Hà Văn Lâu: Người phá đồn Pháp bằng mưu tam quốc

Thứ Ba, 18/12/2018, 15:57
Cuộc đời gần trọn một thế kỷ, Đại tá - Nhà ngoại giao Hà Văn Lâu (1918 - 2016), nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng), nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, để lại dấu ấn về một trí thức tài năng và đức độ, toàn tâm toàn ý phục vụ đất nước.

Một nhân vật chính trị nổi bật

Đây là lời bình luận cùng cảnh báo của Đại tướng P. Ely - Tổng Cao ủy Pháp và Chỉ huy trưởng ở Đông Dương gửi ông Ngô Đình Diệm, đầu năm 1955. 

Trong một văn bản gửi Thủ tướng Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn, Đại tướng P. Ely đã viết như sau:

"Cũng như Tổng Cao ủy đã cho ngài biết bằng văn thư No461 ngày 18-1 về việc Ủy ban Quốc tế yêu cầu chúng tôi cho đặt một Phái đoàn liên lạc bên cạnh "Phân ban Quốc tế" ở Sài Gòn với khẳng định là họ chờ câu trả lời trước ngày 1 tháng 2.

Ngày 2-2, một trong những cộng tác viên của tôi đã thông báo cho Chính phủ của ngài về ý định của Trưởng phái đoàn liên lạc Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ đi cùng với Ủy ban kiểm soát quốc tế trong thời gian Ủy ban lưu lại tại Thủ đô từ ngày 7 đến ngày 11-2 để thiết lập bộ phận này.

Những điều bất lợi đặt ra cho chúng ta về một yêu sách như vậy, đã làm cho tôi không thể không quan tâm, và tôi mời ngay tướng De Beaufort đánh giá vai trò chủ yếu của Đại tá Hà Văn Lâu ở Genève, được xem là một nhân vật chính trị nổi bật hơn là một sĩ quan liên lạc. Tôi lưu ý rằng sự có mặt của ông Hà Văn Lâu ở Sài Gòn không thể che giấu được và điều đó sẽ mang lại những hậu quả nghiêm trọng".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc sức khỏe Đại tá Hà Văn Lâu (2014).

Đại tá Hà Văn Lâu - Trưởng phái đoàn liên lạc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban Quốc tế, vừa trở về Việt Nam không lâu sau Hội nghị Genève trên cương vị Cố vấn Quân sự - người phụ tá cho Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu. Tướng De Beaufort đã trực tiếp trao đổi với Đại tá Hà Văn Lâu nhiều lần, thậm chí, hai vị chỉ huy này đã chạm trán nhau khi cầm quân ngoài mặt trận, cho nên ông ta quá hiểu về nhà chỉ huy quân sự gốc Huế này.

Hạ thành bằng mưu “Tam quốc”

Không chỉ thành thạo những kiến thức quân sự của phương Tây trong những năm tháng rèn luyện ở trường Hạ sĩ quan trù bị (Pháp), Hà Văn Lâu còn am tường cách cầm quân của những danh tướng phương Đông. 

Chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa những năm đầu kháng chiến chống Pháp ghi dấu ấn hai danh tướng Hà Văn Lâu (Tư lệnh) và Trần Quý Hai (Chính ủy). Một trong những phép dụng binh được ông sử dụng đó là hạ thành bằng mưu "Tam quốc chí" đã được Trung tướng Trần Quý Hai kể lại trong hồi ký.

Tướng Leberit, chỉ huy quân đội Pháp ở miền Trung Đông Dương ra Huế đã phát lệnh: Phải dập tắt những "đống lửa" du kích! Leberit coi nguồn gốc đại họa chính là những căn cứ Việt Minh trên rừng núi Thừa Thiên. 

"Phải đánh đồn, chứ không còn cách nào khác", Tư lệnh Hà Văn Lâu nói. Chính ủy Trần Quý Hai hỏi lại: "Nên đánh đồn nào?". Tư lệnh Hà Văn Lâu mỉm cười: "Đồn Cầu Nhì. Tôi đã nghiên cứu kỹ rồi. Đồn đó hiện nay dễ ăn hơn cả. Lại có nhiều súng đạn".

"Đánh cách nào?", Chính ủy Trần Quý Hai lại hỏi dồn. Hà Văn Lâu thản nhiên trả lời: "Tôi đã có cách, ta sẽ không tốn một viên đạn nào mà vẫn hạ được đồn này". Đoạn Tư lệnh đứng dậy thân mật hỏi Chính ủy: "Anh đã đọc "Tam quốc chí" chưa? Chúng ta sẽ hạ đồn Cầu Nhì như Khổng Minh hạ Kinh Châu ấy. Không tốn một mũi tên hòn đạn nào. Nếu có tốn chăng nữa thì cũng sẽ rất ít".

Đồn Cầu Nhì, nằm trên một ngọn đồi thoai thoải bên quốc lộ số 1, cách thành phố Huế 30 ki-lô-mét về hướng tây bắc. Trong đồn có khoảng ba bốn chục lính ngụy do ba lính Pháp chỉ huy. Pháp xây dựng đồn này ngay từ hồi đầu mới xâm chiếm, cốt để bảo vệ một đoạn quốc lộ và ngăn chặn con đường của Việt Minh từ đồng bằng lên chiến khu. Quanh đồn rào kỹ. 

Tư lệnh Hà Văn Lâu đã đi thị sát đồn Cầu Nhì một lần nữa. Phía trong là một dãy hào giao thông, đến một lớp rào dây thép gai hình mắt cáo, một lớp dây thép gai bùng nhùng, một lớp rào bằng cọc tre với cột sắt bên ngoài, lại một đường giao thông rộng và sâu bao bọc. Rào như vậy, một con chuột cũng khó qua lọt.

Khoảng hai giờ chiều, có một toán quân gần 20 người súng ống đầy đủ: tiểu liên, súng trường gắn lưỡi lê, lựu đạn... đến đồn Cầu Nhì. Đi đầu toán quân là một người Tây cao lêu đêu, mang quân hàm thiếu úy. 

Dường như chúng vừa vào cướp bóc một xóm nào đó ra. Đứa phì phèo thuốc lá. Đứa nhồm nhoàm nhai kẹo. Đứa tay xách mấy con gà kêu quang quác. Đứa vác trên vai một buồng chuối còn chảy nhựa. 

Tới trước cửa đồn, tên thiếu úy hô lính đứng lại rồi hắn đi tới cổng, nói với lính gác, bằng tiếng Việt lơ lớ: "Ông đồn có nhà không? Tôi muốn gặp. Đi tuần qua, mệt lắm, muốn vô nghỉ 10 phút, được chứ?".

Miệng nói chân đi, chẳng đợi lính gác trả lời, tên thiếu úy đẩy cổng vào luôn. Toán lính cũng ào theo. Nhanh như chớp, cả toán lính chia làm mấy mũi lao đến các nhà ở, các phòng làm việc, nổ súng bắn ngay vào binh lính có mặt trong đồn.

Không kịp trở tay, lính trong đồn Cầu Nhì vội vàng quỳ xuống lạy như tế sao. Một tổ đi sục sạo xung quanh, còn bao nhiêu vào trong các nhà, các kho lấy tất cả súng đạn, và bắt bọn còn sống mang đi. Một người chạy tới cột, hạ lá cờ tam tài xuống xé tan từng mảnh.

Khoảng nửa giờ sau, trong đồn im lặng như tờ. Và trên đường lên chiến khu, một toán người đi, vai nặng ành ạch, cười reo ầm ĩ... Thì ra toán quân đó là những chiến sĩ của tiểu đoàn 16, do tiểu đoàn trưởng Bùi Ngọc Hoàng chỉ huy. Còn viên thiếu úy đó là K'men, một hàng binh là người Đức theo ta.

Trước đó, tư lệnh Hà Văn Lâu còn nêu ý kiến nên đánh ngay vào trong thành phố Huế, tuy có khó khăn nhưng tiếng dội vang xa, vì đó là trung tâm chính trị. Và ông chọn đánh đồn Hộ Thành, ở trong Thành Nội. Trước đây, đó là nơi ở của đội quân nhà vua để bảo vệ Hoàng thành. Khi Pháp chiếm, địch cho đóng ở đây một trung đội bảo an để canh gác các cơ quan mới thành lập.

Nửa đêm, các chiến sĩ dùng thang tre, áp thành, leo vào. Với một mũi dao găm, tên lính gác đồn Hộ Thành bị giết trước tiên. Bọn lính trong đồn đang ngủ không hay biết gì. Đồn Hộ Thành bị hạ mà hầu như không có sự chống cự đáng kể. Xong nhiệm vụ, cả đơn vị nhanh chóng rời trận địa, theo đường cũ, thả thang tre ra ngoài thành, về chiến khu Hòa Mỹ.

Cả Thừa Thiên - Huế, đâu đâu cũng xôn xao về cái tin đồn Hộ Thành bị tiêu diệt không kịp trở tay trong lúc các cổng thành vẫn đóng kín. Nhiều giả thuyết ly kỳ về đường ra lối vào của bộ đội Việt Minh được thêu dệt y như có phép thần vậy. 

Nhân dân phấn khởi về tin chiến thắng: "Việt Minh tạm rút lui cũng như ngày xưa Lưu Bị rút khỏi thành Tân Giã ấy!".

Ông bà Hà Văn Lâu - Nguyễn Tăng Diệu Hương.

Lương duyên tiền định

Ngày Quốc khánh cuối cùng của Đại tá Hà Văn Lâu, tôi tới thăm ông ở nhà riêng trên đường Đỗ Công Tường (phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh). 

Cùng đi với tôi có một người anh gốc Huế đang làm việc tại Sài Gòn. Nhà ngoại giao đã cận kề tuổi bách tuế mà vẫn mẫn tiệp và lịch lãm tiếp khách. Trong câu chuyện, người anh xứ Huế có hỏi ông về chuyện tình thời trẻ. 

Ông lặng lẽ chỉ vào di ảnh của bà trên bàn thờ: "Người yêu đầu tiên của tôi? Là bà nhà tôi đây. Tôi không có yêu ai trước đó và cũng không yêu ai sau này".

Năm 1942, Hà Văn Lâu tốt nghiệp trường Hạ sĩ quan trù bị (Pháp) và lập gia đình với bà Nguyễn Tăng Diệu Hương. Bà là con gái cụ Nguyễn Tăng Lộc - Hồng Lô tự khanh triều Nguyễn và bà Công Tôn Nữ Truyền Kinh (cháu ngoại Tuy Lý Vương Nguyễn Phúc Miên Trinh).

Khi đó, bà Diệu Hương mới 19 tuổi. Tình yêu như lương duyên tiền định, hai người gặp nhau mà như đã quen thân từ bao đời. Ông bà gắn bó với nhau suốt 70 năm cho đến ngày bà đi xa năm 2011 ở tuổi 89.

Ngày 10-12-2016, ông về yên nghỉ vĩnh hằng bên bà tại quê nhà, làng Sình (nay là làng Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế). Đón ông về với quê hương, người cao tuổi làng Sình không quản ngại tuổi cao sức yếu, đã đưa tiễn ông cùng những mong muốn mộc mạc: "Răng cụ không ráng sống thêm năm nữa để tròn 100 tuổi, cụ ơi".

NGƯỜI THẦY CỦA CÁC TƯỚNG LĨNH

Xuân Giáp Ngọ (2014), Phó đô đốc Mai Xuân Vĩnh, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm - nguyên Giám đốc Học viện Hải quân và ông Hoàng Sơn đến chúc thọ Đại tá Hà Văn Lâu sang tuổi 95. 

Tướng Mai Xuân Vĩnh đã trân trọng viết những dòng lưu niệm: "Riêng tôi là Mai Xuân Vĩnh trong những năm 1950 khi chiến đấu chống Pháp ở chiến trường Bình - Trị - Thiên - Trung Lào là cấp dưới của Anh. Anh không những là người anh mà còn là người thầy của chúng tôi".

TÀI NĂNG VÀ ĐỨC ĐỘ

"Riêng anh Hà Văn Lâu, người con của quê hương, là Trung đoàn trưởng và Chỉ huy trưởng Mặt trận Huế ngày đầu kháng chiến. Từ một cán bộ quân sự trở thành một nhà ngoại giao, từng làm Đại sứ tại nhiều nước và cả Liên Hợp Quốc; là Thứ trưởng Ngoại giao có tài năng và nhiều cống hiến. Bộ đội và nhân dân Bình - Trị - Thiên rất mến mộ tài năng và đức độ của đồng chí Hà Văn Lâu. 

Người dân quê tôi dù chưa một lần được gặp, nhưng nghe nhắc đến tên tuổi của những nhà cách mạng vừa kể trên là đã ngời lên niềm tin tưởng, kính trọng. Tình cảm tự nhiên như thân quen, ruột thịt". (Thiếu tướng Trần Chí Cường, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng).

Kiều Mai Sơn
.
.