Đoản khúc buồn Đồng Đức Bốn

Thứ Hai, 11/07/2005, 07:39

Chưa đến mươi năm nghĩ và viết ra tuyền một thứ lục bát, Đồng Đức Bốn đã làm cho cái bình bình của thơ nước nhà nói chung và mặt bằng lục bát nói riêng gồ hẳn lên một cái lĩnh (không dám gọi đỉnh vì nhớ người xưa có dặn, nếu chưa đủ tiêu chí là đỉnh thì phải gọi bằng lĩnh).

1. Những chăn trâu đốt lửa những trở về với mẹ ta thôi những chuông chùa kêu trong mưa... năm hay sáu tập chi đó tôi không nhớ hết của các nhà Văn học, Hội Nhà văn... Đồng Đức Bốn lúc ồn ã lúc lặng thinh dọn cho mình một vuông chiếu riêng như thế bất biết những âm thanh lúc chói gắt lúc sắc lạnh của trường văn trận bút có cái thói hễ thấy cái chi lạ, thứ gì ngồ ngộ nói tóm lại không giống mình (hoặc nhỉnh hơn mình) thường ngay lập tức làm việc!

May là Bốn, nói như thế nào nhỉ, gọi là đứng về phía số đông thì chả phải mà lục bát của Bốn kén người. Kén nhưng găm vào người ta những câu đại loại Cầm lòng bán cái vàng đi/ Để mua lắm thứ nhiều khi không vàng hoặc Cánh hoa sắc một lưỡi dao/ Vì yêu tôi cứ cầm vào như không hay Thế rồi lại đến mùa thu/ Gió như Phật lại ngồi tu bên giời/ Đừng buông giọt mắt xuống sông/ Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm v.v.. và v.v... Tóm lại bao nhiêu thứ vu vơ ngớ ngẩn lẫn dài dại ma mãnh ấy, Đồng Đức Bốn đã đủ sức thân mật bá vai mà bạn bè, mà tri âm với nhiều, nhiều người lắm!

Giờ Bốn đã thành danh nhưng nhiều người vẫn nhắc đến thuở hàn vi của Bốn. Bây chừ thì là phụ trách Trung tâm Văn hóa doanh nhân Hải Phòng dưới trướng nhà văn Lê Lựu, nhưng trước đó hình như Bốn không có cái may mắn tòng sự ở một sở làm nào của Nhà nước? Hơn mươi năm trước không ai biết Bốn làm gì? Bốn complê cà vạt giày Tây bóng lộn nhưng có tiền đưa Bốn ba chục không thì hai chục cũng được. Có lúc Bốn quần áo nhàu nhĩ lôi thôi với cái ba lô lộn ngược tòn ten thì hẵng vứt mẹ (công việc) nó lại đã thích chi Bốn chiều kèm theo là động tác thòi ra một cuộn xem ra cũng bộn bạc!

Mùa xuân ngửa mặt nhìn trời

Kính tặng

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

Mùa xuân ngửa mặt nhìn trời

Thấy sông đang chảy, thấy người đang yêu

Thấy em ngồi đọc Truyện Kiều

Chùa xa chuông đổ đúng chiều tôi say

Hồn đi về phía heo may

Xác còn ở lại bên cây ngô đồng.

Hà Nội, Xuân 2004

Bốn giao du hình như với đủ thứ hạng người? Có người đặt cho Bốn biệt hiệu “Bốn lù”!  Bốn có vẻ khoái cái tên ấy là tự dưng lù lù xuất hiện lù lù làm phiền làm nhiễu người khác ấy mà... Rồi Bốn lại ngân nga: mang câu lục bát ra tiêu/ tôi mang về được chín chiều bão dông... Vậm vạp nhưng cân đối. Oang oác cái mồm và hay vằn mắt lên (Bốn tuổi Tý, tích lịch hỏa - lửa sấm sét) nhưng thủ thỉ và dịu lại được ngay. Người ấy, tính ấy chắc chả mấy ai khó chịu (nếu có chuyện chi dây với Bốn) khó mà điên lên nhất đấy lại là mấy bà mấy cô bạn Bốn?

2.Viết điếu văn cho mình. Soạn sửa mọi thứ, viết hẳn hoi ra giấy cho người thân kể cả tin buồn đăng trên tivi cho việc hậu sự thì tôi mục kích nhiều người làm thế rồi. Nhưng hiếm như Đồng Đức Bốn, điện thoại oang oác cho mọi người báo tin mình bị ung thư phổi! Nhất tướng nhị thanh. Tướng ấy thanh ấy thì Đồng Đức Bốn dính làm sao cái thứ khốn nạn ấy được? Mà tính tình đôi lúc chất chưởng là vậy? Khối người chả tin, khổ thế, có cả tôi!

Kể cả khi Bốn vạch ngực ra cho coi những dấu vết của sinh thiết và mớ dây nhợ lằng nhằng nối với cái chai chi lủng liểng đầu giường. Sắc mặt vẫn bong bóng và thứ cơ giời cho vẫn cuồn cuộn trên bắp tay như mọi khi? Chỉ lúc gặp riêng ông bác sĩ ngoài hành lang thì mới hay đúng vậy và đã là giai đoạn cuối... Giai đoạn cuối? Được bao lâu nữa? Khác với chất giọng lạnh tanh của giống người giời cho cái thiên chức đọc trước được những cái chết, ông bác sĩ nói mà như thở hắt ra phát hiện chậm quá. Thôi thì xạ trị lẫn truyền hóa chất, vớt ngày nào hay ngày đó...

Phòng trong lại đang oang oác chất giọng Đồng Đức Bốn mà ngày nào thấy quen thấy thuộc, cứ ngỡ như bất biến như nó phải mãi thế mà bữa nay thoắt đâm là lạ lẫn xa xăm? Bốn đang công khai với Nguyễn Huy Thiệp và nhà thơ Trần Huy Tản việc sẽ sang Trung Quốc chữa bệnh (trước đây có lúc nghĩ về Thiệp với Bốn, tôi ngỡ như Bá Nha với Chung Tử Kỳ tái thế? Bằng cớ Thiệp nắc nỏm thơ Bốn ngoài bằng miệng ra lại cho in lời tựa cho đăng bài khen thơ Bốn báo này sách khác... Lại có hẳn một truyện ngắn dùng thơ Đồng Đức Bốn làm tứ hẳn hòi).

Chả là nhà thơ Trần Huy Tản có mối bên đó và người nhà của Trần tiên sinh mắc chứng bệnh như Bốn sang bên đó điều trị nay đã đơ đỡ!? Lặng ngó Bốn ngồi chíp bằng trên giường bệnh, tay lúc mân mê lúc khư khư miếng sừng tê giác nhà văn Hữu Ước cắt cho (mà ai tới cũng đem ra khoe vật báu ấy) lúc thì gật gù chia sẻ với mấy người niềm tin mai kia sang Tàu sẽ gặp được Hoa Đà tái thế, lúc thì thao thao đọc thơ, tôi chợt bừng ra cái điều, khoảng cách giữa Bốn với chả riêng chi tôi mà với nhiều người với thiên hạ, nó vời vợi lẫn thăm thẳm!

Đành một nhẽ là tính người là tính cách nhưng thử cái căn bệnh quái ác ấy nó vận vào mình xem liệu có được cái kiểu ngồi chíp bằng và khẩu khí như lúc thường của Đồng tiên sinh này không nhỉ? Trời ơi, lại còn thơ nữa chứ? Thấy mà như không thấy cái kiểu hí húi mỗi khi Bốn viết. Hình như nặng nhọc hơn mọi khi trên góc một tập giấy khổ A4 hiện ra những dòng này: Tặng Xuân Ba 20 bài thơ viết trên giường bệnh. Hy vọng đây không phải là bài thơ cuối cùng...--PageBreak--

3. Bẵng đi ít hôm, nghe tin Đồng Đức Bốn ngừng xạ trị, rời Bạch Mai về nhà dưới Hải Phòng truyền hóa chất, tiện bữa chủ nhật mưa, mấy anh em chúng tôi rủ nhau ghé Bốn. Cái xóm ngoại thành nhà Bốn có cái tên đến là lam lũ lê lác. Căn nhà hơn tỷ, Bốn mới làm mà người ta kháo lâu nay có lẽ cũng chả tới tầm tiền ấy, nhưng khá nổi trong cái xóm Lê Lác này Bốn ơi nhà cửa mà chi... Lúc vô cổng, thấy anh bạn cùng đi chợt rên lên như vậy, tôi thấy cũng chả nên thế. Thôi thì mệnh có đoản, giời có bắt thế, nhưng để lại cho vợ con cái xác nhà này thì cũng được chứ sao?

Tấm chân dung chủ nhà ngồi kề bên nhà thơ Tố Hữu được bố trí ngay cửa ra vào khiến ai thoạt mới bước chân vào cũng chú ý kèm bút tích của nhà thơ Tố Hữu: Đồng Đức Bốn, một tiếng đờn đồng điệu ngọt ngào và chua xót. Thân mến, Tố Hữu. Ngọt ngào thì rõ. Thế còn chua xót? Sao thế nhỉ? Bức ảnh này Đồng Đức Bốn chụp với Tố Hữu đâu như năm 2000... Điềm triệu chi đây? Mà thôi, trước cái hồi chưa phát chưa dính bệnh, chính Đồng Đức Bốn đã từng thản nhiên bao lần với cái chết như thế: Trở về với mẹ ta thôi/ Lỡ mai chết lại mồ côi dưới mồ/ Bây giờ con chẳng có gì/ Cúi đầu lạy mẹ con đi về trời/ Tôi giờ về với trăng sao/ Xin trời một trận mưa rào đón tôi v.v...

Nhà đang có khách... Tôi nhận ra ông bà nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Lại cả nhà làm phim Văn Lượng của Đài Truyền hình Hải Phòng và tốp làm phim. Sau mới biết họ đang thực hiện một bộ phim về Đồng Đức Bốn! Ông bà nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đi công tác cũng tiện ghé qua thăm... Trời cho được cái lộc thơ/ Cứ theo núi Tản Tây Hồ lội sương. Bất giác câu thơ của Bốn ập về trí nhớ...

Gửi người đang dệt tầm gai

Một người đang dệt tầm gai

Nơi ở không phải đất đai mùa màng

Một người hồn vẫn bỏ hoang

Cho thơ cùng với trăng vàng đến chơi

Một người tưởng đã bỏ rơi

Lạ quen quen lạ suốt đời lạ quen

Một người hồn vẫn cài then

Cho tầm gai chẳng rối ren chút nào

Mười dòng sông chảy máu đào

Mười ngón tay của trăng sao nuột nà

Mười dòng sông khát phù sa

Đưa em về chốn người ta vẫn chờ.

Hà Nội, 2004

Lâu nay đã nghe nhiều về mối thâm giao giữa tác giả Mặt đường khát vọng với nhà thơ Đồng Đức Bốn. Bạn chừ đóng gạch nơi nao/ Văn chương lấm láp vêu vao mặt người... Lòng yêu yêu đến trong ngần/ Đường xa thương vết chân trần bạn tôi/ Mong sao bạn bớt bùi ngùi/ Cố làm thơ nữa để rồi gặp nhau... Đó là những câu thơ mà nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm tặng nhà thơ Đồng Đức Bốn vài năm trước. Tôi chứng kiến sự gật gù của nhiều người rằng, vị Ủy viên Bộ Chính trị này có những câu (biết hay là dám đây) vượt thoát lên chức vụ, vượt thoát lên quan chức, xích gần nối liền lại khoảng cách mà chỉ thi nhân với thi nhân mới làm được?

Quà của vợ chồng nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm tặng Đồng Đức Bốn bữa nay là một cái chuông điều khiển từ xa. Bốn bấm thử. Căn phòng bảng lảng thứ âm thanh trầm ấm, diệu vợi, mông lung... Ngoài kia, ngoại thành Hải Phòng đang mưa. Chuông chùa kêu trong mưa là thơ Bốn. Chao ôi, những kinh kệ chuông mõ những là y bát mà rơi vào tay thi nhân họ Đồng này thì chỉ có mà thành lục bát?

Chuông chùa Trấn Quốc ngân nga/ Buồn như gái nhớ chồng xa chưa về. Tôi nhận ra Bốn thoắt xanh xao và võ vàng. Mà mới mấy ngày chứ bao xa? Giọng khàn và rè... Cũng có thể là do chạy xạ và truyền hóa chất. Cũng có thể thế này thế khác của khối u đang di căn! Ngồi một lúc với người vợ tao khang của Bốn mà thấy cồn lên hộ Bốn bao thứ đang dang dở đang bộn bề. Quỹ thời gian của Đồng Đức Bốn ai dám biết còn bao lăm nữa nếu mà đã sắp cạn kiệt rồi thì làm sao mà trang trải cái nỗi bà mẹ năm nay chín mươi hai tuổi.

Nói dại mồm ngày mẹ đi, Bốn có cái phúc được chống gậy đi lùi trước linh cữu mẹ? Nhỡ mai chết lại mồ côi dưới mồ! Nhẽ nào lại gở như cái câu mấy năm trước? Rồi cái tuyển dễ hơn một ngàn trang thơ lục bát liệu Bốn có kịp nhìn? Đứa con gái út hai năm nữa mới vào đại học... Mà Bốn mong làm sao có mặt vào cái ngày ấy! Nói tất tật với vợ những điều trần thùi lụi không phải lục bát ấy nghĩa là thật, nghĩa là Đồng Đức Bốn phải thế này thế nọ mất rồi!

...Ngồi giữa anh em đồng nghiệp, trong âm thanh rù rù vo vo bánh xe lăn ngược về Hà Thành mà thi thoảng tôi cứ giật thột khi tâm trí cứ ngược về một ngày mưa dai ấy của năm hai ngàn. Năm ấy tiết này, chúng tôi đi với ngành chè, đang ngược mãi giữa điệp trùng núi non của Nghĩa Lộ. Cũng cái lòng xe na ná như xe này, bên tôi một bên là Bế Kiến Quốc và một bên là Đồng Đức Bốn. Giờ một người đã đi, một người sắp khuất! Hơi điều hòa hay gió mà thốt nhiên lạnh cả hai vai?

5/2005
.
.