Fidel Castrol - Ấn tượng khó quên

Thứ Ba, 22/08/2006, 10:00

Hơn 40 năm qua rồi mà trong ký ức tôi vẫn còn in đậm hình ảnh của Fidel, nguyên thủ quốc gia đầu tiên và duy nhất sang thăm Việt Nam vào tháng 9/1973, đã đến tận vùng giải phóng của tuyến lửa Quảng Trị. Tôi được vinh dự phục vụ đoàn nên vẫn còn nhớ rõ hình ảnh của Fidel phất cao lá cờ truyền thống bách chiến bách thắng của Sư đoàn Khe Sanh.

Ngày 13/8, Chủ tịch Fidel lãnh tụ kính yêu của Đảng Cộng sản, nhân dân và lực lượng vũ trang Cuba và là người đồng chí, người bạn thân thiết của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam tròn 80 tuổi. Nhân dịp này, chúng ta chúc Chủ tịch Fidel sớm hồi phục sức khỏe để tiếp tục lãnh đạo Đảng Cộng sản và nhân dân Cuba đi trên con đường XHCN.

Tôi may mắn được tham gia đoàn lưu học sinh Việt Nam đầu tiên gồm 23 cán bộ do Nhà nước ta cử sang Cuba học tiếng Tây Ban Nha (vào cuối năm 1961) để sau khi học xong, như ý kiến của Fidel đề xuất: "Trở thành chiếc "cầu nối" giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh".

Vào những năm đầu sau khi Cách mạng Cuba toàn thắng, cũng như mãi về sau này, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những cuộc míttinh quần chúng đông hàng triệu người tập trung ở Quảng trường José Marti để nghe Fidel nói chuyện trong suốt mấy giờ liền. Fidel không dùng những ngôn từ hoa mỹ, mà nói những câu súc tích, dễ hiểu, chinh phục người nghe bằng cách dẫn giải, phân tích cụ thể và rất sinh động những vấn đề có liên quan đến đời sống chính trị, kinh tế, xã hội Cuba cũng như thời sự quốc tế. Cứ sau một hồi Fidel nói thì trong đám đông quần chúng lại cất  tiếng hô vang: “Thưa Tổng tư lệnh, hãy ra lệnh cho chúng tôi”, để bày tỏ sự nhất trí và sẵn sàng làm đúng theo những điều Fidel nói.

Fidel (phải) và Che Guevara.

Fidel rất lắng nghe và tôn trọng ý kiến của quần chúng nhân dân, đặc biệt là của giới trí thức, khoa học. Fidel có thói quen thường xuyên đến Trường đại học La Habana, nơi đã đào tạo Fidel trở thành cử nhân Luật, để nói chuyện và trao đổi ý kiến với các giáo sư và sinh viên, mỗi khi xuất hiện những vấn đề nhạy cảm của đất nước hoặc quốc tế. Sau khi tham khảo ý kiến của giới trí thức, Fidel bàn bạc cùng với Ban lãnh đạo và các ngành có liên quan, vạch ra đường lối, chủ trương thích hợp. Chính vì vậy, những chính sách do Nhà nước Cuba ban hành đều phù hợp với nguyện vọng của mọi người, được toàn dân thực hiện đầy đủ và có hiệu quả.

Ông Lula Da Silva, hiện là Tổng thống Brazil rất có lý khi nhận xét rằng: “Một nhà chính trị như Fidel Castro, trong vòng 40 năm qua, giữ được nguyên vẹn cương vị lãnh đạo và lòng tôn kính của nhân dân là một điều phi thường”.

Fidel đã nói là làm, làm theo phương châm “Gương mẫu là mệnh lệnh không lời”. Còn nhớ rõ vụ mía đường 1969-1970, toàn dân Cuba phấn đấu đạt mục tiêu sản xuất 10 triệu tấn đường. Fidel tuyên bố: “Ở đất nước này, không một ai được miễn nghĩa vụ lao động chặt mía, chỉ trừ Chủ tịch Dorticos, vì đau cột sống”. Chính Fidel đã cùng với cán bộ lãnh đạo của các ngành, các cấp, thu xếp thời gian đi chặt mía như dân thường. Trong vụ mía này, riêng Fidel chặt được 30 tấn mía.

Vào tháng 10/1963, khi cơn bão Flora lớn chưa từng có đổ bộ vào tỉnh Camaguey, miền Đông Cuba, Fidel theo dõi sát diễn biến của trận bão và đến tận địa phương, trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của. Từ sau trận bão ấy, hầu như Fidel không bao giờ vắng mặt trong các công việc phòng, chống bão lụt ở Cuba.

Trong cuộc sống đời thường, Fidel rất giản dị và khiêm nhường. Nhiều khi người ta trông thấy Fidel với bộ quân phục màu xanh ôliu quen thuộc, tự tay lái xe jeep, băng qua cánh đồng mía và các nông trường nuôi bò để thị sát tình hình thực tế, hoặc ngồi ngay trên đồng ruộng chuyện trò, thăm hỏi, trao đổi ý kiến với nông dân.

Tuy bận trăm công nghìn việc của đất nước, Fidel vẫn dành thời gian thích đáng để tự trang bị vốn hiểu biết sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, giúp cho việc chỉ đạo thêm hiệu quả.

Fidel rất thân thiện và cởi mở với mọi đối tượng. Những ai đã từng được tiếp xúc với Fidel, dù chỉ một lần, đều rất cảm phục và có ấn tượng tốt đẹp về nội dung đối thoại cũng như cách ứng xử thông minh, linh hoạt của Fidel.

Vốn là một luật sư có tri thức uyên bác và tài hùng biện, Fidel có đủ khả năng cảm hóa mọi người. Tuy vậy, đôi lúc Fidel cũng rất có duyên trong cách nói hài hước, nhưng bao hàm ý nghĩa tích cực và xây dựng.--PageBreak--

Có lần, Fidel nhắc đến câu chuyện: “Trước đây, trong cuộc phỏng vấn của một tạp chí lớn, người ta yêu cầu tôi chụp ảnh với điếu xì gà trên môi, nhưng tôi đã từ chối”.

Trên thực tế, Fidel đã bỏ hút xì gà từ năm 1985, sau hơn 40 năm liên tục hút.

Thật là thú vị khi được biết, cách đây đã lâu, phóng viên báo Paris Match đặt câu hỏi: “Tại sao không thấy Ngài hút điếu xì gà quen thuộc?” - Fidel đáp: “Tôi không hút xì gà nữa, vì tôi ủng hộ phong trào không hút thuốc”. Khi nhà báo hỏi tiếp: “Ngài cũng sẽ cạo bộ râu của mình chứ?” – Fidel hóm hỉnh trả lời: “Không, bộ râu thì vẫn ở lại, bởi lẽ nếu mỗi ngày tôi mất 15 phút để cạo râu thì trong 30 năm, tôi đã lãng phí một thời lượng rất lớn”.

Nhận rõ ý nghĩa quốc tế lớn lao của cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đối với loài người, nhất là đối với các dân tộc Mỹ Latinh, Fidel đã dành cho Việt Nam những tình cảm và sự ủng hộ, giúp đỡ vô cùng quý báu.

Ngày 2/1/1966, khi nhân dân ta bước vào giai đoạn gay go nhất của cuộc đụng đầu lịch sử đối với Mỹ, trong cuộc míttinh có trên 1 triệu người Cuba tham dự, và khách mời của các nước từ 3 châu lục Á, Phi, Mỹ Latinh đến Cuba dự hội nghị, Fidel tuyên bố: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Lời tuyên bố chí tình ấy đã làm rung động bao trái tim của nhân dân Cuba và Việt Nam, cũng như hàng triệu người có lương tri trên toàn thế giới.

Hơn 40 năm qua rồi mà trong ký ức tôi vẫn còn in đậm hình ảnh của Fidel, nguyên thủ quốc gia đầu tiên và duy nhất sang thăm Việt Nam vào tháng 9/1973, đã đến tận vùng giải phóng của tuyến lửa Quảng Trị. Tôi được vinh dự phục vụ đoàn nên vẫn còn nhớ rõ hình ảnh của Fidel phất cao lá cờ truyền thống bách chiến bách thắng của Sư đoàn Khe Sanh, và Fidel đứng trên chiếc xe tăng Mỹ mà quân ta chiếm được để cùng chung niềm vui chiến thắng với quân dân ta.

Cảm động nhất là trên đường trở ra Đồng Hới, khi đi qua xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, chứng kiến cảnh 4 thường dân vừa bị trúng bom bi của địch, Fidel liền cho đoàn xe dừng lại, thăm hỏi ân cần và cử bác sĩ cấp cứu cho những người bị nạn. Từ chuyến thăm này, Fidel nảy ra ý tưởng tặng Việt Nam một bệnh viện lớn tại Đồng Hới, để vừa phục vụ nhân dân tỉnh Quảng Bình, vừa có thể cứu chữa kịp thời cho thương, bệnh binh từ chiến trường miền Nam đưa ra.

Thật xúc động biết bao khi được biết Fidel nói lời tâm huyết của chuyến đi này: “Có một nỗi đau và ân hận là tôi không thể đến Việt Nam trước ngày 2/9/1969, nên không có vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mà tôi kính phục. Nhưng tôi đã được bù lại là chính mắt mình nhìn thấy nhân dân Việt Nam đang thực hiện một cách có hiệu quả những lời giáo huấn của Người”.

Kết quả sau chuyến thăm lịch sử, có một không hai này là ngoài ý nghĩa chính trị lớn lao, Cuba đã giúp ta xây dựng 5 công trình gồm: Bệnh viện Đồng Hới, đường cao tốc Xuân Mai, khách sạn Thắng Lợi, trại gà Lương Mỹ và Nông trường bò sữa Mộc Châu, nhằm góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng lại đất nước Việt Nam sau ngày toàn thắng.

Không những thế, suốt một thời gian dài, Fidel là một trong những người có công đầu trong việc thúc đẩy phong trào đoàn kết, hữu nghị giữa Cuba và Việt Nam.

Ngày 13/8 năm nay, Chủ tịch Fidel Castro tròn 80 tuổi.

Cùng với nhân dân Việt Nam, chúng tôi, những cựu học sinh Việt Nam tại Cuba mong Chủ tịch càng thêm nhiều sức khỏe. Chúng tôi mãi mãi ghi nhớ với lòng biết ơn sâu sắc về những tình cảm nồng hậu, sự giúp đỡ và ủng hộ hết lòng mà Đảng, Nhà nước, nhân dân Cuba anh em, đặc biệt là Chủ tịch Fidel Castro kính mến, đã dành cho sự nghiệp Cách mạng Việt Nam từ trước đến nay

Hoàng Hiệp
.
.