Giang Phạm: Lòng ngay như một con đường

Chủ Nhật, 31/07/2016, 10:46
Nhỏ nhắn, thông minh, thú vị và tràn đầy năng lượng là những gì có thể hình dung về Giang Phạm - người khởi xướng dự án Nhà chống lũ. Lịch làm việc của Giang trong và ngoài nước như con thoi nên “bắt” được Giang để nghe kể về dự án quả tình là một cái duyên rất lớn!

Từ “Nhà chống lũ” đến “Chảy đi sông ơi”

Năm 2009, sau chuyến thiện nguyện cùng bạn bè về rốn lũ Quảng Nam, ám ảnh mãi ánh mắt người đàn ông thất thần ngó khoảng không ngôi nhà đổ nát, rất nhiều lần, Giang tự nhủ, phải làm một cái gì đó sinh khí hơn, lâu dài hơn để không chỉ là hỗ trợ qua cơn, theo mùa mà còn thắp lên hy vọng, niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai cho người dân vùng lũ. 

Một lần, tình cờ thấy bức ảnh ngôi nhà gỗ với khung sàn bê tông ở Hương Sơn, Hà Tĩnh từ Facebook một người bạn, Giang bật lên ý tưởng xây dựng những ngôi nhà phù hợp với từng loại lũ khác nhau. 

Điều khác biệt trong cách thực hiện của Giang là thay vì huy động, kêu gọi đóng góp từ những nhà hảo tâm dựa vào những mối quan hệ của bản thân như đa phần các hoạt động thiện nguyện thường thấy, Giang viết Nhà chống lũ thành chương trình mà ở đó, trọng tâm nằm ở sự sẻ chia, chung tay góp sức từ cộng đồng, gồm: Nhà chống lũ - người khởi xướng, kết nối các nguồn lực, thúc đẩy, giám sát thực hiện dự án; đối tượng được thụ hưởng tức gia đình người được hỗ trợ; chính quyền địa phương và cuối cùng là doanh nghiệp. 

Theo đó, mỗi ngôi nhà, Nhà chống lũ hỗ trợ từ hai mươi đến ba mươi lăm triệu đồng, phần còn lại tùy vào nhu cầu và khả năng của đối tượng được hỗ trợ, bao gồm cả nguồn lực và vật lực.

Để có kinh phí chạy dự án với 5 ngôi nhà đầu tiên, Giang mang đấu giá một số món đồ quý từ các phiên đấu giá chị mua được, sự giúp đỡ của những người bạn, cũng là những nghệ sĩ từ các sáng tác của họ, và Giang thể hiện sự chia sẻ với bạn bằng cách chỉ nhận 50% số tiền từ các tác phẩm bán được vì “nghệ sĩ cũng cần tiền để tái tạo sức lao động”. 

Những ngày đầu đi vận động trong sự ngạc nhiên lẫn thiếu hưởng ứng của người dân, đã có lúc Giang nghĩ, chắc là chỉ 5 ngôi nhà này thôi. Nhưng rồi, lòng kiên trì hay đúng hơn là sự cảm thông với những hoàn cảnh chứng kiến và niềm tin vào dự án đã đưa Giang đi một chặng đường dài hơn và xa hơn. 

Giang kể cho tôi nghe về bà Hồ Thị Nga, một trong những gia đình đầu tiên Nhà chống lũ ghé qua, mắt rơm rớm nước. Trong ngôi nhà xập xệ, xiêu vẹo theo từng trận bão mỗi ngày một dữ dội hơn, khắc nghiệt hơn của bà Nga, thứ đáng giá nhất được bà chất lên gác từ vài cây tre là chiếc… quan tài. 

Bà Nga bảo, lũ thì to quá mà bà tuổi cao sức yếu, lỡ có bề gì, bà vào trong đấy tránh lũ. Bà sợ cái chết giống như chồng bà, vừa đau yếu, bệnh tật, vừa đói ròng rã, ngay cả lúc sắp mất bà cũng không làm cách nào nấu được cho ông bữa cơm. Ông đi lặng lẽ trong những ngày nước lênh đênh. Mười ngày sau nước rút, giữa ngổn ngang “dựng lại người, dựng lại nhà”, người ta quấn vội ông trong chiếc chiếu để gửi về đất. 

Ảnh: GKH.

Hôm đó, đội khảo sát nghe chuyện của bà Nga chỉ biết thất thần nhìn nhau, rồi bấu tay nhau động viên bước tới. Cho đến nay, hơn ba trăm ngôi nhà từ sự chung tay của cộng đồng đã được dựng lên ở các vùng rốn lũ của bốn tỉnh miền Trung và miền núi phía Bắc. Và sẽ còn nhiều nhiều ngôi nhà nữa mọc lên. 

Không ngôi nhà nào giống ngôi nhà nào bởi với mỗi loại hình lũ khác nhau ở từng vùng lũ bão, lũ ngâm, lũ ngập và sạt lở; với nguyện vọng và mong muốn của từng gia đình, Nhà chống lũ có những thiết kế, kích thước khác nhau sao cho an toàn nhất, phù hợp nhất. 

Với tiêu chí nhân văn, sáng tạo và hướng đến sự phát triển bền vững, những nơi Nhà chống lũ đặt chân đến không chỉ đơn thuần là một ngôi nhà được dựng lên mà đi kèm đó là sinh khí, là niềm tin, hy vọng, là cách sắp xếp, thay đổi nếp nghĩ nơi nhiều người, là khơi dậy lòng tự trọng và sự tự tin trong chính bản thân người thụ hưởng.

Khi Nhà chống lũ dự định về miệt Đồng bằng sông Cửu Long thì hạn hán và tình trạng nhiễm mặn ập đến. Đúng lúc ấy, thông tin sông Hồng bị đe dọa ngăn dòng chảy để làm thủy điện. 

Chứng kiến các con sông mòn mỏi chết do chặt phá rừng, sạt lở, khai thác cát,… khiến người nông dân bần cùng trên chính mảnh đất của họ, Nhà chống lũ chuyển đổi sang giúp người dân làm sinh kế. Chảy đi sông ơi ra đời, với mục tiêu “khơi thông dòng chảy”, không đơn thuần là sống cạnh con sông mà còn là những mối quan hệ cộng sinh, khai thác dòng sông ở khía cạnh tự nhiên, văn hóa. 

Hiện tại, Nhà chống lũ đang triển khai làm nhà tái định cư cho đồng bào Khmer, Cù lao Dung song song việc hỗ trợ người dân vùng hạn, nhiễm mặn ở hai tỉnh Bến Tre và Sóc Trăng nuôi vịt biển, dê, tôm càng xanh hai giai đoạn, nuôi lươn,… Tất cả đều có sự giám sát và tư vấn nhiệt tình từ sự chung tay của những kỹ sư, chuyên gia.

Và một Giang “kều” say mê, nhiều năng lượng

Nghe tiếng chương trình, không ít nhà tài trợ tìm đến đề nghị hỗ trợ để đổi lại sự quảng bá, Giang đều thẳng thắn khước từ bởi nó đi ngược với phương châm của chị. Chính nhờ sáng tạo trong cách vận động nguồn lực cộng đồng, Nhà chống lũChảy đi sông ơi ngày càng nhận được sự tin tưởng và chung tay của rất nhiều cá nhân và tập thể, từ doanh nghiệp, đoàn thanh niên, chính quyền địa phương cho đến những người làm nghề sáng tạo. 

Rất nhiều cái tên uy tín trong các lĩnh vực âm nhạc, hội họa, kiến trúc như: Tùng Dương, Thanh Lam, Mỹ Linh,… họa sĩ Lê Kinh Tài, Phạm Bình Chương, Lê Quảng Hà, Lê Thiết Cương,… đều sẵn sàng góp sức. 

Một cách gián tiếp, Nhà chống lũ đang góp phần thúc đẩy hội họa phát triển theo chiều hướng tích cực. Những tác phẩm hội họa đến với Nhà chống lũ đều qua hội đồng giám tuyển chuyên môn, được phân loại và định giá tương xứng với giá trị chứ không vì hoạt động cộng đồng mà đẩy giá, tạo cảm giác thiếu thoải mái cho người mua. 

Người sưu tập, từ chỗ tin tưởng cô Giang “kều” dần hình thành đam mê tranh, tích lũy thêm nhiều kiến thức hữu ích. Hiện tại, mỗi bức tranh bán được, Nhà chống lũ đều giữ lại phân nửa thù lao cho các họa sĩ. Với những họa sĩ trẻ, đây là nơi gặp gỡ cũng như cơ hội đem tranh giới thiệu rộng rãi hơn với người trong nghề, công chúng thưởng lãm và các nhà sưu tập.

Một điều đặc biệt và ấn tượng khác từ Nhà chống lũ là thay cho hình ảnh tội nghiệp, gây thương cảm mặc định thường thấy là những nụ cười lấp lánh, là những tấm vé, poster chỉn chu, sang trọng và có chút gì đó rất… art.

Rất nhiều người mang ngạc nhiên này hỏi Giang. Chị cười: “Điều gì đúng sẽ chạm vào trái tim chứ không chạm vào nước mắt”. Cũng như Giang, lúc nào cũng tươi vui, nhẹ nhõm, nghịch ngợm và… mơ mộng. Giang “tự họa” trên web cá nhân: “Tôi yêu những gì liên quan đến sáng tạo. 

Trải qua rất nhiều ngành nghề, nhiều vị trí, từ những việc kinh doanh hồi còn nhỏ xíu, đến khi làm ở những doanh nghiệp lớn, những dự án đồ sộ hay làm chủ các công ty của mình, tôi chỉ thích những công việc luôn cần sự đổi mới, sáng tạo. Có thể nói, sáng tạo đã trở thành tôn giáo của tôi. 

Tôi cho rằng, điều kiện quan trọng cần cho sáng tạo chính là sự tò mò và hết lòng cho những đam mê. Phải tò mò, muốn biết, muốn thấu hiểu, muốn khám phá và sẵn sàng khám phá, trải nghiệp, bạn mới có thể có những ý tưởng sáng tạo. Tôi không cho rằng mình là người rất sáng tạo nhưng tôi đam mê khám phá những gì mới mẻ. 

Vì vậy, bạn có thể gặp tôi lang thang trên khắp các nẻo đường cùng một em Vespa cổ với một vài người bạn. Hay đôi khi, bạn lại thấy tôi ngồi cafe nghe Alphabet của Second Person và chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc xe cổ cùng các bạn trong diễn đàn. Hoặc bạn có thể gặp tôi ở các vai trò khác nữa. Và dù ở bất kỳ vai trò nào, tôi vẫn là tôi - một người cháy hết mình cho những đam mê”.

Với khối lượng công việc đồ sộ tại 6 tỉnh, với hàng trăm ngôi nhà đang được dựng lên cùng lúc, với các dự án sinh kế được triển khai lớp lang, bài bản, có kế hoạch, giám sát chặt chẽ, thật khó mà tin được đội ngũ tình nguyện viên của Nhà chống lũ chỉ có 5 người, thêm Giang nữa là 6! Có tin được không khi Giang tiết lộ chị chỉ có 30% để dành cho hoạt động này. 70% còn lại của Giang dành cho việc điều hành công ty riêng với văn phòng trong và ngoài nước, tư vấn các dự án và dành cho cậu con trai 8 tuổi.

Từng làm tình nguyện viên cho các dự án quốc tế tại Việt Nam, Giang nói với tôi một ý rất hay rằng: “Người nước ngoài có thể giúp mình ở một mức độ nào đấy thôi nhưng muốn phát triển thì trước hết người trong nước mình phải chung tay giúp đỡ nhau. Tôi từng chứng kiến một dự án giúp đỡ người dân có giá một triệu đô la, thì trong đó hết 800 ngàn đô để mua trang thiết bị lạc hậu ở xứ họ, thuê chuyên gia sắp về hưu, 150 ngàn dùng cho việc họp hành giữa các bên, chỉ có 50 ngàn đô còn lại là dùng để mua những thứ thực sự. Chưa kể việc xà xẻo, cắt xén đôi khi vẫn xảy ra từ chính quyền địa phương. Cuối cùng thì người dân được bao nhiêu?”. 

Giang bao giờ cũng vậy, nhẹ nhàng, nhỏ nhẻ nhưng quyết liệt đến cùng. Ước mơ của Giang ư? Giản dị mà cũng to lớn vô cùng: Sắp xếp việc công ty cho ổn, để vài năm nữa có thể chuyên tâm cho các dự án cộng đồng.

Hoàng Hoài Hương
.
.