Giám đốc tương lai của CIA, John Brennan: Không ngại chơi rắn

Thứ Tư, 06/03/2013, 15:32

Hầu như sẽ khó có thể xảy ra sự cố khiến ứng viên John Brennan không thể trở thành giám đốc mới của CIA. Năm 2009, ông đã bị thất bại khi Tổng thống Obama lần đầu đề cử ông vào cương vị đó, nhưng năm nay, mặc dầu quá trình điều trần diễn ra không dễ dàng nhưng ít ai nghi ngờ rằng một chuyên gia phân tích tình báo với kinh nghiệm 25 năm trong nghề này rốt cuộc cũng sẽ trở thành người đứng đầu cơ quan tình báo đầy trọng trách này của nước Mỹ.

Hành trình kín tiếng

John Brennan là ai? Tại sao đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama lại cần ông đến thế để hai lần cùng tắm trên một dòng sông và lần thứ hai lại cương quyết đề cử ông vào vị trí giám đốc CIA? Theo các nhà quan sát, Brennan là một nhân vật rất kín tiếng và quá trình một phần tư thế kỷ làm việc trong các đơn vị của CIA chỉ càng làm tăng thêm sự bí ẩn của ông.

Brennan sinh ngày 22/9/1955 tại North Bergen, bang New Jersey. Năm 1977, ông tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Fordham và năm 1980, tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Texas ở Austin.

Rất khó có thể xác định được những nét căn bản của Brennan. Những ký ức về giai đoạn thử lửa đầy lãng mạn của ông trong nghề tình báo, khi CIA đã tung ông vào những điệp vụ cụ thể. Trong lốt dân chơi hippi tóc dài đầy khiêu khích, đeo khuyên tai và mang áo sơ mi hoa sặc sỡ, chàng trai trẻ John Brennan đã từng thực hiện những chuyến đi nghiệp vụ tới Indonesia, Bahrein và Ai Cập. Ở Cairo, Brennan đã vào học tiếng Arab tại Trường Đại học Mỹ lừng danh.

Theo những tài liệu chính thức, Brennan đã được vào biên chế chính thức của CIA từ năm 1980, chuyên về phân tích tình hình khu vực Trung Cận Đông và Nam Á. Tiếp theo, ông được phân chuyên về đấu tranh chống khủng bố. Trong những năm 1994-1995, Brennan thực hiện nhiệm vụ báo cáo viên tin tức tình báo cho Tổng thống Mỹ lúc đó là Bill Clinton. Trong những năm 1995-1996, ông là trợ lý cho George Tenet, lúc đó là Phó giám đốc CIA (sau này là Quyền giám đốc CIA trong giai đoạn 1996-1997 rồi trở thành Giám đốc CIA từ năm 1997 cho tới khi viết đơn xin từ chức năm 2004).

Tiếp theo, Brennan đã thực hiện một chuyến công tác ở Arab Saudi và làm trưởng chi nhánh CIA ở đó. Trọng tâm chú ý của Brennan trong giai đoạn ở đó vẫn là chủ nghĩa khủng bố (trùm mạng lưới Al-Qaeda, Osama bin Laden là người Arab Saudi và trong đội ngũ lãnh đạo mạng lưới khủng bố này cũng có nhiều công dân Arab Saudi).  Chi nhánh do Brennan phụ trách đã cấp được vào mạng lưới Al-Qaeda những đặc tình quan trọng giúp không chỉ theo dõi hoạt động của Bin Laden mà còn lợi dụng được các thành viên của mạng lưới này theo hướng có lợi cho cơ quan tình báo Mỹ.

Năm 1999, Brennan lại trở về với công việc ở Bộ chỉ huy tối cao của Giám đốc CIA Tenet.  Trong giai đoạn 2000-2001, ông đã làm tham mưu trưởng của Giám đốc CIA Tenet. Sau thảm kịch khủng bố nhằm vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York ngày 11/9/2001, Brennan được cử làm chỉ huy Trung tâm Quốc gia chống khủng bố. Công việc này đã đòi hỏi ở ông sự nỗ lực cao độ và khả năng khéo léo hành xử trong những hành lang quyền lực giữa các điều kiện khủng hoảng.

Ngay từ đầu Brennan đã hiểu ra rằng, ông bắt buộc phải “mũ ni che tai” trước một số tình huống kỳ cục của quá trình Al-Qaeda thâm nhập vào hoạt động ở nước Mỹ. Nhiều sự kiện khó có thể hòa đồng với bức tranh chung của sự tấn công rộng lớn mà Al-Qaeda đã nhằm vào Washington. Không loại trừ rằng, chính vì những khúc mắc nội bộ nảy sinh vì thế đã khiến Brennan rời khỏi CIA năm 2005. Ông đã tự lập ra Công ty Analysis Corporation, chuyên về đảm bảo an ninh cho các doanh nghiệp lớn.

Hữu dụng, đa mưu

Tháng 1/2009, Brennan quay trở lại Nhà Trắng và trở thành cố vấn an ninh chính cho Tổng thống Obama về chống khủng bố. Trên các diễn đàn công khai, Brennan thường chỉ trích những sự quá đà trong các chiến dịch chống khủng bố trong giai đoạn cầm quyền của vị Tổng thống Mỹ thứ 43 George Bush (con), nhưng trong thực tế, ông cũng đã làm theo đúng các nguyên tắc cũ của chính quyền tiền nhiệm: xả súng trước rồi mới bàn chuyện đúng sai.

Brennan được coi là “kiến trúc sư” phát triển chiến lược sử dụng máy bay không người lái để tiêu diệt những kẻ mà Washington nghi ngờ có hoạt động khủng bố ở bên ngoài biên giới nước Mỹ. Đôi khi những chiếc máy bay không người lái đó được phô diễn như loại vũ khí kỳ diệu của thế kỷ XXI. Brennan còn được coi là có công tiến hành chiến dịch đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt Bin Laden ngày 2/5/2011 tại ngoại ô thành phố Abbottabad (Pakistan).

Về nhiệm vụ trong Nhà Trắng, Brennan quả thực đã được giao phụ trách các chiến dịch truy tìm trùm khủng bố này và về danh nghĩa hoàn toàn có lý do để nhận cho mình công trạng đó. Cũng phải nói rằng, chiến lược sử dụng máy bay không người lái và chiến dịch tiêu diệt Bin Laden đã trở thành cơ sở khá chắc chắn để Tổng thống Mỹ lần thứ hai đề cử Brennan vào ghế giám đốc CIA.

Phiên điều trần của Brennan trước Quốc hội ngày 7/2 ngay từ đầu đã trở nên náo loạn vì sự có mặt của một số người phản đối. Họ đã hô vang những câu như “Brennan, kẻ giết hại trẻ con!”, “Kẻ dối trá!”, “Kẻ phản bội!”, “Kẻ thù của dân chủ”, “Nguy cơ đối với an ninh quốc gia!”… Qua các tấm ảnh báo chí có thể thấy trước những sự việc này, gương mặt của Brennan đã lạnh cứng như đeo mặt nạ, mắt nheo lại, môi nín bặt… Sau lưng ông là những nhân viên bảo vệ.

Phòng điều trần chỉ trở nên yên tĩnh sau khi những người phản đối  bị đưa ra ngoài. Những câu hỏi của các nghị sĩ chỉ liên quan tới hai sự việc trong lý lịch công vụ của Brennan: sự dính líu của ông với việc CIA tiến hành các cuộc tra tấn “cấp ba” và sự che giấu con số thực những nạn nhân dân sự vô tội khi CIA tiến hành các đợt tấn công bằng máy bay không người lái. Brennan đã tỏ ra không tự tin lắm khi trả lời câu hỏi về sự dính líu của ông tới các cuộc tra tấn và việc xây dựng mạng lưới nhà giam bí mật. Trong giai đoạn đó, Brennan đang ở vị trí phó giám đốc điều hành  với trách nhiệm kiểm soát hàng ngày hoạt động của các đơn vị khác nhau thuộc CIA và rất khó tin là ông không hề biết gì về những việc đã xảy ra. Bản thân ông đã biện bạch rằng, đã có một số tài liệu được chụp lại cho ông nhưng ông đã không hề dính líu tới việc biên soạn những tài liệu đó.

Vì sao những tài liệu đó lại được chụp lại cho Brennan? Để kiểm soát hay để thực hiện các chương trình đó? Chính vì thế mà những lời giải thích của Brennan rằng đã không yêu cầu chấm dứt những trò tra tấn như thế chỉ vì không có thẩm quyền chỉ là nói lấy được. Thực ra thì ông đã biết rõ mọi việc và đồng tình với chúng, nếu không muốn nói là đã cho phép tiến hành. Ông đã hoàn toàn không nghĩ tới việc cản trở những trò tra tấn dã man của CIA đối với các nghi can khủng bố. Những người phản bác Brennan thậm chí còn tìm ra được những bài trả lời phỏng vấn của ông mà trong đó, ông đã ca ngợi hiệu quả của các phương pháp tra tấn, như trò dìm đầu vào nước.

Brennan cũng là người khởi xướng chương trình sử dụng máy bay không người lái để tiêu diệt những phần tử bị nghi là khủng bố. Trong phiên điều trần trước Quốc hội, Brennan đã khẳng định: “Đất nước có quyền tự vệ, chúng tôi làm như thế là để bảo vệ cuộc sống của người Mỹ”. Thực tế cho thấy, Washignton đã sử dụng cái quyền đó bất chấp mọi tiêu chí đạo đức và công pháp quốc tế. Những máy bay không người lái đã tiến hành nhiều cuộc tấn công ở Afghanistan,  Pakistan, Yemen, Libya, Somalia và nhiều nước khác. Brennan đã nói dối khi khẳng định rằng không có những nạn nhân vô tình bị giết chết trong các đợt tấn công đó. Ai cũng biết rằng những cuộc không kích từ máy bay không người lái rất dễ trúng vào những mục tiêu dân sự, làm chết nhiều người dân vô tội. Chỉ riêng ở Pakistan trong năm đầu tiên ông Obama cầm quyền đã có 176 trẻ em bị giết hại trong các đợt tấn công như thế.

Công luận Mỹ đã thêm lần dậy sóng khi trong danh sách các mục tiêu của máy bay không người lái có tên cả của những người Mỹ bị tình nghi là cộng tác với khủng bố. Tháng 9/2011  tại Yemen, máy bay không người lái đã giết chết hai công dân Mỹ Anwar al-Alaqi và Samir Khan. Hai người này danh chính ngôn thuận chưa bao giờ bị buộc tội khủng bố, không hề bị truy nã nhưng đều đã bị giết. Trong tài liệu của Bộ Tư pháp được chuẩn bị cho phiên điều trần của Brennan, giải thích rằng, chính quyền Mỹ cho phép giết các công dân Mỹ, nếu “có họ tham gia ban lãnh đạo Al-Qaeda hoặc một tổ chức liên kết với nó”. Và cũng không cần phải có bằng chứng về việc này. Chỉ cần nghi ngờ là đủ để tuyên án tử hình.

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 7/2, Brennan đã hứa rằng, nếu được phê chuẩn, ông sẽ cố gắng để cho hoạt động của CIA trở nên minh bạch tối đa và thường xuyên cung cấp đầy đủ thông tin cho các nghị sĩ và giới báo chí. Các phương tiện truyền thông cũng cho rằng, nếu được phê chuẩn, Brennan sẽ có nhiệm vụ là làm sạch danh tiếng của CIA khỏi những vết nhơ từ thời Tổng thống Bush (con), khi các nhân viên CIA đã buộc phải tham gia các vụ tra tấn tù nhân một cách hết sức vô nhân đạo. Nhiều nhân viên CIA hiện nay đang lo ngại rằng, với đà gia tăng của các cuộc chiến nóng bỏng mà Washington đang bị lôi kéo dính líu, CIA lại phải thực hiện những nhiệm vụ quốc tế hoàn toàn không dính dáng gì tới tình báo.

Trên cương vị lãnh đạo CIA, Brennan chắc sẽ khó có thể nhàn hạ. Đội ngũ đông tới hàng nghìn người của cơ quan tình báo này sẽ phải không chỉ thu thập thông tin mà còn phải trực tiếp chiến đấu trong những điều kiện ác liệt hơn ở Iraq và Afghanistan. Cựu binh Brennan sẽ phải tiếp tục làm những việc mà ông đã quen tay: chiến sự, tra khảo “cấp ba”, hoạt động gián điệp, che giấu thông tin không cho quốc hội hay biết, những cuộc tấn công của máy bay không người lái nhằm vào “quân ta”, một khi những người này trở nên hết công dụng hay thay lòng đổi dạ

Hoàng Lương
.
.