Giáo sư, NSND Bùi Gia Tường: Cuộc độc hành không mệt mỏi

Thứ Ba, 11/12/2012, 11:15
Ông vừa trở về từ đêm solo violon celle ở Huế, một đêm nhạc đầy cảm xúc mà ở đó, người nghe và  nghệ sĩ biểu diễn đã chạm tới tâm hồn nhau. Dư âm của nó vẫn còn đầy trong ông. Tôi nhìn thấy niềm hạnh phúc trong đôi mắt in dấu thời gian của người nghệ sĩ già. Ở tuổi 75, với cây đàn violon celle, NSND Bùi Gia Tường vẫn lặng lẽ, miệt mài độc hành trong hành trình đi tìm kiếm và chinh phục người nghe.

1. Lần đầu tiên, NSND Bùi Gia Tường - người từng được đánh giá là cây violon celle số một của Việt Nam sẽ xuống đường biểu diễn trong chương trình hòa nhạc đường phố của Luala concert. Ông nói, với người nghệ sĩ, hạnh phúc nhất là có công chúng của mình. Dù trong những thánh đường âm nhạc nổi tiếng của thế giới mà ông từng có cơ hội biểu diễn, hay Nhà hát Lớn Hà Nội, hay giản dị như một không gian âm nhạc riêng ở Huế, ở Sài Gòn, và hôm nay, mộc mạc hơn, là giữa đường phố Hà Nôi thì với người nghệ sĩ già, điều mà ông hướng tới là có công chúng.

Mỗi ngày, NSND Bùi Gia Tường vẫn dành một khoảng thời gian cho cây violon celle. Những ngón tay lướt trên dây đàn vẫn còn dẻo dai, mê đắm. Trong không gian yên tĩnh ở con ngõ sâu trong phố Thái Thịnh, tiếng đàn của ông vang lên, da diết. Không hiểu sao, tôi có cảm giác ông là người hạnh phúc trong thế gian còn không ít bất an này. Bởi trải qua một cuộc đời nhiều vinh quang và cả nỗi phiền muộn như ông, NSND Bùi Gia Tường vẫn giữ được tình yêu thuần khiết với âm nhạc. Cây đàn, có lẽ, là chốn nương thân cho ông trong guồng xoáy của danh vọng, quyền chức và cả những thị phi của cuộc đời.

Ông yêu cây đàn như một phần của đời sống. Ông nói, cây đàn violon celle này đã gắn bó với ông từ hơn 20 năm nay. Ngày đó, ông còn làm công tác quản lý ở Cục Nghệ thuật biểu diễn kiêm Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch. Lần đầu tiên, ông đề nghị được mua một cây đàn violon celle để biểu diễn, và khi nào nghỉ hưu, nó sẽ trở thành tài sản của dàn nhạc. Thế nhưng đề nghị của ông không được chấp nhận. Ông buồn lắm. Đây là cây đàn cũ, của một người bạn chuyên sưu tầm đàn. Nhưng ông thấy mình có số phận với nó. Thế là về nhà, Bùi Gia Tường gom những thứ quý giá nhất bán đi để đổi lấy cây đàn. Lúc đó, với ông, là cả một gia tài.

Thế mà đã hơn 20 năm, ngay cả những lúc ông làm công tác quản lý (12 năm, NSND Bùi Gia Tường làm Cục phó, rồi Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn) thì cây đàn vẫn có mặt trong phòng làm việc của ông. Sau những mệt mỏi, sau những bon chen, danh lợi, ông lại trở về với cây đàn, như một cứu rỗi cho tâm hồn mình. Ông nói: “Tôi chưa bao giờ rời xa cây đàn, cho dù cuộc đời tôi phần nhiều thời gian cho công tác giảng dạy, đào tạo và quản lý. Nhưng có lẽ, tôi may mắn vì con người quan chức đã không giết chết con người nghệ sĩ trong tôi. Đó là điều tôi còn lại trong cuộc đời này.  Quan chỉ nhất thời, còn nghệ thuật là mãi mãi...”.

2. NSND Bùi Gia Tường sinh ra trong một gia đình trí thức ở Hà Nội. Ký ức của Bùi Gia Tường về tuổi thơ là những đau đớn, mất mát. Lên 4 tuổi, bố của Bùi Gia Tường mất. Người mẹ già kẽo kẹt với 6 đứa con, chăm chút đến khi các con trưởng thành. Trong ông, luôn là nỗi đau đáu về mẹ. Trên bức chân dung phóng to treo ở phòng làm việc của ông, ông trân trọng để bức ảnh của mẹ lên. Với ông, mẹ là người có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời cũng như nhân cách sống. Mẹ đã cho ông hai cuộc đời. Ký ức buồn đó, ông vẫn cất giữ trong tâm hồn mình.

Bùi Gia Tường nói, cuộc đời nghệ thuật của ông cũng gặp nhiều gập ghềnh, trắc trở. Ông không có may mắn được tiếp xúc với âm nhạc từ nhỏ. Như một sự ngẫu nhiên của số phận. 11 tuổi, Bùi Gia Tường đã thoát ly gia đình tản cư về Ninh Bình. Hồi đó ông rất thích hát. Hát trên những chòi cao, trong những cuộc sinh hoạt chung của xã. Đội xung phong tuyên truyền của Ninh Bình thấy một cậu bé hát hay đã kéo cậu vào đoàn. Hoàn toàn bằng bản năng, Bùi Gia Tường gia nhập vào đời sống văn nghệ một cách hồn nhiên, như thế. Rồi một cơ may đến khi một người anh giới thiệu ông vào Đoàn Văn công của Sư đoàn 308, hát phục vụ bộ đội.

Đến năm 1957, ông được cử đi học trường nhạc, bắt đầu một bước ngoặt trong cuộc đời và số phận của Bùi Gia Tường. Đến tận lúc đó, ông vẫn chưa từng được chạm đến cây đàn violon celle. Sau đó, Bùi Gia Tường chuyển sang Bộ Văn hóa và đi học. Ông được yêu cầu học violon celle để về phục vụ quân đội.

19 tuổi. Đã quá muộn để bắt đầu học một nhạc cụ nào đó. Những ngón tay bắt đầu thô ráp, cứng lại. Bùi Gia Tường phải lần mò tìm đến những người thầy như nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc, một nghệ sĩ violon celle thời đó thường chơi đàn ở những quán cà phê để làm quen với từng ngón đàn. Lần đầu tiên, những ngón tay ngượng nghịu, khó nhọc. Gần một năm miệt mài như thế, vừa học vừa phải về quân đội phục vụ. Niềm đam mê đến với ông tự lúc nào. Hồi đó nghèo lắm. Có đàn nhưng không có cây kéo đàn, phải dùng của nhị.

Vượt qua mặc cảm vì sự muộn màng của mình, Bùi Gia Tường đã ghi dấu ấn và bứt phá để được chọn là học sinh đầu tiên về violon celle được sang học ở Học viện Âm nhạc Tchaikovsky. Đó là năm 1960. Lần đầu tiên bước vào thánh đường âm nhạc của thế giới mà hành trang còn quá mỏng manh, Bùi Gia Tường có phần tự ti, lo lắng. Nhưng cũng hãnh diện vì ông là sinh viên violon celle Việt Nam đầu tiên được đặt chân tới đó. Ông nỗ lực vượt bậc vì chính mình, và lớn hơn, vì lòng tự tôn dân tộc. Nhưng sự thành công của ông, không phải từ việc miệt mài luyện tập 8-9 tiếng một ngày mà ngay từ lúc đó, ông dành thời gian nhiều cho việc nghe. Những đĩa nhạc của các nhạc sĩ lừng danh thế giới, của Mozart, Beethoven, Haydn... Một thế giới mới mở ra trong tâm hồn ông. Những tác phẩm âm nhạc đỉnh cao thấm vào ông tự lúc nào.

Bùi Gia Tường nói thành công của ông được quyết được bởi 50% do việc nghe. Sự thẩm thấu của âm nhạc, của hội họa, ở một nơi hội tụ của những tinh hoa thế giới đã thấm vào tâm hồn người nghệ sĩ. Ông nói, có lẽ đó là một cơ may lớn trong cuộc đời mình, để ông có được một gia tài đáng kể hôm nay.

Tốt nghiệp xuất sắc violon celle tại Học viện Âm nhạc Tchaikovsky, Bùi Gia Tường trở về Việt Nam. Khóa đào tạo đại học violon celle đầu tiên cũng bắt đầu từ đó. Hành trình giảng dạy đó, từ năm 1965 đến nay của ông không ngừng nghỉ. Nhiều thế hệ học trò  đã thành danh từ sự chăm chút nâng niu của ông. Một thời của gian khó. Khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Thời Học viện Âm nhạc sơ tán về Hà Bắc, ông và các học trò thường xuyên biểu diễn ở các sân kho, dùng đèn măng sông để kéo đàn, hay đi phục vụ ở các trận địa pháo. Có gì đó thật trong sáng và hồn nhiên, ở thầy và trò ngày đó. NSND Bùi Gia Tường tiếc nuối.

Ông còn nhớ, năm 1972, trường sơ tán về Hiệp Hòa, Hà Bắc cũ, ông và đồng nghiệp trở về Hà Nội biểu diễn ở rạp Công Nhân. Đang lúc cao trào thì mất điện. Khán giả dùng đèn pin, bật lửa, diêm làm ánh sáng để ông tiếp tục chơi đàn. Cả khán phòng lặng im. Lúc đó, ông đang chơi bản nhạc nổi tiếng của Shuman, Ước Mơ. Kỷ niệm và niềm đam mê của khán giả thời đó, khiến ông rưng rưng cảm động.

Thế nhưng, chính một thời gian khó của chiến tranh và nghèo đói, ông và nhiều nghệ sĩ đã trưởng thành. Dù để trở thành nghệ sĩ biểu diễn cũng chỉ đếm đầu ngón tay. Các tài năng bị thui chột bởi không có môi trường biểu diễn. Với ông, để vẹn nguyên với niềm đam mê của mình là cả một nỗ lực ghê gớm. Bạn bè cùng thời cũng chỉ còn dăm ba người. Nhạc sĩ Hoàng Dương, Giáo sư Vũ Hướng... Bùi Gia Tường cũng là nghệ sĩ violon celle đầu tiên được mời sang làm giám khảo các cuộc thi violon celle mang tên Tchaikovsky năm 1982 và 1986. Ông không muốn nhắc lại những hào quang xưa cũ.

NSND Bùi Gia Tường nói: “Nhiều nguyện vọng của tôi vẫn chưa thực hiện được, các thế hệ kế cận đang ngày một mòn mỏi. Quá ít những tài năng. Nhiều lúc tôi thấy xót xa khi chăm chút đào tạo các em rồi đến lúc ra trường không có việc làm, phải đi kéo đàn ở các quán bar, cà phê. Nhiều em bỏ nghề. Thế nên, tôi chỉ có một ý thức, quỹ thời gian của mình không còn nhiều, tôi sẽ nỗ lực hết mình để biểu diễn và giảng dạy để cho thế hệ trẻ thấy và họ còn niềm tin để đi theo cái nghề nhọc nhằn này”. Tôi nhìn thấy nỗi xót xa và bất lực hằn sâu trong đôi mắt ông.

Bùi Gia Tường nói, ông là người chỉn chu trong cuộc sống. Thế nên ông có một bến đỗ bình yên bên gia đình. Dù có những khoảng lặng, ông phải bước qua từ khi còn trẻ, khi người vợ đầu của ông mất. Một mình ông xoay xở với hai đứa con. Rồi đi bước nữa. Một cuộc sống giản dị và bình yên bên một người phụ nữ hiểu và yêu thương ông. Đó là một góc riêng cho ông trở về sau những giấc mơ và cả những ước vọng về đời sống.

Nhưng có lẽ, với những nghệ sĩ chọn cây đàn làm lẽ sống của cuộc đời mình như ông, thì danh vọng không phải là đích hướng tới. Mà đó là sự sẻ chia, đồng cảm của công chúng. Nhưng điều đó cũng quá ít ỏi với một nghệ sĩ tài năng như ông. Thế nên, từ năm bước sang tuổi 55, Bùi Gia Tường và những người bạn thân của mình đã đứng ra tổ chức, năm năm một lần, những đêm solo violon celle ở Sài Gòn, Huế và Hà Nội... 

Hàng ngày, ông vẫn ngồi lặng lẽ trên căn phòng nhỏ của mình, chơi đàn, nghe nhạc, lắng nghe những âm thanh của đời sống vọng lại từ trong tiếng đàn. Và trong không gian đó, ông không còn đơn độc...

Khánh Linh
.
.