 cũ.

Ngày ấy mà được ăn một bữa no là đã khó lắm. Nồi cơm thì bé, con cái thì đông. Cơm không đủ để mẹ xới đầy bát cho mỗi con đang tuổi ăn để lớn hàng ngày. Giờ mới thấy thương mẹ hồi đó hẳn đau lòng lắm. Nhưng chiến tranh mà. Pháo kích và bom Mỹ dường như ngày nào chả bỏ xuống làng quê Diễn Châu, Nghệ An của anh. 

Nhà văn Nguyễn Hồng Thái cũng cho biết, người cô ruột và hai đứa con nhỏ bị bom Mỹ sát hại trong một đêm không còn nguyên xác. Sáng ra, anh và bố anh phải đi khắp nơi tìm lượm xương thịt của ba mẹ con và cả mái tóc của người cô anh còn vương trên ngọn tre ám khói. Làng quê của anh bây giờ có một ngày giỗ chung cho hàng chục người là vậy.

Nhà văn Hồng Thái.

Với những ký ức đậm nét về một thời chưa xa trong ký ức, nên nhà văn Nguyễn Hồng Thái vẫn luôn trăn trở với đề tài chiến tranh, anh vẫn luôn đau đáu viết về quê hương anh, quê hương giờ thanh bình cạnh dòng Lam xanh biếc nhưng đã từng chứng kiến bao nhiêu những cơn dư chấn của lòng người, nhuốm lên mình những mất mát, đau thương. 

Anh vẫn viết về người mẹ quê tảo tần, dù mẹ anh, đã về cùng tiên tổ sau rất nhiều năm tháng nhọc nhằn. Người mẹ đã ghi đậm dấu ấn trong văn chương Nguyễn Hồng Thái, để anh có được ngày hôm nay với những vinh quang khoác lên mình đầy hãnh diện, tự tin. 

Nhiều tác phẩm của anh ra đời, trong đó có tập truyện ngắn "Ngôi nhà bên triền sông" chủ yếu viết về những tình cảm ấm áp của quê hương, chòm xóm, những câu chuyện thuộc về làng quê muôn đời day dứt, đã là một mạch nguồn sâu thẳm thấm đẫm trong các trang văn của nhà văn Hồng Thái.

Là một người con xứ Nghệ, sinh ra đã có dòng chảy văn chương trong mình, nên Hồng Thái đam mê văn học ngay khi còn là học sinh chuyên Văn. Anh đã từng đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi Văn toàn quốc, ngay từ những năm tháng học tập dưới mái trường THPT Phan Bội Châu (thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). 

Sau này, anh học trường tổng hợp Văn dưới sự chỉ bảo của Giáo sư Hà Minh Đức. Sau này, về công tác tại lực lượng lượng Công an nhân dân nhưng tình yêu văn chương của anh không hề thay đổi. Anh đã viết tiểu thuyết từ những chuyên án có thật của lực lượng Công an nhân dân và đã đoạt giải Nhất giải Cây bút vàng (1996-1998) do Hội Nhà văn và Bộ Công an trao tặng với tiểu thuyết "Đối mặt"... 

Với Nguyễn Hồng Thái, một tác phẩm văn chương thành công có nghĩa là một tác phẩm có sức lay động tới tâm hồn và tình cảm của mọi người. Bản thân anh, là một người viết, anh chú trọng đến sức xúc cảm lan tỏa và khơi dậy được niềm tin vào con người. 

Chính vì thế, anh thường viết đậm dấu ấn về làng quê của anh, một mạch nguồn sâu thẳm trong ký ức hiện về, bên cạnh dòng sông Lam, bên cạnh mẹ cha một thuở. 

Anh chia sẻ: "Những ấn tượng về tuổi thơ luôn đầy ắp và mãnh liệt trong tâm khảm của tôi là vì thế. Chỉ cần "chép sử" một thời ấy, cũng đã sắp thành nhà văn rồi. Nông thôn, làng quê là thế mạnh, là sở trường của tôi". 

Có lẽ chính quê hương là nơi đi về trong tâm thức, cho nên ngay cả ở trong trang viết nên nhiều nhân vật có thật đã đi lại trong tác phẩm của anh: Nhân vật Kỳ trong "Nơi tình yêu đi qua" ngày càng nghiệm ra một điều hết sức giản dị: "Chẳng ở đâu trên thế gian này là sướng bằng nhà mình" vì được "ngồi trên chiếc ghế nhỏ mà cùng ăn cơm với mẹ. Nồi cơm niêu đất vừa chín tới, khúc cá kho, bát nước mắm ớt cay chấm với mấy lá rau hái vội cạnh nền giếng… nhìn bát cơm bốc hơi nóng trên tay mẹ, sao thấy yên lòng và bình yên đến thế"! 

Lời tâm tình của nhân vật cũng nói thay lời tác giả, ngay chính trong thời điểm mà người mẹ, một điểm tựa duy nhất trong cuộc đời nhà văn, như một chiếc lá vàng cuối mùa rơi xuống, để lại nỗi buồn thương vô hạn trong lòng người con xa xứ. Nhà văn Hồng Thái chia sẻ, anh có quá nhiều ký ức về mẹ, và mẹ như một mạch nguồn sông suối chảy vào anh. 

Anh cũng đang ấp ủ những tác phẩm viết về mẹ và anh tin rằng, hình ảnh của mẹ anh, cũng như hầu hết những người mẹ quê tần tảo khác, đầy chịu thương chịu khó để nuôi con nên người, nghĩa mẹ ơn sâu, chỉ có thể đáp đền bằng những áng văn chương thấm đẫm tình con người và những bể dâu cả một đời mẹ gánh.

Có một mảng đề tài ngoài câu chuyện văn chương, được nhà văn Nguyễn Hồng Thái khai thác triệt để, đó là những câu chuyện, những bài đối thoại cùng những người nổi tiếng mà anh từng phỏng vấn. Anh vừa xuất bản cuốn sách dày hơn 300 trang đầu năm 2019 này.

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Hồng Thái tâm sự: "Làm báo thì yêu cầu tối cao nhất là sự thật và trung thực. Trong chặng đường công tác của mình, tôi đã trải qua nhiều vị trí, song có thể nói quãng thời gian làm báo đã để lại thật nhiều những kỷ niệm khó quên. Những nhân vật tôi gặp cho dù họ là các nhà thơ, nhà văn, các doanh nhân, các chính trị gia nổi tiếng, nhưng qua đó thấy được tiếng lòng, nỗi niềm trăn trở của họ với cuộc đời. Tôi mong muốn, mỗi bài viết của mình là nhịp cầu gắn kết họ với độc giả bằng lối viết văn chương để suy ngẫm về một thông điệp đồng điệu được chia sẻ. 

Trong số nhân vật của mình, tôi đặc biệt bị ám ảnh bởi lần gặp con gái nhà văn Nguyên Hồng, chị Nhã Nam. Những câu chuyện về nhà văn nổi tiếng Nguyên Hồng đôi khi là một bí ẩn với độc giả, nhưng thực sự, nó sẽ không có một Nguyên Hồng của "Những ngày thơ ấu" nếu như không có những câu chuyện chua chát với cuộc đời ông. Hóa ra với mỗi một nhà văn, quả thật văn chương là nghiệp chướng cuộc đời. Người đã có chút máu văn chương thì trước sau không thể sống mà thiếu văn chương.

Cũng như nhà văn Nguyên Hồng, ông chưa một lần khuyên ai trong bảy người con của mình đi theo nghiệp văn. Ông bảo viết văn không phải là một nghề, không truyền nghề được. Ai có năng khiếu thì cứ theo. Rồi ông lặng lẽ ra đi, không một lời di chúc. Con người yêu văn chương đến độ như vậy đã là điểm tựa để những người viết văn hậu thế noi theo như một tấm gương phản chiếu, để nhận diện nền văn học nước nhà và có những trang văn đọng lại, theo một cách riêng nào đó mà mình mong muốn cũng như đất trời ban cho".

Bìa cuốn sách mới của nhà văn Hồng Thái.

Nhà văn Nguyễn Hồng Thái hiện nay là Thiếu tướng, Tổng biên tập Tạp chí Công an nhân dân, anh bận rộn với nhiều công việc sự vụ, nhưng chưa bao giờ anh nguôi nghĩ về văn chương. Anh chia sẻ, trong suốt chặng đường công tác của mình, anh may mắn được là người làm "bà đỡ cho các tác phẩm văn chương". 

Thời kỳ làm Giám đốc, TBT NXB Công an nhân dân, anh đã từng tổ chức trại viết cho các cây bút tham dự giải thưởng "Cây bút vàng" lần thứ 3 (Do Bộ Công an, NXB Công an nhân dân và Hội Nhà văn tổ chức). 

Giải thưởng cây bút vàng đã phát hiện ra các Tác phẩm "Đặc biệt nguy hiểm" của tác giả Nguyễn Như Phong; "Ký ức thời con gái" của tác giả Nguyễn Thị Cùng; "8 năm 4 tháng 24 ngày" của tác giả Lê Duy Nghĩa; "Lầm lạc" (tác giả Phù Ninh); "Mật mã cuối cùng" (Tác giả Kim Thị Mùa Đông) và còn nhiều tác phẩm khác, đã tập trung khắc họa những hình ảnh đẹp về người chiến sĩ Công an tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. 

Sau này, khi chuyển đơn vị công tác sang nhận nhiệm vụ Viện trưởng Viện Lịch sử Công an nhân dân, nhà văn Nguyễn Hồng Thái tiếp tục hoàn thành những bộ sách của Ngành Công an với rất nhiều tâm huyết. Anh dành trọn thời gian và công sức cho công việc, bởi vậy, thời gian anh dành cho văn chương dường như bị sẻ chia, anh tạm thời dừng viết một thời gian để có thể chuyên tâm với công việc chuyên môn của mình.

Nhà văn Nguyễn Hồng Thái chia sẻ, năm 2019, anh có một bước chuyển mình thay đổi trong công việc, anh được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập tạp chí Công an nhân dân, một tạp chí nghiên cứu khoa học của ngành công an, để được cống hiến hết mình cho công việc, song anh cũng đã có những dự định cho văn chương của riêng mình. 

Anh sẽ tiếp tục với mạch văn sâu lắng, đầy sự chiêm nghiệm, đắm đuối từ những mảnh hồn làng trong ký ức, có tình mẹ, tình cha, có dòng sông, có con đò bến nước, cứ rủ rỉ ru hồn người vào một cõi nhớ thương. Anh chậm rãi viết như chính bản tính của anh, chậm rãi và thong dong trong cuộc đời, đi từng bước chậm mà chắc. 

Anh đến với mọi người bằng sự chân tình, bạn hữu, bằng sự bền bỉ của những quan hệ tưởng chừng không thể tiến xa hơn nhưng lại như một ngọn núi lửa trầm tích những nham thạch trong lòng nó. Anh neo vào lòng người dư âm bởi mạch văn của anh chân thành và gần gũi, nó như lá, như cỏ cây, như cây đa bến nước gần gũi với hầu hết những con người ra đi từ miền quê hương cát cháy. 

Bởi vậy mà ngay cả trong những tiểu thuyết về án nóng hoặc những đề tài về tội phạm, nhà văn Hồng Thái vẫn lấy được cảm xúc của người đọc bởi anh có những trang văn nhân hậu và thấm tình người. Có lẽ đó cũng là cái tạng văn của anh, như bản tính hiền hòa, chân chất và ấm áp của người miền Trung đã hun đúc nơi anh... 

Như một áng thơ mà anh đã viết từ lâu: "Lại hát về làng như hát với tháng ba/ Làng là cánh võng ru tôi, cái nôi thơ bé/ Đầu này võng mắc vào chân trời, đầu kia mắc vào vai áo mẹ/ Cái võng đưa bởi bà chưa chịu ngủ/ Lời ru, ru mãi, à ơi…/ Làng ơi con đã lớn rồi/ Vẫn câu hát ấy suốt đời con đi…".

Huy Tuấn
.
.