Giáo sư Hà Minh Đức: Người của thời đang sống

Thứ Hai, 19/12/2005, 08:52

Ông chỉ dạy tôi có hai năm, lại trong một lớp học mà không ít sinh viên chuyên tu tới chủ yếu chỉ để "hợp lý hóa" về bằng cấp việc chuyển sang nghề làm báo từ một lĩnh vực khác, có khi rất xa lạ với nghề viết, như ngành vô tuyến điện của tôi chẳng hạn. Thế nhưng, đã khá nhiều năm trôi qua rồi, hôm nay tôi vẫn nhớ tới ông như một người thầy khả kính, thân thiết tới ấm dịu trong lòng, mặc dù cả hai thầy trò không có nhiều dịp gặp nhau.

Ông là Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Hà Minh Đức, một trong những chuyên gia văn học rất gắn bó với thời mà mình đã và đang sống. Hiện giờ tại Viện Văn học 20 Lý Thái Tổ, Hà Nội, mà ông từng làm Viện trưởng một thời gian dài, có lẽ già nửa cán bộ nghiên cứu từng là sinh viên của ông.

Trước khi được học Giáo sư Hà Minh Đức, tôi đã đọc không ít sách của ông. Thuở ấy, trẻ người non dạ, thực tình, tôi cũng không thấy ông gần gụi với tôi trong nhiều nhận định, nhưng tôi kính trọng ông bởi sức lao động bền bỉ, cần cù... Các công trình của ông đứng đắn, chỉn chu, mô phạm, nhiều trích dẫn điển tích Đông Tây... Có lẽ nghề "gõ đầu sinh viên" nhiều năm đã tạo nên cho ông một văn phong luôn hàn lâm mực thước như thế chăng?

Tôi nhớ hồi nhỏ, phải rất mất công tôi mới kiếm được bộ sách "Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại" của Giáo sư Hà Minh Đức. Tôi đã đọc ngấu nghiến, vừa thích thú, vừa cảm thấy... thế nào ấy! Và cứ lấy làm lạ không hiểu vì sao ông lại chê những câu thơ mà tôi lúc đó chẳng biết là của ai nhưng lại rất rung động:

"Trăng vừa đủ sáng để gây mơ,
Gió nhịp theo đêm không vội vàng
Khí trời quanh tôi làm bằng tơ
Khí trời quanh tôi làm bằng thơ..."

Ông đã nhận xét như sau: "Bản thân các câu thơ trên tuy cũng "hấp dẫn" nhưng xa lạ với âm hưởng của cuộc sống thực. Chất liệu để tạo nên câu thơ thuần túy là chất liệu của "tâm hồn" - một tâm hồn ủy mị thoát ly - đã nhân lên nhiều lần nữa khoảng cách giữa nó với cuộc sống, và loại trừ tất cả những chất liệu hiện thực... ru người đọc vào thế giới mơ hồ xa lạ...". Thế mà tôi lại thấy hình ảnh ấy cực kỳ gần gũi với tôi, cực kỳ hiện thực với tôi, ngỡ như vươn tay lên đầu là chạm thấy, mặc dù lúc đó mấy mẹ con tôi đang phải tá túc cùng ông bà ngoại trong một căn phòng tối tăm, chật chội ở số nhà 21 Hàng Đào, Hà Nội.

Vốn được giáo dục phải tin vào các uy tín và những gì báo viết, đài nói, sách ghi, tôi bỗng cảm thấy lo cho mình: vì cớ gì mà tôi lại cứ thích không ít thứ mà một người lớn như thế cho là không tốt?! Mặc cảm này đã đeo bám tôi một thời gian dài, ngay cả khi tôi đã bước vào tuổi 20... Đến mức trở thành sinh viên sang học ở Liên Xô cũ, đọc "Người anh hùng thời đại" của Lermontov bằng nguyên bản tiếng Nga, tôi cứ cảm thấy mơ hồ lo sợ là vì sao mình lại có nhiều ý nghĩ và sở thích giống nhân vật Petrorin đến thế!

Trở lại với người thầy của tôi, đã không ít lần tôi đã đóng vai trò "người phản biện" ở xa, không "mặt đối mặt" khi đọc sách của Giáo sư Hà Minh Đức. Nhưng cũng đã học được rất nhiều điều bổ ích và lý thú từ sách của ông. Thực sự cuốn "Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại" là một công trình khoa học nghiêm túc, có nhiều đóng góp. Cố thi sĩ Chế Lan Viên đã rất "lão luyện" khi ngay từ năm 1974 đã nhận xét một cách rất thỏa đáng về đứa con tinh thần ấy của nhà nghiên cứu phê bình Hà Minh Đức trong lời tựa cho cuốn sách dày tới 500-600 trang in này: "Đề Tựa một tập sách không có nghĩa là tán thành tất cả những điều viết ra trong sách. Nếu quả như thế thì chả ai dám đề Tựa nữa! Nhất là đối với các quyển sách dày. Có nhiều điểm trong sách khác xa ý kiến của tôi. Nhưng tôi phải biết tôn trọng tác giả. Vả chăng, cái điều quan trọng là đường hướng chung của tập sách đã phù hợp với sự suy nghĩ của mình. Tác phẩm của anh Hà Minh Đức ra xong... người ta sẽ tiếp thu chỗ này, đính chính chỗ kia, khen ngợi phần này, uốn nắn phần kia, như đối với mọi quyển sách. Nhưng đầu tiên, những tác phẩm như thế thật cần biết bao nhiêu...".

Tôi không ngẫu nhiên nhớ lại những lời tựa này khi nghĩ về Giáo sư Hà Minh Đức. Một đời dằng dặc "thất thập cổ lai hy" trên bục giảng mà vẫn không mỏi mệt, vẫn không thay giọng hay đổi điệu bất chấp mọi biến thiên thời cuộc! Đã bao nhiêu thế hệ sinh viên từng ngồi nghe những bài giảng ấy, họ trưởng thành trong đời sống, giống nhau và khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, tranh cãi nhau kịch liệt, có khi đến mức như cãi cọ quan niệm với nhau, nhưng tất cả, khi nhắc về Giáo sư Hà Minh Đức, đều một niềm trân trọng. Người ngưỡng vọng thầy ở những thành tựu. Người xót xa thầy ở những điều chưa làm được hay ở những việc làm có thể chỉ đắc dụng một thời. Nhưng ai cũng trân trọng thầy ở tình thân ái "đồng hội đồng thuyền" mà dường như thầy đã dành cho tất cả! Ai cũng thương cảm thầy khi đọc câu thơ bất chợt hiện trong chiều: "Khoảng trời nào cũng có cát bay, Cuộc đời nào cũng dính vào với cát"...--PageBreak--

Có những người sinh ra là để "chọc trời khuấy nước" và bằng cách đó hy vọng thúc đẩy xã hội tiến lên phía trước nhanh hơn. Nhưng cũng có những người sinh là để sống trung dung nhân nghĩa, làm nơi nương tựa cho những kiếp người ấm ít lạnh nhiều, để dù trong sự chao đảo thế nào của nhân thế vẫn có những điểm tựa cố định đáng tin cậy. Có lẽ Giáo sư Hà Minh Đức thuộc về típ người thứ hai. Làm việc gì ông cũng muốn củng cố cái sự ổn định, an toàn, dẫu rằng người xuất thân từ quê hương ông tới đâu cũng thường làm dấy lên nhiều sóng và lắm gió.

Có thể hợp hay không hợp với cách tư duy và hình thái hành động của ông, nhưng dù bạn đứng ở bên nào bạn cũng có thể tin cậy được vào sự lương thiện và đứng đắn trong quan điểm của Giáo sư. Cũng có khi ông bị "lợi dụng" vì chính điều này và như mọi người ở cấp độ cao khác, ông không sợ để cho những người khác "lợi dụng" mình, miễn là mọi việc vẫn ở trong khuôn khổ đạo đức đương thời. Ông không tỏ ra cáu giận trước những lời lẽ hay hành vi có lúc hơi quá khích của những sinh viên hay cựu sinh viên "máu nóng", muốn khẳng định mình bằng cách phủ nhận người đi trước. Ông không khoan nhượng trước những lập luận quá khích nhưng lại có cách "phản pháo" ý nhị và cũng không kém phần hiệu quả. Những câu ý tứ gay gắt của ông thường được đưa ra với nụ cười hiền hay với những ẩn dụ thâm thúy...

Giáo sư Hà Minh Đức từng có một truyện ký với tựa đề "Vị giáo sư và ẩn sĩ đường", viết về người bạn thân thiết của mình, Giáo sư Bùi Đình Nguyên. Cá nhân tôi lại nghĩ về ông như một người hàn lâm không bao giờ xa lánh sự sống thường nhật và đương thời. Ông cũng không mấy khi được số phận cưng chiều, bất chấp những tiêu chí bên ngoài có vẻ gợi nên sự thành đạt và may mắn. Tư duy của Giáo sư ngay cả khi bay cao cũng không rời khỏi những cội rễ đất đai, đồng nội vì ông có lẽ đã phải trả giá không ít cho mỗi một thành công, mỗi một dòng chữ viết ra.

Tôi rất tin vào câu chuyện mà anh Phạm Quang Long, cựu sinh viên khoa Văn Tổng hợp Hà Nội, khóa 1970-1974, kể lại: "Khi Giáo sư Đức được nhà trường cho đổi nhà (nửa bán, nửa cấp) từ Hàng Ngang về khu tập thể Lò Đúc, tôi trở thành hàng xóm của gia đình nhà thầy. Một lần, thầy mách cho tôi biết nên mua thức ăn ngon ở cửa hàng nào và ở quanh nơi ở của chúng tôi thứ gì dễ mua nhất. Tôi sững người vì không hiểu sao thầy có thể nhập cuộc nhanh đến vậy thì thầy cười: Tính tôi nó thế. Mình ở đâu phải biết kỹ nơi đó để khi nào có việc cần đỡ phải hỏi ai. Một lần đưa vợ con đi chơi, tôi thấy thầy đang ngồi trên một chiếc xích lô gọng vàng có tua rủ phía trước đang chạy băng băng ngoài phố. Đáp lại sự ngạc nhiên của tôi, thầy cười: Tôi đang đi thực tế...". Tôi không cười được trước những chi tiết như thế, vì tôi, bằng kinh nghiệm của chính mình, đã biết rằng, phải cay đắng thế nào, cô độc thế nào mới có thể trở nên hóm hỉnh và tự lập nhường ấy. Khi người đàn ông giỏi nghề nội trợ thì rất ít khi có nghĩa là anh ta thích làm bếp!

Giờ Giáo sư Hà Minh Đức đang sống trong một ngôi nhà trong phố Yên Lạc, ngôi nhà không nhỏ nhưng lối vào cực nhỏ, khuất sau lưng nhà người khác. Tôi không nhiều khi tới thăm thầy nhưng bằng cảm nhận của mình tôi hiểu, trái tim người thầy ở tuổi 70 vẫn chưa nguôi sóng. Không ngẫu nhiên đâu mà tới cuối đời, Giáo sư Hà Minh Đức lại "dan díu" với thơ. Thực ra, là nhà nghiên cứu thi ca lão luyện, lẽ đâu Giáo sư không hiểu, đó là cuộc phiêu lưu nguy ngập nhất, còn hơn là bóng gió phải lòng "thần giao cách cảm" cô sinh viên trẻ trung non mướt nào đó. Nhưng trái tim luôn nhói đau và trí tuệ luôn mẫn cảm với những nỗi buồn không cho phép Giáo sư ngồi yên. Đành ngửa mặt nhìn giời xuyên qua trần nhà bêtông lạnh buốt mà nhớ, mà khóc thành chữ. Như khi nhớ về người con trai độc nhất, mới tuổi trăng rằm đã không may mắn, phải về thế giới bên kia:

"Cha nhìn lên bầu trời sao lấp lánh,
Không có ngôi sao nào dành cho con
Có lẽ nào cứ vần vụ trong đêm
Như ngọn gió lang thang và mệt mỏi...
Con ơi hãy về đây
Làm cơn gió mát
Mơn man mái tóc bạc sương
Và nói lên một lời cay đắng..."

Nếu không trút tuyệt vọng thành thơ, làm sao sống và không ngừng tự vấn được như Giáo sư Hà Minh Đức:

"Mỗi ngày nhìn chân trời
Lòng còn mơ ước
Mỗi ngày nhìn chân trời
Sao lòng thêm buồn nản
Với những gì hữu hạn trong ta..."

Cũng đành vậy thôi, thầy ạ. Khi ta hiểu ra được sự hữu hạn trong ta, ấy là khi ta đang bay về vô hạn... Lẽ nào đó không phải là hạnh phúc?

.
.