GS Lê Thế Trung: một cuộc đời chưa có ngày nghỉ hưu
Nghỉ hưu từ năm 2003 nhưng Giáo sư, Thầy thuốc Nhân dân Lê Thế Trung chưa ngày nào rời xa công việc. Ở tuổi 80, ông vẫn bắt tay vào nghiên cứu một lĩnh vực mới: sức khoẻ người cao tuổi. Ông đi tìm các cây thuốc giúp ngăn ngừa các chứng bệnh ở người già, chữa xơ vữa động mạch, chống căn bệnh ung thư.
Trong ngôi nhà chật ních các loại tài liệu nghiên cứu, các nguyên liệu làm thuốc và cả những kỷ niệm của một đời làm phúc cứu người, Giáo sư Lê Thế Trung đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện hiếm hoi vào những ngày cuối năm. Nói là cuộc trò chuyện hiếm hoi bởi lẽ mặc dù đã bước qua cái tuổi “xưa nay hiếm” và đã về hưu nhưng giáo sư vẫn rất bận rộn. Hiện tại ngoài trọng trách như Chủ tịch Hội Ung thư Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng y học thảm họa, ông còn nghiên cứu khoa học, hướng dẫn các nghiên cứu sinh bảo vệ luận án, nói chuyện chuyên đề, trực tiếp khám và chỉ dẫn phương án điều trị cho bệnh nhân. Cả núi công việc cứ luôn chờ ông.
Có lẽ vì thế mà có một cơ hội được ngồi trò chuyện với ông cũng thật khó. Và khi đã gặp ông rồi ai cũng có cảm nhận, ông là vị giáo sư, người thầy thuốc đáng kính, cống hiến hết mình cho khoa học và người bệnh. Song trong cuộc sống đời thường thì đó lại là người rất gần gũi và chân tình. Cứ nhìn vào nước da đỏ au, phong thái đĩnh đạc, đi lại khoan thai và nghe ông kể chuyện về những công trình khoa học, về niềm đam mê mà ông đang dồn sức đeo đuổi, không ai có thể nghĩ rằng người đang ngồi đối diện mình năm nay đã 79 tuổi.
Bước thoăn thoắt lên những bậc cầu thang của ngôi nhà 3 tầng cũ kỹ trong khu tập thể Học viện Quân y, Giáo sư Lê Thế Trung vừa tranh thủ hướng dẫn chúng tôi tham quan khắp lượt căn nhà của ông mà thực sự nó như là một bảo tàng thu nhỏ về cuộc đời quân ngũ, sự nghiệp nghiên cứu khoa học của ông hiển hiện qua từng kỷ vật, từng trang tài liệu. Những mẫu nham thạch, những viên đá được lấy về từ Thái Bình Dương xa xôi hay những thùng nguyên liệu thuốc đang được ông nghiên cứu... tất cả đều được bảo quản, sắp xếp hết sức cẩn thận như những báu vật.
Trong những tập hồ sơ, tài liệu được lưu giữ rất cẩn thận của ông có 2 tấm bản đồ Việt
Và cũng trong căn phòng này chúng tôi bắt gặp những hình ảnh hết sức xúc động về những bệnh nhân ghép tạng hoặc các bệnh nhân mắc bệnh ung thư, suy thận... đã được Giáo sư Lê Thế Trung và những người đồng nghiệp của ông cứu sống. Đặc biệt trong số những kỷ vật đang được lưu giữ tại đây có một kỷ vật luôn được ông trân trọng và tự hào, đó là tấm Huy hiệu Bác Hồ mà ông được trao tặng vào ngày 19/8/1969, trước khi Người đi xa.
Vừa dẫn chúng tôi đi, Giáo sư Lê Thế Trung vừa cho chúng tôi biết: Điều mà ông tâm đắc là việc lưu giữ rất đầy đủ các tài liệu từ năm 1946 đến nay, kể cả những quyển lịch tay ghi chi chít các hoạt động nghề nghiệp của ông được sản xuất hàng chục năm về trước. Ông nói rằng, làm khoa học điều quan trọng nhất chính là ý thức sưu tầm và lưu giữ tài liệu.
Qua câu chuyện với ông chúng tôi mới biết, Giáo sư Lê Thế Trung nguyên là một học sinh Trường Bưởi, Hà Nội, tham gia phong trào Việt Minh cướp chính quyền trong cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Sau khi cách mạng thành công, cũng như nhiều chàng trai Hà Nội ngày ấy ông tham gia tự vệ thành Hà Nội và sau đó tham gia Vệ quốc quân rồi được cử đi học lớp y tá đầu tiên của cách mạng.
Sau khi đỗ đầu lớp y tá ấy, cuộc đời ông đã gắn liền với sự nghiệp y tế nước nhà. Bắt đầu từ một y tá đại đội, điều trị cho các thương, bệnh binh trong kháng chiến chống thực dân Pháp đến vai trò một bác sỹ trong thời chiến và việc đảm nhận chức Giám đốc Học viện Quân y sau này. Dù ở cương vị công tác nào, điều mà ông thường tâm niệm là cần phải chuyên tâm học tập, nâng cao kiến thức nghề nghiệp, tận tụy với công việc cũng như người bệnh. Ông nói rằng ông học mọi nơi, mọi lúc, học ngay cả trong lúc chờ tàu xe hoặc trên đường đi công tác.
Sau 57 năm quân ngũ, năm 2003, Giáo sư, Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng LLVTND, Thiếu tướng Lê Thế Trung đã được Nhà nước cho nghỉ hưu, nhưng từ đó đến nay dường như lịch làm việc hàng tuần của ông vẫn dày đặc với nhiều công việc khác nhau.
Trong câu chuyện, ông bảo rằng năm 2003 ông được nghỉ hưu nhưng đến tháng 1/2004, ông vẫn là người chỉ huy ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam ở Học viện Quân y. Bệnh nhân trong ca ghép gan đó là cháu Nguyễn Thị Diệp ở Nam Định bị mắc bệnh teo đường mật bẩm sinh, phải thay gan. Tại ca ghép gan ấy, ông được giao nhiệm vụ chỉ huy trưởng kíp mổ, còn người con trai cả của ông PGS, TS, Đại tá Lê Trung Hải, hiện là Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật bụng Bệnh viện 103 - Học Viện Quân y được giao nhiệm vụ phụ mổ cho bác sỹ thực hiện ca mổ người Nhật Bản.
Trong ca mổ lịch sử đó, Giáo sư Lê Thế Trung đã phải đứng bên cạnh bàn mổ ròng rã suốt hơn chục tiếng đồng hồ. Ca phẫu thuật thành công đã đánh dấu một bước tiến bộ vượt bậc của nền y học Việt Nam, nhưng ít ai biết được rằng để có được thành quả đó, Giáo sư Lê Thế Trung đã phải mất rất nhiều năm miệt mài nghiên cứu và thực hiện những ca mổ thuỳ, ghép thận thành công trước đó.
Là một người lính, ông luôn trong tư thế sẵn sàng chấp hành mệnh lệnh và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của công việc. Ở tuổi 79, nhưng bất kỳ gia đình nào mắc căn bệnh hiểm nghèo như ung thư, suy thận, viêm gan B tìm đến ông, ông vẫn đến tận nơi khám và chỉ dẫn hướng điều trị.
Trên chiếc bàn làm việc của ông chiều cuối năm, chúng tôi vẫn thấy bốn năm tập luận án thạc sỹ, tiến sỹ của các học trò mà ông đang sửa chữa. Giáo sư Lê Thế Trung cho biết, hàng ngày ngoài các công việc như nghiên cứu khoa học, khám và chỉ dẫn hướng điều trị cho các bệnh nhân từ các nơi tìm đến, ông vẫn phải dành thời gian để hướng dẫn và sửa chữa luận án thạc sỹ, tiến sỹ cho các học trò thân yêu của mình; tiếp tục sự nghiệp mà cả đời gắn bó; đó là xây dựng ngành Bỏng Việt Nam.
Năm 2004, ông được mời dự hội nghị quốc tế về Bỏng tại Nhật Bản. Tại Đại hội Hội Bỏng Việt Nam vừa được tổ chức, ông vẫn được mọi người tín nhiệm bầu vào chức Chủ tịch Hội Bỏng Việt Nam. Ông nói với chúng tôi rằng điều làm ông yên tâm nhất là hiện tại ngành Bỏng đã có một đội ngũ cán bộ được đào tạo đang hoạt động rất bài bản và khoa học. Riêng ông là người đã nghiên cứu và tìm ra hơn 50 cây thuốc chữa bỏng, từ đó nghiên cứu ra nhiều loại thuốc chữa bỏng hiệu nghiệm. Cho đến nay, ông cũng đã có hàng chục đầu sách xuất bản về những kiến thức chuyên ngành Bỏng, quy trình ghép thận...
Mặc dù ở vào độ tuổi 80, song giờ đây ông đang bắt đầu đi vào nghiên cứu một lĩnh vực mới, đó là vấn đề sức khoẻ của những người cao tuổi. Để thực hiện công việc ấy, ông tiếp tục đi tìm các cây thuốc đã được nghiên cứu và phát triển để giúp cho việc ngăn ngừa các chứng bệnh ở người già, để chữa xơ vữa động mạch, chống căn bệnh ung thư trong đó có Philamin, một loại thuốc ngăn ngừa ung thư được chiết xuất từ cây chè xạ đen. Ông tâm đắc nói với chúng tôi rằng những sản phẩm này rất tốt không chỉ cho sức khoẻ người già mà có ích ngay cho cả những người trẻ tuổi.
Đi gần hết một đời người cống hiến cho khoa học, cho cách mạng với nhiều công trình nghiên cứu, nhiều đóng góp đáng kể cho nền y học nước nhà, nhưng Giáo sư Lê Thế Trung vẫn sống một cuộc sống bình dị và miệt mài nghiên cứu khoa học với những nỗi trăn trở, niềm đam mê cháy bỏng. Tiếp xúc với vị Giáo sư già này, chúng tôi mới nhận ra rằng dường như đời sinh ra ông là để làm khoa học, để cứu người, ông thật xứng đáng là người thầy thuốc của nhân dân, giúp đời bớt đi khổ đau và bất hạnh