Giai thoại về lãnh tụ Xôviết Stalin

Thứ Tư, 21/04/2010, 15:24
Nhà thơ và bình luận viên chính trị Xôviết Feliks Chyev đã trò chuyện với nhiều nhân vật từng ít nhiều được tiếp cận với lãnh tụ Xôviết Yosif Stalin và ghi lại những hồi ức của họ. Trong dịp tiến tới kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng chủ nghĩa phát xít (1945-2010) mà trong đó, lãnh tụ Xôviết Stalin đã có một vai trò cực kỳ vĩ đại, xin trích giới thiệu cùng bạn đọc của ANTG GT một số giai thoại về ông.

Uống rượu vừa sức mình là tốt

Lãnh đạo Liên Xô bàn bạc nhân sự cho chức Bộ trưởng Bộ Khai thác than. Có ý kiến đề nghị đưa Giám đốc mỏ Zasyadko lên cương vị này.

Ai đó nêu ý kiến:

- Tốt thôi, nhưng đồng chí ấy hay uống rượu lắm.

- Hãy mời đồng chí ấy tới gặp tôi, - Stalin nói.

Ông Zasyadko tới gặp Stalin. Hai người  chuyện trò một lúc, rồi Stalin rót rượu mời.

- Cảm ơn, chúc sức khỏe đồng chí! - ông Zasyadko nói rồi làm một hơi cạn ngay ly rượu vodka đầy.

Stalin nhấp một ngụm rượu rồi mời khách làm thêm ly nữa. Ông Zasyadko cũng làm luôn một hơi cạn ly rượu thứ hai trong nháy mắt. Stalin mời khách ly thứ ba nhưng ông Zasyadko đặt ly rượu sang bên và nói:

- Xin lỗi đồng chí nhưng Zasyadko này biết  thế nào là vừa!

Hai người tiếp tục trò chuyện rồi chia tay. Trong cuộc họp Bộ Chính trị tiếp theo, khi lại phải bàn về nhân sự cho chức Bộ trưởng Bộ Khai thác than và lại có ý kiến về tính mê rượu của ông Zasyadko, Stalin vừa đi đi lại lại với cái tẩu thuốc quen thuộc vừa nói:

- Đồng chí Zasyadko ấy rất biết thế nào là vừa!

Thế là ông Zasyadko trong rất nhiều năm liền đã đảm đương chức vụ Bộ trưởng Bộ Khai thác than của Liên bang Xôviết.

Mùa gặt

Một lần, trong cuộc thảo luận về việc cung cấp lương thực ở đầu những năm 30 của thế kỷ XX, một lãnh đạo tỉnh phát biểu một cách hóm hỉnh về việc địa phương của ông không thể cung cấp lúa mì cho trung ương nhiều hơn:

- Như người Pháp nói, ngay cả một mỹ nhân tuyệt vời nhất cũng không thể cho nhiều hơn những gì mà nàng có.

Stalin chỉnh sửa:

- Nhưng nàng có thể cho hai lần!

Với ca sĩ Reysen

Ca sĩ Mark Osipovich Reysen rất được Stalin yêu thích. Giọng hát này đã lọt vào mắt xanh lãnh tụ từ khi còn biểu diễn ở Leningrad và chính Stalin đã ra lệnh chuyển Reysen về Moskva. Và kể từ đó Reysen có mặt trong tất cả các chương trình ca nhạc do Điện Kremli tổ chức.

Một lần, ông Poskrebyshev, thư ký riêng của Stalin, gọi điện cho Reysen:

- Hôm nay ông sẽ phải biểu diễn, chúng tôi sẽ cho xe tới đón ông.

- Không được đâu, ông cũng biết là tôi đã bị sa thải khỏi Nhà hát Lớn rồi còn gì.

Ông Poskrebyshev hiểu rằng, nếu không có ca sĩ Reysen thì Stalin chắc chắn sẽ không hài lòng.

- Ông đừng lo, mọi chuyện sẽ ổn, cứ tới biểu diễn đi, chúng tôi sẽ cho xe đón ông…

Trong Điện Kremli, Stalin đi đi lại lại trong phòng làm việc. Trước ông là ông Bespalov đứng nghiêm như tượng. Khi ca sĩ Reysen bước vào, Stalin chỉ vào ông này và hỏi:

- Đây là ai?

- Đó là Reysen, thưa đồng chí Stalin!

- Nghệ sĩ nhân dân của Liên bang Xôviết?

- Đúng thế ạ, thưa đồng chí Stalin!

- Thế anh là ai?

- Chủ tịch Ủy ban Nghệ thuật Bespalov!

- Thế anh ấy là ai?

- Nghệ sĩ nhân dân của Liên bang Xôviết Mark Osipovich Reysen!

- Solist của Nhà hát Lớn?

- Đúng vậy ạ, thưa đồng chí Stalin!

- Thế anh là ai?

- Chủ tịch Ủy ban Nghệ thuật Bespalov!

- Thế anh ấy là ai?

- Nghệ sĩ nhân dân của Liên bang Xôviết, solist của Nhà hát Lớn, Mark Osipovich Reysen!

- Anh ấy là solist, còn anh chỉ là đồ vớ vẩn, thôi về đi!

Giải thưởng

Nữ văn sĩ Vera Panova với cuốn tiểu thuyết mới đã được đề cử vào giải thưởng Stalin - đây là lần thứ ba bà được nhận vinh dự này sau hai lần được nhận giải thưởng Stalin bậc một và bậc hai. Ủy ban xét giải sau khi đọc xong tiểu thuyết mới đã quyết định không trao thêm cho bà giải thưởng Stalin nữa. Thế nhưng, Stalin đã can thiệp:

- Thôi, chúng ta hãy trao cho bà Panova một giải nữa, bậc ba. Nhưng hãy nói với bà ấy rằng, chúng ta không có bậc bốn đâu nhé!

Stalin hỏi Fadeyev, người phụ trách Hội Nhà văn Liên Xô lúc ấy, vì sao lại không đề cử nhà văn S. Zlobin, tác giả của tiểu thuyết "Stepan Razin" vào giải Stalin. Fadeyev trả lời rằng, vì không thấy Zlobin tham gia các công tác xã hội nào cả.

- Nhưng có thể ông ấy đã dành thời gian đó để sáng tác thì sao? - Stalin hỏi.

Demian Bednyi là một nhà thơ xuất thân từ công nhân, chuyên sáng tác những vần thơ cổ động rất hào sảng.  Một lần gặp gỡ, Stalin nói với Bednyi:

- Anh có biết tại sao anh là nhà thơ tồi không? Vì rằng, thi ca thật thì phải đượm buồn!

Một đêm, trong căn hộ của Pasternak bỗng vang lên tiếng chuông điện thoại.

- Stalin đang nói chuyện với anh đây. Anh nghĩ thế nào về nhà thơ Mandelshtam?

Pasternak biết Mandelshtam lúc đó đã bị bắt nên mới đáp:

- Thưa đồng chí Stalin, có lẽ ta nên nói về một chuyện gì đó khác!

- Đồng chí Pasternak, - Stalin nói ngay. - Ở thời trước chúng tôi đã bảo vệ bạn bè mình tốt hơn bây giờ! - Rồi Stalin bỏ máy ngay.

Người ta kể rằng, sau khi Mandelshtam hy sinh, Pasternak đã bị lương tâm cắn dứt tới tận cuối đời.

Có công thì thưởng

Nhà thiết kế các hệ thống pháo binh  V.G. Grabin kể rằng, trong một cuộc gặp gỡ với Stalin năm 1942, lãnh tụ Xôviết  đã nói với ông:

- Hệ thống pháo của đồng chí đã cứu nước Nga. Đồng chí muốn được nhận cái gì, danh hiệu Anh hùng Xôviết hay giải thưởng Stalin?

- Với tôi thì thế nào cũng được mà, - Grabin đáp.

Kết cục là Grabin đã được nhận cả danh hiệu Anh hùng Xôviết lẫn giải thưởng Stalin.

Với ông Vannikov

Vannikov là một nhà chỉ đạo công nghiệp quốc phòng xuất sắc nhưng đã bị đi tù oan. Khi chiến tranh bùng nổ, ông bỗng nhiên được cho ra tù và được dẫn tới gặp lãnh tụ Stalin. Stalin đã đưa ông làm Bộ trưởng. Vannikov nói:

- Tôi là một cựu tù nhân, mai tới cơ quan, làm sao tôi có uy tín với cấp dưới được?

- Chúng tôi sẽ lo cho uy tín của anh, đừng bận tâm tới chuyện đó.

Sáng hôm sau tới  cơ quan, Vannikov thấy trên bàn làm việc của mình tờ báo Pravda, trên đó có đăng tin ông được phong danh hiệu Anh hùng Lao động Xã hội chủ nghĩa.

Vẫn tốt với bạn bè cũ

Nhà hoạt động cách mạng bolshevich lão thành người Gruzia, Sergo Kavtaradze suốt một thời gian dài không có việc gì làm. Như thể ông đã bị các đồng chí của mình quên lãng. Ông cùng vợ phải ở trong một căn phòng tập thể nhỏ, nơi mà một người hàng xóm luôn luôn trách cứ ông vì tội lơ đãng quên tắt đèn trong nhà vệ sinh hay quên lượt mang xô rác đi đổ. Một lần, sau chiến tranh, ông nhận được điện thoại:

- Sergo, anh đấy ư? Anh vẫn khỏe chứ? Tôi đây, tôi là Levrenti đây!~ (Lavrenti Pavlovich Beria lúc đó là người phụ trách cơ quan an ninh của Liên Xô - NTT).

- Ôi, quý hóa quá, xin kính chào đồng chí Lavrenti Pavlovich!

- Này, sao lại xưng hô như thế! Cứ gọi tôi đơn giản là Lavrenti thôi.  Anh đã quên hết bạn bè cũ rồi hả, chả tới chơi, chả gọi điện gì cả. Bọn tôi đang ngồi đây và nhớ lại bạn bè xưa cũ. Đồng chí Stalin có hỏi rằng, thế cậu  Sergo  Kavtaradze của chúng ta đâu rồi? Tôi mới gọi điện cho quân của tôi và được biết rằng anh đang ở Moskva. Anh hãy tới chơi với chúng tôi, tôi sẽ cho xe đón anh ngay bây giờ.

Và thế là ông Kavtaradze một lúc  sau đã được ngồi cùng bàn tiệc với  Stalin và Beria. Họ hàn huyên vui vẻ, rồi Stalin nói:

- Này, Sergo, bây giờ bọn mình tới nhà cậu chơi nhé, xem cậu sống như thế nào!

- Thưa đồng chí Stalin, bây giờ đã muộn rồi, với lại không báo trước chắc vợ tôi chẳng kịp chuẩn bị cái gì để ăn uống đâu…

- Không sao, chúng ta mang đồ ăn thức uống từ đây và sẽ lặng lẽ, khiêm nhường mà đi…- Stalin nói.

Không lâu sau đó, ông Kavtaradze nhận được tin báo từ Ngoại trưởng Xôviết lúc đó là ông Molotov về việc ông được cử đi làm đại sứ Liên Xô ở Rumania.

Huân chương Sao Đỏ

Sau chiến thắng năm 1945, để tôn vinh những công trạng vĩ đại của Stalin trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, BCH TW Đảng Cộng sản đã ra nghị quyết:

- Đổi tên thủ đô Liên bang Xôviết từ thành phố Moskva sang là thành phố Stalin.

- Phong tặng danh hiệu Đại Nguyên soái cho đồng chí Stalin.

- Trao tặng Huân chương Chiến thắng thứ hai cho đồng chí Stalin.

- Trao trặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô cho đồng chí Stalin.

Lãnh tụ Stalin đã kiên quyết bác bỏ những đề nghị này. Trong mục thứ nhất, Ngoại trưởng Xôviết Molotov đã rất ủng hộ Stalin và vì thế, Moskva vẫn được là Moskva. Chuyện phong danh hiệu Đại Nguyên soái đã được thảo luận nhiều lần và cuối cùng, nguyên soái Rokossovsky đã nêu ra lý lẽ:

- Kính thưa đồng chí Stalin, nếu đồng chí chỉ là Nguyên soái và tôi cũng là Nguyên soái thì đồng chí sẽ không thể kỷ luật được tôi.

Stalin mỉm cười và phẩy tay, coi như đồng ý. Nhưng về sau, ông đã không chỉ một lần cảm thấy ân hận vì đã đồng ý như thế:

- Tôi là nhà hoạt động chính trị chứ có phải là quân nhân đâu, cần gì phải có danh hiệu Đại Nguyên soái.

Lãnh tụ Stalin cũng bị các đồng chí của mình thuyết phục để nhận Huân chương Chiến thắng. Tuy nhiên, ông đã kiên quyết không nhận Huân chương Sao Đỏ:

- Tôi không làm được việc gì anh hùng để trở thành anh hùng cả…

Nguyễn Trung Tín (biên dịch)
.
.