Elon Musk và sự rạn nứt của biểu tượng CEO

Thứ Bảy, 29/05/2021, 09:36
Giữa tháng 5 vừa qua, một làn sóng giận dữ của các nhà đầu tư tiền điện tử ồ ạt tấn công vào Twitter của tỷ phú Elon Musk. Trước đó, chỉ một từ trên Twitter của Musk, ám chỉ Tesla đã bán số Bitcoin họ nắm giữ, khiến giá của đồng tiền ảo giá trị nhất thế giới này lao dốc không phanh. Và đây không phải lần đầu ảnh hưởng trên mạng xã hội của Musk khiến thị trường này lao đao.


Một chữ bay hàng tỷ đô

Có người tung ra bằng chứng về việc Musk đã mua vào rất nhiều Bitcoin khi giá giảm sau dòng tweet của chính ông và đặt nghi vấn về sự chính trực của doanh nhân này. Khác với sự thành công trên thị trường tiền ảo, cổ phiếu Tesla sau đó giảm mạnh: các nhà đầu tư dường như bắt đầu mất niềm tin.

Sau nhiều năm, chúng ta mới chứng kiến những “thần tượng CEO” như thế lần lượt bị chất vấn, thậm chí phản đối. Tỷ phú Bill Gates ly hôn vợ, kết thúc một thiên tình sử và truyền thông bắt đầu phanh phui rằng năm 2019, các thành viên Hội đồng quản trị của Microsoft đã yêu cầu một cuộc điều tra về cáo buộc ngoại tình lẫn quấy rối các nhân viên nữ của Gates. Mark Zuckerberg - CEO của Facebook lao đao với hàng loạt phiên điều trần trước quốc hội về những rắc rối liên quan đến Facebook.

Elon Musk được cho là thao túng giá Bitcoin chỉ với một chữ trên Twitter cá nhân. Nguồn ảnh: ICTNews.

Trước đó, câu chuyện của những CEO như Musk được coi là liều doping của thế giới tăng trưởng. Được phác thảo như một người có ước mơ cứu nhân loại từ khi còn rất trẻ, Musk đã sử dụng toàn bộ 180 triệu USD từ việc bán Paypal, công ty đầu tiên của ông, để khởi động dự án tên lửa tư nhân SpaceX. Vài năm sau, ông đầu tư thêm hàng triệu USD vào nhà máy sản xuất ô tô điện Tesla.

Cả hai ý tưởng này ban đầu đều bị cười nhạo. Dân công nghệ cho rằng phổ biến xe điện là chuyện hão huyền. Lần phóng tên lửa đầu tiên của SpaceX thất bại, rồi lần 2, lần 3 cũng thế. Năm 2008, xe Tesla chậm tiến độ nhiều tháng và Musk chỉ đủ tiền cho một lần phóng tên lửa nữa. Nếu nó cũng phát nổ và ô tô điện không ra đời, các nhà đầu tư sẽ tháo chạy và trò chơi kết thúc.

Musk kể lại rằng ông đã tuyệt vọng và đột nhiên mọi chuyện xoay chuyển: vụ phóng tên lửa thành công, khiến NASA trao cho SpaceX một hợp đồng khổng lồ, những chiếc ô tô điện Tesla đầu tiên đã được giao và hiện tại, Musk điều hành 2 công nghệ đột phá, mỗi công ty trị giá hàng tỷ USD. Bây giờ, thế giới như là của Musk và kế hoạch tiếp theo của ông - đưa con người lên sống ở sao Hỏa - được truyền thông nhắc đi nhắc lại như biểu tượng của sự cứu rỗi thế giới.

Ở Thung lũng Silicon ngày nay, bạn không thực sự thành công cho đến khi bạn thất bại hoặc ít nhất là rất gần thất bại, những thứ đã trở thành biểu tượng của niềm tự hào. Khi một công ty khởi nghiệp vấp ngã hoặc thất bại, theo thông lệ, người sáng lập công ty phải nêu chi tiết cách thức và lý do thất bại.

Trên thực tế, điều này đã trở thành một nghi thức. Rất nhiều bài chia sẻ trải nghiệm thua cuộc xuất hiện trên mạng xã hội Medium. Có hẳn một trang web kể lại các câu chuyện thất bại ở góc nhìn thứ nhất, tại địa chỉ web Authesia.co hoặc FailCon, một dự án tập hợp lại những chia sẻ về sự vấp ngã của những người trong cuộc.

Các câu chuyện có xu hướng diễn ra theo cùng một mô-típ: thứ nhất, một ý tưởng tuyệt vời và kế hoạch chinh phục thế giới; tiếp theo là những khó khăn thử thách khí phách của doanh nhân và cuối cùng, sự sụp đổ, thường là do... hết tiền. Nhưng, sau đó là sự khôi phục và lạc quan. Ở luận điểm cuối này, nhà sáng lập nói rằng những điều tuyệt vời đã hoặc sẽ nảy mầm từ gian khó, làm ta hiểu biết sâu sắc hơn, quyết tâm hơn và nắm bắt tốt hơn những gì thật sự quan trọng.

Một cách vô thức, các doanh nhân đã trở thành hình đại diện của một trong những câu chuyện mạnh mẽ nhất trong nền văn hóa của chúng ta: chuyện đời về nghịch cảnh và sự cứu chuộc. Mark Zuckeberg đã từng bị các nhà đồng sáng lập Facebook bỏ rơi. Musk từng ở bên bờ vực phá sản. Đến Bill Gates cũng bỏ học.

Trong nhiều năm, những câu chuyện kiểu này không khiến lòng ngưỡng mộ với các CEO giảm đi, mà thậm chí còn tuyệt đối hóa họ như những biểu tượng hoàn hảo. Những siêu nhân có thể một mình đưa nhân loại đến tương lai mới.

Bài học 2008

Vào ngày 15-9-2008, công ty dịch vụ tài chính khổng lồ Lehman Brothers nộp đơn xin phá sản, bắt đầu một phản ứng dây chuyền chứng kiến nền kinh tế toàn cầu đi vào vòng xoáy của sự sụp đổ. Khủng hoàng tài chính toàn cầu sau đó cho thấy trật tự kinh tế thế giới thực sự mong manh và thiếu ổn định ra sao.

3 tháng sau, Tổng thống Mỹ lúc ấy là Barack Obama đã mắng mỏ những người đứng đầu các công ty ô tô lớn nhất của Mỹ, khi họ bay đến Washington bằng máy bay riêng để yêu cầu các gói cứu trợ tài chính. Như một đại diện của đảng Dân chủ có mặt trong cuộc họp kể lại: “Các ông không thể hạ mình xuống đi vé máy bay hạng thương gia hay phản lực hay cái gì đó khác để đến đây được hả? Ít nhất thì điều đó sẽ gửi đi một thông điệp đúng đắn”.

Trong vài năm sau đó, những CEO hùng mạnh ngày nào cũng bất lực không kém những người ở dưới đáy của hệ thống tài chính. Sự đổ vỡ chứng tỏ rằng chính họ cũng bối rối về cách thị trường hoạt động và phương pháp kiểm soát nó.

Các CEO đang được xem như những siêu nhân của thế giới hiện đại. Nguồn ảnh: Shutterstock.

Hơn một thập niên đã trôi qua và hầu như các CEO không còn phải đối mặt với những câu hỏi cấp tiến như năm 2008. Ngày nay, những nhà sáng lập doanh nghiệp như Musk, Zuckerberg, Dimon (JPMorgan Chase), Steve Jobs và Tim Cook (Apple), hay thậm chí Larry Fink (CEO của BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất toàn cầu) được thế giới tôn sùng như những anh hùng có thể vẽ ra tương lai nhân loại.

Cùng với sự tôn sùng cá nhân thái quá này, nền kinh tế ngày càng trở nên bất bình đẳng: thu nhập của ông chủ Amazon Jeff Bezos được cho là gấp gần một triệu lần so với lương những công nhân trong kho hàng của ông. Đáng ngại hơn, hàng triệu người Mỹ đã bỏ phiếu cho một CEO siêu giàu là Donald Trump làm tổng thống của họ, dù tư tưởng của ông đi ngược lại với nhiều giá trị nền tảng của nước Mỹ.

Trong phát biểu nhậm chức, ông Trump đã tự ca ngợi sự nhạy bén trong kinh doanh của mình, như là chìa khóa tiềm năng cho thành công chính trị: “Tôi đã dành toàn bộ đời mình cho công việc kinh doanh, nhìn vào những tiềm năng chưa được khai thác trong các dự án và con người trên khắp thế giới. Đó là điều tôi muốn làm cho đất nước chúng ta”.

Chứng cuồng CEO hầu như có rất ít thời gian gián đoạn trong lịch sử 30 năm trở lại, được đánh dấu rõ ràng nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump, đã đưa chúng ta đến thời điểm hiện tại, nơi các CEO không chỉ được đánh giá cao về kỹ năng kinh doanh mà còn trở thành biểu tượng của mọi tầng lớp xã hội. Chúng ta đang sống trong cái gọi là “xã hội CEO”, khi mà lãnh đạo các tập đoàn khổng lồ đã thành hình mẫu đột phá không chỉ ở lĩnh vực của mình và mọi người đều cho rằng phải học hỏi các phẩm chất từ họ.

Sự tôn sùng khó hiểu này đặt ra câu hỏi rằng điều gì đã kéo dài tâm lý này, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế diễn ra hơn một thập niên trước đã phơi bày rằng các CEO không phải siêu nhân?

Hãy quay trở lại câu chuyện về sự cứu chuộc: việc thất bại và đứng lên dường như đã trở thành một câu chuyện mà tất cả đều muốn nó phải diễn ra, dưới hình tượng của một CEO tỷ đô. Thông qua đó, chúng ta chỉ muốn giả vờ rằng có ai đó đang kiểm soát những gì đang diễn ra, dù tất cả sự kiện và bằng chứng cho ta biết rằng không phải vậy. Giữ vững tính cách anh hùng của các CEO là cách để mọi người lấy lại cảm giác rằng họ đang có quyền kiểm soát cuộc sống của chính họ.

Nhưng, chìm trong ảo tưởng này cũng là một sự phó mặc dễ dãi: CEO là phóng chiếu mơ ước của nhiều người nhưng sau tất cả, đấy vẫn chỉ là một cá nhân (dù là cá nhân tài năng đặc biệt), với những giới hạn của một con người. Cuộc khủng hoảng 2008 diễn ra khi niềm tin này đổ vỡ.

Nếu hàng triệu người có thể bán tháo tài sản xương máu của mình vì một dòng tweet của một CEO thì chúng ta vẫn chưa thấm được bài học đau đớn của hơn một thập niên trước.
Ban Cầm
.
.