Greta Thunberg: Cứu tinh, con rối hay lãnh tụ tinh thần?

Thứ Tư, 23/10/2019, 10:39
Khi Greta Thunberg nghỉ học và đứng trước Riksdaq, cơ quan lập pháp quốc gia và cơ quan quyết định tối cao của Thụy Điển, đứng mỗi ngày trong khoảng thời gian đáng ra phải tới trường, cầm theo tấm bảng “Skolstrejk for klimatet” (Bãi khóa vì khí hậu), khi ấy cô mới chỉ 16 tuổi.

Cô ngưng ăn thịt. Cô từ chối các phương tiện hàng không. Cô thuyết phục gia đình thay đổi, và mẹ cô - một nghệ sĩ opera tiếng tăm - đã đồng ý từ bỏ sự nghiệp ca hát trên khắp thế giới vì nó đòi hỏi bà phải di chuyển liên tục bằng máy bay. Greta không đơn độc.

Chẳng lâu sau, phong trào bãi khóa lan ra khắp châu Âu và rồi là hơn 150 quốc gia trên thế giới. Cô vượt Đại Tây Dương bằng tàu container để tới New York tham gia Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu ở Liên Hiệp Quốc. Tại đây, Greta Thunberg có một bài phát biểu hùng hồn không khoan nhượng chỉ thẳng mặt giới chức lãnh đạo cấp cao trên thế giới đã không làm gì để ngăn chặn sự sụp đổ của toàn bộ hệ sinh thái và đợt tuyệt chủng thứ sáu đang diễn ra.

Kết thúc bài phát biểu chấn động, tên tuổi cô bé có đôi tóc kết bím như Pippi “tất dài” gắn liền với 3 từ “How dare you?” (Sao các người dám làm như thế?) được coi là ứng cử viên sáng giá cho giải Nobel Hòa bình năm nay. Nếu điều đó thành hiện thực, cô sẽ là người trẻ nhất từng được trao giải thưởng này.

Greta Thunberg với tấm bảng “Bãi khóa vì khí hậu” trước cửa cơ quan lập pháp của Thụy Điển, với mục tiêu yêu cầu nước này cắt giảm lượng khí thải theo đúng Thỏa thuận chung Paris.

“Greta là một nhà tiên tri môi trường hay một con rối bị điều khiển bởi những thế lực nham hiểm phía sau?”, câu hỏi đến từ một tờ báo lá cải của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch nhưng nó mang nhiều ý nghĩa hơn một cách giật tít giật gân.

Có lẽ chưa từng có một nhà hoạt động nào trẻ như thế và gây bất đồng lớn đến thế. Khi Malala Yousafzai nhận giải Nobel Hòa bình năm 17 tuổi, không có ai nói rằng cô không xứng đáng. Nhưng Greta Thunberg thì khác. Barack Obama gọi Greta là người “đang thay đổi thế giới”. Nhà hoạt động vì môi trường nổi tiếng Yann Arthus-Bertrand gọi cô là “một phép màu”.

Trong khi đó triết gia Michel Onfray thì gọi cô là “người máy”. Đi xa hơn nữa, nhà bình luận chính trị thuộc phe bảo thủ Dinesh D’Souza đăng một tấm hình của Greta lên Twitter bên cạnh một tấm hình khác - chân dung của một cô bé với kiểu tóc tết bím tương tự từng được dùng trong các chiến dịch tuyên truyền thời Hitler và ông viết: “Lại trò cũ của Goebbels”, hàm ý nhắc tới Joseph Goebbels, Bộ trưởng Bộ Giác ngộ quần chúng và Tuyên truyền của Đức Quốc xã.

Nhưng không chỉ “những gã đàn ông da trắng trung niên” hay phe cánh hữu mới đặt ra nghi vấn về Greta Thunberg như lời buộc tội của nhiều tờ báo lớn. Trong cuốn sách Sự tạo thành Greta Thunberg của Cory Morningstar, một nữ phóng viên điều tra độc lập và một nhà hoạt động vì môi trường, bà chỉ ra một hiện thực rằng, các nhà nước, các tổ chức phi chính phủ và các đại tập đoàn đang làm mọi cách giải phóng hàng ngàn tỉ USD để tạo ra chủ nghĩa đế quốc xanh mới. Và những đứa trẻ như Greta được nhào nặn và điều khiển bởi những nhà tư bản quyền lực nhất.

Ở chiều ngược lại, những người ủng hộ Greta Thunberg cho rằng, Cory Morningstar là kẻ lừa đảo và bắt nạt trẻ con, còn những kẻ chỉ trích khác chỉ có thể ra những đòn tấn công cá nhân hèn hạ vào việc miệt thị hội chứng Asperger, một dạng tự kỷ mà Greta mắc phải.

Vậy thì rốt cuộc, Greta Thunberg là cứu tinh hay con rối? Dường như không thể có một câu trả lời hoàn hảo. Bởi kể cả Greta có là một nhà hoạt động hoàn toàn độc lập đi chăng nữa, sự nổi tiếng bành trướng của cô có thể sẽ được lợi dụng làm quân bài chiến lược để đảng Xanh hồi sinh và thay đổi cục diện chính trị toàn châu Âu. Và có lẽ, không thể nói chính xác cô là cứu tinh hay là con rối nhưng Greta chắc chắn là lãnh tụ tinh thần của thế hệ cô, thế hệ Z, một thế hệ phải hứng chịu những di sản độc hại của tiến trình lịch sử.

Và một biểu tượng của thế hệ Z như Greta Thunberg không nói tới “hy vọng”, thay vì thế, Greta nói nhiều về “nỗi sợ hãi”. Cô mang một tinh thần hoàn toàn trái ngược so với, chẳng hạn, Martin Luther King, người đã luôn nói về “hy vọng”, rằng: “Mọi thứ được thực hiện trên thế giới đều được thực hiện nhờ hy vọng”.

Không, Greta thẳng thừng nói, “tôi không cần sự hy vọng của các bạn. Tôi không muốn bạn hy vọng. Tôi muốn bạn kinh khiếp. Tôi muốn bạn cảm nhận được nỗi sợ hãi mà tôi ngày ngày cảm nhận và rồi tôi muốn bạn hành động. Tôi muốn bạn hành động như thể bạn đang trong một cơn khủng hoảng. Tôi muốn bạn hành động như thể ngôi nhà của bạn đang bốc cháy. Bởi vì nó đúng là như thế”.

Sự nổi tiếng nhanh chóng của Greta Thunberg dường như gợi ý rằng, thế giới đang thực sự hoảng loạn và tuyệt vọng, hoảng loạn và tuyệt vọng đến mức hy vọng cũng không còn giúp ích được gì thêm nữa, họ không còn cảm thấy được an ủi bởi những lời ve vuốt, họ đã chán những thông điệp lạc quan mà vô dụng và họ cần một sự kích động lớn hơn. Sự thất tín của thế hệ trẻ đối với hệ thống quản lý ì ạch và dối trá đã lên tới mức tối đa.

Đây không phải một sự so sánh thực sự tương khớp nhưng trường hợp Greta Thunberg thoáng khiến tôi nghĩ tới Joker, bộ phim vừa đoạt giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice danh giá, về một gã hề bị cuộc đời chà đạp và gã đã thổi bùng lên một phong trào chống lại những kẻ thống trị dối trá lươn lẹo và rồi cuối cùng, những nhóm người yếm thế đã đứng lên suy tôn gã, họ đeo những chiếc mặt nạ hề và đốt cháy những hệ hình giá trị bất công.

Chân dung Greta Thunberg trên bìa tạp chí Times.

Tất nhiên, Greta Thunberg chỉ là một nhà hoạt động môi trường, cô không điên và những “cuộc nổi loạn” mà cô dẫn dắt cho thế hệ mình thực sự là một hành động can đảm và vì chính nghĩa nhưng thông điệp về “nỗi sợ hãi”, những thúc giục phản kháng biểu lộ sự giận dữ và đe dọa của cô thì cũng không khác là mấy so với cách Joker thu phục toàn bộ cư dân Gotham trở thành tín đồ của mình, chỉ là, trong điện ảnh thì mọi thứ được cực đoan hóa và biểu tượng hóa thêm một nấc. Chính nghĩa và phi nghĩa luôn rất gần nhau và những mục tiêu vì chính nghĩa có thể phản đòn bất cứ lúc nào, chỉ cần một phút giây không tỉnh táo.

Tôi cũng nhớ đến những dòng mà triết gia hiện sinh Albert Camus, chủ nhân giải Nobel Văn học năm 1957 đã viết trong tiểu luận Những cây hạnh: “Điều đầu tiên là không tuyệt vọng. Đừng quá lắng tai nghe những kẻ kêu gào là thế giới đi tới tận diệt. Những nền văn minh không chết một cách quá dễ dàng như vậy và cho dẫu thế giới này phải nhào đổ thì cũng nhào đổ sau bao nhiêu thế giới khác. Quả thật chúng ta đương ở trong một thời đại bi tráng. Nhưng quá nhiều kẻ lẫn lộn cái bi tráng và cái tuyệt vọng”.

Greta Thunberg có thể đã rất thành thật với cảm xúc của mình nhưng dường như lại quá ngây thơ. Ưu tiên đầu tiên của Greta là vấn đề môi trường nhưng vốn dĩ trái đất có rất nhiều vấn đề phải giải quyết cùng một lúc. Như ở châu Âu, làn sóng nhập cư ồ ạt suốt nhiều năm qua khiến dân số gia tăng liên quan mật thiết đến những khó khăn mà nền kinh tế lục địa này đối mặt trên con đường cắt giảm lượng carbon, vậy thì các nhà lãnh đạo nên chọn gì đây, khủng hoảng nhân đạo hay khủng hoảng môi trường? Đây là một bài toán khó mà những quốc gia hùng mạnh nhất cũng còn bối rối.

Và rồi là bản chất cốt lõi của nền văn minh chúng ta. Greta Thunberg lên án những người sử dụng máy bay vì đây là phương tiện để lại những “dấu chân carbon” lớn khổng lồ nhưng hàng không là một trong những biểu tượng của văn minh và sự giàu có con người và liệu nhân loại đã sẵn sàng để hy sinh những thành quả trí tuệ đó, ngưng trệ việc vận chuyển hay nói rộng hơn là quay ngược quá trình phát triển cho một mục đích cao cả hơn?

Bản thân con tàu container Malizia II mà Greta Thunberg đã dùng để di chuyển tới New York, tuy tận dụng nhiên liệu nước và mặt trời và được tuyên bố không để lại dấu chân carbon nhưng theo giới quan sát, sau khi Greta cập bến an toàn, đã có một đội kỹ thuật bay tới để đưa con tàu trở về Âu châu.

Chúng ta biết rằng ngay cả việc dùng email hay mạng xã hội cũng thải carbon ra môi trường! Tức là gần như mọi thứ gắn liền với đời sống hiện đại đều có hại. Và chúng ta có sẵn sàng từ bỏ tất cả những điều đó không? Những câu hỏi như thế vượt quá quyền lực của bất cứ một nhà lãnh đạo hay một nhà làm luật nào. Đấy là chưa kể thế giới có 8 tỉ con người và để có thể nuôi sống chừng ấy cái miệng, người ta cần một nguồn nhiên liệu khổng lồ cho thức ăn và nước uống.

Dù có đứng về phía Greta đi chăng nữa, chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng lời đáp trả của Tổng thống Vladimir Putin không phải là ngụy biện của giới chính khánh, không phải thái độ thượng đẳng của tầng lớp nam giới da trắng, mà đó là sự thực: “Không ai giải thích cho Greta biết rằng thế giới hiện đại rất phức tạp và khác biệt... những người ở châu Phi và nhiều quốc gia châu Á cũng muốn thịnh vượng như những người Thụy Điển. Hãy đi và giải thích với các quốc gia đang phát triển tại sao họ nên tiếp tục sống trong nghèo khổ thay vì trở nên giống như Thụy Điển”.

Thế giới cần hơn bao giờ hết những tiếng nói thẳng thắn và quyết liệt như Greta Thunberg, song điều mà cô đã tuyên bố tại TED, rằng “cuộc khủng hoảng khí hậu đã được giải quyết. Chúng ta đã có mọi sự thật và giải pháp. Tất cả những gì chúng ta cần làm là tỉnh giấc và thay đổi”, có lẽ không đơn giản như cô đã lập ngôn. Và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ còn là một cuộc chiến dài.

Hiền Trang
.
.