Độc đáo Bích Khê

Thứ Năm, 04/04/2019, 15:51
Trong thi ca Việt Nam từ trước tới nay, nhiều thi sĩ đã có ý thức rất rõ rệt về việc vận dụng nhạc tính có sẵn của các thanh điệu để tạo nên sức biểu cảm cho những câu thơ, khổ thơ. 

Thế nhưng, để tạo một nhạc tính độc đáo cho toàn bộ văn bản, nghĩa là ở cấp độ bài thơ thì các tác phẩm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy mà Bích Khê (1916 - 1946), một trong những đại diện ưu tú của phong trào Thơ Mới (1932 - 1945) đã làm được điều đó tới hai lần qua các tác phẩm: Tỳ Bà và Hoàng hoa, là những bài thơ được viết hoàn toàn với thanh bằng.

Những tiền đề

Việc sử dụng liên tiếp những thanh bằng hoặc thanh trắc đi liền trong một dòng thơ trước đó đã từng xuất hiện và in dấu trong thơ Tản Đà qua hai câu nổi tiếng ở bài Thăm mả cũ bên đường: Tài cao phận thấp chí khí uất/ Giang hồ mê chơi quên quê hương. 

Câu thứ nhất gồm 5 thanh trắc đi liền: "phận thấp chí khí uất" cùng sự có mặt của các phụ âm tắc vô thanh /p, t/ kết thúc âm tiết, diễn tả được cảm giác bi phẫn, bế tắc, bức bối, ngột ngạt, uất ức.

Ngay lập tức, câu thơ thứ hai gồm 7 thanh bằng đi liền với nhau như một sự giải tỏa, giải phóng con người khỏi những kìm hãm trói buộc, để trở thành một lãng tử ngao du rong chơi quên ngày tháng. 

Cũng trong phong trào Thơ Mới, Thế Lữ trong tập Mấy vần thơ (1935) cũng có một bài thất ngôn khá độc đáo mà ở đó, mỗi câu chỉ sử dụng duy nhất một thanh điệu cho cả bảy âm tiết trong dòng thơ: Trời buồn làm gì trời rầu rầu/ Anh yêu em xong anh đi đâu/ Lắng tiếng gió, suối, thấy tiếng khóc/ Một bụng một dạ một nặng nhọc/ Ảo tưởng chỉ để khổ để tủi/ Nghĩ mãi gỡ mãi lỗi vẫn lỗi/ Thương thay cho em căm thay anh/ Tình hoài càng ngày càng tày đình (Tình hoài). 

Ấn phẩm 100 năm Bích Khê, do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam và Viện Văn học tổ chức Hội thảo và xuất bản.

Sự thay đổi liên tục các âm vực diễn tả dòng cảm xúc ngổn ngang, rối bời trong lòng người con gái với rất nhiều cung bậc buồn bã, đau khổ, uất nghẹn, bi phẫn và tuyệt vọng về một tình yêu nay không còn nữa. 

Sau Thế Lữ, hoàng tử thơ tình Xuân Diệu, người từng được người đương thời suy tôn là "nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới" cũng có những câu thơ đầy huyền ảo trong bài Nhị hồ (trong tập Thơ thơ in năm 1938) sử dụng liên tiếp các thanh bằng: Sương nương theo trăng ngừng lưng trời/ Tương tư nâng lòng lên chơi vơi".

Hai bài thơ của Bích Khê

Bích Khê khi còn sống chỉ in đúng một tập thơ duy nhất, đó là tập Tinh huyết, được Trọng Miên in xong ngày 30 tháng 12 năm 1939 tại nhà in Thụy Ký, 98 phố Hàng Gai, Hà Nội. 

Tập thơ với 35 bài gồm 104 trang khổ 21x16 cm, đầu sách có lời tựa "Bích Khê, thi sĩ thần linh" của Hàn Mặc Tử, cuối sách có lời Bạt của Trọng Miên. Tập thơ chia làm bốn phần với các đề mục: Nhạc và Lệ, Đẹp và Dâm, Cuồng và Ánh sáng, Châu. 

Hai bài thơ độc đáo Tỳ bà Hoàng hoa đều nằm trong phần thứ nhất của thi tập - phần Nhạc và Lệ. 

Bài Tỳ bà gồm 28 câu thất ngôn chia làm 7 khổ nguyên văn như sau: Nàng ơi! Tay đêm đang giăng mềm/ Trăng đan qua cành muôn tơ êm/ Mây nhung pha màu thu trên trời/ Sương lam phơi màu thu muôn nơi/ Vàng sao nằm im trên hoa gầy/ Tương tư người xưa thôi qua đây/ Ôi! Nàng năm xưa quên lời thề/ Hoa vừa đưa hương gây đê mê/ Cây đàn yêu đương làm bằng thơ/ Dây đàn yêu đương run trong mơ/ Hồn về trên môi kêu: em ơi/ Thuyền hồn không đi lên chơi vơi/ Tôi qua tim nàng vay du dương/ Tôi mang lên lầu lên cung Thương/ Tôi không bao giờ thôi yêu nàng/ Tình tang tôi nghe như tình lang/ Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi/ Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi/ Đâu tìm Đào Nguyên cho xa xôi/ Đào Nguyên trong lòng nàng đây thôi/ Thu ôm muôn hồn chơi phiêu diêu/ Sao tôi không màng kêu: em yêu/ Trăng nay không nàng như trăng thiu/ Đêm nay không nàng như đêm hiu/ Buồn lưu cây đào xin hơi xuân/ Buồn sang cây tùng thăm đông quân/ Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi!  Vàng rơi: Thu mênh mông. 

Trước Bích Khê, quả thực thơ Việt chưa bao giờ có một bài thơ với lối diễn tả thanh điệu đặc biệt và độc đáo như thế. Thi phẩm, có thể nói đã gây ấn tượng mạnh mẽ với người đương thời, từ giới sáng tác đến các công chúng yêu thơ. 

Xuất phát từ thi tứ tả tiếng đàn, các thanh bằng tràn ngập và tuyền điệu trong thi phẩm như cuốn hồn người đọc lâng lâng theo những nhịp nhàng trầm bổng của âm nhạc và cảm xúc yêu đương. Hai câu thất ngôn khép lại bài thơ được Hoài Thanh xếp vào những câu thơ hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam hiện đại. 

Và rõ ràng không phải ngẫu nhiên, bài thơ Tỳ bà được rất nhiều nhạc sĩ phổ nhạc thành ca khúc. Có ít nhất bốn bản phổ của các nhạc sĩ Phạm Duy, Phú Quang, Nguyễn Tuấn Chương và Trương Thìn, trong đó nổi tiếng nhất là bản của Phạm Duy phổ năm 1949 và được thu âm từ trước 1975 qua giọng hát Thái Thanh. 

Toàn bộ phần lời của thi phẩm gần như được giữ nguyên vẹn, chỉ thay đổi một vài từ không đáng kể. Cấu trúc tuyền thanh bằng của lời thơ được giữ nguyên trong phần ca từ của bài hát. Giai điệu ca khúc thật đẹp, dìu dặt như một điệu nhảy, xoắn luyến điệp trùng, ngân nga tình tứ từ câu đầu đến câu kết, được nhạc sĩ ký âm với nhịp 12/8 theo điệu thức mi giáng trưởng.

Sau Thái Thanh, nhiều ca sĩ sau này cũng có bản thu âm và trình diễn bài Tỳ bà như Quỳnh Dao, Tấn Minh song với tôi, tiếng hát Thái Thanh vẫn là tiếng hát đắm đuối và mê mị nhất.

Bài bình thanh thứ hai, Hoàng hoa, có dung lượng ngắn hơn, chỉ gồm 18 câu thất ngôn chia làm ba khổ mỗi khổ 6 câu: Lam nhung ô! màu lưng chừng trời/ Xanh nhung ô! màu phơi nơi nơi/ Vàng phai nằm im ôm non gầy/ Chim yên eo mình nương xương cây/ Đây mùa Hoàng hoa, mùa Hoàng hoa/ Đông nam mây đùn nơi thành xa…/Oanh già theo quyên quên tin chàng! Đào theo phù dung: thư không sang!/ Ngàn khơi, ngàn khơi, ta ngàn khơi/ Làm trăng theo chàng qua muôn nơi/ Theo chàng ta làm con chim uyên/ Làm mây theo chàng bên nhung yên/ Chàng ơi! Hồn say trong mơ màng/ - Hồn ta! Hay là hồn tình lang?/ Non Yên tên bay ngang muôn đầu…/ Thâm khuê oan gì giam xuân sâu?/ - Ai xây bờ xanh trên sương người?!/ Ai xây mồ hoa chôn đời tươi

Bản nhạc Tỳ bà của Phạm Duy phổ thơ Bích Khê.

So với Tỳ bà, bài Hoàng hoa không nổi tiếng bằng, âm điệu cũng buồn hơn, đặc biệt là hai câu kết hơi bế tắc và u uất. Tuy nhiên về mặt diễn tả thanh điệu, Hoàng hoa cùng với Tỳ bà giống như hai viên ngọc lung linh, nhiệm màu trong các sáng tác của Bích Khê trước Cách mạng, tạo ra một ấn tượng độc đáo về biểu cảm nhạc tính, có thể coi là mẫu mực cho những người sáng tác ở thế hệ sau. 

Bài Hoàng hoa sau này cũng được Phạm Duy phổ nhạc cùng 8 bài thơ khác, tạo thành một album mang tên Dị khúc Bích Khê được phát hành năm 2011. 

Theo tư liệu gia đình kể lại cùng các hồi ký của bè bạn, hai bài Tỳ bà Hoàng hoa được viết ra đều để dành tặng riêng cho một người con gái có tên là Ngọc Kiều - một trong những mối tình của Bích Khê. Do gia đình cô gái cấm đoán, hai người không thể thành vợ thành chồng, mối tình mãi mãi dang dở nhưng những phút giây hạnh phúc bên nhau mãi là kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời.

Vỹ thanh

Sau Bích Khê, nền thơ Việt Nam hiện đại vẫn còn bắt gặp những câu thơ với nhiều thanh bằng liên tiếp, vừa tạo ra nét đặc biệt về nhạc tính, vừa có giá trị hình tượng cao. 

Điển hình nhất phải kể tới là những câu thơ bảy chữ trong bài thơ Tây tiến của Quang Dũng: Mường Lát hoa về trong đêm hơi (...) Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống/Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi (...) Mai Châu mùa em thơm nếp xôi (...) Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ. 

Thế nhưng cũng kể từ sau Quang Dũng, hiếm gặp những câu thơ bình thanh hoặc lộng lẫy, hoặc buồn bã, hoặc du dương như trước nữa. Những câu thơ bình thanh làm cho hay đã khó, mong chi có những bài thơ bình thanh toàn bộ như cách mà Bích Khê đã làm.

Cho mãi đến năm 1995, tôi mới bắt gặp một bài thơ đăng báo của Dương Quốc Phương Huy viết hoàn toàn với thanh bằng với nhan đề Tương tư: Buồn gần như ngày chưa quen em/ Hồn tôi lang thang như đi tìm/ Tìm đâu tri âm trong sương đêm/ Tìm đâu tri âm cho con tim/ Đêm nay ai gieo sầu lưng trời/ Trăng gieo muôn vàng trên vai tôi/ Than ôi nhưng trăng thì xa vời/ Mà đêm vô cùng đêm chơi vơi/ Chưa yêu em sao lòng nghe buồn/ Tay nâng dây đàn sao không buông/ Trời ơi sao tôi còn yêu đời/ Thuyền ơi sao thuyền chưa ra khơi/ Trăng ơi đêm mai còn gieo vàng/ Tôi ơi mai còn tương tư chăng?

Bài thơ của Dương Quốc Phương Huy gồm 14 câu bình thanh, viết sau Bích Khê hơn nửa thế kỷ nhưng theo quan điểm của tôi, vẫn chưa vượt ra được khỏi cái bóng lồng lộng mà Bích Khê để lại, các thi ảnh, cấu trúc trong bài thơ chưa có nhiều tìm tòi đổi mới, còn sử dụng lại những thứ đã quen thuộc, mòn sáo như: sương đêm, gieo vàng, nâng dây đàn…

Ước mơ có thêm những tuyệt phẩm bình thanh như Tỳ bà Hoàng hoa của Bích Khê có lẽ vẫn còn là điều phải chờ đợi. 

Đọc lại hai thi phẩm lừng danh của ông, càng thấy trân trọng thêm một tài năng thi ca, rực rỡ mà yểu mệnh, thế nhưng với những gì ông đã viết ra và để lại cho đời, đủ để làm ông sống mãi trong lòng người yêu văn chương Việt: Thân bệnh: ngô vàng mưa lá rụng/ Bút thần: sông lạnh bóng sao rơi/ Sau nghìn thu nữa trên trần thế/ Hồn vẫn về trong bóng nguyệt soi (Đề bia trước mộ).

Đỗ Anh Vũ
.
.