Nhà văn, dịch giả Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội chế biến thủy sản (VASEP):

Đúng nên bị "đánh"...

Thứ Năm, 30/12/2010, 15:00
Trong những ngày này gương mặt anh trở nên rất quen thuộc đối với những ai quan tâm tới thân phận con cá tra  - PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng, với cương vị là Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Thủy sản (VASEP) đã liên tục phải đăng đàn để  đưa ra các lý lẽ (theo tôi là rất thuyết phục) để bảo vệ loại thủy sản này của nước nhà trước việc Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đã đưa cá tra và danh sách đỏ dựa trên những thông tin đã lỗi thời.

Đôi khi cái công việc nhất thời lại dễ khiến người ta được biết tới nhiều hơn là cái công việc dành cho muôn đời - trong cảm nhận của cá nhân tôi và có lẽ cũng là của nhiều người yêu văn học, Nguyễn Hữu Dũng hiện lên trước hết là một nhà văn, một dịch giả xuất sắc của văn học Ba Lan.

Anh chính là người đã chuyển ngữ tuyệt vời tác phẩm "Quo Vadis" của văn hào Henryk Sienkiewicz, người từng được nhận giải Nobel văn chương năm 1905… Bản dịch của anh khi được xuất bản ở Việt Nam năm 1985 đã gây nên cả một làn sóng ngưỡng vọng trong giới trí thức nước nhà khi đó…

Cuộc trò chuyện này với TS Nguyễn Hữu Dũng đã diễn ra tại văn phòng của VASEP, nằm ở dãy nhà gần cuối khu trụ sở của Bộ Thủy sản cũ trên phố Nguyễn Công Hoan, Hà Nội. Nhìn khung cảnh có vẻ như cũ kỹ và không được chăm sóc quá ở đây, tôi hơi ngạc nhiên vì biết thủy sản hiện nay đang là một trong những mặt hàng xuất khẩu rất oách của ta, mang lại nguồn thu nhập ngoại tệ rất khá…

Có lẽ những chiến sĩ chân chính đấu tranh cho quyền lợi thủy sản của Việt Nam trên trường quốc tế đã quên nghĩ về mình để dồn tâm trí lo cho những người sản xuất, cho những thủy sản như cá tra (?!) nên không bỏ công đi tìm những nguồn kinh phí có thể được để làm cho bộ mặt công sở của họ trở nên khang trang, lộng lẫy hơn như nhiều đồng nghiệp trong các lĩnh vực khác…

Và tôi cũng đã bắt đầu câu chuyện từ những sự kiện nóng liên quan tới cá tra.

Hồng Thanh Quang: Tôi biết, trong những ngày này anh quá bận rồi nên cũng không dám phiền lâu. Xin được hỏi là, xét theo những thông tin đã được công bố trên thông tin đại chúng, thì xem ra, trong giai đoạn hiện nay, một số loại thủy sản chủ lực của chúng ta đang bị "bắt nạt" quá mức trên thị trường quốc tế.

Tôi hiểu là có nhiều lý do để dẫn tới chuyện này. Nhưng nếu mà suy nghĩ một cách "hồ đồ" thì có thể nói rằng, phải chăng các đồng chí cán bộ hữu trách của chúng ta trong lĩnh vực này làm việc chưa hết mình, hoặc chưa làm việc đúng tầm, đúng độ nên mới để cho con cá, con tôm của chúng ta bị thiệt thòi như thế? Anh nghĩ thế nào về ý kiến như vậy?

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Tôi thì hai suy nghĩ. Trước khi nghĩ đến các đồng chí cán bộ thì tôi nghĩ về mình, mình đây tức là không phải bản thân tôi, tôi chỉ là phần rất nhỏ, mà nghĩ về những người làm ra con cá, con tôm ấy, kể cả ở khâu nuôi, khâu chế biến và khâu đi bán hàng. Và thứ hai là tôi nghĩ về lẽ đời…

Xin được nói về lẽ đời trước. Khi anh bị người ta đánh thì đó có thể  xảy ra hai tình huống thôi. Một là, anh quá nhỏ bé cho nên họ xông đến bắt nạt. Nói cho cùng, trường hợp này thực ra là xưa rồi, cái loại bắt nạt trẻ con ấy cũng là xưa lắm rồi, bây giờ thường không như thế.

Còn tình huống thứ hai, khi anh làm ảnh hưởng đến người ta, tức là anh đủ mạnh mà người ta không có bài nào để đấu anh một cách đàng hoàng thì người ta đánh hội đồng. Đấy, tôi nghĩ, thủy sản Việt Nam đang ở trạng thái thứ hai, tức là mình khá mạnh, ở đây nó có số liệu hẳn hoi chứ không phải mình muốn nói là mình mạnh hay không mạnh…

Hồng Thanh Quang: Anh có nhớ số liệu? Anh nói cụ thể xem nào!

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Nhớ chứ. Ví dụ, về giá trị xuất khẩu thủy sản thì mình đang đứng ở thứ 6 sau những "ông kễnh" rất to như Trung Quốc (nước này là "number one" rồi), tiếp theo là Mỹ, Na Uy, Thái Lan… Đó là ở năm 2006. Hiện nay FAO (Tổ chức Nông lương LHQ - HTQ) chưa đưa ra con số thống kê mới, nhưng có lẽ nước mình đã lên hàng thứ 5 rồi.

Thôi  thì thứ 5 hay thứ 6 cũng không quan trọng, quan trọng là mình ở trong top-ten rồi. Về tôm, nếu tính về  sản xuất thì mình đứng thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Thái Lan thôi. Về cá tra thì mình đương nhiên đang đứng đầu, mình đang cung cấp 95% thị phần cá tra của thế giới, mà bán cho có ít đâu, bán cho 124 nước…--PageBreak--

Hồng Thanh Quang: Tôi hiểu rồi, núi cao thì gió cả, thị phần lớn như thế thì dễ trở thành mục tiêu bị tấn công lắm…

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Hồng Thanh Quang phải biết rằng, con cá tra nhà mình khi ra thị trường quốc tế ngay từ lúc còn "trẻ con" đã bị "đánh". Năm 1998, khi mình mới bắt đầu "ngo ngoe" đưa cá tra ra thì năm 2000 họ đã đánh  mình bằng luật của họ, rồi tiếp theo năm 2001 lại một đợt đánh nữa. Năm 2002 nảy sinh một vụ kiện… Cứ thế họ đánh cá tra của ta liên tục cho tới bây giờ.

Nhưng nói thực là, càng bị đánh thì càng lớn… Đấy, con cá tra của Việt Nam rơi vào trường hợp thứ hai, tức là trường hợp anh đủ mạnh để hoạt động của anh có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người ta cho nên người ta đánh anh một cách “đàng hoàng” không lại thì người ta bèn dùng những chiêu khác: chiêu đánh sau lưng, chiêu đánh tạt sườn, chiêu đánh hội đồng v.v...

Hồng Thanh Quang: Trong đời thường cũng thế, nếu ta không bị một số kẻ đố kị, nói xấu, cạnh tranh không lành mạnh thì chưa hẳn ta đã là một người đáng kể…

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Đúng thế. Còn về ý thứ nhất mà Hồng Thanh Quang nêu ra ở câu hỏi đầu thì mình nghĩ là, các cụ ngày xưa đã bảo, "tiên trách kỷ…", mình phải xem lại mình trước. Vì rằng, nói thật, không phải cái gì mình cũng làm ngon cả; cũng không phải mình muốn làm dở đâu nhưng quá trình phát triển nó thế thôi, anh phải đi từ bước thấp rồi đến bước cao…

Hồng Thanh Quang: "Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần…"

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Đấy, "Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần". Mà thực ra đó là quá trình rất tự nhiên, lớp trẻ nó cũng thế thôi.

Hồng Thanh Quang: Vâng, tôi cũng nghĩ rằng, trong cuộc đời chúng ta, không ai dám nói mạnh là mình toàn bích, mình không bao giờ dại, không bao giờ "hở sườn". Cái chính là phải rút được kinh nghiệm từ những vấp váp, thậm chí vấp ngã, và phải xử lý hậu quả sao cho "ngon".

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Cái chính là thế này: Mình đang đi đúng đường. Đúng đường là gì? Tôi chỉ nói một chữ thôi: Đó là phát triển bền vững. Tôi xin kể chuyện này, đề án cá tra được Thủ tướng ban hành bằng một quyết định tháng 12 năm ngoái.

Chuyện ấy bắt nguồn từ một hội nghị đầu tiên mà có sự chủ trì của Thủ tướng tại An Giang vào ngày 18/3 cùng năm 2009.

Tại sao có hội nghị ấy? Hội nghị ấy có là từ một chuyện mà tôi đã nói với Thủ tướng khi ông hỏi một số chuyện về cá tra. Tôi nói, có 3 con số mà chúng ta đều nên biết. Con số thứ nhất là về sản xuất ra cá tra, ví dụ năm 2008 mình sản xuất gần 1 triệu rưỡi tấn cá tra và giá trị xuất khẩu của nó là gần 1 tỷ rưỡi, chính xác là 1 tỷ 453 triệu USD…

Thứ hai, toàn bộ sản lượng và giá trị của lượng cá tra này được sản xuất chỉ trong 6.000ha mặt nước. Hồng Thanh Quang thử so với tôm chẳng hạn, con tôm trong năm ấy cũng xuất khẩu được 1 tỷ rưỡi USD, nhưng phải dùng đến 600.000 ha mặt nước!

Hồng Thanh Quang: Gấp 100 lần!

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Đúng, gấp 100 lần diện tích so với cá tra. Cũng phải nói thêm là, 600.000ha mặt nước ấy, so với diện tích trồng lúa thì nó chả là cái đinh gì, chỉ là đất cồn, đất ven sông, đất bờ, đất bãi, không phải đất có giá trị màu mỡ gì cả.

Con số thứ ba nên nhớ là, để có được lượng cá tra xuất khẩu ấy, nhà nước đầu tư 0 đồng, tức là chả phải đầu tư đồng nào cả. Thế là Thủ tướng mới quyết định triệu tập cuộc họp vào chiều 18/3/2009 tại An Giang. Cuộc họp ấy có nhiều hội, nhiều ngành, rồi ra một đề án phát triển sản xuất và chế biến cá tra đến năm 2020.

Đề án ấy được ban hành gần cuối tháng 12 năm ngoái. Và bây giờ lại là một cái khác, về mặt quản lý, tức là đang dự thảo nghị định về sản xuất và tiêu thụ cá tra; tháng 12 này, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn giải trình… Vừa rồi, ngày 2/12, VASEP đã tổ chức cho  các doanh nghiệp thảo luận với Bộ về chuyện nội dung của nghị định ấy.

Hồng Thanh Quang: Cũng quá nhiều việc anh nhỉ… Nhưng anh hãy nói cụ thể hơn về việc cá tra của ta đang đi đúng hướng như thế nào?

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Chuyện là thế này. Đầu tiên cá tra ở ta nó được nuôi trong bè, bè thì nổi trên sông, tất cả nước sông như thế nào thì môi trường nuôi cá tra là như thế…--PageBreak--

Hồng Thanh Quang: Nó tự nhiên như thế, sạch hay trong, không sạch hay không trong thì nó cũng như thế, nó như cuộc đời…

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Đúng, như thế, nó như cuộc đời. Và những cái mà mình thải ra sông...

Hồng Thanh Quang: Nó cũng chui vào đấy (cười).

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng (cũng cười): Tất cả đều tự nhiên. Mình dùng nguồn lợi tự nhiên hoàn toàn, nước sông như thế nào thì mình xài như thế và mình xả ra sông thì cũng vô tội vạ… Bắt đầu là như thế, nhưng sau đó, trong một thời gian rất ngắn thì mình chuyển sang dạng nuôi đăng quầng, tức là chỗ nuôi cá tra dựa vào bờ sông; cắm thêm một số cái đăng ở gần bờ sông quây thành một khu nuôi cá. Chỗ nuôi ấy nó cũng vẫn hở, nước sông vẫn đi qua, về mặt hình thức nó y như lúc trước thôi.

Hồng Thanh Quang: Nước nuôi cá vẫn như bè thôi, nhưng nó được cố định lại một chỗ, có hơi đất liền…

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Và vốn đầu tư vào đấy cũng thấp hơn nhiều… Về mặt âm dương thì như tôi trao đổi với những người nuôi, họ bảo có hơi đất thì thấy thịt nó ngon hơn… Tuy nhiên, hình thức nuôi cá tra như thế cũng chỉ tồn tại được 3-4 năm thôi, bây giờ vẫn còn nhưng ít lắm, đại bộ phận đã chuyển hẳn lên bờ, nuôi trong ao đất. Đầu tiên, ao đất cũng chỉ lấy nước vào thôi, sau đó cũng xả nước ra sông chứ chả xử lý gì cả, nhưng sau đấy dần dần người nuôi bắt đầu xử lý nước ở đầu vào và xử lý cả ở đầu ra.

Hồng Thanh Quang: Tiến bộ hơn…

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Rõ ràng là tiến bộ hơn về phương thức nuôi. Thế mà một số thế lực bên Mỹ bây giờ vẫn tuyên truyền là Việt Nam mình nuôi ở sông ô nhiễm nhất thế giới.

Hồng Thanh Quang: Thông tin của họ bị lỗi thời…

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Quá lỗi thời. Bây giờ mình nuôi ao đất, thường là cạnh bờ sông hoặc trên cồn, tức là  có tiếp xúc với dòng chảy lớn. Thậm chí doanh nghiệp Hoàng Long làm vùng nuôi cá tra và nhà máy chế biến, nhà máy thức ăn ngay ở trung tâm Đồng Tháp Mười. Đấy là một mô hình khác hẳn. Hồng Thanh Quang cũng biết Đồng Tháp Mười là đất phèn, đào xuống 0,7m là phèn nặng, không thể nuôi cá được.

Vậy thì Công ty Hoàng Long mới cho làm ao nổi, đắp ao nổi cũng sâu 4 mét rưỡi, nước phải dẫn từ ngoài sông lớn vào, đào một con kênh rất lớn đưa vào xử lý nước trước, sau đó bơm vào ao nổi để nuôi, nước xả từ ao nổi ra đưa qua một cái ao xử lý trước khi đưa vào mương ... Như vậy là, mô hình này, tôi tạm gọi là mô hình ba rưỡi hay là bốn gì đó, nó chứng minh cái gì? Nó chứng minh, tiềm năng phát triển cá tra vô cùng lớn…

Hồng Thanh Quang: Và càng ngày càng sạch…

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Càng ngày càng sạch. Tháng 4 vừa rồi,  Công ty Hoàng Long đi hội chợ Brussels, Bỉ. Tháng 10, đi hội chợ ở Tây Ban Nha… Và rất nhiều người chú ý đến mô hình ấy, mô hình nuôi cá tra ở vùng đất phèn nổi, bởi vì sao, vì người ta vẫn nghĩ anh nuôi gần sông, nước sông là ô nhiễm, anh có xử lý thì vẫn là hạn chế, thì đây là anh có hệ thống đủ tin cậy để xử lý nước đầu vào và xử lý nước đầu ra. Như vậy là rõ ràng ở Việt Nam chỉ nói về mô hình nuôi thôi, thì cũng đang tiến đến...

Hồng Thanh Quang: Có tầm quốc tế hơn…

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Quốc tế! Bây giờ có 20 công ty với 40 vùng nuôi có kích thước khác nhau được chứng nhận bởi Global GAP, tức là tiêu chuẩn cao nhất của toàn cầu hiện nay về chuyện nuôi trồng thủy sản bền vững. Và sẽ có đề nghị với Chính phủ là từ chỗ 0 đồng đầu tư vào đây, thì trong đề án của Chính phủ là sẽ đầu tư bao nhiêu đó, để tương đương với nguồn thu từ cá tra…

Hồng Thanh Quang: Tôi hiểu là trong câu chuyện cá tra còn có nhiều vấn đề thú vị mà anh có thể nói được. Và tôi còn thấy thế này, với sự cố gần đây xảy ra với cá tra nói riêng, với thủy sản xuất khẩu của chúng ta nói chung, thì rõ ràng, thực sự đang có nhiều biến động, biến đổi, thay đổi ở bên ngoài đòi hỏi chúng ta chúng ta phải có cách nhìn, cách tiếp cận, cách xử lý vấn đề môi trường thủy sản trong nước theo kiểu mới. Có đúng thế không ạ?

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Trong cuộc họp mới đây với 100 doanh nghiệp nuôi thủy sản, VASEP có đề nghị bốn nhóm giải pháp. Trong  đó có nói, tới giai đoạn hiện nay,  yếu tố cạnh tranh đã  bị quốc tế hóa đi, quốc tế hóa theo nghĩa cạnh tranh với loại hàng khác, với nhóm hàng khác, chứ không phải cạnh tranh với...

Hồng Thanh Quang: Một loại hàng hóa của chính mình….

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Đúng. Trong giai doạn này, yếu tố hòa hợp trở nên rất quan trọng, nó là hòa hợp, hợp tác với tất cả những người trong chuỗi, không phải chuỗi sản xuất nữa, mà là chuỗi giá trị của sản phẩm; chuỗi sản xuất thì hẹp, còn chuỗi giá trị nó rộng hơn. Làm sao để gắn kết tất cả những người trong một chuỗi giá trị, tức là lợi ích của họ gắn liền với nhau.

Hồng Thanh Quang: Tạo một động lực chung...

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Tạo một động lực chung, từ sự hòa hợp với nhau. Cái hòa hợp thứ hai là hòa hợp với môi trường. Anh không bảo vệ môi trường này thì anh không thể nào có tương lai để anh phát triển. Hòa hợp thứ ba là hòa hợp với cộng đồng xã hội, anh chỉ có kiếm lời cho riêng anh thì không thể lâu dài được. Thực sự ba cái hòa hợp ấy, hòa hợp giữa những người trên cùng một cái thuyền, hòa hợp với môi trường xung quanh cái thuyền và hòa hợp với cộng đồng, đấy là cái giai đoạn phát triển cao hơn mà...

Hồng Thanh Quang: Chúng ta đang bước vào…

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Đã đặt chân vào rồi. Tôi muốn nói thêm, điều đáng buồn là một số cán bộ quản lý vẫn chưa theo kịp tư duy so với thời cuộc, đã qua lúc ra ngoài cần mặc complet rồi, đã tới lúc mặc lịch sự nhưng lại rất thoải mái rồi mà vẫn nghĩ như khi còn mặc quần xà lỏn… Cho nên một số chính sách của mình vẫn bị chậm hơn so với thời cuộc…

Hồng Thanh Quang: Chúng ta đổi chủ đề một chút nhé.. Theo tôi biết, ở Ba Lan, anh học không phải về thủy sản?

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Tôi đã học trong Trường Thủy sản ở Việt Nam. Khi tôi thi đại học thì vào Trường Nông nghiệp, là vào năm 1966. Một năm sau đó, trường này tách ra thành Trường Nông nghiệp và Trường Thủy sản. Tôi chuyển sang học ở Trường Thủy sản và tốt nghiệp vào tháng 2/1971. Rồi tôi đi dạy học cho tới năm 1975 thì bắt đầu làm nghiên cứu sinh và sang Ba Lan năm 1976.

Hồng Thanh Quang: Một mảng mà người ta rất biết đến anh nhiều và tôi cũng thực sự ấn tượng với anh vì nó, đó là mảng dịch thuật văn học. Cơ duyên nào dẫn anh, một người chuyên về cơ khí tàu thuyền, tới lĩnh vực này? Anh tìm thấy tác phẩm "Quo Vadis" như thế nào?

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Hồng Thanh Quang ơi, thực sự nó tìm tôi chứ có phải tôi tìm nó đâu. Ngay cả với cuốn "Quo Vadis" thì hồi còn ở Ba Lan, mình không nghĩ là mình đã hiểu được hết nó, chứ chưa nói dịch, nhưng nó đã có một sức thu hút mình vào.

Mình sang Ba Lan vào tháng 8/1976, ngay sau giải phóng, đấy cũng là lứa nghiên cứu sinh thuộc loại sớm. Mình tốt nghiệp đúng vào ngày Đặng Thái Sơn thi ở cuộc thi mang tên Chopin. Tôi rất nhớ, đó là ngày 15/10/1980, Đặng Thái Sơn thi ở vòng chung kết và đoạt giải nhất. Và buổi sáng hôm đó thì tôi cũng đã bảo vệ xong luận án. Tôi nhớ ngày này vì đó cũng là ngày mà anh Trỗi ra pháp trường…--PageBreak--

Hồng Thanh Quang: Anh Trỗi ra pháp trường ngày 15/10/1964. Anh quê ở Quảng Nam nên càng có lý do tình cảm để nhớ ngày anh Trỗi ra pháp trường…

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Sang Ba Lan, trước tiên tôi theo một khóa học tiếng Ba Lan trong 8 tháng. Nói thì bảo duy tâm hay mê tín, nhưng tôi  vẫn nghĩ, có lẽ kiếp trước tôi là người Ba Lan hay sao ấy. Hôm ông Tổng thống Ba Lan sang đây trao Huân chương Hiệp sĩ cho tôi thì ông ấy cũng hỏi tôi một  câu rất thật: Tôi nghe đồn rằng, nói chung các nghiên cứu sinh rất kém tiếng Ba Lan, thế thì tại sao ông lại giỏi tiếng Ba Lan như thế?

Hồng Thanh Quang: Tôi cũng nghe đồn là nhiều nghiên cứu sinh của chúng ta ở Ba Lan làm doanh nhân rất giỏi nhưng tiếng Ba Lan, nhất là ngôn ngữ văn học Ba Lan thì lại không rành lắm… Ông Tổng thống Ba Lan ấy có hỏi anh về chuyện tại sao nghiên cứu sinh người Việt ở Ba Lan lại giỏi kinh doanh không? (cười).

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng (cũng cười): Không, ông ấy không hỏi về chuyện kinh doanh mà chỉ bảo, tại sao số đông không giỏi tiếng mà ông lại giỏi tiếng Ba Lan thế. Ông ấy còn bảo, tôi không biết tiếng Việt nhưng tất cả những người Ba Lan viết tiếng Việt nói với tôi rằng ông dịch "Quo Vadis" rất tốt…

Tôi mới đáp rằng, tôi nói, ông tin hay  không tin là tùy ông, nhưng tôi thì tôi vẫn nghĩ, ngày xưa tôi là người Ba Lan, kiếp trước, có thể kiếp nào đấy, thậm chí còn là một "cô" Ba Lan rất là xinh nữa cơ, vì bằng chứng là da tôi rất đẹp, như da phụ nữ (cười)

Hồng Thanh Quang (cũng cười):…

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Tôi nói tiếp với ông Tổng thống Ba Lan: Nói đùa ông vậy thôi, nhưng cái chuyện đấy không phải là chuyện quyết định mà là  do tình yêu thôi. Tôi yêu Ba Lan nên tôi mới dịch văn học Ba Lan được như thế…

Hồng Thanh Quang: Yêu cũng chỉ là một câu chuyện, còn cần có cả tài năng nữa… Có phải lúc nào chúng ta yêu cũng được đền đáp bằng kết quả xứng đáng đâu. Đặc biệt là yêu văn học, yêu văn thơ, không có tài thì dễ bị phụ tình lắm…

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Ngày bé  ở Việt Nam thì ai chả làm thơ. Mình chắc  Hồng Thanh Quang cũng làm thơ từ năm còn bé lắm. Mình cũng thế. Năm 1966, mình gửi tập thơ đầu tiên đến NXB Văn học, tập thơ ngồi viết tay, dán một bìa trắng rất là xịn để tên gì đó mà mình quên mất rồi.

Hồng Thanh Quang: Bút danh nào đấy…

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Không, đề tên thật. Mình quên là quên tên tập thơ. Tập thơ ấy bây giờ cũng bị thất lạc mất rồi. Hồi ấy Yến Lan đọc bản thảo tập thơ đấy và sau 3 tháng ông ấy gửi lại cho mình. Đọc lời phê bình của ông ấy thực sự là mình xấu hổ cực kỳ.

Hồng Thanh Quang: Bác Yến Lan là biên tập viên của Nhà xuất bản Văn học hồi ấy?

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Đúng rồi.

Hồng Thanh Quang: Bác Yến Lan đã ghi cái gì về thơ anh?

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Ối trời ơi, tôi nhớ rất rõ. Tất cả 34 bài trong tập, không có một bài nào ông ấy khen cả mà ông ấy chê rất chi tiết, chữ nhiều nhất mà ông ấy dùng là chữ "giả", tức là anh nói hộ người khác thôi, thơ không thể là nói hộ, thơ phải là của anh. Mà sau này mình đọc của Hồng Thanh Quang và của những người khác thì mình càng hiểu điều ấy, anh không thể làm thơ được nếu anh chỉ nói hộ những điều nghĩ, cái gì thật của mình, mình mới làm thơ được….

Hồng Thanh Quang: Tôi hiểu, khi mới làm thơ, tôi cũng nói hộ tâm trạng của người khác, nói những thứ mà mình nghĩ rằng người khác sẽ thích… Thành ra toàn những câu "dở người"… Không đăng nổi!

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Không đăng nổi… Mình nhớ, hình như ông Yến Lan chỉ khen có hai câu trong tập bản thảo 34 bài của mình.

Hồng Thanh Quang: Trở về với  "Quo Vadis", anh dịch tác phẩm này như thế nào?

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Chuyện là thế này. Sau khi mình bảo vệ xong luận án, phía bạn có đề nghị mình ở lại tiếp tục học lên cao nữa nhưng mình xin về. Vì hồi ấy mình đã có gia đình, có con rồi, vợ con ở trong nước nheo nhóc quá… Mình phải về để giúp đỡ vợ con. Thế là năm 1981, mình về nước, gia tài đem theo là một tủ sách và một tủ đĩa hát.

Cái tủ đĩa hát ấy hồi đó các anh biên tập viên âm nhạc ở Đài Phát thanh Hà Nội cứ gạ mua lại nhưng mình dứt khoát không chịu, dù túng thiếu đến đâu. Bây giờ thì nó cũng đã mất đi đâu gần hết rồi. Trong lúc nghỉ chờ phân công công tác thì mình có mang đề cương đến NXB Văn học. Mình làm đề cương về Sienkiewicz, đề nghị giới thiệu 5 tác phẩm, trong đó có "Quo Vadis". 

Mình còn đem theo hai chương đã dịch xong rồi, chương đầu và chương cuối.  Phải nói rằng, hồi đó cũng đã có một bản dịch "Quo Vadis" do một bác rất khả kính dịch nhưng vẫn chưa được đồng ý in. Một thời gian sau, khi đã vào trong Nha Trang công tác, mình nhận được thư của anh Anh Trúc, báo tin là Giám đốc NXB Lý Hải Châu đồng ý để mình dịch "Quo Vadis". Trước đó, ông Lý Hải Châu đã cẩn thận cho mang hai chương mình đã dịch đến cho Viện Văn học thẩm định. Mọi người đều thích nên cuối cùng, mình đã được chấp nhận…

Hồng Thanh Quang: Anh dịch "Quo Vadis" trong bao lâu?

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Bốn năm. Vì mình còn công tác chuyên môn ở Trường Thủy sản. Chỉ trong thời gian nằm viện mình mới có thời gian để tập trung vào dịch sách.

Hồng Thanh Quang: Trong quá trình anh dịch quyển sách ấy, một tác phẩm vĩ đại như thế, thì nó tạo cho  anh cảm nhận gì và có sự trưởng thành gì trong nhận thức?

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Có chứ. Thứ nhất là nhận thức về đời sống của xã hội La Mã thời ấy…

Hồng Thanh Quang: Thời cổ đại…

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Cổ đại... Mình mới thấy, suy nghĩ của người ta hồi ấy sao nó giống mình bây giờ đến thế…

Hồng Thanh Quang: Đấy, tôi cũng muốn nói điều này: trong hàng nghìn năm qua, nhân loại có những phát triển cực kỳ vĩ đại về khoa học kỹ thuật và vật chất, nhưng thật ra, trong khía cạnh nhân văn dường như chúng ta vẫn giẫm chân tại chỗ, hoặc là chỉ bước những bước rất nhỏ. Anh có công nhận thế không?

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Đúng như thế. Thực tế là những cái bước tiến ấy về khía cạnh nhân văn khó có thể nhận ra được. Những chuyện đau xót ngày xưa, vui mừng ngày xưa, hạnh phúc ngày xưa nó y chang như mình bây giờ. Đấy, mà mình có khi còn không sống được đẹp bằng một số nhân vật trong thời cổ…

Hồng Thanh Quang: Gần đây anh có làm văn học nữa không?

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Tác phẩm mà tôi đang dịch hiện nay là "Hiệp sĩ thánh chiến". Tôi dịch bộ sách này bắt dầu từ năm 1990. Bây giờ tôi dịch đã được gần 3 tập rồi. Còn một tập 4 nữa mà hai chục năm dịch mãi không xong. Quyển đó cũng không dày lắm, mỗi tập độ hai ba trăm trang thôi, tức là chỉ hơn nghìn trang.

Hồng Thanh Quang: Do anh bận bịu công việc quá thôi…

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Không phải, mà thực ra là mình mắc bệnh mình làm việc gì cũng hết mình về việc ấy.

Hồng Thanh Quang: VASEP chiếm hết thời gian của anh?

Nhà văn Nguyễn Hữu Dũng: Có lẽ là thế. Nhưng mình vẫn không quên văn học…

Hồng Thanh Quang: Xin cảm ơn anh và chúc anh tiếp tục có nhiều niềm hứng khởi trong việc bảo vệ thủy sản nước nhà và cả trong việc dịch sách văn học! 

H.T.Q.
.
.