Giấc mơ xẩm

Thứ Sáu, 31/01/2020, 08:12
Nhắc đến xẩm, người ta nhắc nhớ về nghệ nhân Hà Thị Cầu, người được coi là kho dữ liệu về văn hóa dân gian. Nhiều người có cơ hội được gặp bà trước khi bà đi vào cõi vĩnh hằng, đều nhận xét rằng, cứ mỗi lần được tiếp xúc với bà, thì bà luôn vận ca dao, tục ngữ và các tích xưa để ví von. Bà rất dí dỏm, hay nói tục nhưng với ngữ điệu hóm hỉnh đáng yêu. Nghệ thuật đánh đàn cũng luôn quyện vào giọng hát tưng tửng mà say mê lòng người.

Đó là sự tài tình của các nghệ nhân đàn hát dân gian. Hát xẩm chính là hát về cuộc đời, về gia đình, nòi giống. Nghệ nhân Hà Thị Cầu sinh ra trong một gia đình có truyền thống hát xẩm ở Ý Yên, Nam Định, bà lấy chồng ở Yên Mô, Ninh Bình và chồng bà cũng là một ông “trùm” xẩm.

Rồi những người thân cứ dần trở thành quá khứ, còn lại một mình trên đời, bà vẫn giữ những câu xẩm cho đến hơi thở cuối cùng của cuộc đời. Chính vì thế, những câu hát xẩm được cất lên từ tâm hồn bà Cầu là cả một thế giới đậm đặc về xẩm, về thứ văn hoá làng quê đồng bằng bắc bộ Việt Nam.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu

Trong lời ca hát xẩm chứa biết bao nhiêu tình người, tình quê hương. Ấn tượng nhất vẫn là những câu xẩm thập ân mười điều ghi khắc công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha, hay xẩm kể về tình bang giao giữa các gánh xẩm với nhau trong "Tứ hải giao tình", hoặc những câu xẩm nói về thân phận người phụ nữ xưa trong "Dạt nước cánh bèo", hay những câu xẩm tếu táo đậm đà tính phồn thực có một không hai ở trong bài "Dứa dại không gai"...

Tất cả, là cả một thế giới tinh thần hết sức phong phú, vui có, buồn có, tếu táo có, thân phận có nhưng nó lại tựu được điểm chung đó là cách nhấn nhá. Xẩm có buồn đến mấy thì cách nhấn nhá từng câu chữ, tiếng đàn vẫn rất dí dỏm.

Một trong những người được nghệ nhân Hà Thị Cầu gặp gỡ và truyền lại những ngón nghề của nghệ thuật hát xẩm chính là nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, nghệ sĩ Nguyễn Quang Long. Mai Tuyết Hoa học cây đàn nhị từ năm tám tuổi và được đào tạo bài bản tại hai Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội (1984 - 1995) và Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam 1994 - 1998). Chị đến với hát xẩm kể từ khi chị là cán bộ nghiên cứu tại Viện Âm nhạc Việt Nam năm 1996.

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa.

Bên cạnh học các nghệ nhân qua băng thu âm, Mai Tuyết Hoa dành nhiều thời gian về Ninh Bình học hát xẩm với nghệ nhân Hà Thị Cầu. Chị từng được GS, TS Trần Văn Khê trao tặng một suất học bổng nhằm ghi nhận tài năng và khuyến khích chị gắn bó với việc gìn giữ phát huy hát xẩm trong tương lai.

Từ năm 2009, cùng với các nghệ sĩ Nguyễn Quang Long, Khương Cường, Mai Tuyết Hoa thành lập nhóm Xẩm Hà Thành. Trong nỗ lực của mình nhóm đã ngày càng lớn mạnh với nhiều thành viên nòng cốt như Phạm Đình Dũng, Xuân Hải, Phạm Trang, Trần Hậu, Phương Thanh… và tiếp tục ghi dấu ấn trong lòng công chúng với nhiều bài xẩm mới đầy sức sáng tạo nối tiếp truyền thống dân tộc như: "Bốn mùa hoa Hà Nội", "Tứ vị Hà Thành"...

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long.

Trong bài "Bốn mùa hoa Hà Nội" do Quang Long và Hồ Điệp sáng tác, có đoạn hát đầy tình tứ: "Sắc đào phơi phới trong mưa/ Len trong phố cổ đón mùa xuân sang/ Thềm rêu Văn Miếu mơ màng/ Dáng ông đồ cũ bên bàn mực nghiên/ Đầu xuân xin chữ thánh hiền/ Xin thêm duyên mới cho mình cho ta/ Ban mai bung nở sắc hoa/ Trái tim đã nhớ, nay đà nhớ thêm/ Tây Hồ tôi có cô em/ Dáng ong, cười thắm bên thềm xuân tươi/ Một năm vất vả ngược xuôi/ Mang hoa bát phố cho đời thêm xuân".

Sau hơn 20 năm gắn bó với nghệ thuật hát xẩm, Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa vừa cho ra mắt album đầu tay của mình với tựa đề "Xẩm Mai Tuyết Hoa Vol 1". Cũng như Mai Tuyết Hoa, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long vừa ở vai trò một nhà nghiên cứu vừa trực tiếp hát những câu xẩm. Album "Xẩm Hà Nội" được NXB Âm nhạc phát hành đầu năm 2016 là thành quả đầu tiên của công cuộc phục hồi nghệ thuật này.

Cũng từ đây, nhiều bài xẩm do Nguyễn Quang Long sáng tác đã ra đời và được công chúng đón nhận. Chẳng hạn những bài xẩm mang tính thời sự như: Xẩm Trà đá, Xẩm sai Tiễu trừ cướp biển, Xẩm Đường lưỡi bò, Xẩm Cá chết… hay những bài xẩm trữ tình tôn vinh hét đẹp của Hà Nội và tình yêu như Bốn mùa hoa Hà Nội, Tứ vị Hà thành…

Album thứ hai "Trách ông Nguyệt Lão" được giới thiệu đúng những ngày tháng cuối cùng của năm 2019 mang ý nghĩa đặc biệt đối với Nguyễn Quang Long, đó là ghi dấu ấn hành trình 25 năm đi theo âm nhạc chuyên nghiệp, 20 năm theo nghiệp nghiên cứu, lý luận âm nhạc.

Trách ông Nguyệt Lão ra đời dựa trên lời thơ dân gian "Bực mình lên tận tiên cung/ Bắt ông Nguyệt Lão hỏi thăm vài lời/ Nỡ lòng trêu ghẹo chị tôi/ Lênh đênh bèo nổi mây trôi một thì…" và để cho bài xẩm được hoàn thiện, Quang Long sáng tác thêm lời ở phần sau của bài xẩm.

Nhóm Xẩm Hà Thành.

2. Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa chia sẻ, đối với thể loại âm nhạc dân gian, làm sao tìm được  những chất liệu, bài bản để có thể ra được một album là rất khó, mà đặc biệt là nghệ thuật hát xẩm thì lại càng khó hơn. Tư liệu và các sản phẩm về xẩm cho đến nay có thể nói là đếm trên đầu ngón tay.

Để có thể duy trì được nhóm Xẩm Hà Thành và duy trì niềm đam mê, nhóm xẩm nói chung và từng cá nhân nói riêng đã có sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, bằng nhiều cách, bằng một tình yêu trọn vẹn, họ đã trở thành những người tiên phong và có dấu ấn để lại trong khi nghệ thuật hát xẩm đang thực sự phải tìm nhiều nguồn kinh phí để tồn tại và có những hoạt động thu hút cộng đồng.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cho rằng, câu chuyện về xẩm thực sự đã là câu chuyện dài trong nhiều năm qua. Anh luôn khao khát được cống hiến cho niềm đam mê lớn của mình đó là âm nhạc, đặc biệt là lĩnh vực âm nhạc truyền thống, là xẩm.

Để làm được điều này tốt hơn, thời gian tới nhóm nhạc của anh sẽ tìm nguồn kinh phí để tổ chức các buổi biểu diễn miễn phí tại các địa điểm công cộng. Ngoài ra họ cũng có một số kế hoạch và dự định đưa xẩm ra với thế giới, như là một cách neo giữ hồn vía một bộ môn nghệ thuật đã có nhiều mai một cùng năm tháng.

Nguyễn Quang Long cho rằng, ngày nay, giới trẻ thường quên đi nhiều thói quen và nhiều điều thuộc về truyền thống. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì cuộc sống hiện nay có quá nhiều thứ để giới trẻ đam mê và tìm đến như một thú vui tiêu khiển cho những ngày Tết hoặc ngày nghỉ. Điều này cũng là lẽ tất yếu của sự vận động đời sống, song với một người khá truyền thống như anh thì luôn neo giữ hồn mình trong mảnh hồn quê, trong từng điệu xẩm.

Mỗi dịp xuân về, đó cũng là ngày giỗ tổ nghề hát xẩm (22/2 Âm lịch hàng năm). Theo nghệ sĩ Quang Long, trước đây, cứ ngày này các hội đoàn xẩm với nhiều gánh xẩm sẽ tụ nhau về một địa điểm để cùng tổ chức giỗ tổ nghề. Địa điểm tổ chức không cố định do người hát xẩm không cố định một nơi nào; nhưng nó được diễn ra cố định vào ngày 22/2.

Trong ngày xẩm một mặt kính dâng tổ nghề, ghi khắc công ơn tổ nghề đã cho một nghề kiếm sống, một mặt các gánh xẩm khoe những bài xẩm ngón đàn độc đáo để học hỏi lẫn nhau. Khi hỏi về dự định của những ngày Tết sắp tới của thập kỷ mới, với dự định mới để tôn vinh nghệ thuật hát xẩm, các nghệ sĩ đều khẳng định rằng, cho dù còn nhiều khó khăn, song, họ sẽ nỗ lực để nuôi dưỡng niềm đam mê để chờ một ngày không xa, xẩm sẽ đến với số đông nhiều người, đặc biệt là với những khán giả trẻ...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.