Thượng tướng tình báo Nga Khadzhi - Umar Mamsurov, bí danh "Đại tá Ksanti":

Điệp viên "Chuông nguyện hồn ai"

Thứ Tư, 27/04/2011, 15:18
Ernest Hemingway đã nảy sinh ý tưởng viết cuốn sách này khi đang là một phóng viên chiến trường chuyên viết cho tờ "North American Newspaper Alliance" trụ lại ở trong thành Madrid bị bủa vây bởi lực lượng phát xít, dưới những đợt pháo kích và không kích dữ dội bốn phương. Ra đời trước là những truyện ngắn về nội chiến và vở kịch dài duy nhất của ông, Đạo quân thứ năm viết về những chiến sĩ tình báo ở Tây Ban Nha.

Mãi tới năm 1940, Chuông nguyện hồn ai mới được xuất bản, khi trên thế giới đang diễn ra một cuộc chiến tranh khác với quy mô và cường độ lớn hơn nhiều. Ở thời điểm năm 1937, Hemingway đã không dễ dàng để hiểu một cách rành rẽ bản chất của những sự việc diễn ra tại Tây Ban Nha. Trái tim ông tất nhiên là ở cùng phe với những người Cộng hòa.

Ông đã tận mắt nhìn thấy những trận chiến ác liệt từ hai phía  - không chỉ ở nơi sa trường lửa đạn mà cả ở hậu phương. Những người Cộng hòa hiểu rõ là họ không thể để cho lực lượng phát xít bắt làm tù binh nên nhiều người trong số họ đã mang theo mình một lọ đựng thuốc độc, hoặc dành cho cá nhân mình những viên đạn cuối cùng.

Và bộ phận an ninh của những người Cộng hòa cũng hành xử cực kỳ khắc nghiệt: "Đạo quân thứ năm" không phải là một thuật ngữ tuyên truyền mà là một hiện thực tại một đất nước đã bị gần như là xẻ đôi thành hai phần thù nghịch lẫn nhau. Cơ quan phản gián của những người Cộng hòa cũng không nương tay với những đồng minh cũ như các phần tử vô chính phủ hay những phần tử theo chủ nghĩa Trotski.

Quy luật phân cực tất yếu các lực lượng trong nội chiến cũng đã hiển hiện cả ở Tây Ban Nha thời đó: Tất cả những phong trào cánh tả đều tụ quanh Đảng Cộng sản, còn cánh hữu - quanh lực lượng phát xít. Nhóm đầu được sự hỗ trợ của Pháp (trong giai đoạn đầu nội chiến) và Liên Xô. Nhóm sau được Italia và Đức hỗ trợ. Đường quay về đã bị cắt.

Hemingway (đứng giữa) ở chiến trường Tây Ba Nha.

Chiến tranh và tình yêu khi đó đã đan xen nhau trong số phận Hemingway - ông đã chia sẻ buồn vui sướng khổ với nữ phóng viên Mỹ Martha Gellhorn và đó đã là một tình yêu với mùi vị của những mối nguy hiểm chết người. Cũng trong thời gian đó, Hemingway giao du với rất nhiều phóng viên và quân nhân nhưng đó chỉ là tình bằng hữu bị đầu độc bởi những sự quay quắt chính trị và không hiếm khi những người bạn cũ lại trở thành cừu thù…

Mỗi người trong số họ phải tự lựa chọn chỗ đứng của mình và điều đó có thể biến họ thành những đối thủ của nhau. Hemingway đã viết về sự lựa chọn của mình trong Chuông nguyện hồn ai: "Trong thời gian chiến tranh, anh đã buộc mình tuân theo kỷ luật cộng sản. Tại đây, ở Tây Ban Nha, những người cộng sản đã bộc lộ tính kỷ luật tốt nhất và cách hành xử tỉnh táo nhất đối với chiến tranh. Anh thừa nhận kỷ luật của họ trong thời gian này vì ở nơi liên quan tới chiến tranh, đó là chính đảng duy nhất có chương trình và kỷ luật mà anh có thể kính trọng".

Hemingway có cơ sở để đưa ra quan điểm này về chiến sự. Ông đi nhiều hơn, thấy nhiều hơn, gặp gỡ với nhiều người khác nhau - từ các nhà chỉ huy tới những người nông dân bình thường trong các  đội du kích. Và ông dần dà hiểu ra rằng, chỉ bằng những hoạt động du kích mang tính vô chính phủ thì không thể thắng được lực lượng phát xít…

Tất cả những chi tiết trên đều phải trở thành "xương cốt" của tiểu thuyết - tư liệu và ấn tượng. Chỉ thiếu một "linh hồn" - một nhân vật chính! Nhân vật chính này sẽ phải mang tới mạch truyện chủ đạo, liên kết và thổi hồn cho những trường đoạn riêng lẻ, biến chúng thành một tác phẩm về tình yêu và chiến tranh, lòng chung thủy và sự phản bội, tinh thần anh hùng và sự hèn nhát; cuối cùng là về sự sống cùng cái chết.

Nhà văn đã gặp nhiều chàng trai cừ khôi - ở bộ tham mưu, ngoài mặt trận, trong các đơn vị quốc tế cũng như tại các đội du kích. Ông đã viết về họ - trong các bài báo và các truyện ngắn, trong cả vở kịch duy nhất của mình Đạo quân thứ năm. Thế nhưng cho tới lúc đó, ông vẫn không tìm ra nhân vật chính cho cuốn tiểu thuyết của mình ở Tây Ban Nha.--PageBreak--

Cuộc phỏng vấn trong khách sạn Florida

Cái tên "Đại tá Ksanti" được nói tới ở Madrid một cách thầm thì, không phải ở bất cứ nơi nào và cũng không phải với bất kỳ ai. Những đồn đại về con người được cho là dân Macedonia này đã trở thành huyền thoại. Không ai được nhìn thấy tận mắt "Đại tá Ksanti" nhưng người ta nói rằng, trông bên ngoài ông giống như một người Tây Ban Nha.

Ông ít nói và ít giao tiếp, nhưng một khi đã cười thì cười rất niềm nở, hở hết cả hàm răng trắng tinh ra.  Dưới quyền chỉ huy của ông có những người du kích (guerilleros) đầy quả cảm. Đội quân nhỏ bé này thỉnh thoảng lại biến khỏi Madrid và sau đó, xuất hiện tin ở đâu đó trong hậu phương  của lực lượng phát xít đã bị nổ tung cả kho vũ khí, còn ở một nơi khác nữa thì những máy bay ném bom của phát xít Đức lắp đầy bom đã bị nổ tung khi còn đang đậu trên sân bay; Sau đó những người du kích lại trở về và náu mình vào các cư dân ở Madrid. Người Tây Ban Nha đã tin rằng, Ksanti bất khả xâm phạm, không gì có thể đụng tới ông được… Còn bản thân người chiến sĩ tình báo này trong lúc đó đang ngồi ở đâu đó rất kín đáo nghiên cứu bản đồ để tổ chức những trận chiến đấu mới…

Hemingway đã nhiều lần định tìm "Đại tá Ksanti", hỏi tin tức thông qua các phóng viên và quân nhân quen biết. Một lần, phóng viên báo Pravda thường trú ở Tây Ban Nha, Mikhail Koltsov nói:

- Anh muốn phỏng vấn Ksanti phải không? Tôi có thể sắp xếp cho.

Và cuộc gặp gỡ đã diễn ra tại khách sạn Florida ở Madrid. Hemingway lập tức bị cái duyên của người đối thoại hấp dẫn. Trước khi bước vào trò chuyện, nhà báo Mỹ hỏi xem chủ nhà có rượu vang không. Ở Tây Ban Nha, Hemingway bắt đầu thích rượu vang đỏ nhà làm và chỉ ở khách sạn ông mới dùng thứ rượu nặng absenthe. Ksanti mang ra một vò rượu vang và chỉ một cái cốc.

Mộ phần của tướng Mamsurov.

- Tôi không uống rượu. Lệ nhà tôi là như thế. Cha tôi cũng không bao giờ uống giọt rượu nào.

Nhìn bên ngoài, gương mặt của người chiến sĩ tình báo rất thản nhiên, không thể biết ông đang trong tâm trạng nào.

Hemingway hỏi, còn Koltsov đóng vai trò phiên dịch:

- Ông là ai, tên thật của ông là gì?

- Ở đây gần như tất cả những người nước ngoài đều mang bí danh. Đối với mọi người, tôi là Ksanti, một thương gia người Macedonia, tới Tây Ban Nha từ Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi đã tình nguyện gia nhập đội du kích dưới sự chỉ huy của  Durruti  (thủ lĩnh của lực lượng vô chính phủ ở Tây Ban Nha khi đó, - PHD), từng chiến đấu gần Barcelona và Zaragoza. Rồi chẳng bao lâu sau tôi trở thành cố vấn của chỉ huy, đứng đầu "đội quân của Durruti" lên ứng cứu cho thành Madrid đang bị vây hãm tháng 11/1936…

- Ông đánh giá thế nào về khả năng tác chiến của các đội quân vô chính phủ? Liệu Bộ Tư lệnh Trung ương có thể trông cậy vào họ được không?

Ksanti ngập ngừng. Ông không muốn nói không hay về những người bạn chiến đấu và nhà cách mạng đích thực Buenaventura Durruti.

Có thể, ông đang nhớ lại cuộc gặp gỡ đầu tiên với thủ lĩnh. Khi đó, Durruti đã nói: "Cậu là người cộng sản duy nhất trong đội quân của tôi. Chúng tôi sẽ xem cậu có ích gì. Cậu sẽ luôn phải ở cạnh tôi". Ksanti đã hỏi: "Trong chiến tranh cũng có những lúc rảnh. Hãy để tôi thi thoảng rời xa anh". Chỉ huy ngạc nhiên hỏi: "Để làm gì?".

Người chiến sĩ tình báo giải thích: "Tôi muốn dạy cho các chiến sĩ của anh bắn súng máy. Họ bắn súng máy còn tồi lắm. Cần phải thành lập các trung đội bắn súng máy". Durruti nhìn chằm chằm vào Ksanti một lúc lâu. Rồi ông nói: "Vậy thì hãy dạy cả tôi nữa".

Từ cuộc gặp gỡ đó hai người trở thành đôi bạn. Khi Durruti chết bất đắc kỳ tử ở tuổi 40 (cuối tháng 11/1936) trong phòng giải phẫu được đặt ở tòa nhà cũ khách sạn Ritz, đám tang của thủ lĩnh của lực lượng vô chính phủ này có tới hàng trăm nghìn người Tây Ban Nha tham dự. Vì thế nên Ksanti đã im lặng và khi đó, Koltsov đã trả lời thay ông với phong cách hài hước quen thuộc của mình:

- Tất cả những người vô chính phủ đều là những chiến sĩ cách mạng lãng mạn. Thời thế đã cho thấy, họ thích đấu hót về cách mạng và đi diễu binh, hơn là thực sự chiến đấu.

Hemingway kể ra một số chiến tích mà người đời cho là do Ksanti lập nên rồi hỏi, đó có phải là sự thật hay không?

- Cũng có cái là thật. Nhưng bây giờ tôi ít khi đi ra trận trực tiếp lắm. Nhưng bù lại, tôi có thể lập kế hoạch các trận đánh một cách tỉ mỉ hơn. Tôi đào tạo các tình báo viên và các biệt kích - những chuyên gia như thế cần thiết cho tất cả các mặt trận.

- Có thực là đạn tránh Ksanti hay không?

- Thực tiếc là không, tôi đã từng bị thương không chỉ một lần, thậm chí là còn bị thương nặng. Điều tưởng tượng đó được tạo ra có lẽ là vì tôi rất nhanh hồi phục và quay lại với đơn vị ngay.

- Hiện giờ chức vụ của anh được gọi là gì?

- Tôi là cố vấn về tình báo và biệt kích của Quân đoàn 14.

Cuộc trò chuyện diễn ra trong mấy giờ liền. Hemingway muốn biết rõ chi tiết về việc đặt mìn phá hoại.

- Chuyện này khó có thể kể bằng lời được, - lần đầu tiên Ksanti mỉm cười. - Trong công việc của chúng tôi có nhiều yếu tố cấu thành lắm… Cần phải tận mắt nhìn, tận tay sờ thì mới hiểu được…

- Vậy hãy cho tôi tới xem đi. Hãy cho tôi đến nơi dạy những việc này, - Hemingway yêu cầu.

Ksanti hứa sẽ hỏi ý kiến của Bộ chỉ huy, dù lời nói quyết định vẫn phải là của ông.

Khi nhà báo Mỹ ra về rồi, Ksanti nói:

- Tôi không thích cái anh phóng viên này.

- Chúng ta cần để anh ấy viết sự thật về cuộc đấu tranh của chúng ta, - Koltsov giải thích. Ernest là một chàng trai rất cừ, một nhà báo dũng cảm và trung thực. Anh hãy cho anh ấy tới thăm doanh trại. Các chiến sĩ của anh sẽ để mắt tới anh ấy.

Ksanti đồng ý.

Tháng 3/1937, Hemingway được đưa vào thăm trại huấn luyện, được tận mắt nhìn thấy cảnh đào tạo biệt kích.

- Liệu tôi có thể cùng đi thực hiện nhiệm vụ được không? - nhà báo hỏi người giảng viên ở trại.

- Nếu Ksanti đồng ý thì được.

Lần này, Ksanti cũng lại đồng ý.

- Nhưng các cậu không được để cho anh chàng nhà báo uống rượu nhé, - ông nhắc Pepe, chỉ huy nhóm chiến sĩ đi làm nhiệm vụ ở hậu phương của lực lượng phát xít.

10 chiến sĩ du kích và Hemingway vượt qua chiến tuyến. Tất cả mọi người, chỉ trừ nhà báo, đều mang theo  mỗi người 20 kilôgam thuốc nổ. Mặc dù ba lô nhẹ nhưng nhà báo phải cố gắng lắm mới theo kịp bước đi của đội du kích. Đi cuối đoàn là một chiến sĩ có biết chút ít tiếng Anh.

- Sao cậu lại vào đội biệt kích này? - Hemingway hỏi.

Anh du kích cười:

- Chắc là do máu nóng. Cha tôi, Boris Savinkov cũng từng là một chiến sĩ biệt động Nga khét tiếng…

Tại Tây Ban Nha, Hemingway đã gặp biết bao nhiêu là kiểu người. Trong đội ngũ những người Cộng hòa có rất nhiều chiến sĩ và cố vấn Liên Xô. Phía bên kia cũng có người Nga, nhưng xuất thân từ Bạch Vệ lưu vong. Cả hai bên đều chiến đấu rất dữ tợn…

Nhiệm vụ đã được hoàn thành, đoàn tàu chở vũ khí của địch đã nổ tung. Hemingway chụp được một số tấm ảnh. Nhà báo Mỹ đã tỏ ra mình là một người rất "chơi được" nên Ksanti đã cho phép ông tham gia thêm một trận nữa - phá hủy cây cầu chiến lược trên núi Guadarrama.

Chính trận chiến đó đã được Hemingway nhớ hơn cả và nó đã trở thành mạch chuyện chính của cuốn tiểu thuyết tương lai. Còn nhân vật chính tất nhiên sẽ là người chiến sĩ tình báo kiêm biệt kích như "Đại tá Ksanti". Nhưng Hemingway sẽ để đó là một người Mỹ. Nhân vật chuyên gia phá hoại Robert Jordan của Chuông nguyện hồn ai dần dà có thêm những chi tiết hiện thực…--PageBreak--

Trên khắp các mặt trận

Hemingway đã không bao giờ biết rằng, "Đại tá Ksanti" chính là một sĩ quan tình báo Xôviết Khadzhi - Umar Mamsurov, người Ossetia, lúc đó đang mang quân hàm thiếu tá.  Cho tới nay, những tài liệu về Thượng tướng Mamsurov vẫn chưa được giải mật nên thông tin về các hoạt động của ông trên các phương tiện thông tin đại chúng rất ít và thường chỉ ở những nét chung nhất.

Theo đó, ông sinh ngày 2/9/1903 trong một gia đình nông dân bình thường ở Bắc Ossetia thuộc khu vực Cápcadơ. Quan điểm chính trị của cậu  bé Khadzhi - Umar ngay từ nhỏ đã được hình thành dưới ảnh hưởng của người bác theo chủ nghĩa Bolshevik, Sakhandzheri Mamsurov. Năm 1918, ở tuổi 15, Khadzhi - Umar đã cầm súng chiến đấu trong đội ngũ Hồng quân.

Từ năm 1919,  Khadzhi - Umar   Mamsurov đã là liên lạc viên rồi chiến sĩ quân báo trong các đội du kích. Sau khi chính quyền Xôviết được tạo dựng ở Cápcadơ,  Mamsurov  đã vào học tại Trường Đại học Tổng hợp cộng sản của những người lao động Cápcadơ. Có tư liệu nói rằng, Khadzhi - Umar   Mamsurov đã được chính nhà lãnh đạo Xôviết cao cấp Mikhail Kalinin phát hiện ra.

Trong một chuyến công tác năm  1922 tới Cápcadơ, Kalinin tại một vùng thôn quê đã bị một nhóm cướp tấn công. Trong số các chiến sĩ Hồng quân đã dũng cảm đánh cướp bảo vệ lãnh đạo hôm đó có Mamsurov. Trở về Moskva, Kalinin đã mang theo mình người chiến sĩ cộng sản bị thương đang ở độ tuổi chớm đôi mươi và giới thiệu với tướng Yan Berzin, Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Liên Xô, người chỉ đạo và bạn thân của nhà tình báo vĩ đại Rihard Sorge…

Năm 1924, Mamsurov gia nhập Đảng Cộng sản Nga Bolshevik. Vừa làm vừa học, ông đã tốt nghiệp Trường Quân chính, rồi tới những năm 30 của thế kỷ trước, đã vào học ở Học viện Quân chính mang tên Vladimir Tolmachev. Ngay từ trẻ, ông đã rất thích đọc sách lịch sử và các tác phẩm cổ điển nước ngoài. Ông cũng thích hội họa và kiến trúc, biết nhiều điều về môn khảo cổ. Mamsurov nắm rất chắc tiếng Nga và có thể nói thạo một số thổ ngữ của đồng bào các dân tộc khu vực Cápcadơ. Về sau, ông cũng rất thạo tiếng Tây Ban Nha…

Từ năm 1936, Mamsurov đã chính thức trở thành một  chiến sĩ tình báo quân sự. Rồi ông được cử sang Tây Ban Nha công tác với bí danh "Đại tá Ksanti". Sau khi lực lượng Cộng hòa bị đánh bại, năm 1939, các cố vấn cũng như các sĩ quan chiến sĩ Xôviết phải rời Tây Ban Nha về nước. Mamsurov đã được phong lên đại tá trước niên hạn và được nhận Huân chương Lênin cũng như Huân chương Cờ  Đỏ.

Cũng trở về Liên Xô cùng ông còn có cố vấn quân sự, chiến sĩ tình báo Artur Sprogis, người giảng viên ở trại huấn luyện biệt kích mà Hemingway đã tới. Pepe, chỉ huy nhóm du kích từng cùng Hemingway đi vào trận, cũng trở về Liên Xô. Thực ra ông lại là một đảng viên  cộng sản người Ba Lan, tên là Antoni Khrust…

Trong chiến tranh giữa Liên Xô với nước láng giềng Phần Lan những năm 1939-1940, Mamsurov đã chỉ huy Lữ đoàn trượt tuyết Đặc nhiệm thuộc Binh đoàn số 9. Ông đã biết cách "gậy ông đập lưng ông", sử dụng rất bài bản những "ngón võ" độc của đối thủ: các chiến sĩ trượt truyết do ông chỉ huy đã lọt vào hậu phương địch rất khéo léo và nhanh nhẹn để thực hiện các nhiệm vụ do thám.

Cho tới trước khi cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại bắt đầu tháng 6/1941, Mamsurov đã lãnh đạo Phòng A thuộc  Cơ quan tình báo (tình báo tích cực), đồng thời theo học ở các lớp nâng cao trình độ cho cán bộ chỉ huy tại Học viện Quân sự mang tên Frunze…

Trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Mamsurov đã thực hiện những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất tại những mặt trận ác liệt và phức tạp nhất. Ông đã tổ chức và điều phối các phong trào du kích, chỉ huy các sư đoàn và quân đoàn.

Kinh nghiệm của một chiến sĩ tình báo lão luyện đã giúp ông hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Cơ quan chỉ huy của ông thường đóng ở ngay tuyến đầu và không ít lần ông đã phải trực tiếp chỉ huy các sĩ quan chiến sĩ dưới quyền lao vào trận. Đạn đã không tránh ông và ông từng 5 lần bị thương nhưng bao giờ cũng vậy, ông hồi phục rất nhanh để lại cầm súng chiến đấu.

Ông đã được phong Anh hùng Liên Xô cùng nhiều huân chương, huy chương cao quý. Tại lễ duyệt binh mừng chiến thắng ngày 24/6/1945, tướng Mamsurov đã chỉ huy tiểu đoàn dẫn đầu của Trung đoàn 1, thuộc Mặt trận Ucraina…

Sau chiến tranh, tướng Mamsurov đã tốt nghiệp Học viện Quân sự cao cấp mang tên Voroshilov năm 1948 và đảm nhận nhiều cương vị chỉ huy khác nhau.  Năm 1953, ông được phong quân hàm Trung tướng. Năm 1956, ông tham gia vào chiến dịch dẹp loạn ở Hungarie. Trở về nước, ông đã bị ốm nặng…

Năm 1957, Trung tướng Mansurov  trở lại ngành tình báo  với chức Phó Tổng cục trưởng thứ nhất Cơ quan Tình báo Quốc gia  (GRU) thuộc Bộ Tổng tham mưu. Ông là một trong những người lập ra lực lượng đặc nhiệm của GRU…

Cũng trong năm 1957, Trung tướng Mansurov đã báo cáo với BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô về mệnh lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng, Nguyên soái Georgi Zhukov, tự ý thành lập ở gần Moskva một đơn vị đặc nhiệm mà không thống nhất trước với  lãnh đạo Đảng.

Một hội nghị bất thường của BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô đã được triệu tập vào tháng 10/1957 chỉ với một nội dung làm việc duy nhất: "Về cải thiện công tác Đảng- công tác chính trị trong Quân đội và Hải quân Xôviết". Người phụ trách công tác chính trị trong Đảng, ông Mikhail Suslov đã phát biểu về việc "đồng chí Zhukov đã tự ý không để BCH TW biết việc xây dựng một trường biệt kích… Thời gian học ở trường này từ 6 tới 7 năm, trong khi tại các học viện quân sự chỉ từ 3 tới 4 năm… 

Ngoài những nội dung chính  đầy đủ như chương trình quốc gia, các học viên của trường còn được nhận học bổng 700 rúp, còn các hạ sĩ quan được nhận 1.000 rúp mỗi tháng… Được biết về trường này chỉ có ba người, Zhukov, Shtemenko (lúc đó là Tổng cục trưởng GRU - PHD) và tướng Mamsurov, người được cử làm hiệu trưởng trường. Nhưng tướng Mamsurov, như một người cộng sản, đã thấy mình phải có nghĩa vụ báo cáo với BCH TW…".

Hành động của Zhukov có thể đã bị đánh giá như một âm mưu chuẩn bị lực lượng để sau này làm đảo chính trong những điều kiện thuận lợi hơn. Và thế là ngày 29/10/1957, hội nghị đã thông qua nghị quyết về việc Nguyên soái Zhukov đã "vi phạm các nguyên tắc Đảng lãnh đạo các lực lượng vũ trang của Lênin, tiến hành chính sách xóa bỏ công tác của các tổ chức Đảng, các cơ quan chính trị và Hội đồng Quân nhân, xóa bỏ sự lãnh đạo và kiểm tra đối với Quân đội và Hải quân từ phía Đảng, BCH TW và chính phủ…". Nghị quyết này cũng đưa Zhukov ra khỏi Đoàn Chủ tịch BCH TW (tương đương như Bộ Chính trị - PHD) cũng như BCH TW. Và Zhukov cũng vì việc này nên đã bị mất luôn chức Bộ trưởng Quốc phòng…

Khi qua đời tại Moskva ngày 5/4/1968, Mamsurov đã mang quân hàm Thượng tướng. Ông được mai táng tại nghĩa trang Novodeviche danh giá…

Văn học thật hơn báo chí

Nguyên mẫu điệp viên Chuông nguyện hồn ai sống hơn tác giả của tiểu thuyết không nhiều (Hemingway đã tự sát ngày 2/7/1961). Tướng Mamsurov tất nhiên là đã đọc tác phẩm này nhưng có lẽ cũng không đánh đồng mình với Robert Jordan.

Trong Chuông nguyện hồn ai, anh lính người Mỹ Robert Jordan,  một chuyên gia phá hoại, đã chiến đấu trong Lữ đoàn Quốc tế chống lại bè lũ Franco. Trong kế hoạch tấn công nhằm giải phóng một vùng lãnh thổ Tây Ban Nha của Sư đoàn số 14 do vị tướng người Nga Golz chỉ huy, Jordan được lệnh phối hợp với một nhóm du kích đặt mìn phá hủy một cây cầu để chặn viện binh và đường rút chạy của quân địch. Anh lên đường đến Villaconejos để xây dựng kế hoạch tấn công phá cầu.

Tại đây, anh đã gặp cô du kích người Tây Ban Nha xinh đẹp Maria và ngay lập tức, lửa tình bùng cháy, ngày một trở nên sâu nặng và đồng điệu trong một lý tưởng chung vì nền Cộng hòa. Tình yêu đó đã giúp cho hai người nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa của cuộc sống và công việc họ đang làm. Nhưng rồi Jordan bỗng nhận thấy rằng, bọn phát xít đã đánh hơi được kế hoạch của những người Cộng hòa và đang ráo riết tập trung quân bố trí phản kích.

Anh cử ngay Andres mang báo cáo về Ban chỉ huy sư đoàn đóng ở Navacerrada đề nghị thay đổi phương án tác chiến và cho ngừng ngay việc phá hủy cầu. Thế nhưng, thật không may, do nhiều trắc trở, lẽ ra đoạn đường chỉ cần đi trong ba giờ, Andres phải mất cả một ngày. Khi bức thư của Jordan đến tay tướng Golz thì đã quá muộn, những chiếc máy bay ném bom đầu tiên mở màn cho trận đánh đã quần thảo trên bầu trời.

Jordan đành cho nổ mìn phá cây cầu theo kế hoạch đã định và dẫn đội du kích rút lui. Dọc đường, bom đạn quân thù khiến anh bị gãy chân, vết thương quá nặng, anh quyết định từ giã đồng đội và người yêu, ở lại ngọn đồi bên cạnh chiếc cầu bị phá nhằm chiến đấu cầm chân địch cho đội du kích rút lui an toàn…

Dẫu sao, qua Chuông nguyện hồn ai, tướng Mamsurov lại như được thấy đất nước Tây Ban Nha của những năm trai trẻ đầy hào hùng nhưng cũng không kém phần bi tráng. Do những điều kiện lịch sử, người dân Xôviết trong giai đoạn đó không được biết hết sự thật về cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha. Ngay cả nhà báo Mikhail Koltsov và nhà văn Ilia Erenburg, có mặt ngay tại thực địa, cũng không viết được hết những gì tai nghe mắt thấy.

Tiểu thuyết của Hemingway, một bản anh hùng ca về cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Tây Ban Nha chống lại lực lượng phát xít để bảo vệ chế độ Cộng hòa, đã vẽ nên một bức tranh trung thực dẫu rất nhiều thê thiết từ cả hai phía. Văn học nếu là đích thực thường thật hơn cả các tác phẩm báo chí nhất thời. Cả lực lượng phát xít lẫn phe Cộng hòa đều đã có những hành động rất khắc nghiệt đối với kẻ thù của mình…

Độc giả không thể không công phẫn khi đọc những trang viết về các đòn tra tấn dã man trong nhà tù mà lực lượng phát xít đã dùng để hành hạ Maria. Và cũng không khỏi xót xa khi thấy một số chiến sĩ Cộng hòa trong một thành phố nhỏ đã dùng đòn đập lúa để hạ thủ những phần tử phát xít và những phần tử ủng hộ chúng đã bị bắt… Bi kịch của Jordan là ở chỗ anh đã phải chấp nhận cả những hành vi khắc nghiệt của "quân ta" như một sự bình thường, vì "chiến tranh không phải trò đùa"!

Phạm Huy Dũng
.
.