Đệ nhất danh ca - Nghệ nhân dân gian Bạch Huệ:

Đời "tài tử" gian nan

Thứ Hai, 25/04/2011, 16:10
Một thời đã từng là đệ nhất danh ca đờn ca tài tử với giọng ca làm mê đắm bao người, và đã từng dạy rất nhiều thế hệ học trò, được Nhà nước công nhận là Nghệ nhân Dân gian, dù năm nay đã gần tuổi bát tuần, nhưng có lẽ sự "tài tử" luôn gắn liền với cuộc đời bà.

Sự "cách ly" không thắng được niềm đam mê

Đã từ rất lâu rồi giới mê đờn ca tài tử ở TP. HCM và các tỉnh miền Tây Nam Bộ không lạ gì Bạch Huệ. Cứ nơi nào có đờn ca tài tử (ĐCTT), người ta đều thấy bà. Gần đây, những cơn đau từ đôi chân bị bệnh khớp luôn hành hạ, bà đi lại rất khó khăn. Rồi tai nạn ập đến, bà bị gãy xương đùi. Nhưng tất cả những điều đó không cản được niềm đam mê như máu thịt với người đàn bà nhỏ bé. Cứ nói đến ĐCTT là bà như trở thành một người khác, linh hoạt hẳn lên với những câu chuyện từ quá khứ đến hiện tại.

Từ nhỏ, khi mới hơn 10 tuổi, ba mẹ thường xuyên đi theo đoàn hát, phải ở với bà ngoại dưới miền Tây, Bạch Huệ mê thích ĐCTT đến mức sau những lúc gánh nước thuê cho người ta, về ngang nhà hàng xóm có ĐCTT, Bạch Huệ len lén lại gần để nghe đến quên mệt mỏi. Rồi bà được các nhạc sĩ dạy cho cách "bấm tay - lần chuỗi" theo nhịp để học ca và còn được mời tham gia các buổi ĐCTT.

Nửa đêm cứ nghe người ta đờn ca là thấy nôn nao chẳng thể ngủ được, vậy là bà tìm cách trốn ngoại để đi nghe cho thỏa nỗi yêu thích của mình. Bà bảo, hồi đó còn nhỏ xíu, ban đêm đi đường cũng sợ ma lắm nhưng nghe tiếng đờn ca thì chẳng còn biết sợ là gì nữa. 

Lâu ngày bà ngoại cũng biết và bao lần bị la mắng, đánh đòn vì sự say mê đờn ca chẳng còn biết sớm khuya của Bạch Huệ. Quản không nổi, bà ngoại "trả" con bé Huệ lại cho cha mẹ trên Sài Gòn, từ đó bà đi theo các đoàn hát cùng cha mẹ.

Thực sự nhiều người tưởng bà sẽ được cha dìu dắt vì ông là một nhạc sư đàn kìm nổi tiếng. Nhưng đâu biết rằng cha bà lại là người ngăn cản kịch liệt nhất, khi ông thấy con gái mê ca hát; vì theo ông, làm nghề này khổ cực, cay đắng lắm. Để "cách ly" con gái khỏi môi trường đờn ca, cha bà đã gửi bà hết chỗ này đến chỗ kia.

Vậy nhưng niềm đam mê của bà vẫn cao ngút, nhiều lần nói không được, bà đã bị cha đánh đòn. Bà bảo: "Bị ba đánh nhưng mà hồi đó ngu lắm, đã biết vậy rồi nhưng mỗi lần đi theo ba vào đoàn hát, ngồi ở cánh gà chờ ông đờn cho người ta ca, mình cứ bấm nhịp coi có đúng hay không…

Thấy vậy ông già nhất quyết không muốn con theo nghề này nên cứ gởi con gái hết chỗ này đến chỗ kia để cách ly khỏi môi trường đờn ca. Nhưng khổ nỗi gửi chỗ nào mình cũng gặp phải nhóm tài tử. Đúng là không thoát khỏi chữ "Duyên" hay sao ấy.

Có lần ba mẹ gửi lên khu Bà Chiểu ở với người anh ruột thứ ba, nhưng đâu biết rằng ở đó cũng có nhóm tài tử ngay gần nhà luôn. Vào các buổi tối anh trai thường đi làm bên Đa Kao thì ở nhà mình mặc sức tung hoành, cứ canh sắp đến giờ anh ấy về là chạy về trước đóng cửa ngủ để khỏi bị phát hiện. Nhưng rồi anh ấy cũng biết nên giận quá cho chuyển đi chỗ khác…".

Một "đệ nhất danh ca" danh vọng

Vốn đam mê và được thiên phú chất giọng thanh trong, làn hơi cao vút nên dù bị ngăn trở và chuyển hết chỗ này chỗ kia, bà vẫn lén học ca. Lên Sài Gòn chưa lâu nhưng bà đã được mời vào ca cho Đài Phát thanh Pháp Á rồi được vào ban Việt Nam Cổ nhạc đoàn của danh ca Tám Thưa, trình diễn trên đài phát thanh và ở các sân khấu ở Sài Gòn…

Những năm 50 của thế kỷ trước, tiếng hát của Bạch Huệ đã đi vào lòng người mộ điệu và trở nên rất quen thuộc qua sóng phát thanh, các bộ đĩa. Vì thế lúc vừa tròn 18 tuổi, bà đã cùng với nghệ sĩ Thành Công được độc giả của báo Tiếng Dội bình chọn là đệ nhất danh ca.

Khoảng sau năm 1954 cho đến ngày giải phóng miền Nam, bà chuyên ca cho Đài Phát thanh Sài Gòn và một số hãng đĩa ở Sài Gòn. Đặc biệt bà đã cùng các nghệ sĩ Thành Công, Út Bạch Lan, cô Ba Trà Vinh, cô Ba Bến Tre... tham gia thu âm trong những vở tuồng nổi tiếng như: Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên, Tô Ánh Nguyệt, Phàn Lê Huê, Nguyễn Thái Học, Muôn dặm tìm chồng...

Thời đó hay đến tận bây giờ, nhiều người khi nhắc đến bà đều không thể quên "hơi giọng oán" đặc trưng của Bạch Huệ. Bà suy tư: "Đối với nghệ sĩ nữ thì thật sự bây giờ ít người ca được đúng giọng oán (ca giọng oán phải đờn theo dây hò nhì mới hay), điều này cũng do nơi nghệ sĩ đờn một phần. Vì như bây giờ muốn ca bài Tứ Đại, tôi phải ca dây "hò nhì", nhưng nghệ sĩ đờn lại bảo tôi nên ca theo "hò tư" như ca vọng cổ, vì hò nhì ông đờn không được, nên tôi bắt buộc phải ca nhưng chắc chắn không đúng giọng. Chẳng hạn như ca bài Dạ cổ hoài lang - Từ phu tướng mà ca dây hò nhì thì rất hay, nội rao đờn không cũng thấy não nuột rồi…".

Mấy chục năm gắn bó với nghệ thuật ĐCTT, bà luôn được các nghệ sĩ ngành ca cổ tôn vinh là bậc thầy trong lối ca tài tử. Hơn nữa bà còn là người có nhiều học trò nhất hiện nay. Vì sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, bà đã tham gia giảng dạy ở Viện Âm nhạc, Trường Nghệ thuật sân khấu 2 (nay là Trường Cao đẳng Sân khấu và điện ảnh TP.HCM)...

Hiện bà đang là cố vấn, dạy các lớp cho CLB Đờn ca tài tử của Trung tâm Văn hóa TP.HCM; dạy ca cho các lớp ca tài tử từ vỡ lòng đến các lớp cao với 20 bài bản tổ ở TP.HCM và một số tỉnh thành như Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Cần Thơ. Ngoài ra, bà còn phục vụ ca diễn minh họa cho Trung tâm Nghiên cứu cải lương, các câu lạc bộ đờn ca tài tử, âm nhạc truyền thống, là ban giám khảo tại các kỳ thi đờn ca tài tử ở thành phố và các tỉnh...

Khi "kiếp tằm đã nhả hết tơ"

Qua bao thăng trầm dâu bể, khi mái tóc đã bạc trắng, trải qua ba đời chồng với năm người con, hiện chỉ còn ba - hai trai một gái, mỗi người ở một nơi (một người làm công nhân ở Tiền Giang, người trồng vườn ở Bình Phước, người con gái ở quận 3, TP.HCM, thì ai kêu gì làm nấy), họ đều đã yên bề gia thất nhưng quả thực hoàn cảnh cũng không giàu có gì lắm. Bà bảo cũng chẳng lo cho chúng được gì, chỉ dặn chúng phải biết tự thân "khéo ăn thì no khéo co thì ấm".

Khi nói đến chuyện chồng con, giọng bà không còn được vui tươi như lúc đầu. Bà bộc bạch: "Cần gì tới con thì tôi mới kêu chúng thôi, chứ phải để cho tụi nó đi kiếm tiền để sống chứ. Lâu nay tôi vẫn đi làm để tự lo cho bản thân. Tôi không thích nhờ hay làm phiền con cái điều gì, ngay cả việc đứa con gái vào viện thăm và mua cơm cho tôi, tôi vẫn đưa lại tiền cho nó mà". 

Cuộc đời của một đệ nhất danh ca tài tử với bao thành công trong nghề, cũng có lúc rủng rỉnh tiền bạc, nhưng cũng như nhiều tài tử khác, do bản thân hồi đó chẳng bao giờ nghĩ đến ngày sau, có bao nhiêu tiêu xài hết bấy nhiêu, hơn nữa cuộc đời dâu bể xảy ra bao nhiêu chuyện phải lo…

Ít người biết rằng bà hiện sống với một người bạn cũng không có gia đình trong một căn nhà bé xíu chỉ chừng 7m2 trong một con hẻm nhỏ ở quận 7 TP.HCM. "Căn nhà đó xây cách nay 3, 4 năm gì đó, là do tôi và bà bạn già cùng hùn tiền cất lên, còn miếng đất cất nhà là nơi người ta đã từng đổ rác…", bà trầm ngâm.

Không may bị tai nạn gãy xương đùi chân phải cách đây 3 năm, dù đã được phẫu thuật cố định xương bằng đinh qua đường tủy xương nhưng do đinh hơi dài, thường bị cấn vào xương hông nên bà rất đau đớn mỗi khi đi lại. Đã đến ngày phải lấy đinh ra nhưng do tuổi cao, bà còn bị loãng xương nên việc phẫu thuật chưa được tiến hành ngay. Mãi một ngày tháng 3 vừa qua, bà được gia đình đưa vào Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM khám lại vết thương. Qua việc khám, xét nghiệm ở đây, bà còn biết mình bị mắc các bệnh huyết áp cao, tiểu đường, bệnh tim.

Buổi chiều hôm tôi vào Viện Tim thăm, bà đã có vẻ đỡ hơn. Bà bảo: "Tôi đang chờ lượng đường trong máu và cả huyết áp, tim ổn định để đi mổ lấy cây đinh ra cho đỡ đau, nhưng thực sự cũng không biết bao giờ chúng mới ổn định đây".

Chị cháu gái hàng ngày chăm sóc cho bà ở viện cho biết chi phí nằm viện khá tốn kém, một ngày hết 160 ngàn, chưa kể tiền thuốc, rất may mắn là bà cũng có thẻ bảo hiểm y tế do được một học trò mua cho, nhưng cũng chỉ bớt được một phần chi phí.

Hỏi về mong ước bây giờ, đang khá sôi nổi khi nói về thời vàng son của mình, bà bỗng im lặng một lúc lâu rồi xúc động mạnh, những giọt nước mắt không kìm được, lăn dài trên gương mặt vẫn còn in đậm nét nghệ sĩ. Bà ngậm ngùi: "Biết nói gì bây giờ, 78 tuổi rồi còn mong ước gì nữa đâu. Thật sự mà nói tôi cũng từng "lên voi xuống chó", sống được mấy năm nữa đâu. Có lẽ giờ tôi cũng chỉ mong có một chỗ ở nhỏ của riêng mình để yên cái thân thôi và để khỏi phải lo nghĩ gì nữa cả".

Nói vậy nhưng bà vẫn không quên được đám học trò mà bà đang dạy dở dang (chỉ còn 5 tuần lễ là xong 20 bài Tổ - 3 Nam, 6 Bắc, 4 Oán và 7 bài khác) tại một trường ở quận 7. "Điều tôi mong ước là kỳ này lo cho đám học trò vài đứa giống mình, tiếp thu đúng để mình dẫn nó đi theo con đường của mình. Chứ bây giờ học trò ruột không có, muốn kiếm một đứa ca nối nghiệp mình là rất khó khăn". Để có mặt ở những buổi ĐCTT hay đến những lớp dạy, trước đây bà thường đi xe đạp, xe buýt, nhưng từ khi bị tai nạn bà phải đi xe ôm, một ngày tùy theo xa gần cũng phải hết khoảng gần 50 ngàn đồng…

Nghe câu chuyện với những lát cắt cuộc đời của đệ nhất danh ca một thời, tôi chợt nhớ có ai đó đã từng nói rằng những nghệ sĩ tài tử luôn phong lưu, phóng khoáng như chính cái nghiệp mà họ đeo đuổi. Vậy nên, cuộc sống giàu nghèo của họ, không thể nghĩ bằng cách nghĩ thông thường, dù họ được coi là những "báu vật nhân văn sống" (theo cách gọi của UNESCO), là những nhân tố trực tiếp bảo tồn và phát huy những nét đặc sắc của văn hóa truyền thống dân tộc. Với giọng ca của mình, họ từng ngày vẫn lưu giữ những nét đẹp tinh túy, độc đáo của văn hóa truyền thống dân gian Việt Nam và âm thầm truyền lửa nghề cho thế hệ sau.

Danh ca Bạch Huệ (tên thật là Huỳnh Thị Huệ) sinh năm 1933, trong một gia đình âm nhạc nổi tiếng ở TP. Cần Thơ, cha là danh cầm Sáu Tửng; anh trai là nhạc sĩ Huỳnh Anh (tác giả các ca khúc nổi tiếng trước năm 1975 như Mưa rừng, Kiếp cầm ca...)

Sau nhiều năm đóng góp tích cực cho đờn ca tài tử Nam Bộ, danh ca Bạch Huệ đã được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian vào tháng 9/2007 vì đã có công giữ gìn, thực hành, truyền dạy giá trị, kỹ năng, bí quyết của loại hình nghệ thuật ĐCTT.

* Những tấm lòng giúp đỡ nghệ nhân Bạch Huệ có thể liên hệ với bà theo địa chỉ: Huỳnh Thị Huệ (Bạch Huệ), 495 Lê Văn Lương, P. Tân Phong, Q.7, TP. HCM

Phạm Phú Lữ
.
.