Đi tìm chân dung Fidel Castro

Thứ Ba, 15/02/2005, 12:34

Fidel Castro, con người đầy tình người và bản lĩnh, nổi tiếng là một trong những vị nguyên thủ quốc gia được nhiều người thương yêu nhất nhưng cũng là người có nhiều kẻ thù nhất. “Chúng ta phải nhìn nhận Fidel như một trong những người sáng suốt, biết lẽ phải nhất trên trái đất này, một trong những người chúng ta cần hỏi ý kiến”, Oliver Stone, đạo diễn bộ phim  Looking for Fidel, nói.

Bộ phim tài liệu Looking for Fidel (Đi tìm chân dung Fidel) của đạo diễn nổi tiếng người Mỹ Oliver Stone được kênh truyền hình Mỹ HBO trình chiếu vào tháng 4/2004 ngay lập tức đã trở thành sự kiện điện ảnh, giống như hiện tượng của phim Comandante (Vị Tư lệnh) cũng nói về Chủ tịch Cuba Fidel Castro khi được giới thiệu tại Liên hoan phim (LHP) Quốc tế ở St.Peterburg (Nga) tháng 6/2003.

Looking for Fidel là cuộc phỏng vấn của Oliver Stone với Chủ tịch Fidel về những biện pháp đối phó với các lực lượng chống đối trong đất nước Cuba và chung quanh cuộc đối đầu kéo dài giữa Cuba với Mỹ.

Oliver Stone sinh năm 1946, tốt nghiệp Trường Đại học Yale và khoa điện ảnh Trường Đại học New York (Mỹ). Ông là đạo diễn tài năng của Mỹ, từng nổi tiếng với phim Platoon (Trung đội, 4 giải Oscar 1986) được đánh giá là một cái nhìn chân thực về số phận thua cuộc của những người lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Năm 1989, ông tiếp tục làm một bộ phim khác về Việt Nam: Born on the fourth of July (Sinh ngày 4-1). Lần này, ông đoạt giải Oscar cho việc khắc hoạ rõ nét sự chán chường và thất vọng của một thế hệ cựu binh Mỹ đã từng bị đưa sang Việt Nam chiến đấu một cách lầm lạc. Sau đó, ông tiếp tục làm các phim J.F.Kennedy, Nixon… là những phim lật lại các trang quá khứ sai lầm của những người lãnh đạo.

Năm 2002, Oliver Stone đã gặp gỡ Chủ tịch Fidel Castro trong 3 ngày để hoàn thành chân dung sơ lược về con người Fidel với phim Comandante. Tháng 5/2003, chưa hài lòng với những gì đã khắc hoạ về Fidel, ông quay trở lại Cuba để thực hiện tiếp cuộc phỏng vấn Fidel trong phim Looking for Fidel. Trong 2 tác phẩm này, hình tượng Chủ tịch Fidel Castro là một con người vĩ đại, sống động, đầy sức hấp dẫn và thiện cảm, nhưng lại là “cái gai” trong mắt Mỹ hơn 40 năm nay.

“Chỉ có nhân dân mới là những người có quyền lực”

Trong phim Looking for Fidel, trao đổi với Oliver Stone về quyền lực trong chính sách lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Fidel Castro khẳng định: “Tôi không phải là người có quyền lực. Chỉ có nhân dân mới là những người có quyền lực”. Fidel đã nói về các vấn đề mà Cuba đang phải đối diện: khủng bố, vấn đề dân tộc và mối quan hệ giữa Cuba với Mỹ. Ông cũng thể hiện quan điểm cứng rắn của nhà nước Cuba trong việc trừng trị bọn khủng bố, điển hình nhất là việc bắt giữ 75 người chống đối, xử tử hình 3 kẻ đã cướp máy bay và tàu phà, 5 tên bị kết án tù chung thân.

Ngày 19/3/2003, 6 tên không tặc mang theo dao khống chế máy bay chở khách nội địa Douglas DC-3 của Cuba, buộc phải đổi đường bay và hạ cánh ở sân bay Key West (bang California, Mỹ) nhưng bọn chúng đã bị bắt ngay sau khi đặt chân xuống đất Mỹ. Chưa đầy 2 tuần sau, ngày 31/3/2003, chuyến bay nội địa đang thực hiện hành trình đến La Habana với 46 hành khách và phi hành đoàn 6 người cũng đã buộc phải đáp xuống sân bay Key West vì một hành khách đe doạ nổ tung 2 quả lựu đạn mà hắn mang theo trong người.

Ngày 4/4/2003, một chiếc phà nhỏ chạy từ La Habana đã bị một vài người đàn ông dùng vũ khí, súng và dao găm khống chế, yêu cầu chạy sang Mỹ. Tuy nhiên, chạy được khoảng 30 dặm trên vùng hải phận quốc tế thì phà hết nhiên liệu, phà gặp phải cơn bão biển và gần bị lật úp, bọn hải tặc doạ sẽ ném hết phụ nữ xuống eo biển Florida nếu như phà không được tiếp nhiên liệu.

Đích thân Chủ tịch Fidel Castro đã tới cảng Mariel, cách La Habana khoảng 40 dặm về phía Tây để giải quyết cuộc khủng hoảng con tin. Sự kiện này đã khơi sâu thêm mâu thuẫn giữa Cuba và Mỹ. Chính phủ Cuba tố cáo Mỹ thực hiện chính sách “chấp nhận không hạn chế” người Cuba sang tị nạn bởi chính sách này đã khuyến khích một số công dân Cuba không trừ phương cách nào, kể cả cướp máy bay để sang được miền đất hứa.

Quan điểm của ông Fidel khi phải xử tử hình ngay lập tức những tên cướp máy bay và tàu phà nhằm ngăn chặn làn sóng khủng bố, “phải tiêu diệt cái ác tại gốc rễ”, để bảo vệ nhân dân. Fidel Castro nói: “Nếu bạn gánh vác trách nhiệm, bạn sẽ phải làm gì để ngăn chặn làn sóng khủng bố có thể làm nguy hại đến nhiều người và thậm chí còn có khả năng dẫn đến chiến tranh. Chắc chắn lúc đó, bạn sẽ hiểu được những biện pháp cứng rắn mà chính phủ Cuba đã áp dụng”. Ông còn nhấn mạnh: “Tôi không phải là một quan toà nhưng chúng tôi không ném những người đó vào nhà lao vì mục đích trả thù mà chỉ với mong muốn cải tạo họ”. 

“Phong trào giải phóng dân tộc của Cuba sẽ không yếu đi”

Trước sự công kích từ các lực lượng chống đối và từ phía Mỹ, Fidel Castro vẫn quả quyết sẽ không lùi bước và “không hề có ý định làm vừa lòng Tổng thống G.Bush”. Vị Chủ tịch 76 tuổi này từng trải qua 700 lần thoát hiểm bởi các âm mưu ám sát của CIA và khẳng định không sợ cái chết. Ông phát biểu trong phim Looking for Fidel rằng: “Tôi chuẩn bị cái chết như một người bình thường. Tôi hoàn toàn tin rằng nếu ngày mai tôi chết thì phong trào giải phóng dân tộc của Cuba sẽ không vì thế mà suy yếu đi”.

CIA suốt mấy chục năm qua đã tìm mọi cách sát hại cho bằng được Fidel bất chấp thủ đoạn và cả những âm mưu hèn hạ như tẩm độc vào xì gà, tặng ông bộ đồ bơi “giết người”, dùng chất độc gây rối loạn thần kinh để ông mất tự chủ trong các buổi diễn thuyết, mượn tay các tập đoàn mafia trong thế giới ngầm của Mỹ để giết ông, kích động, mua chuộc các phần từ khủng bố cướp máy bay khiến tình hình Cuba trở nên bất ổn. Song tất cả những âm mưu đó vẫn không thể lật đổ được Fidel, không thể xoá được vị trí to lớn của ông trong lòng người dân Cuba.

Oliver Stone bình luận rằng: “Tính cách, công việc, những thăng trầm, thử thách trong từng giai đoạn cuộc đời của Fidel đều gắn với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của Cuba. Trọn cuộc đời ông đã chiến đấu không mệt mỏi vì lẽ phải, vì lợi ích dân tộc, từ thời còn đi học đến thời trai trẻ, từ cuộc tấn công pháo đài Moncada cho đến những năm tháng tù tội, từ chặng đường đầu gây dựng kháng chiến cho đến ngày giành chính quyền, lật đổ chế độ độc tài Batista thân Mỹ vào ngày 1/1/1959”.

Phim của Oliver Stone thừa nhận rằng nhân dân Cuba luôn đặt niềm tin vào người thuyền trưởng tài năng Fidel bởi ông không biết khuất phục trước các thế lực phản cách mạng, vững vàng lái con thuyền cách mạng Cuba tiến về phía trước

Hoàng Thảo
.
.