Hà Văn Thể: Một người thơ quen “cuối thác đầu ghềnh”

Thứ Năm, 18/12/2014, 11:21
Mỗi người làm thơ thường có một cõi riêng của mình để đi về. Cõi riêng ấy là nơi họ cất giấu những nỗi niềm, những trăn trở, suy tư. Là nơi, sau những bề bộn của đời sống thường nhật cơm áo, họ đối thoại với chính mình, trút bỏ mình lên trang giấy. Cõi riêng ấy của nhà thơ Hà Văn Thể là nỗi buồn, là cố hương biền biệt xa, là hiện tại cực nhọc đắng cay nhưng chưa bao giờ tuyệt vọng.

Trong bài thơ “Sắc thuốc cho con” ông tự hỏi: “Thuốc nào chữa được mấy vòng trần ai”. Và cũng chính ông trả lời, về một thang thuốc có tên là hy vọng. Vâng, con người sẽ có thể đi qua mọi khổ hạnh thế nào, nếu không hy vọng. Thơ, xét đến cùng, cũng chính là một “thang thuốc” của tâm hồn, sẻ chia và xoa dịu, cho mỗi chúng ta đi qua những nông nỗi phận người, để tìm kiếm bình an, hạnh phúc.

So với nhiều nhà thơ cùng tuổi Đinh Dậu, Hà Văn Thể có thể không nổi đình nổi đám bằng. Ông viết sớm nhưng viết không nhiều, chưa bao giờ chú trọng việc đăng đàn, phát ngôn, in ấn, xuất hiện thế nào cho ồn ào, ấn tượng. Người ta nói, thơ là người. Người sao thì thơ vậy. Người làm thơ, để có một câu thơ hay, buộc phải bộc lộ mình thật nhất, không thể hóa trang hay giấu giếm. Những xiêm áo vay mượn làm một cuộc lấp lánh giả tạo rốt cục cũng chỉ để rơi vào quên lãng, vì người đọc đến với thơ là đi tìm một neo đậu, một tri cảm sâu sắc của người làm thơ. Hà Văn Thể viết cái thật trong mình, cái ông đã sống, đã trải nghiệm, đã dằn vặt, đã thương nhớ, đã băn khoăn, âu lo. Thơ của ông có sự hồn hậu chất phác của một tâm hồn vốn cực xa lạ với những gì mỹ miều hình thức, hoặc giả có cố cũng không thể đụng vào cái mỹ miều hình thức được.

Những câu thơ chân tình, ấm áp, như khoai như sắn của vùng đất trung du quê ông: Đất trung du miên man dốc đồi/ Bước lên thì cao/ Bước xuống thì thấp/ Cây cọ đứng bên bờ ruộng rộc/ Kiêu hãnh thả lên trời những chiếc lá xanh/ Người trung du quen cuối thác đầu ghềnh/ Không ngay thẳng, thật thà không sống được... (Ai về Phú Thọ). Đó có thể xem là những câu thơ tự bạch của Hà Văn Thể.

Về vùng đất nơi ông bắt đầu hành trình kiếp người, vùng đất cố hương ngập tràn ký ức tuổi thơ, và về con người thi ca trong ông. Tính “ngay thẳng, thật thà” của người trung du trong hồn thơ Hà Văn Thể nhất quán trong mọi bài thơ, mọi tập thơ của ông. Tưởng như, ông không có một chủ trương nào trong việc làm thơ cả. Xét ở khía cạnh nào đó, Hà Văn Thể là nhà thơ “nhẹ gánh” nhất. Bởi ông không tự buộc mình vào bất kỳ một sứ mệnh nào, như không ít người cầm bút khác đã buộc, đã quan niệm, đã tự làm dày vò khổ sở, “làm khó” mình trên con đường đi với thi ca.

Không chủ định đổi mới tân kỳ hình thức, không làm dáng làm điệu vần vè, không mong muốn một sự kể tên trong cuộc tổng kết nào đó, thơ với Hà Văn Thể là khí trời, là nước uống, là âm thanh tự vang trong cõi lòng bề bộn quá và có khi là mệt mỏi xao xác quá. Ông trung thực với sự tự vang đó đến mức, tưởng như không bao giờ muốn trau chuốt lại những câu chữ đã trào ra từ ngọn bút. Ông để nguyên đó, những khoảnh khắc của tâm trạng, có lúc rất thô mộc, có lúc rất trữ tình, có lúc rất thật thà, có lúc rất bay bổng. Ngay cả tên của những bài thơ, cũng thường được đặt một cách chân chỉ, giản dị, không buồn đếm xỉa đến việc có gây ấn tượng mạnh hay tạo sự chú ý với bạn đọc hay không.

Bởi thế, Hà Văn Thể đích thị người làm thơ trước tiên chỉ cho mình. Ông viết là để ghi nhật ký đời sống tâm hồn mình, để trút bỏ mọi ẩn ức vui buồn, cả những gánh nặng không thể kể lể, gọi thành tên trong đời sống của ông. Một người lặng lẽ đi tìm trong thơ những “thang hy vọng” cho riêng mình, như cần một cái cớ để sống, để yêu, để tin vào cuộc đời, vào phận người. Tất cả những gì có thật trong đời/ Vẫn không nguôi hành hạ con người/ Những sinh linh hữu hạn, nhỏ bé, yếu ớt/ Và như thế mỗi ngày âm thầm tôi viết/ Thơ sẻ chia, không né tránh bao giờ... (Thơ viết cho mình).

Đối thoại từ bên trong luôn là cuộc đối thoại cô đơn nhất, sâu sắc nhất. Những người biết Hà Văn Thể hiểu nỗi cô đơn của ông. Ở đâu đó người ta ồn ào câu chuyện thơ đóng góp gì cho nhân loại, người ta kể tên những người dũng cảm tiên phong đổi mới hình thức, người ta trao giải cho người tạo ra những trào lưu mới, thì ở đây, trong góc riêng của Hà Văn Thể, thơ là nỗi lòng thật của người cha nửa đêm ngồi sắc thuốc cho đứa con bé bỏng ốm đau chậm nói, là nỗi xót xa của người chồng với người vợ: Sáu năm nửa tỉnh nửa mê/ Chồng đi không biết, con về chẳng hay/ Giữa đêm lại nghĩ là ngày/ Có khi sợ cả đám mây giữa trời/ Sáu năm im bặt tiếng cười/ Anh em ruột thịt ra người dửng dưng/ Chuyện thì toàn những viển vông/ Con thơ để mặc cho chồng lo toan/ Nhà neo, bệnh tật trái ngang/ Khổ từ người ốm, khổ sang người lành (Sáu năm).

Trong hoàn cảnh riêng của mình, thơ ca bỗng trở nên chưa bao giờ gần gũi thiết thực với nhà thơ như vậy. Thơ ca thay một bờ vai, thay một chỗ dựa, để nhà thơ đi qua mọi nhọc nhằn mà số phận đã thử thách ông.

Cũng chính trong suy ngẫm phận người, những tứ thơ hay vụt đến với Hà Văn Thể như quà tặng. Ông có nhiều câu thơ làm người đọc thảng thốt, giật mình. Trong những phút muộn phiền vì sự xa vắng của tình tri âm tri kỷ, hãy thử đọc câu thơ này của Hà Văn Thể: Tôi cưỡi đá bay qua phố phường, đồng ruộng/ Hoảng loạn gọi con người - người trốn biệt nơi nao. Gọi con người, có lẽ là tiếng gọi thiết tha, nhiều âm vang và nhiều day dứt nhất. Một lúc khác, trong dòng đời cuộn chảy, ngoái nhìn lại những tháng năm xưa cũ, ngoái nhìn ký ức, hãy ngâm nga một câu thơ khác: Dòng sông đang cạn nước rồi/ Nghe trong khô khát tiếng người tìm nhau (Sông mà cạn nước).

Và khi ngẫm về kiếp nhân sinh, hãy đến và nghe Hà Văn Thể đọc câu thơ này: Chỉ như đám mây lưng trời, thoáng chốc/ Chưa được hình hài đã dừng cuộc rong chơi. (Lại…Tết). Một triết lý của nhà Phật về cái chớp mắt trong vũ trụ được mã hóa trong câu thơ. Là khi nhà thơ ngồi với im lặng, từ bỏ mọi vướng bận, phức tạp, nhìn sâu vào chính mình, nhận diện sự có-không trong nhân gian cát bụi. Thực sự mà nói, những câu thơ như vậy có khả năng thanh lọc hồn người, nhìn ra những giá trị thực của đời người: Ban mai tôi thức dậy/ Gặp sợi tóc trên đầu rụng xuống…

Tâm trí bạn đọc thường hình dung một người làm thơ hay la cà quán xá, uống rượu và xê dịch, tâm hồn lơ lửng không trung, ít thuộc về những việc tỉ mỉ vụn vặt hàng ngày. Trong một vài ví dụ, người ta cảm phục những người có thể làm vợ hay làm chồng của nhà thơ, chịu đựng những bất thường của họ. Hà Văn Thể không phải mẫu nhà thơ ấy. Cuộc sống thử thách ông nhiều hơn ở khía cạnh đời thường. Đồng nghiệp cùng cơ quan vẫn chứng kiến ông hàng ngày đi về cần mẫn như con ong thợ, chu đáo từ việc cơ quan đến việc nhà. Ông chăm vợ đau con ốm, thu xếp, cắt đặt nhà cửa, nuôi dạy con học hành khôn lớn.

Phía sau cánh cửa ngôi nhà nhỏ, ông có thể vào vai một người mẹ hát ru con, hồi hộp đợi con nói tiếng đầu tiên, tàn đêm ngồi nhìn con dứt cơn sốt. Những nỗi niềm của ông, nếu ở vị thế một người đàn bà làm thơ, có thể sẽ dễ giãi bày hơn, dễ chia sẻ hơn, và cũng có thể dễ nguôi ngoai cõi lòng hơn. Còn ông, mọi nỗi niềm được giấu vào hai câu thơ viết như thức ngộ giữa tuổi năm mươi của mình: Tuổi năm mươi lặng im anh lại học/ Lặng lẽ để vui buồn, lặng lẽ để thương nhau (Tuổi năm mươi).

Lặng lẽ để thương nhau, một chiêm nghiệm rưng rưng của người làm thơ đã quen “cuối thác đầu ghềnh”. Đời người vốn như gió thoảng mây trôi, mọi thứ rồi sẽ qua đi, chỉ còn lại là tình thương người với người. Điều đó không mới, nhưng vĩnh viễn là chân lý thức ngộ cho bất kỳ ai đi tìm kiếm ý nghĩa của kiếp người mình đang sống. Đó cũng là giá trị cuối cùng mà nghệ thuật hướng tới. Trong sự lặng lẽ rất thi ca của mình, nhà thơ Hà Văn Thể có xu hướng quay về tìm lại những quá khứ đã qua, đã mất. Một mảng lớn trong thơ của ông là viết về quê nhà, cố hương, về tuổi thơ với những kỷ niệm vui buồn. Đó có thể là một buổi chợ chiều trong ký ức, một ngã ba quê nhà, một cây khế, một ngôi miếu thờ tổ tiên, một tiếng chim cu gáy, một dòng sông, một bến nước… những hình ảnh tưởng như cố hữu, neo đậu trong tâm khảm nhiều thế hệ người làm thơ rời làng ra đi.

Đọc thơ của Hà Văn Thể, hãy bỏ lại tâm trí tò mò về những thi ảnh mới. Hãy bỏ lại sự xét nét về những đóng góp hình thức. Đọc Hà Văn Thể, hãy đơn giản là mở rộng tâm hồn mình và lắng nghe những trải nghiệm sâu sắc, kín đáo, một cách tự nhiên nhất. Tôi có một hình dung, thơ Hà Văn Thể giống như những giọt sương trong trẻo buổi sớm trên nhành hoa khiêm nhường phía góc vườn. Trong giọt sương ấy chứa đựng cả vũ trụ sau một đêm gió sương, những im lặng bóng tối và cả những mùi hương đã kịp nở rồi tàn trước khi mặt trời ló rạng. Là những trải nghiệm của một người cầm bút đã sống với cuộc đời bằng tâm thế hồn nhiên vô tư, ngay cả khi đối diện với khó khăn, nhọc nhằn, nghịch cảnh. Đó là một tiếng nói buồn chứ không phải một tiếng thở than. Một tiếng nói buồn cất lên bởi tình yêu lớn lao của nhà thơ đối với cuộc sống này. Nếu cần dẫn ra minh chứng, thì đây, bạn đọc có thể thưởng thức đầy đủ một trong những bài thơ hay nhất của nhà thơ sinh ra từ miền trung du, bài thơ Hoa muộn.

Có bông hoa nở muộn/ Rực rỡ riêng góc vườn/ Cạnh bông hoa nở sớm/ Đã tàn theo gió sương/ Chiều tắt ánh hoàng hôn/ Đợi ban mai lành lặn/ Dòng sông đang mùa cạn/ Lại mong ngóng về nguồn/ Cho da trời xanh hơn/ Nắng thu vàng mật sánh/ Thương nhớ mang màu gì/ Tóc trắng chưa nguôi lạnh/ Ai khóc bên hoa nở/ Ai lỡ chuyến đò đầy/ Trăm năm còn đứng đó/ Hóa đá bến sông này/ Người đi từ năm cũ/ Và người đến bây giờ/ Bao chuyến đò định mệnh/ Bến trần gian vẫn chờ…

Sống đến độ tuổi nào đấy, chúng ta thường lo âu về thời gian. Cảm thức về sự hữu hạn luôn là cảm thức trĩu nặng trên đôi vai con người. Nếu cần một thang thuốc cho âu lo thường nhật ấy, thì có lẽ vẫn là thang hy vọng mà nhà thơ Hà Văn Thể đã sẻ chia, khi ông kiên trì cùng con trai mình vượt qua đau ốm, bệnh tật. Bởi còn hy vọng mà con đường chưa bao giờ là điểm cuối, những thử thách chưa bao giờ là chiếc ba-ri-e không thể bước qua. Bởi còn hy vọng mà cái đẹp vẫn luôn mời gọi, nhắc nhở chúng ta sống đầy hơn với cuộc đời thực, với mỗi ngày đang qua, đang tới. Trong sự tàn phai của bông hoa nở sớm và sự rực rỡ của bông hoa nở muộn là một triết lý sâu sắc về cuộc đời mà ngòi bút Hà Văn Thể muốn gửi gắm tới bạn đọc của mình - những người đi tìm dung nhan của cái đẹp vĩnh hằng, trong khu vườn trần gian thênh thang…

Vũ Quỳnh Trang
.
.