GS Đỗ Doãn Đại- nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Hồi ức 1972

Thứ Sáu, 21/12/2012, 15:27
Trở thành Giám đốc bệnh viện năm 1969, GS Đỗ Doãn Đại được coi như “thuyền trưởng”, chèo lái con thuyền Bạch Mai vượt qua giai đoạn hy hữu trong suốt hành trình hơn 100 năm song hành cùng đất nước.

“Trở về nhà sau trọn ngày dài mệt mỏi và buồn thảm lo đám tang cho người em dâu tương lai, một nữ bác sỹ của bệnh viện qua đời vì bom khi thiệp mời đám cưới còn chưa kịp chuyển đến tay bạn bè, chập chờn trong mộng mị, tôi đã lại nghe hàng loạt tiếng nổ ầm ầm rung chuyển rất gần. Đất trời chao đảo, những quầng lửa nối nhau rực sáng, gió xồng xộc cả vào miệng hầm ở Phương Liên. Bệnh viện bị đánh rồi. Còi báo yên, tôi tức tốc đạp xe vào viện. Đêm sát Noel, trời căm căm rét, một quang cảnh điêu tàn hiển hiện: Hầm sập, nhà đổ, tiếng người khóc, tiếng kêu gào và những tiếng la hét như vọng về từ một thế giới khác”.

1. Tròn 40 năm sau thời khắc kinh hoàng đã thuộc về lịch sử, nửa đêm về sáng ngày 22/12/1972, khi Bệnh viện Bạch Mai hứng trọn hơn 100 quả bom B52 của giặc lái Mỹ, GS Đỗ Doãn Đại vẫn chưa thể nguôi quên những hồi ức. Nhỏ nhắn phúc hậu, ông già 87 tuổi là Giám đốc bệnh viện vào quãng ngày gian khó, ngồi lọt thỏm giữa căn phòng làm việc tí xíu của mình trên phố Yết Kiêu (Hà Nội) khẽ khàng lần giở từng dòng ký ức: “Khoa Da liễu - Tai mũi họng bị thiệt hại nặng nề nhất, tất cả chỉ còn là đống gạch vụn. Rất nhiều người mắc kẹt trong hầm. Tiếng kêu cứu vọng ra, âm ỉ. Tôi nằm bẹp xuống đất, bò lết vào trong. Miệng hầm nhỏ và thấp. Bê tông vẫn có thể ập xuống bất cứ lúc nào. Anh em ở ngoài nín thở, sợ bê tông tiếp tục rơi. Không thể đưa được anh chị em bị thương ra ngoài, vì miệng hầm bít kín bởi những xác người đã tắt thở, hoàn toàn bất khả kháng trong xoay trở”.

Thời gian cấp tập, mỗi giây phút qua đi trở nên dằng dặc dài, là Giám đốc - người chịu trách nhiệm hơn hết, GS Đỗ Doãn Đại buộc phải lựa chọn. Ông đã gạt nước mắt đưa ra một phương án chưa hề có tiền lệ. Bác sỹ Nguyễn Bá Kinh, trong những dòng tự sự của mình được ghi ở cuốn sách Đối mặt với B52 vừa ra mắt, nhớ lại: “Ông Đại gợi ý tháo khớp của người nằm đầu tiên, buộc dây cho bên ngoài kéo. Có nhẽ vì trong chiến tranh nên mới có một quyết định như thế, nhanh chóng và dứt khoát. Đề xuất việc tháo khớp người chết đã là sự dũng cảm của ông Đại, và thực hiện được cũng nhờ vào uy tín của ông. Ông Đại ngày ấy là thần tượng của anh em cán bộ, rất liêm khiết, đứng đắn và tử tế. Nếu ông ấy không có tín nhiệm cao, anh em không ngưỡng mộ, thì ông có nói người ta sợ, người ta cũng chuồn. Tôi với Luân (Bác sỹ Nguyễn Văn Luân - nguyên Phó trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Bạch Mai - PV), hai anh em thắp hương quỳ giữa đường, xin trời đất phù hộ để cho được làm việc ấy”. “Đưa ra ngoài rồi, các bác sỹ lại nối liền từng phần thân thể, để đồng nghiệp mình về cõi vĩnh hằng được vẹn nguyên hình hài”, GS Đại mường tượng.

GS Đại bảo, trong 28 người tử nạn tại Bệnh viện Bạch Mai đêm ấy, có một em bé 8 tuổi con của nhân viên bệnh viện, theo mẹ đến cơ quan tránh bom. Bạch Mai sở hữu hệ thống hầm trú ẩn được tiếng là kiên cố an toàn, nên mỗi khi Hà Nội báo động, người dân xung quanh thường tìm đến nương náu nhờ. Bởi vậy nhiều ngày sau trận bom tang thương, lúc dằn lòng ngưng công việc tìm kiếm để đội cứu hộ chuyển sang giúp đỡ bà con phố Khâm Thiên vừa bị hủy diệt, GS Đỗ Doãn Đại đã luôn đeo đẳng cảm giác nặng nề: Liệu dưới những khối bê tông khổng lồ chết chóc kia, có còn xác thân ai bị bỏ sót? Ba năm sau, đúng năm 1975, Bạch Mai được xây mới hoàn toàn. Khi đào móng khu nhà từng bị phá hủy, không phát hiện thấy một bộ hài cốt nào, GS Đại mới trút bỏ được nỗi ám ảnh rợn người.

Bác sĩ Đỗ Doãn Đại (thứ 3 từ phải sang) báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp về những thiệt hại của Bệnh viện Bạch Mai sau trận bom ngày 22/12/1972 (ảnh tư liệu gia đình).

Trở thành Giám đốc bệnh viện năm 1969, GS Đỗ Doãn Đại được coi như “thuyền trưởng”, chèo lái con thuyền Bạch Mai vượt qua giai đoạn hy hữu trong suốt hành trình hơn 100 năm song hành cùng đất nước. Từ năm 1967, khi giặc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc, một nửa bệnh viện đã lên đường sơ tán về Liên Bạt, Ứng Hòa, Hà Tây. Một nửa trụ lại, luôn là mục tiêu không kích của quân thù. Đã có nhiều tiếng nói ra lệnh, nhắc nhở Bạch Mai phải đưa toàn bộ người và thiết bị tới nơi an toàn, GS Đại chỉ nhẹ nhàng bày tỏ: Người dân còn đây, bộ đội còn đây, Hà Nội còn đây, bệnh viện mà đi hết, đến khi cần lấy ai cứu chữa bệnh nhân. Ngày thường không tiếng kẻng máy bay, cán bộ bác sỹ của viện luôn thực tập đến thuần thục các thao tác vận chuyển bệnh nhân xuống hầm. Thời chiến, quen với việc đánh phá, kể cả những giây phút giặc lái Mỹ điên cuồng quần thảo trên bầu trời, bác sỹ của viện vẫn bình thản mổ cấp cứu ngay dưới hầm. Thông thường, bệnh nhân được đưa vào sâu trong các đường hầm, phía ngoài là các bác sỹ hộ lý túc trực. Thế nên, sau trận bom oan nghiệt, hầu hết số người tử thương đều là nhân viên y tế, trong lúc tuyệt đại đa số bệnh nhân vẫn lành lặn an toàn.    

2. Nhiều năm ròng, GS Đỗ Doãn Đại còn lưu giữ một thói quen: Định kỳ ngày 22/12, cùng tập thể cán bộ bác sỹ đặt hoa tưởng nhớ các nạn nhân ở bia căm thù trong khuôn viên bệnh viện, đợi mọi người tản đi hết, bao giờ ông cũng nán thêm giây lát. Quét tước, lau chùi cho tấm bia được sáng bóng, sửa sang bình hương và ngẫm ngợi về mỗi cái tên người đã khuất, ông như thấy lại rõ ràng từng khuôn mặt: “Đây là 3 người bạn gái rất thân nhau, chị Đặng Thị Hồng Diên vừa lấy chồng, đã có bầu được hai tháng. Chị Đào Thị Khuyến và Đỗ Thị Ngọc Thạch, hai cô phù dâu trong đám cưới của bạn mình, tất cả đều chưa quá 24 tuổi. Họ nằm sát bên nhau, ôm nhau thật chặt. Đồng nghiệp phải khó khăn lắm mới gỡ được từng người ra”.

Thân thiện, dễ gần, GS Đại quen thuộc với hầu hết nhân viên của mình. Vợ ông, bác sỹ Phạm Thị Hoan xung phong vào chi viện cho tuyến lửa Quảng Bình, các con đều sơ tán theo trường, một thân một mình trụ lại Hà Nội nên GS Đại thường lấy bệnh viện làm nhà. Khi đồng nghiệp lâm nạn, lần lượt chứng kiến từng sự ra đi, tâm khảm ông càng hằn lên những nếp gấp đậm đặc: “Chị Thúy là sinh viên y khoa năm thứ 6, đêm đó cũng trực cùng bệnh viện. Hoàn cảnh của Thúy rất khó khăn, bố mẹ yếu già và anh trai lại tàn phế. Khi được đưa ra khỏi hầm, Thúy còn tỉnh táo, nhìn thấy tôi liên tục gọi: Thầy Đại, thầy Đại. Tôi là hiệu phó trường Đại học Y Hà Nội trước lúc được điều về viện, nên cũng tham gia giảng dạy. Tiếc là hồi đó, y học của mình chưa tiến bộ như bây giờ, máy móc thiết bị chưa tối tân hiện đại, nếu không đã cứu chữa được cho Thúy”.       

Liên tiếp các ngày sau trận bom tàn sát, nhiều đoàn khách quốc tế thay nhau đến thăm Bạch Mai, tận mắt chứng kiến tội ác của đế quốc Mỹ và cả sự hồi sinh mãnh liệt của bệnh viện. Dứt tiếng bom, bạn của GS Đại, nữ bác sỹ người Pháp Yvonne Cap de Vilie có mặt ngay tại hiện trường để “ghi nhớ và tố cáo”. Nữ diễn viên Jane Fonda - “Jane Hà Nội” đã tới viện, đứng trên nền gạch vỡ, thấm thía cảm giác bất lực trước sự man rợ của chiến tranh. Một số giặc lái Mỹ cũng được đưa đến, nhìn hậu quả của tội ác mà chính họ và đồng đội họ gây ra. Hầu như mọi người, cả các nhà báo, đã lặp đi lặp lại với GS Đỗ Doãn Đại câu hỏi: Liệu máy bay Mỹ có đánh nhầm. Bằng một thứ tiếng Pháp và tiếng Anh chuẩn mực, GS Đại trực tiếp trả lời, cũng với cách thức duy nhất: “Không thể có chuyện nhầm. Đấy là sự chính xác đến hoàn hảo của khoa học kỹ thuật. Nếu nhầm, thì chỉ nhầm một lần, khó mà hơn. Bệnh viện đã 4 lần bị đánh bom. Lần thứ nhất tháng 11 năm 1967, một bệnh nhân tử vong và 3 bác sỹ bị trọng thương. Riêng năm 1972, Bạch Mai 3 lần hứng chịu cuồng phong từ không lực Mỹ. Trận bom sáng 26/7 khiến nhiều người bị thương, trưa 19/2 lại 4 quả bom nữa rơi xuống Khoa Da liễu - Tai mũi họng. Khói bụi chưa kịp tan đi, nỗi hoảng hốt chưa dịu trên từng khuôn mặt, thì đêm 21/12 B52 Mỹ đã bất chấp hậu quả, dồn lực hủy diệt bệnh viện bằng loạt bom hơn 100 quả giội xuống trong ít phút đồng hồ”.

Bạch Mai năm 1972, cùng với bệnh viện Việt Đức là hai cơ sở điều trị ngoại khoa lớn nhất miền Bắc. “Giặc muốn uy hiếp tinh thần Bạch Mai, qua đó uy hiếp tinh thần của Hà Nội, làm cho Hà Nội điêu đứng. Mất Bạch Mai, mất một nơi khám chữa bệnh, tê liệt một cơ sở cấp cứu hàng đầu, địch muốn chúng ta hoang mang, kiệt quệ”, GS Đại lý giải. 

4 thập niên lưu giữ vùng ký ức đau buồn, GS Đỗ Doãn Đại đang có niềm an ủi lớn, giờ này bệnh viện Bạch Mai đã đúng nghĩa đàng hoàng hơn, to đẹp hơn và nhất là giỏi giang hơn, như lời ông thay mặt người sống, hứa trước vong linh những người nằm xuống trong ngày tang tóc đó. Lớp cán bộ của bệnh viện năm 1972, nay đều đã vào tuổi hưu, cũng người còn người mất. Hiện tại đã thuộc về đám trẻ con, 40 năm trước líu ríu theo bố mẹ tới tránh bom trong hầm bệnh viện, hay đi sơ tán ở ngoại thành.

Con trai ông, PGS-TS Đỗ Doãn Lợi học sinh Nhạc viện vào năm 1972, nay đã nối nghiệp cha, làm Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. GS Đại hãnh diện vì ngay thời đạn bom gian khó, vợ chồng ông đã hướng con cái biết cách học hành, vui chơi toàn diện, nên ngoài chuyên môn của mình, ai cũng có sở trường âm nhạc nghệ thuật. Yên tâm về cháu con, hài lòng với lớp người kế cận, GS Đỗ Doãn Đại và vợ, nữ bác sỹ Phạm Thị Hoan chỉ còn phải bận tâm về những công việc từ thiện mà ông bà luôn sốt sắng tham gia, nhiệt tình đóng góp dù chỉ là một điều giản dị nhất, đem sở trường ngoại ngữ mà ông tích lũy được sau bằng ấy năm ròng, truyền dạy lại cho những người cần biết

Khánh Băng
.
.