Đừng tưởng nông nghiệp lên mạnh thì nông thôn phát triển!
- Phát triển nông thôn, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước
- Ký kết đảm bảo ANTT trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn
Quan điểm hệ thống của Giáo sư - Viện sĩ (GS.VS) Đào Thế Tuấn đã đặt cơ sở khoa học cho việc phát triển nông thôn như: kinh tế hộ nông dân, kinh tế học thể chế, kinh tế học ngành hàng, tổ chức nông dân, vốn xã hội… Ông nói: “Tôi thấy phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Đừng tưởng nông nghiệp lên mạnh thì nông thôn sẽ phát triển. Thực ra không phải như vậy. Một nền nông nghiệp rất phát triển nhưng chỉ có lợi cho người giàu. Còn nông dân làm việc rất vất vả nhưng chẳng được hưởng thành quả bao nhiêu”.
Cần tuyên truyền về nhận thức “Bất ly nông”
Chiều muộn một ngày đầu năm 2008, tôi đến nhà riêng của GS.VS. Đào Thế Tuấn trong ngõ cuối con đường mới mang tên Trần Duy Hưng. Vừa đến nơi, tôi đã thấy bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, vợ ông, đang đứng chờ để đón khách.
Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn và em trai - nhà sử học Đào Hùng. Ảnh: Tư liệu gia đình. |
Năm 1953, ông đang trong quân ngũ thuộc Đại đoàn Công pháo 351 thì Nhà nước cử sang Liên Xô học tập. Đào Thế Tuấn vào học nông nghiệp tại Đại học Tổng hợp Tashkent (nước Cộng hòa Uzbekistan, thuộc Liên Xô). Khóa đầu tiên này chỉ có các ngành về kinh tế và nông nghiệp mà không hề có ngành nào của khoa học xã hội. Ông nhận thấy nông nghiệp là ngành tương đối gần với khoa học xã hội nhất nên theo học.
Ở đây, ông đã trở thành “hiện tượng kỳ lạ” khi vừa học đại học vừa làm luôn nghiên cứu sinh. Trước đó, ở Liên Xô chưa có ai, đặc biệt ông lại là sinh viên một nước “thế giới thứ ba”. Năm 1958, ở tuổi 27, ông “ôm” cả bằng tốt nghiệp đại học xuất sắc lẫn bằng phó tiến sĩ (ngày nay là tiến sĩ) về nước.
Với bao hăm hở, hoài bão của thời trai trẻ, ban đầu Đào Thế Tuấn - phó tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam do Liên Xô đào tạo - đi vào nghiên cứu nông nghiệp. Ông đã thành công trong việc đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông thôn. Ông đã mạnh dạn đề xuất “chuyển lân thành đạm”, thông qua việc bón lân cho bèo hoa dâu và điền thanh để từ đó giúp lúa hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn.
Trong nghiên cứu giống lúa, ông đã chọn được 7 giống lúa mới như CN3, V14, V15, CR203,... 2 giống ngô và 2 giống đậu tương có năng suất cao hơn hẳn giống cũ, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông cũng là người nghiên cứu đề xuất cơ sở khoa học của việc phát triển cây vụ đông ở miền Bắc Việt Nam, làm cơ sở cho các nghiên cứu khác để vụ đông trở thành vụ sản xuất chính.
Có một thực tế bày ra trước mắt, ông nhận thấy dù Việt Nam có phát triển đầy đủ về khoa học kỹ thuật nhưng nếu người nông dân không phấn khởi thì thành tựu cũng bị hạn chế. Hàng hóa của nông dân bán được nhiều, tại sao đời sống của họ nhiều nơi vẫn nghèo đói?
Nêu câu hỏi và ông cũng đã tìm ra được đáp án. Đó là thực tế các đơn vị quản lý nhà nước nhìn vào thị trường nước ngoài quá nhiều mà chưa để ý tới nhu cầu và khả năng của người nông dân trong nước. Ông cho rằng, phát triển kinh tế theo những mô hình nhập ngoại, như trước đây theo Liên Xô, rồi theo các mô hình con rồng châu Á... là không thích hợp.
GS.VS. Đào Thế Tuấn đi nhiều nơi, xuống trực tiếp với người nông dân ở nông thôn, ông phát hiện ra rằng với những vùng khó khăn có sự cách biệt về điều kiện sinh sống đòi hỏi phải được áp dụng song song cả kỹ thuật lẫn kinh nghiệm dân gian chứ không chỉ đưa cây, con giống mới vào áp dụng là được.
Ông đã tổng kết: “Cái gì chúng ta quên, chúng ta chưa kịp làm thì đã có dân nhớ, dân làm, nhiều khi thực tế lại đi trước lý luận khoa học như vậy. Tôi thấy chúng ta chưa tạo được luồng giao dịch thương mại trong nước thì tư nhân, nông dân đã làm được và giàu có lên được”.
Chuyển sang nghiên cứu về lĩnh vực khoa học xã hội, GS.VS. Đào Thế Tuấn không phải là một nhà sử học nhưng những kiến thức về lịch sử, văn hóa của người cha đã giúp ông giải quyết những vấn đề hiện đại như vấn đề tiến hóa của nông nghiệp - phát triển nông thôn, làng xã, kinh tế hộ nông dân, làng nghề, tổ chức nông dân và thể chế nông thôn...
Làm về khoa học xã hội trong nông nghiệp nông thôn nhưng ông làm trên một tiếp cận liên ngành với những hiểu biết sâu rộng về cả khoa học tự nhiên, chứ không đi sâu vào vấn đề lịch sử như lớp người đi trước. Ông chú trọng về vấn đề hiện tại trước mắt: Làm thế nào để trong thời kỳ đổi mới này, người nông dân phải được hưởng quyền lợi của họ?
GS.VS Đào Thế Tuấn (bên phải) nhận Huân chương Công trạng nông nghiệp của Pháp (2001). Ảnh: Tư liệu gia đình |
Ông nói rằng, ở các nước trên thế giới, họ không bao giờ bán hẳn đất đai, vườn ruộng để tự vô sản hóa chính mình. Họ học hành và đi làm viên chức, làm trong các ngành công nghiệp và họ dành thời gian nhàn rỗi chăm lo cho cái gốc nhà nông của mình. Người công nhân có đất nông nghiệp thì thu nhập bao giờ cũng cao hơn những công nhân chay và được đảm bảo trước hết về an ninh lương thực. Nhận thức “bất ly nông” này, theo ông, đó là óc kinh doanh trong nông dân mà báo chí cần chú ý tuyên truyền.
Phục hồi lại một truyền thống cũ
Nghiên cứu nông nghiệp là con đường thầm lặng và GS.VS. Đào Thế Tuấn đồng hành trên con đường thầm lặng ấy, nhiều người gọi ông là “ẩn sĩ”. Nếu không có người thân trong gia đình ông chia sẻ, tôi không biết ông là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, Huân chương Công trạng nông nghiệp hạng cao nhất của Pháp, Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới. Tôi chỉ biết đến ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ với hướng nghiên cứu chủ yếu về phát triển nông nghiệp, kinh tế hộ nông dân vùng châu thổ sông Hồng, thuộc lĩnh vực khoa học xã hội.
Hệ thống nông nghiệp đã mở ra hướng nghiên cứu mới cho khoa học xã hội của nước ta, được các nhà khoa học Pháp đánh giá cao và được ứng dụng ngày càng phổ biến trong nghiên cứu phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay.
Tròn nửa thế kỷ dồn tâm huyết cả đời nghiên cứu khoa học vào với hệ thống nông nghiệp, năm 2005, công trình được đánh giá dài hơi nhất mang tên “Cơ sở khoa học của sự phát triển nông nghiệp và nông thôn lưu vực sông Hồng” nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Từ bao đời trước, cha ông ta đã thấy rằng nếu chỉ làm nông nghiệp không thôi thì khó có thể làm giàu lên được. Điều đó đã được đúc kết thành câu “phi thương bất phú”. GS.VS Đào Thế Tuấn nhận thấy trong lịch sử của người Việt Nam kinh tế hộ nông dân là truyền thống lâu đời. Khi xây dựng chủ nghĩa xã hội, nước ta bắt chước Liên Xô và Trung Quốc mà không biết Việt Nam có một truyền thống lâu đời về kinh tế hộ nông dân, để rồi bắt nông dân vào các hợp tác xã.
Đi làm kinh tế hoàn toàn bắt chước thiên hạ. Càng bắt chước chừng nào càng thất bại chừng ấy mà không tìm được cách phát triển riêng của mình. Sau đó, trên thế giới cũng như Việt Nam đã nhận thấy rằng, chính người nông dân đã đề xuất ra cái mới. Người nông dân Việt Nam rất năng động. Thực chất cái đổi mới của nông nghiệp Việt Nam là phục hồi lại một truyền thống cũ - kinh tế hộ nông dân.
Đến cuối những năm 1980, dân không đủ ăn, mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập nửa triệu tấn lương thực. Vậy mà chỉ sau Đổi mới, quay lại kinh tế hộ nông dân, đã giải quyết được, không những bảo đảm an ninh lương thực không phải nhập nước ngoài mà Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lương thực đứng thứ hai trên thế giới. Gần như mặt hàng nông sản nào của Việt Nam (cà phê, cao su, chè...) cũng vào loại thứ nhất, thứ nhì trên thế giới. Tất cả những thành tựu đó, GS.VS Đào Thế Tuấn nói, cuối cùng xuất phát từ kinh tế hộ gia đình của Việt Nam.
Một thực tế khác, GS.VS. Đào Thế Tuấn trăn trở, đó là nhà văn Việt Nam trước đây đã từng có những tác phẩm hướng về nông thôn Việt Nam rất hay. “Còn bây giờ văn học dường như bỏ nông nghiệp rồi. Tôi gặp một số nhà văn, tôi nói với họ phải nghiên cứu vấn đề ấy nhưng người ta không hiểu...”. n
Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn (1931-2011) sinh tại Huế, nguyên quán tại làng Khúc Thủy, xã Cự khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội ngày nay. Năm 1985 ông được phong Viện sĩ nước ngoài Viện Hàn lâm khoa học nông nghiệp Lênin (Liên Xô); năm 1991 được tặng Huân chương Hiệp sĩ công trạng nông nghiệp của Pháp; năm 2001 được tặng Huân chương Sĩ quan cành cọ hàn lâm của Pháp; năm 2003 được tặng Giải thưởng quốc tế René Dumont - thưởng cho các nhà nông học ở các nước đang phát triển. |