Hạnh phúc đơn sơ nhưng đầy trách nhiệm

Thứ Hai, 24/12/2012, 10:30
Bà Vũ Thị Thanh, phu nhân của nhà thơ Tố Hữu nhớ về thuở ban đầu của tình yêu và hôn nhân.

Nhà thơ Tố Hữu qua đời ngày 7/12/2002. Đối với ai đó thì từ ấy đến nay đã là một khoảng thời gian dài, đủ để định luận về những giá trị đích thực mà người đã ra đi để lại cho hậu thế. Nhưng trong trường hợp của người thi sĩ lớn này, hình như khoảng lùi thời gian đó vẫn còn chưa kịp giúp để dựng lên tượng đài xứng đáng cho ông.

Dường như chúng ta vẫn chưa học được cách ứng xử thích đáng với những di sản thi ca của ông do phải lụy vào quá nhiều những diễn biến xã hội nằm ngoài cõi thơ, mặc dù khó có ai có thể phủ nhận được ảnh hưởng to lớn của thơ Tố Hữu đối với con đường cách mạng và giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX. Nhìn từ góc độ này, có nhiều điều cần phải suy nghĩ… Và tôi quả thực rất chia sẻ ý kiến của nhà phê bình Lê Thành Nghị phát biểu trong lễ kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Tố Hữu diễn ra tại Hội Nhà văn Việt Nam ngày 4/12 vừa qua: “Thơ Tố Hữu và các nhà thơ cùng thời, có thứ bị quên đi chậm, có thứ bị quên đi nhanh. Việc làm lạnh lùng và công tâm ấy của thời gian vẫn luôn nằm ngoài ý muốn của cá nhân. Nhưng có một sự thật nhiều người biết, đó là trong suốt cuộc đời làm cách mạng và làm thơ, không một nhà thơ Việt Nam nào được nhớ, được đọc và được thuộc nhiều như Tố Hữu”…

Cũng trong những ngày này, nhân lễ kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Tố Hữu, tôi lại hay nhớ tới hình ảnh người vợ mẫu mực và chung thủy bậc nhất của ông, bà Vũ Thị Thanh. Bà đã sống thiếu ông chỉ được gần 10 năm và đã qua đời vào cuối tháng 4 vừa qua. Trước khi mất, bà đã kịp để lại tập hồi ký của mình.

Khi bà Vũ Thị Thanh còn sống, tôi đã không chỉ một lần bày tỏ ý nguyện muốn trò chuyện cùng bà về người chồng thi nhân của bà. Thế nhưng, do điều kiện sức khỏe không cho phép nên bà đã không thể cùng tôi biến ý muốn này thành hiện thực.

Bây giờ đọc lại những trang hồi ký như còn ấm nóng của người đã khuất, tôi đã cố gắng hình dung, nếu được trò chuyện cùng bà về những điều bà đã viết thì câu chuyện giữa chúng tôi sẽ diễn ra như thế nào. Được sự đồng ý của gia đình nhà thơ Tố Hữu, xin được trình bày cùng bạn đọc một phần nhỏ trong những tư liệu quý ấy. Cá nhân tôi chỉ dám đóng vai người nối chuyện khiêm nhường để tư liệu này thích hợp với một chuyên mục đã được định hình từ trước.

Sáng duyên kỳ ngộ

- “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/ Ngàn năm chưa dễ mấy ai quên”… Đó là thơ Thế Lữ. Vậy cái thuở ban đầu của bà với nhà thơ Tố Hữu thì như thế nào?

- Mọi chuyện bắt đầu từ sau Cách mạng Tháng Tám ở Thanh Hóa. Chúng tôi gặp nhau trong các lớp chính trị mà anh là giảng viên và qua những lần họp phụ vận có anh tới dự với tư cách là Bí thư Tỉnh ủy. Ngay từ đầu được tiếp xúc với anh, tôi đã mến phục thầy giáo Lành (bí danh của anh Tố Hữu) với những bài giảng đầy nghĩa khí. Cảm tình của tôi với thầy có lẽ còn vì cái giọng Huế trầm ấm mà tôi rất quen từ những ngày còn học ở Cố đô. Tôi nhớ trong một lớp học, anh đã chọc vào tính tự ái của tôi, vì hầu như không bao giờ anh gọi tôi phát biểu ý kiến. Với tính hiếu thắng của cô học trò mới rời ghế nhà trường, tôi giận dỗi và phản ứng bằng cách rủ cô bạn (chị Đặng Thị Hạnh, con cụ Đặng Thai Mai) xuống bàn dưới chơi cờ ca rô.

Thời gian này, tôi thường được làm việc với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trong những lần họp phụ vận tỉnh ở huyện Thọ Xuân. Cạnh trụ sở có con sông Chu cuồn cuộn chảy qua. Thỉnh thoảng, sau những giờ hội họp căng thẳng, các chị lớn tuổi (chị Thái, chị Đính…) lại rủ tôi ra tắm sông. Trong những dịp như thế, các chị kể (không biết có phải cố ý?) khá nhiều mẩu chuyện về anh. Qua nhiều lần tiếp xúc gần gũi, lòng cảm mến của tôi đối với anh càng tăng thêm. Bên cạnh sự ngưỡng mộ những bài thơ cách mạng trữ tình, tôi còn nể phục tài hùng biện của anh. Đỉnh điểm của tình cảm này là lần nghe anh diễn thuyết và ngâm bài thơ Ly rượu thọ hùng tráng tại buổi liên hoan văn nghệ quyên tiền cứu đói tại một rạp chiếu bóng ở thị xã Thanh Hóa. Cả con người anh toát ra một cái gì vừa thanh lịch dịu dàng, lại vừa nghiêm trang đĩnh đạc. Lúc này tôi đã mơ hồ nhận ra rằng có lẽ đây là  người mà tôi hằng mơ ước. Bất giác tôi nhớ lại chàng Dũng trong tiểu thuyết Đôi bạn đã một thời là hình tượng người thanh niên lý tưởng của tôi.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tặng bức ảnh lưu niệm cho phu nhân nhà thơ Tố Hữu. Ảnh: Minh Trí.

- Lúc đó bà có biết là nhà thơ Tố Hữu cũng đã để ý tới bà không?

- Tôi cũng có cảm giác như thể anh đã để ý đến tôi. Mặc dầu anh vẫn giấu kín tình cảm của mình, nhưng qua ánh mắt và những lời chào hỏi đôi lúc gặp riêng đã mách bảo tôi rằng anh không thờ ơ với tôi. Song trong lòng tôi vẫn canh cánh một điều: tôi biết có một chị cán bộ trong tỉnh khá xinh đẹp rất yêu anh. Lương tâm không cho phép tôi làm người thứ ba cản trở, nên tôi không hề thổ lộ tâm sự riêng với ai.

Thế rồi năm 1947, tôi được điều về huyện Hoằng Hóa, tham gia Huyện ủy phụ trách Phụ nữ Cứu quốc. Đây là quê ngoại của tôi, một vùng rất nhiều dừa, nhiều cây dẻ to, hoa thơm nức. Đây cũng là nơi tôi tiếp xúc với nông dân nhiều nhất. Các bà gọi tôi là “chị cán bộ tỉnh về, trắng trẻo, hát hay”, vì tôi thường hát giúp vui mỗi lần chờ họp. Mỗi phiên chợ huyện, các mẹ, các chị thường cho quà như bánh lá, bánh đa cùi dừa, chuối, quýt…

Với tư cách là Bí thư Tỉnh ủy, anh thường về huyện kiểm tra công tác. Xong công việc, chiều đến, khi ngọn đèn dầu thắp lên, anh thường gọi tôi sang Huyện ủy hỏi han công tác. Công việc không nhiều, nhưng thời gian chuyện trò thì kéo dài.

Cho đến một hôm, chị Nguyễn Thị Hào (buôn bán tạp hóa lặt vặt ở phố Cầu Sâng), người chị đỡ đầu của tôi, lúc ấy đã là Tỉnh ủy viên, gọi tôi lên tỉnh. Đến đêm đi ngủ, trong bóng tối, chị thủ thỉ:

- Anh Tố Hữu gặp chị ở cuộc họp Tỉnh ủy tại huyện Thọ Xuân, có nhờ chị thăm dò xem em đã có ai chưa, và anh muốn tìm hiểu em, em nghĩ sao?

- Và lúc ấy thì bà nghĩ sao?

- Tôi không ngỡ ngàng lắm, nhưng không khỏi hồi hộp khi nghĩ rằng sẽ có một hạnh phúc rất đẹp với người thanh niên trong mộng ước của tôi lâu nay. Là một học sinh mới lớn lên, chưa hề yêu ai, vốn chịu nhiều ảnh hưởng của các tiểu thuyết lãng mạn, lại mới được giác ngộ cách mạng, tôi rất cảm kích về lời cầu hôn của người vừa là nhà thơ giàu cảm xúc, vừa là một cán bộ cách mạng chân chính. Chắc là tai tôi phải đỏ vì sự xao xuyến mãnh liệt trong lòng, nhưng may thay, trời tối đen nên chị Hào không đọc được những ý nghĩ của tôi. Ngủ lại với chị Hào đêm hôm ấy, chị cứ căn vặn tôi:

- Em đã có ai chưa, mà không nhận lời?

Tôi chỉ ậm ừ, nhất định không nói thật lòng mình, vì e ngại anh đã có một người con gái khác như những lời đồn đại trong tỉnh.

Sáng hôm sau ra về huyện, tôi như người mất hồn, cả công tác, ăn uống nghỉ ngơi đều không ra gì, vui mừng, buồn lo lẫn lộn.

Anh Tố Hữu lại nhắc chị Hào hỏi tôi một lần nữa. Hơn một tuần sau, chị Hào gọi tôi lên tỉnh, và bố trí cho tôi gặp thẳng anh tại một căn nhà đã bị phá hoại lúc tiêu thổ kháng chiến, cạnh nhà chị. Tôi còn nhớ anh Tố Hữu mặc bộ kaki vàng bạc màu, hai tai đỏ ửng, lúng túng rụt rè đến gần tôi. Anh nhìn tôi một lúc rồi mới thốt ra được mấy câu rất “chững chạc”:

- Tôi đã nghe chị Thái (một đồng chí cách mạng lão thành, người huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa, Tỉnh ủy viên đã từng hoạt động bí mật với anh trong 4 năm) nói về Thanh từ hồi tôi còn ở Việt Minh Trung Bộ tại Huế. Nay về tỉnh nhà, tôi biết Thanh qua những lần gặp gỡ công tác, lại được nhiều đồng chí trong tỉnh, trong huyện giới thiệu. Tôi rất mến Thanh, không biết ý Thanh thế nào?

Chỉ mấy lời ngỏ ý ngắn ngủi, vụng về thế thôi, rồi anh im lặng đứng nhìn tôi chờ đợi. Tôi rất xúc động thoáng nghĩ: thì ra anh ấy đã có ý tìm hiểu mình từ lâu, qua nhiều người, qua nhiều thời kỳ. Tình yêu thương bồng bột dâng trào, mặt nóng bừng, tôi lí nhí được một câu:

- Vâng.

Nhưng rồi tôi tỉnh lại, tập trung nghị lực, thẳng thắn, mạnh dạn hỏi anh:

- Anh có thể cho biết anh đã có ai chưa?

Không do dự, anh thanh minh:

- Có một người yêu tôi, nhưng đó là tình yêu một phía.

Tôi tin ngay vì nghĩ anh là một người cộng sản chân chính.

- Thật thế?

- Thật thế! Tình yêu thầm kín được ấp ủ đã lâu, nay được bộc lộ với sự tin tưởng sâu sắc. Cả hai chúng tôi mắt nhìn mắt, tay trong tay, không muốn rời nhau. Nhưng rồi đến lúc cũng phải ra về. Anh vui sướng nắm chặt tay tôi một lúc lâu nữa, và hẹn gặp lại.

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu và bà Vũ Thị Thanh.

Từ hôm đó chúng tôi chính thức và thường xuyên gặp nhau, lúc thì ở huyện Hoằng Hóa, khi ở Việt Minh tỉnh. Anh thú nhận: nhiều lần về huyện công tác, kết hợp thăm tôi, xe đạp xuýt rơi xuống giao thông hào chữ chi xẻ dọc đường cầu Hàm Rồng. Anh có thói quen vừa đạp xe, vừa huýt sáo làm thơ, lơ mơ nên mới ra nông nỗi đó. Đối với tôi, những ngày chờ đợi gặp anh sao mà dài thế! Cứ mỗi dịp cuối tuần, chiều đến, tôi lại chăm chú lắng nghe tiếng chuông xe đạp quen thuộc của anh.

Bất ngờ một hôm vào tháng 8 năm 1947, anh về huyện cho tôi biết: Trung ương điều anh lên Việt Bắc làm công tác Văn hóa. Anh hỏi ý tôi, muốn chúng tôi cưới nhau để đưa tôi đi cùng. Anh nói:

- Toàn quốc kháng chiến. Quân Pháp đang mở rộng trận địa. Đất nước sẽ chia cắt nay mai. Nếu không được đi cùng nhau thì rất khó gặp lại. Mà anh thì không thể chia tay Thanh ở đây.

Thật sự tôi chưa muốn kết hôn vì mới mười chín tuổi, thích kéo dài thời gian yêu đương, mộng mơ. Nhưng anh là một cán bộ cao cấp, công việc bề bộn, buộc anh phải khẩn trương. Sợ tôi trì hoãn hay từ chối, anh khẩn khoản: “Thanh thông cảm cho anh, hãy lên Việt Bắc với anh”. Đứng trước hoàn cảnh ấy, tôi không có sự lựa chọn nào khác là đi theo anh, sau khi làm lễ cưới.

Lúc này mẹ tôi không thuận tình “gả” tôi cho anh, một người xa lạ, quê quán “tận đâu đâu”, gia đình dòng họ không rõ, vóc dáng lại gầy gò ốm yếu. Mẹ tôi là hội viên Hội Mẹ chiến sỹ ở làng, bộ đội qua lại bà vẫn ủng hộ cơm bưng nước rót rất nhiệt tình. Nhưng cách mạng là gì, bà không hiểu lắm. Hơn nữa đối với việc gả chồng cho con gái đầu lòng, chỗ dựa và niềm hy vọng của gia đình, thì bà quan niệm:

 “Có phúc gả con chồng gần,
Có bát canh cần nó cũng đem cho.
Vô phúc gả con chồng xa,
Trước là mất giỗ, sau là mất con”.

- Cụ nghĩ như thế là đúng...

- Đúng nhưng cũng không hẳn như vậy. Bà còn đắn đo: “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”. Chúng tôi không hề trách mẹ, nhưng hoàn cảnh bức xúc, không thể lùi được. Tôi biết thâm tâm bà muốn gả tôi cho một anh cán bộ trong huyện, gia đình vừa có nhiều ruộng, lai lịch dòng họ lại rõ ràng. Vì vậy, mấy hôm trước đám cưới, bà bỏ ăn, nằm đắp chiếu buồn so. Anh Tố Hữu phải nhờ chị Nguyễn Thị Nghiên, người rất có uy tín đối với gia đình tôi, về làng thuyết phục mẹ tôi: “Bà gả Thanh cho anh ấy đi. Anh ấy là một cán bộ Việt Minh tốt. Nếu sau này có chuyện gì, tôi chịu trách nhiệm”. Thế là mẹ tôi “chịu” một cách bất đắc dĩ. Để chiều lòng bà, mặc dầu rất bận công tác, nhất là phải bàn giao công việc trước lúc đi xa, anh vẫn cố gắng đảm bảo đúng nghi lễ cưới.

- Đám cưới đã diễn ra như thế nào ạ?

- Đám cưới được tổ chức tại làng Đạt Tài, huyện Hoằng Hóa, nơi mẹ và các em tôi mới sơ tán về. Nhà cửa không trang hoàng gì nhưng cũng có vài mâm cơm (do Tỉnh bộ Việt Minh cho một ít tiền) mời họ hàng thân nhất và một số cán bộ trên tỉnh về (anh Đặng Thai Mai đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh; anh Đặng Việt Châu đại diện Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh, anh Bùi Đạt - Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh, hai chị Nguyễn Thị Nghiên và Nguyễn Thị Hào là Tỉnh ủy viên và cũng là hai người chị đỡ đầu của tôi).

Chị Nguyễn Thị Nghiên cho tôi một cái áo dài lụa xanh lá mạ làm áo cưới. Mẹ cho tôi hai cái áo cánh nâu bằng nái (lụa thô bà dệt lấy) gọi là của mẹ cho con gái đầu đi lấy chồng.

- Đơn sơ, giản dị, nhưng hạnh phúc thì cũng có kém gì ai.

- Phòng hạnh phúc của chúng tôi là một gian kho nhỏ của cơ quan, đóng trong một căn nhà giữa phố ga đang bị địch phá hoại dở dang. Trong kho có chứa gạo, mắm, muối, cá khô. Không biết bằng cách nào mà chị phục vụ của cơ quan đã khéo kiếm cho hai chúng tôi một cái giường sắt Hồng Kông kiểu cổ. Tuy vậy chúng tôi thật hạnh phúc.

Vài hôm sau, anh đưa tôi lên Việt Bắc. Đường bộ qua khu Ba, khu Tả Ngạn quân Pháp đang hoành hành. Chúng tôi quyết định đi đường thủy. Tuần trăng mật kéo dài khoảng hơn 10 ngày, lênh đênh trên một chiếc thuyền nan nhỏ. Thuyền đi ven sông Mã về Nga Sơn, Phát Diệm, qua sông Đáy đến Hà Đông, lên Việt Trì, ngược sông Lô lên Tuyên Quang. Một cuộc du ngoạn thật thơ mộng. Ban ngày hai anh em ngồi tựa mạn thuyền hiu hiu gió mát ngắm những ruộng lúa, bãi mía, nương ngô bạt ngàn hai bên bờ sông. Qua những làng quê tre mọc kín xung quanh, phía sau là những đồi chè xanh mướt, đồi sim mua có tán cọ che phủ. Thỉnh thoảng chúng tôi ghé vào gần thuyền đánh cá của ngư dân, mua một ít cá tươi, luộc chấm với muối, thật ngon lành. Ban đêm nằm ngắm bầu trời đầy sao và trăng muộn cuối tháng. Thi thoảng một làn gió thu thổi vào lòng thuyền se se lạnh. Sức anh chẳng được bao nhiêu nhưng anh cũng gắng ấp cho tôi đỡ lạnh, và luôn giục tôi:

- Em dựa vào anh cho ấm mà ngủ đi cho đỡ mệt.

Tôi vờ nhắm mắt cho anh vui lòng, nhưng đầu óc thì suy nghĩ mông lung. Đối với anh, sau quãng thời gian hơn mười năm, từ lúc mười lăm tuổi tham gia cách mạng, bị giam cầm trong tù ngục bốn năm, vượt ngục ra phải sống trốn tránh trong nông dân vừa thoát nạn đói năm 1945, thời gian này là lúc anh được nghỉ ngơi đôi chút. Còn đối với tôi, ngoại trừ những lần đi đò ngang qua lại sông Hương khi còn là học sinh Trường Đồng Khánh thì đây là lần đầu tiên tôi được đi đò dọc dài ngày, tha hồ ngắm cảnh vật thiên nhiên của đồng quê, của rừng núi hùng vĩ. Bên anh, tôi cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc. Tôi đã có một người chồng, một người đồng chí đầy tin cậy, chỗ dựa vững chắc cho cả cuộc đời.

Đảng phân công thì nhận

- Tôi biết rằng nhà thơ Tố Hữu đã làm rất tốt chức trách một cán bộ Đảng của mình. Vậy tại sao sau đó ông lại chuyển sang làm công tác văn học nghệ thuật?

- Năm 1946, khi mới giành được chính quyền, Đảng đã gọi anh ra Hà Nội làm văn hóa. Đến lúc cần cán bộ chủ trì tỉnh Thanh Hóa, Trung ương điều anh về làm Bí thư  tỉnh ủy Thanh Hóa lần thứ hai, nơi anh đã hoạt động bí mật hơn ba năm với cương vị Bí thư Tỉnh ủy gần một năm trước đó, vì anh  hiểu rõ đồng đất, con người. Nay Trung ương lại đặt anh vào một nhiệm vụ mới.

Bắt tay vào làm văn hoá, anh biết quan điểm xưa nay của Đảng: Coi văn hoá - nghệ thuật là một mặt trận đấu tranh tư tưởng, tác phẩm văn nghệ là một vũ khí sắc bén, văn nghệ sỹ là chiến sỹ. Bác Hồ đã chỉ thị từ những ngày đầu kháng chiến: “Phải kháng chiến hóa văn hóa, và văn hóa hóa kháng chiến”. Để hình thành mặt trận Văn hóa trong cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện, không thể không cần những cán bộ chính trị để tập hợp, tổ chức văn nghệ sỹ đi theo con đường cách mạng, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Một mặt khác không kém phần quan trọng là phải tạo điều kiện và khích lệ quần chúng cách mạng sáng tác, nói lên một cách hay nhất cuộc sống chiến đấu của mình. Trong sổ tay công tác năm 1961, anh đã ghi: “Phải nâng con người lên ngang tầm mơ ước của họ, khơi dậy những năng lực còn tiềm ẩn trong con người họ”.

Với trách nhiệm mới, anh lao vào việc. Trước hết là việc tổ chức. Hồi ở Hà Nội (năm 1946) làm văn hóa ít lâu, sau đó làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, anh đã làm quen với một số văn nghệ sỹ có tên tuổi. Những mối quan hệ đó đến lúc này đã tạo điều kiện thuận lợi cho anh tiếp cận với từng người để đưa vào tổ chức hành động.

Anh biết ở trung du có nhiều văn nghệ sỹ Hà Nội về sơ tán. Đầu tiên anh về Bắc Giang tìm anh Nguyên Hồng, cụ Ngô Tất Tố, anh Kim Lân, anh Tạ Thúc Bình, sống cùng nhau trên ấp Đồi Cháy. Định hợp nhau lại thành một tập thể, đóng bản doanh tại đó, thì mấy ngày sau địch đánh lên Bắc Giang, các anh phải sơ tán sang Vĩnh Yên, Phú Thọ.

- Thế lúc đó bà phải đảm nhận công việc gì?

- Trong khi anh đang loay hoay với công tác tổ chức mới, tôi ở lại Ban Phụ vận Trung ương làm cán bộ Tuyên huấn. Cơ quan đóng trong rừng. Tôi chẳng biết làm gì, cả ngày chỉ ngồi đọc công văn. Những lúc rảnh rỗi, trời nắng ráo, tôi cùng một vài người bạn rủ nhau ra suối hoặc đi dạo dưới những mảng rừng thưa… Cuộc sống tạm ổn nhưng quá nhàn rỗi. Tôi bèn xin về địa phương, tuy biết rằng như thế là xa anh thêm. Khi đó tôi chưa biết anh cũng đã về xuôi. Tôi đang chờ quyết định thì được tin cơ quan phải sơ tán. Đoàn cán bộ phụ nữ, vai đeo ba lô, khoác thêm tay nải tài liệu, đi về hướng Bắc Giang. Cả đoàn đang lếch thếch trên đường qua ấp Đồi Cháy thì tôi bất ngờ được gặp anh ở chân đồi, đang ngồi nghỉ trên đôi dép râu lốp đen. Tôi mừng quýnh, không kìm được, cũng không kịp giữ ý với các chị xung quanh, chạy đến ôm lấy anh:

- Đã gần một tháng nay, không thấy anh, cũng không được tin tức gì của anh, em nhớ quá, lo quá!

Anh an ủi tôi:

- Chắc đoàn của em về một nơi gần đây thôi. Em cứ đi với các chị, anh sẽ tìm đến ngay.

Ngấn nước mắt đã trào lên, tôi vừa chạy theo đoàn, vừa lau nước mắt…

- Người vợ trẻ mà lại phải rơi vào cảnh như thế thì tủi thân cũng là lẽ thường tình.

- Thì đành thế. Gần một tuần sau, địch đánh lên Nhã Nam. Cả hai cơ quan Văn nghệ và Phụ nữ phải sơ tán một lần nữa. Anh biết cơ quan Phụ nữ Trung ương mới về đóng gần đó, bèn đến rủ cùng đi thành một đoàn. Trong hoàn cảnh ấy mà anh vẫn đùa:

- Văn nghệ và phụ nữ dễ thân nhau, ta cùng đi một hướng nhé. Đó cũng là “chung và riêng đấy”.

Chị Diệu Hồng hiểu ý anh, hưởng ứng:

- Thế thì hay quá.

Thật ra các chị cũng không biết nên đi đâu, các anh văn nghệ sỹ cũng vậy. Tôi thì khấp khởi mừng thầm, được đi cùng anh, ở thêm với anh một thời gian nữa, còn đi đâu thì đã có anh lo.

Cuối cùng hai đoàn bàn nhau về Vĩnh Yên rồi sang Phú Thọ. Đoàn gồm văn nghệ sỹ và phụ nữ, chân yếu tay mềm, rất mau thấm mệt. Gần chiều, đến chợ Me, Vĩnh Yên, bỗng nghe có tiếng súng của địch ở phía trước, đoàn phải rẽ ngang vào một làng, theo lệnh của một chị dân quân đứng trên đồi cọ giang tay chỉ đường. Đường đất trung du, lúc lên đồi, lúc xuống ruộng, phải quanh co, vòng vèo tránh chỗ quân địch đi càn, lại còn phải “phụ trách” đoàn văn nghệ sỹ và phụ nữ được an toàn khiến anh quá mệt. Anh lên cơn sốt rét, mầm bệnh ủ sẵn trong người từ ngày bị giam trong nhà tù Lao Bảo. Anh không đi được nữa, đành ngồi phệt xuống vệ đường. May có hai cán bộ của Vĩnh Yên đi qua, cõng anh về cơ quan Tỉnh ủy Vĩnh Yên. Anh Vũ Tuân (sau này là Chánh văn phòng Trung ương Đảng) khi đó là Bí thư Tỉnh ủy. Anh Tuân biết anh Tố Hữu là cán bộ của Trung ương, đã từng là Phó bí thư Xứ ủy Trung kỳ, nay đi một mình trong một địa phận địch đang bành trướng, không có người bảo vệ, cũng không cả người dẫn đường thì rất băn khoăn:

- Sao chẳng có ai đưa đường?

Anh Tố Hữu cười:

- Kháng chiến mà, tự lo lấy thôi.

Đêm hôm ấy, anh Vũ Tuân thu xếp cho anh chị em nghỉ tử tế, cho anh Tố Hữu một bát cháo hành nóng và anh chị em trong đoàn được đãi một bữa cơm nóng với cá kho ngon lành. Sau một đêm được nghỉ ngơi, anh Tố Hữu hết sốt. Anh gượng dậy, giục anh chị em chuẩn bị lên đường. Chạy ngược chạy xuôi vất vả, lại thêm một cơn sốt rét cao (may không phải sốt rét ác tính) da mặt anh vàng khè. Tôi xót xa quá mà không làm gì hơn được cho anh.

Ngày hôm sau, đến Phú Thọ, anh đưa tôi và các chị Phụ vận Trung ương đến xóm có cơ quan phụ nữ tỉnh đóng. Tôi đành phải chia tay với anh, bịn rịn không nói nên lời, trong lòng rất lo cho sức khỏe của anh. Anh nhận ra ngấn nước trong mắt tôi, liền an ủi:

- Anh ở quanh đây thôi, không xa đâu, chúng mình có thể dễ dàng lại gặp nhau.

Thu xếp xong cho các chị Phụ vận, anh quay trở lại cơ quan mình. Đến Phú Thọ, anh gặp lại anh Nguyễn Huy Tưởng, anh Nguyễn Đình Thi mới từ Hà Đông lên. Cùng với hai anh, cộng thêm anh Nguyên Hồng, anh Kim Lân, các anh thành một tập thể cơ quan. Cơ quan đầu tiên của Hội Văn nghệ đóng tại làng Gia Điền, huyện Thanh Ba, một xóm nghèo chỉ có mấy mái nhà tranh vách đất giữa rừng tre nứa rậm rạp. Cán bộ xã đưa các anh về nhà bà Gái trong làng (nhân vật bà Bầm trong bài thơ Bầm ơi!). Nhà bà có một gian và một chái bếp toàn bằng tre nứa.

- Cái thuở kham khổ ấy mà lại sinh ra nhiều tác phẩm cảm động

- Thành lập cơ quan xong, anh Tố Hữu mời anh Nguyễn Huy Tưởng lớn tuổi hơn cả, lại là người thành phố từng trải, cho ý kiến về sắp xếp cơ quan cho “bề thế” (như  anh Tố Hữu đùa). Anh Nguyễn Huy Tưởng “làm bộ quê mùa”, rủ rỉ:

- Thưa các bác, em vụng về lắm, lại đang nhớ vợ ở Hà Nội đây. Thôi ông Lành nói đi.

Đành vậy, anh Tố Hữu tuyên bố:

- Việc ăn ở chẳng có gì phải bàn. Tiền Trung ương cho mỗi đứa một tháng dăm đồng cũng đủ ăn. Mặc thì cứ thế này là sang lắm rồi. (Anh Tố Hữu vẫn một bộ kaki vàng bạc phếch). Nhà có một phản gỗ đủ cho vài ba vị nằm, thiếu thì có cái chõng tre. Bà cụ đã có buồng riêng ở chái bếp.

Xong việc ăn ở, anh Tố Hữu tiếp tục bàn đến công tác:

- Trung ương giao cho ta làm văn hoá - văn nghệ. Bộ đội đánh giặc, dân sản xuất nuôi quân, văn nghệ sỹ ta làm gì bây giờ? Viết văn, ca hát, vẽ tranh cho bộ đội và dân vui. Nói mồm không ăn thua, ta cố gắng ra một tờ tạp chí, mỗi tháng một kỳ. Việc này anh Thi đã quen, xin anh phụ trách cho. Còn tôi xin làm chức hành chính, tức là đi thưa trình với các vị lãnh đạo và đảm bảo hậu cần dưa cà mắm muối.

Tôi còn nhớ có lần đến thăm anh, tôi thấy anh từ xa, một tay cầm bó rau muống, một tay hai túm lá khoai, một đựng mắm tôm, một đựng mấy bìa đậu phụ nướng. Tôi hỏi:

- Anh đi đâu mà lếch thếch vậy?

Anh cười:

- Vào Thanh Cù gặp Tỉnh ủy. Nhân thể làm luôn công tác hậu cần...

Tôi thương anh vô cùng. Và cũng chạnh lòng nghĩ đến các anh văn nghệ sỹ ở thủ đô, trước kia sống đàng hoàng, nay ra vùng rừng núi vẫn vui vẻ với bữa cơm độn sắn ngô, rau muống, mắm tôm. Thỉnh thoảng có tí thịt lợn luộc, nửa nạc nửa mỡ đã gọi là một bữa tươi. Thời gian đầu này, cuộc sống vật chất rất thiếu thốn, nhưng lại rất vui, rất đầm ấm vì đã tập hợp được rất nhiều văn nghệ sỹ có tên tuổi. Ở tỉnh Phú Thọ, huyện Hạ Hòa, Ao Châu, Ấm Thượng, Phố Ẻn, Xuân Áng và cả ở khu Bốn . . . có đủ các nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà viết kịch. Sau này gặp lại anh Nguyễn Đình Thi, anh Thi thường nhắc lại những kỷ niệm đẹp trong cuộc sống buổi ban đầu kháng chiến ấy.

Việc tập hợp nhanh chóng các văn nghệ sỹ có tên tuổi là một sự quý giá hiếm có. Chính lực lượng hùng hậu đó là nòng cốt của mặt trận văn nghệ của Đảng, không những trong chiến tranh, mà cả trong thời bình sau này. Cho đến ngày nay, nhiều người đã ra đi nhưng tiếng vang tác phẩm của họ hồi đó vẫn còn lưu lại mãi trong nhân dân.

Nhiều tác phẩm hay đã ra đời lúc này: Bài ca người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, Trường ca Sông Lô của Văn Cao, các bài thơ Cá nước, Phá đường của Tố Hữu, truyện Đôi mắt của Nam Cao, truyện Những người ở lại, Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng, truyện Làng của Kim Lân...

H.T.Q.
.
.