Tổng thống Putin với “bàn cờ” Trung Đông: Thắng mọi ván bài
- Con rể Tổng thống Mỹ sẽ "kiến tạo hòa bình Trung Đông"?
- Bước ngoặt lớn trên ván cờ Trung Đông
- Đòn bẩy mới cho ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông
Tranh thủ sự lùi bước của nước Mỹ dưới thời Obama, rồi sau đó tận dụng giai đoạn chuyển giao quyền lực nhạy cảm - giai đoạn mà Tổng thống mãn nhiệm Obama không còn đưa ra nhiều sáng kiến, trong khi Tổng thống đắc cử Donald Trump thì vẫn loay hoay ở Nhà Trắng, Tổng thống Nga muốn tái lập lại cân bằng ở khu vực Trung Đông.
Giới quan sát nhận định, mối quan tâm của ông Putin không giống với bất cứ nhà lãnh đạo nào ở “chảo lửa” Trung Đông. Khi mà Washington đã thực sự mất thế trước Moscow, khiến cho họ không thể dùng lực, dù có thể vượt trội đối thủ, để tạo ra những thế cờ mới tại Trung Đông thì “ông chủ điện Kremlin” đang dần gia tăng sức mạnh mềm của Nga tại khu vực này lên mức chưa từng có.
Kiểm tỏa ảnh hưởng của Mỹ
Cuộc đua đường dài mà Tổng thống Putin dẫn dắt nhiều năm qua để đưa nước Nga quay trở lại vị thế trung tâm thế giới đã bắt đầu thu được những kết quả ngoạn mục đầu tiên, đặc biệt là những ảnh hưởng rộng lớn ở khu vực Trung Đông.
Ngày 29/12/2016, sau khi quân đội Syria chính thức giành lại thành phố Aleppo từ lực lượng nổi dậy, lệnh đình chiến tại Syria đã được thông báo. Nhưng nếu những lần ngừng bắn trước đó do Nga thương lượng với Mỹ, thì lần này ông Putin chọn Thổ Nhĩ Kỳ làm đối tác.Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trở thành nhân vật chủ chốt tại Trung Đông, với vị thế ngày càng lớn mạnh khi “thắng mọi ván bài”. |
Nước Mỹ bị ông Putin loại ra khỏi cuộc chơi. Hơn nữa, cuộc đàm phán về hòa bình ở Syria giữa “chủ xị” Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Tổng thống Syria al-Assad diễn ra ở Astana (Kazakhstan) - một khu vực thuộc ảnh hưởng của Nga - cho thấy Mỹ dường như đã đánh mất vị thế thống soái tại Trung Đông.
Có thể thấy rằng, việc tạo ra lợi thế để rồi từ đó chiếm ưu thế trước đối thủ ngay tại địa bàn chiến lược của họ là dấu ấn đậm nét nhất của Tổng thống Putin trong các nước cờ tại Trung Đông. Tổng thống Putin đã giúp Moscow chiếm thế chủ động, đẩy Washington vào thế bị động trong cả nước đi của mình lẫn trong nước đi của chính đối thủ.
Khi nước Mỹ còn đang loay hoay giải quyết bất đồng nội bộ về thỏa thuận hạt nhân với Iran, khi Washington còn đang trong quá trình thẩm định lại các quan hệ đồng minh - đối tác tại Trung Đông sau khi Washington thay đổi quan điểm với Tehran (đối thủ của nhiều đối tác của Mỹ tại khu vực này) thì Moscow đã kéo được Tehran về phía mình, từ ván cờ Syria.
Trong 4 “cường quốc nuôi ước vọng bá chủ Trung Đông” thì Washington đã xóa bỏ Iraq, đã kiềm tỏa được Arab Saudi, do vậy chỉ còn Iran và Thổ Nhĩ Kỳ là những quân cờ mà Washington cần phải kiểm soát được.
Với Tehran thì Washington đã chậm chân so với Moscow nên đành để đối thủ hưởng lợi, song với Ankara thì Washington còn cay đắng hơn nhiều. Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng trong 2 cuộc chiến Vùng Vịnh, là nhân tố quyết định cho chiến lược của Washington nhằm vẽ lại bàn cờ Trung Đông.
Việc Washington mất kiểm soát Thổ Nhĩ Kỳ và quan hệ Moscow - Ankara đang là yếu tố nguy hại nhất khiến cho Washington mất dần chỗ đứng tại Trung Đông. Như vậy, 2 quân cờ cuối cùng mà Washington cần phải nắm giữ để kiểm soát bàn cờ chính trị tại Trung Đông đã hoàn toàn rơi vào tầm ảnh hưởng của chính quyền Putin.
Không thể phủ nhận rằng, nước đi “thỏa thuận hạt nhân Iran” đã gần như mất tác hiệu với Washington khi Tehran đã tìm ra lá chắn từ Moscow. Việc tân Tổng thống Donald Trump phản đối thỏa thuận hạt nhân với Iran không chỉ là muốn xóa bỏ di sản của người tiền nhiệm do ông cảm thấy không phù hợp, mà thực ra là vì ông Trump không còn nhìn thấy cơ hội khai thác lợi ích từ nước đi này.
Ông Trump muốn xóa bỏ thỏa thuận để không muốn Tổng thống Putin “ngư ông đắc lợi”, song điều này đã muộn. Cho đến nay, cả Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đều nằm trong tầm kiềm tỏa của Moscow và “nước cờ người Kurd” của Washington có thể hoàn toàn bị vô hiệu.
Kết nối đồng minh
Trong chiến lược của mình, ông Putin muốn tam giác Nga - Iran - Thổ xoay chuyển Trung Đông bằng cách thông qua tuyên bố chung chủ trương mở rộng ngừng bắn và sẵn sàng bảo trợ cho đàm phán hòa bình ở Syria. Đây cũng là một đòn giáng mạnh vào Mỹ, gạt bỏ vai trò của Washington trong các hội nghị 3 bên, từ đó “triệt tiêu” dần ảnh hưởng và vai trò của Mỹ ở Trung Đông.
Bản thân Tổng thống Putin muốn củng cố vị thế của Nga tại Syria, đảm bảo rằng thỏa thuận hòa bình tại Syria do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ không bị đổ bể.
Bên cạnh đó, Nga và Iran đang cố gắng điều chỉnh mục tiêu, thu hẹp những khác biệt để đối phó với những thách thức ở Trung Đông trong năm 2017. Ông Putin muốn “liên minh vì những lợi ích chung”, tiến hành nhiều lần đàm phán để giải tỏa mối quan ngại chung về các mối đe dọa an ninh từ các nhóm khủng bố và các đối thủ địa - chính trị như Mỹ hay Israel đang tăng cường sử dụng các nhóm khủng bố và đối lập ôn hòa để thay thế cho họ, nhằm gây áp lực đối với các đối thủ.
Trong chiến lược của mình, ông Putin muốn tam giác Nga - Iran - Thổ xoay chuyển Trung Đông bằng cách thông qua tuyên bố chung chủ trương mở rộng ngừng bắn và sẵn sàng bảo trợ cho đàm phán hòa bình ở Syria. |
Mặc dù chưa đạt được một giải pháp chính trị nào, những thành tựu chiến lược của ông Putin vẫn rất đáng nể. Chiến dịch quân sự của Nga đã giúp đồng minh al-Assad không bị thất bại cũng như giúp Nga giữ an toàn cho căn cứ không quân của nước này ở Latakia.
Những thành trì này sẽ cho phép ông Putin thách thức sự kiểm soát của Mỹ và NATO ở phía đông Địa Trung Hải. Điều mấu chốt là Nga đã củng cố được vị thế như một thế lực phải được tính đến ở Trung Đông.
Với việc Mỹ gần như chấp thuận đi theo sự dẫn dắt của Nga trong xung đột Syria kể từ sau cuộc khủng hoảng vũ khí hóa học của al-Assad, các nhà lãnh đạo Trung Đông giờ đây đều hướng tới Putin để thúc đẩy các lợi ích của họ.
Nga và Iran là đồng minh của Tổng thống Syria Bashar al-Assad chống lại các nhóm nổi dậy do các nước Trung Đông khác tài trợ. Mối quan hệ giữa Nga và Iran cũng khá tốt trong nhiều năm qua.
Dù vậy, Tổng thống Putin cũng có phần dè chừng khi biết rõ Iran cũng có mưu tính riêng cho mình trong bàn cờ chính trị tại Syria. Tehran muốn vẽ lại bản đồ địa chính trị tại Trung Đông - nơi vị thế của họ sẽ cao hơn trong tương lai.
Với Ankara cũng vậy, mọi tính toán của họ chỉ có thể thành hiện thực khi Nga cho phép điều đó xảy ra. Tất nhiên, Tổng thống Putin khó “bật đèn xanh” cho Thổ Nhĩ Kỳ thành lập một khu vực an toàn tại miền bắc Syria như mong muốn của những người đứng đầu Ankara.
Thay đổi chiến lược
Trong một nỗ lực nhằm tạo ra ảnh hưởng vượt trội tại Trung Đông, Tổng thống Putin cho biết Moscow sẽ tiếp tục cố gắng điều chỉnh chính sách giải quyết cuộc xung đột Syria với Mỹ nhằm hy vọng có được sự hợp tác thực chất trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria; đồng thời thu hẹp tối đa những bất đồng trong vấn đề các nhóm đối lập ôn hòa.
Liên quan đến vấn đề người Kurd, Điện Kremlin mong muốn đóng góp tích cực vào mọi nỗ lực nhằm củng cố sự tin tưởng giữa chính quyền Damascus và giới lãnh đạo người Kurd để có được một tầm nhìn chung về trật tự chính trị sau chiến tranh ở Syria. Từ đây, ông Putin đang mở ra cơ hội hợp tác chiến lược với người Kurd.
Tổng thống Putin sẽ tiếp tục hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ để ngừng hoặc chí ít là giảm dòng vũ khí và đạn dược từ Ankara cho các nhóm chiến binh khác nhau ở tỉnh Idlib của Syria. Nhà lãnh đạo người Nga cũng nêu cao tầm quan trọng của việc tách các nhóm chiến binh ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ từ các tổ chức liên quan đến al-Qaeda.
Tiếp đó, Nga cũng sẽ tích cực mở rộng vai trò của mình như là một trung gian hòa giải trong các cuộc xung đột ở Trung Đông khác như ở Iraq, Palestine và Yemen. Điều này sẽ làm tăng ảnh hưởng lên Israel, ngăn cản nó tiến hành các chiến dịch đơn phương chống lại Damascus, hoặc ít nhất là hạn chế chúng.
Một trong những chiến lược chủ chốt mà ông Putin toan tính là hạn chế sự mở rộng phạm vi hiện diện của Mỹ tại Syria thông qua việc mở rộng khu vực các hoạt động quân sự của Chính phủ Syria tại các tỉnh Raqqa và Deir Ezzor. Nga đang lên kế hoạch nâng cấp căn cứ hải quân Tartus ở Syria để dễ dàng đối phó với Mỹ và NATO, cũng như làm chủ khu vực Trung Đông.
Ông Putin hiểu rõ về tầm quan trọng chiến lược của căn cứ hải quân Tartus - tiền đồn vô cùng quan trọng để bít đường tiến vào Biển Đen từ Địa Trung Hải. Với việc biến Tartus thành căn cứ chuyên dụng, Điện Kremlin có thể hóa giải tất cả mọi khó khăn.
Nhiều ý kiến cho rằng ông Putin vẫn còn rất lâu mới quay lại được với những ngày huy hoàng của Liên Xô ở Trung Đông vì khả năng của Nga nhằm duy trì hoạt động quân sự ở ngoài lãnh thổ vẫn còn ít nhiều hạn chế. Nhưng việc ông sử dụng quyền lực “cứng” một cách thông minh để đạt được những mục tiêu cụ thể và khả thi đã khiến Nga trở thành tâm điểm đối với các quốc gia chủ chốt ở Trung Đông - qua đó tạo nên một thách thức địa chính trị đối với Mỹ.
Khi Moscow đã khống chế và làm chủ được Trung Đông cũng như khu vực Địa Trung Hải, chắc chắn Mỹ và NATO sẽ không thể mạnh miệng được nữa. Khi đó, Tổng thống Donald Trump sẽ phải cân nhắc lại chiến lược của Washington đối với “chảo lửa” Trung Đông đầy biến động khó lường...