Dìu nhau cuối quãng đường trần

Chủ Nhật, 08/10/2017, 08:00
Người già ở trung tâm xã hội, không đơn thuần bấu víu vào đó để bước qua cuộc đời lay lắt; mà họ biết vượt qua nỗi đau của mình, để cúi xuống, để dìu dắt, để cùng người cùng cảnh đi hết cuộc đời, hết quãng đường trần này.

Ông vỗ tay vào đùi trái, nơi mà phía dưới, chính xác là từ đầu gối trở xuống, phần xương thịt ấy đã tan nát theo bom đạn của gần 50 năm trước, rồi bảo: "Đây, bác chỉ mất khúc chân này chứ mấy. Sinh lực thì vẫn đang tràn trề, nên ngày nào còn sống, ngày nào còn khoẻ, là bác sẽ vẫn tiếp tục nuôi heo, tiếp tục giúp đỡ những người cùng cảnh mà yếu hơn mình, vậy thôi. Mà ở đây, ai cũng thế cả".

Người đàn ông ấy, là Hồ Văn Minh, 63 tuổi, hiện đang ở Trung tâm Xã hội tỉnh Quảng Nam (có địa chỉ tại số 1 Phạm Hồng Thái, TP Hội An). Ở đây, còn có những người khác, mặt dù tuổi rất cao, như bà Phan Thị Toàn (87 tuổi) chẳng hạn, vẫn đang miệt mài giúp đỡ những "phận già không người thân thích".

1. Ông nhìn tôi, chính xác là lẩn tránh ánh mắt đầy cảm xúc, để đăm chiêu những hoạt cảnh bên ngoài cửa sổ. Giọng ông chùng xuống, nhớ về tuổi thơ; khổ nỗi, tuổi thơ thời bom đạn, ký ức chỉ là những tiếng súng khô khốc, đôi khi rách bươm, rươm rướm máu. 

Một buổi trưa giữa năm 1967, khi đang ngoài cánh đồng, cậu bé 12 tuổi tên Minh nghe tiếng bom rơi, bèn hốt hoảng trở về nhà. Cách cổng nhà không xa, Minh thấy một quả bom rơi xuống giữa nhà mình. Trong lúc bấn loạn chưa kịp định thần, thì thêm một quả bom nữa, rơi xuống, nổ toạc. 

Tỉnh dậy, sau vài lời hỏi thăm hoảng hốt, Minh biết mình đang nằm viện ở Đà Nẵng. Khi thuốc tê tan đi, cơn đau ở đầu gối bên trái kéo đến, Minh mới biết mình bị cụt mất một chân.

Nhưng nỗi đau thân xác ấy, sau khi hành hạ Minh vài tháng trời, cũng đành lẳng lặng bỏ đi. Còn nỗi đau trong lòng, Minh nặng mang mãi, mà đến giờ, khi tôi hỏi: "Có khi nào bác thôi nhớ về gia đình mình không?", thì ông bảo: "Làm sao mà quên được, dù tất cả không còn". 

Rồi mặt cúi gằm, tuổi thơ bom đạn lại trở về. Ông nhớ lúc hai quả bom liên tiếp rơi xuống nhà, mà trong đó, có cô, mẹ và em trai mình. Mồ côi cha từ bé, sau hai tiếng bom khô khốc, Minh mất luôn cả cô, mẹ, em trai và… cái chân trái. Sau một năm nằm viện ở Đà Nẵng, Minh được chuyển sang ở cô nhi viện. 

Ở đó cho đến cuối năm 1979, đầu năm 1980, các sơ ở cô nhi viện "bàn giao" Minh lại cho Trung tâm Xã hội tỉnh Quảng Nam. Từ năm 1967 đến nay, chưa một lần ông trở lại Tiên Phước, vì gia đình không còn ai, và vì sợ gặp lại sẽ đau hơn.

Biến cố đời người, tất nhiên, sẽ biết cách biến họ thành kẻ không nhà, không người thân. Rồi thậm chí, phải lang thang, phải tha phương cầu thực; để rồi khi bước chân vào tuổi già, có một nỗi niềm lơ lửng mãi, ở trên mái tóc hai màu. Nghĩ điều này, ông Minh nói rằng mình vẫn còn may mắn hơn những người cũng như mình, nhưng đang ngày đêm  phải vạ vật ở ngoài kia. 

Nên từ cậu bé ở cô nhi viện, đến một ông già 63 tuổi ở trung tâm xã hội, ông luôn biết cách gói ghém nỗi đau riêng mình, để tâm hồn tràn đầy lạc quan. Nhưng trước hết, mà gần gũi nhất, là ông biết hoà mình vào nỗi đau chung của những ai đang như mình. Ông vẫn cần mẫn, miệt mài chăm sóc họ, như cách mà các sơ, các hộ lí chăm sóc ông trước đây.

Ông Minh chăm sóc đàn heo để cải thiện bữa ăn cho trung tâm. 

Qua nói chuyện, tôi biết ông không khéo miệng, nên chắc chắn rằng, điều khiến ông "lấy lòng" được mọi người, là sự chân thành, sẻ chia tự thẳm sâu trái tim đã từng thấm máu.

Và khi lấy lại cân bằng trong tâm trí cho người cùng cảnh, ông nhận ra rằng, mình vẫn còn tràn đầy sức khoẻ, nên xin lãnh đạo trung tâm nuôi heo, để cải thiện bữa ăn cho mọi người. Tất nhiên, điều này được duyệt; và tất nhiên, phải trầy trật vài tháng, ông mới quen với công việc. 

Tôi hỏi: "Bác lớn tuổi rồi, lại bị khuyết tật, sao không nghỉ ngơi cho đỡ nhọc". Ông liền từ tốn: "Nhưng bác vẫn còn sức mà. Mà đã còn sức thì phải làm. Ở đây, mình được cưu mang, thì ngay khi có thể, mình phải cùng những người cưu mang mình giúp đỡ những người bất hạnh hơn mình chớ". 

Hôm tôi đến, ông Minh đang bận bịu phía sau nhà, chính xác là nơi chuồng heo. Một tay cắp nạng, còn một tay kia, lúc thì cầm vòi nước để xịt rửa, khi thì xách xô đựng thức ăn để trút vào máng. Một cách thuần thục. Nhìn tôi cười, ông bảo, mất một chân bất tiện đấy, nhưng mà, hễ cái gì mình ưng, mình cố gắng, thì làm riết rồi sẽ quen, rồi sẽ… dễ như trở bàn tay. Chuồng heo này, là nguồn cung cấp thịt hằng ngày của những người ở trung tâm.

2. Như trên đã nói, ở trung tâm này, duy trì một phương châm, là những người có sức sẽ cùng hộ lý chăm sóc người mất sức. Nên hành trình… nuôi heo của ông Minh không đơn độc, khi ông có người bạn già cùng chung sức, đó là bà Phan Thị Toàn (87 tuổi). Và cũng như ông Minh, bà Toàn mất cả gia đình vì bom đạn, có khác, là bà… bị mất tay trái, chứ không phải chân trái như ông Minh mà thôi. 

Nên ngoài tâm sự, sẻ chia nỗi đau với những người già khác ở trung tâm, bà Toàn hay cắp giỏ đi hái rau về giúp ông Minh nuôi heo. Bà bảo, nhờ năng đi lại như vậy, mà bệnh tật ít "ghé thăm", đã gần 90 tuổi, bà vẫn còn đủ sức lực để sẻ chia sự vất vả của các hộ lí ở đây.

Hôm tôi đến, khoảng một tiếng đồng hồ sau, là đến giờ ăn chiều. Trong một căn phòng ở trung tâm, toàn là những người già yếu, có người thậm chí không tự ngồi dậy được, mọi sinh hoạt phải nhờ vào sự giúp đỡ của người khác. 

Lúc này, trong căn phòng này, các hộ lí đang cho các cụ ăn. Và nơi góc gần cuối phòng, tôi bắt gặp hoạt cảnh không thể cảm động hơn: Bà Toàn đang bón thức ăn cho một người bạn già của mình. Mặc dù tuổi cao, mặc dù bị mất một tay, xong bà Toàn cho ăn rất chỉn chu.

Không thể nhanh nhẹn như các nữ hộ lí trẻ, song, bà vẫn cần mẫn quấn khăn ăn trước ngực bạn mình, để thức ăn khỏi rơi vãi trên người bạn. Rồi trong khi tay run run đút thức ăn cho bạn, bà Toàn há miệng, kiểu như người lớn "dụ" con nít khi cho ăn. Bà lặp lại như thế, kiên trì như thế, cho đến khi bạn mình ăn hết khẩu phần.

Bênh cạnh phòng các cụ già, là phòng các bé, các chị bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc mới sinh ra, vì bệnh tật. Trên chiếc giường ở góc trái phòng, tôi thấy chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh (39 tuổi) - Tổ trưởng Tổ Hộ lí đang cùng Thuý xếp quần áo. 

Trong khi trước mặt chị Ánh và Lý, là Hạnh, với tay chân quăm quắp những vẫn cố gắng ngồi ghế, bón cho bạn của mình đang nằm giường ăn. Sau này, trước khi rời trung tâm, hỏi mới biết, ở đây, có khoảng 100 người đang được nuôi dưỡng; đó là người già yếu không nơi nương tựa, trẻ khuyết tật… 

Và trong số này, có đến hơn 60% là người mất sức nặng, không tự chăm sóc cho chính mình. Trong khi đó, chỉ có 10 hộ lí, nên những người được cưu mang ở đây, dù tuổi già, nhưng hễ còn sức là giúp các hộ lí chăm sóc những người yếu hơn.

Mặc dù tuổi cao bị mất một tay nhưng bà Toàn vẫn giúp các hộ lý cho bạn cùng phòng của mình ăn.

3. Đợi đến khi các cụ và những người khác ăn xong, tôi mới bắt chuyện với Ánh. Chị bảo, mình làm hộ lí ở đây đã 14 năm, có chồng làm thợ hồ và hai cháu. 

Nhớ lại thời điểm mới vô làm, Ánh sợ lên sợ xuống. Tôi hỏi vì sao, chị thật thà kể, là vì thời điểm đó, là lần đầu tiên bắt gặp những con người bất hạnh như vậy. Chị không biết bắt đầu như thế nào để không làm phật lòng họ, nhất là người già. 

Bởi lẽ, những người phải nhờ đến sự cưu mang của trung tâm, thường có tâm lí dễ nóng nảy, kiểu như bất cần mọi thứ. Nên phải một tuần sau, chị mới bắt nhịp với mọi việc.

Tôi hỏi, 14 năm ở đây, điều gì khiến chị nhớ nhất? Thì chị cười, kiểu như chẳng biết đích thị chính xác điều gì. Nhưng qua những gì nói chuyện, có thể hiểu, điều ám ảnh chị đến lúc này, có lẽ là ánh mắt đăm chiêu của các cụ, khi ngồi nghĩ ngợi điều gì. Vì chị cũng có mẹ, cũng có bà. 

Nên chị hiểu, người già, đôi khi nghĩ về chông chênh tuổi mình, là đối với những người có con cháu, gia đình chăm sóc. Còn với những cụ ở trung tâm xã hội, thì sự chông chênh ấy, không biết sẽ mông lung đến nhường nào.

Nên chị quan niệm, có thể mình không hiểu hết những gì các cụ ở trung tâm nghĩ, nhưng ít ra, mình sẽ thấu hiểu phần nào tâm tư của các cụ. Và chị chọn cách giáo dục con rất thực tế, là thỉnh thoảng đưa hai con của mình đến trung tâm, để cùng các cô hộ lí khác tập chăm sóc cho người già. 

Có thể đó là sự chuẩn bị của chị, cho mười, hay mười lăm, hay hai ba mươi năm sau nữa. Riêng tôi thì nghĩ, điều đó rất hay và đậm nhân văn. Rồi chợt nhớ tựa cuốn sách Hãy chăm sóc mẹ đình đám một thời.

Và trước khi ra về, tôi dạo tiếp một vòng quanh trung tâm. Ở đó, tôi bắt gặp cảnh các cụ già sức yếu, ngồi tụm năm tụm bảy ăn uống ngon lành. Trong căng tin của trung tâm - nơi dành cho những người còn khả năng đi lại đến ăn uống, một nhóm người từ thiện mang thêm thức ăn cho các cụ. Tôi nhìn, ánh mắt đầy vui tươi. 

Và qua những gì ở ông Minh, bà Toàn, tôi nghĩ, người già ở trung tâm xã hội, không đơn thuần bấu víu vào đó để bước qua cuộc đời lay lắt; mà họ biết vượt qua nỗi đau của mình, để cúi xuống, để dìu dắt, để cùng người cùng cảnh đi hết cuộc đời, hết quãng đường trần này.

Xuân Thọ
.
.