Giang Trang chơi hát
Đúng ra cũng chẳng có gì lạ xa khó hiểu, khi cô cựu nhân viên ngân hàng vị trí trong mơ với không ít người bỗng dưng bỏ nghề sa vào một đam mê nội tâm khắc khoải, một bến đỗ yên bình êm ả ngay giữa bộn bề cuộc sống luôn đầy âu lo vất vả. Giang Trang nhập đồng cùng nhạc Trịnh Công Sơn làm “sô” ra đĩa dù cương quyết không nhận mình ca sĩ, không coi nghề kiếm cơm mà chỉ đơn thuần là chơi, cuộc chơi tột cùng sang trọng...
1. Trong không gian được decor khá điệu nghệ của bar +84 trên con phố Ngô Văn Sở quá đỗi dịu dàng của một Hà Nội vốn mỗi ngày lại một hiếm thêm những dịu dàng tương tự thế, Giang Trang buồn lên, hứng lên lại cầm micro hát. Cô đương nhiên loại mình ra khỏi đời sống showbiz. Âm nhạc với cô, hay nghĩa hẹp hơn nhạc Trịnh Công Sơn với cô là lẽ thường nhật ở đời, là cơm ăn không khí thở, tự nhiên kiểu sáng ra vã làn nước mát lạnh lên người rồi bắt đầu một ngày mới, một niềm vui sống mới không cần bon chen không cần đong đưa tính đếm.
Là con gái một gia đình Hà Nội nề nếp, bố mẹ đều làm nhà giáo, Giang Trang từ thuở bé đã tự biết cách nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng sách, bằng sự đằm thắm chân phương của mái ấm gia đình, bằng cả những vất vả sớm đến sớm buộc cô gái hay hát ưa mộng mơ phải đối mặt. Tốt nghiệp phổ thông, thi vào Đại học Ngoại thương mà bỏ qua ước mơ Nhạc viện như một cách thẳng thắn và ngang bướng chấp nhận thực tế, muốn vượt qua trở ngại, muốn làm một công việc ra tiền để trang trải đời sống và cáng đáng gia đình.
Dẫu thực tế tư duy thì hát, giấc mơ hát vẫn nằm lòng trong cô gái trẻ, để ngay khi là sinh viên đã tham gia các cuộc thi “sô” diễn chương trình mang âm hưởng tuổi trẻ, và rồi một ngày bỗng dưng hát nhạc Trịnh Công Sơn trong một nghi lễ tưởng nhớ người nhạc sĩ diễm tình, Giang Trang và cả bạn bè cô bỗng ngộ ra rằng, hình như nhạc Trịnh đã chọn cô, cô là người được chấm bởi định mệnh, bởi những mời gọi đón chào như đến từ một bờ cõi vô hình.
Ra trường, thiếu nữ xinh đẹp giỏi giang đi làm ngân hàng, tiền lương đủ để tự hào hãnh diện thừa sức xông xênh vượt lên mối lo cơm áo lệ thường. Tiền kiếm ra rồi tự thấy bao nhiêu cũng vậy, vui cũng chẳng vui mà nỗi trống trải mông lung cứ giày vò, cô không cần phải nghĩ suy tranh đấu nhiều, lặng lẽ xin nghỉ việc trong sự níu kéo tiếc nuối của một ngân hàng lớn để rồi từ khoảnh khắc ấy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại tìm thêm được một tri âm, một cá nhân kết đôi làm nên cặp Bá Nha - Tử Kỳ tưởng rất khó lưu dấu trong dòng đời vốn đầy những sự háo danh tham bạc tiền toan tính....
Giang Trang không hát nhạc Trịnh cho tất cả mọi người. Cô hát, mà như cô tự nhủ lòng, cô chơi hát cho trước hết chính mình và sau nữa là một công chúng riêng biệt hạn hẹp. Vậy nên cô như tự nhận, từ Lênh đênh nhớ phố đến Hạ huyền 1, Hạ huyền 2, từ khoảng cách thời gian năm 2012 đế 2015 dẫu không dài lắm, nhưng người nghe cô, xem cô vẫn giới hạn ở bấy nhiêu gương mặt, bấy nhiêu tên tuổi. Cô muốn thế, cố tình mặc định thế bởi luôn lặp đi lặp lại mình không làm nghề hát mà chơi hát, vậy nên chỉ chơi cùng những ai hiểu mình, trân trọng mình, những ai sẵn sàng đến với mình vì đồng cảm chung niềm dấu yêu chứ không thuần a dua trào lưu thời thượng.
Cô ngay từ Lênh đênh nhớ phố đêm diễn 2012 được L’espace tổ chức đã bán vé hết veo, và khán phòng ấm cúng vướng vất âm giai cổ điển ở con phố Tràng Tiền sầm uất đã thành địa chỉ quen của cô cùng những bằng hữu bị cô mê hoặc bỏ bùa. Mỗi dịp đến “sô” Giang Trang rất nhiều nhân vật cỡ tinh hoa elite của Hà Nội lại sắm sanh xống áo tới nghe cô hát, xem cách cô phiêu du bảng lảng trong mỗi ca từ và giai điệu tuyệt vời mà Trịnh Công Sơn đã chắt chiu gạn lọc từ chính số phận, cuộc đời mình để dành tặng cho người, cho tất thảy những ai đang tận hưởng cuộc sống thực...
Không se sua chiêu trò, ngược lại chọn thầm lặng làm phong cách riêng nhưng Giang Trang lại đích thực nghệ sĩ, một nghệ sĩ bẩm sinh từ huyết quản từ mỗi mao mạch nhỏ nhoi tinh xảo nhất tiềm ẩn trong da thịt con người. Cô hát chơi, chơi hát, mà đã chơi là phải cầu kì, cầu kì từ tên gọi Hạ huyền đặt cho album theo gợi ý của một người bạn, cầu kì từ cách chọn ê kíp của mình, từ cách đi đứng nói cười và cả cách kinh doanh bằng huy động bạn bè mở một quán bar riêng để được hát, được chơi theo cách thức riêng mình...
2. Tháng 3/2015 Giang Trang lại tiếp tục làm “sô”, lại ra album Hạ huyền 2 và vẫn lại chỉ duy nhất lựa chọn, nhạc Trịnh Công Sơn cho mỗi lần xuất hiện. Lần này cô có nhạc sĩ Thanh Phương, người cũng khó tính cầu kỳ thích phá cách nhưng lại chọn ẩn danh lặng lẽ hơn là đăng đàn lập ngôn những cãi vã ồn ào dễ gây chú ý giống không ít đồng nghiệp...
Có Thanh Phương, lại có Vân Mai đàn tranh, Lê Thư Hương sáo Trọng Kiều piano, Giang Trang cùng ê kíp mình làm nên một ngẫu hứng Trịnh Công Sơn mơ ảo vừa hiện đại phóng túng vừa xa vắng mênh mang hoài niệm. Cô vẫn nhất quán ý mình, không phải hát mà tâm tình, không phải diễn mà chơi, không phải sắp đặt điệu đàng mà nhún nhẩy tự tình tương tự cách cô vẫn mềm mại di chuyển giữa quán bar, tươi vui duyên dáng.
Cô mừng vì gặp được nhạc sĩ Thanh Phương và ngược lại, Thanh Phương cũng hào hứng vì tiếp cận đúng người, bén duyên nghệ thuật cùng Giang Trang ngoại đạo dù sự hiểu biết và nhạy cảm luôn ở mức thượng thừa. “Hòn đá lăn trên đồi hòn đá rớt xuống cành mai, Rụng cánh hoa mai gầy chim chóc hót tiếng qua đời, Mệt quá đôi chân này, tìm xuống chiếc ghế nghỉ ngơi, Mệt quá thân ta này, nằm xuống với đất muôn đời”, Giang Trang tự nhủ, cô luôn bị mê hoặc bởi những ca từ như một lời kể đầy minh triết như thế, và cô cũng muốn trao gửi truyền lại cảm xúc luôn ứ nghẹn trong yết hầu cho những ai muốn tìm sự nương tựa ở thế giới nhạc Trịnh...
Và bởi thế, trong một đêm tháng 3 bất bình thường không một giây chợp mắt, nghe đi nghe lại Hạ huyền 2, nghe lời tự sự lúc lại thở than lúc reo vui lách tách của Giang Trang, đêm dài hóa ngắn lại, lòng người chợt chùng xuống dịu êm hơn, tâm tĩnh đi, thư thái và rồi gật gù tự nhắc: Ừ thì thôi nào, buông bỏ nhé...
Giang Trang là một ca lạ, một người lạ giữa đời thường những tưởng không có chỗ cho sự bồng bềnh bảng lảng, cho những hồn nhiên trong trẻo không tính đếm thiệt hơn. Cô cũng một đời tư lành mạnh không ồn ào, một người chồng kiến trúc sư chỉnh trang quán xá cho cô luôn đẹp, một mụn con gái luôn tươi xinh điệu đàng phong thái giống mẹ.
Giang Trang lướt nhẹ trong mỗi khắc giây thời gian hữu hạn, nhưng cô không hề ngờ nghệch dại khờ, cô vẫn tỉnh táo tĩnh trí trong công chuyện làm ăn kinh doanh lờ lãi, vẫn bình thản thực tế khi đối diện với các cơn trái gió trở trời, cô chỉ nghệ sĩ (thật), nghệ sĩ (đích thực) lúc chơi hát, khi chiều chuộng mình trong những biến tấu của tâm hồn.
Nhạc Trịnh giúp cô kết nối, tạo cô thêm bạn bè, đưa cô tới thêm nhiều vùng miền xa xôi vời vợi. Cô chơi hát Trịnh Công Sơn không bận lòng doanh thu, không so đo tiền bạc, rốt cục vẫn lãi ròng vì được thỏa mãn cái tôi duy nhất của riêng mình. Giang Trang hát nhạc Trịnh ở Pháp. Giang Trang mang nhạc Trịnh tới Mỹ.
Giang Trang phải lòng Trịnh Công Sơn, tri ân Trịnh Công Sơn bằng những đêm diễn lạ lùng, những album lạ lùng không bao giờ sợ đụng hàng lo nỗi lo bị học đòi bắt chước. Cô khiến Trịnh Công Sơn thành nhạc sĩ càng rời khỏi cõi đời càng nổi tiếng, càng xa xôi cách biệt với con người càng được yêu mến tụng ca. Giang Trang chơi hát Trịnh Công Sơn, cũng là thêm thí dụ để minh chứng rằng, Trịnh Công Sơn khác lạ vì quyến rũ được những người tình âm nhạc, những người sẵn sàng dành cả cuộc đời chỉ để hát nhạc của ông, coi âm nhạc của ông là tình yêu cuộc sống, là sự níu kéo vô hình với sự thiện lương nhân bản luôn cần được sinh sôi nảy nở trong cõi đời bé mọn...