Để đời bớt đi hiếm muộn

Thứ Năm, 25/05/2006, 16:00

Công tác trong lĩnh vực phụ sản, đứng trước những cảnh đời éo le, những nỗi thương tâm từ những cặp vợ chồng hiếm muộn khát khao có con, đã thổi cháy bùng trong anh ngọn lửa quyết tâm phải nghiên cứu lĩnh vực chữa trị vô sinh giúp các gia đình có được hạnh phúc có con và các chị em phụ nữ hiếm muộn được quyền làm mẹ.

Người đàn ông nổi tiếng này cho tôi một cảm giác thật lạ. Trong cái thế giới ngốn ngấu "thời gian ăn cuộc đời", tôi thấy anh xuất hiện thật nhẹ, gương mặt trắng trẻo hiền hòa, cử chỉ khoan thai, nói năng nhỏ nhẹ, trông anh giống một tu sỹ, hay một "hòa thượng" đắc-đạo, hơn là một quan chức, một phẫu thuật viên có đôi bàn tay tài hoa của một bệnh viện lớn bởi sứ mệnh "vĩ đại" - Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Gặp anh, ngập lút giữa áp lực công việc, khoảng thời gian để trò chuyện cùng anh thật hiếm hoi, thế nhưng tôi đã ngạc nhiên khi nhận ra từ anh, cách nào đó trong sự hối hả của thời gian, anh đã bước ra với một tâm thế thư thái đến kỳ lạ.

Tôi biết anh vì chúng tôi là đồng hương của nhau, nghĩa là cùng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất bạc màu vì nghèo khó ở một huyện nghèo Cẩm Xuyên, trong tỉnh nghèo nhỏ bé vắt ngang eo thắt của dải đất miền Trung khắc nghiệt là Hà Tĩnh.

Anh kể cho tôi nghe về tuổi thơ dữ dội của mình. Có lẽ, vào thời điểm những năm 60 của thế kỷ trước, tất cả những đứa trẻ trên mọi miền của Tổ quốc Việt Nam đều có một tuổi thơ dữ dội bởi chiến tranh, bởi mưa bom bão đạn. Những đứa trẻ như anh mặc cho đói ăn thiếu mặc, ngày ngày vẫn đội bom đạn cắp sách đến trường.

Hà Tĩnh là mảnh đất có truyền thống hiếu học, nơi đó có những vùng được phong danh hiệu là đất học anh hùng. Xã Cẩm Bình là vùng đất học anh hùng, nơi anh bắt đầu chắp cánh cho những ước mơ khoa học và cũng là nơi anh đặt những bước chân đầu tiên đi đến con đường khoa học mà anh đã chọn.

Khi tôi lớn lên và lần đầu tiên được cắp sách đến ngôi trường nổi tiếng Cẩm Bình thì anh đã vào giảng đường đại học. Chiến tranh lúc đó cũng đã kết thúc, thế nhưng tôi có thể hình dung rõ mồn một những gì mà anh đã trải qua suốt những ngày tháng ấu thơ dữ dội ấy.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, bố mẹ có tới chục người con, ngày nắng cũng như đông hàn, sáng nào, anh em anh và các bạn trong làng phải dậy từ 4h sáng, cơm đùm cơm nắm vừa đi vừa chạy bộ đến trường Cẩm Bình cách nhà hơn chục kilômét, cho kịp học. Những con đường đất đỏ nối từ đường cái quan (quốc lộ 1A) vào đến tận trường học, chao ôi là cực hình, bởi một thứ bùn đất đỏ bazan cứ đến mùa mưa là sục ngầu lên, đặc quánh lại, chạm đến đâu bết đến đấy.

Ngay cả khi anh đã tốt nghiệp ra trường, thì đến hàng chục năm sau đó, lứa học sinh chúng tôi vẫn quần xắn tới bẹn, sục bàn chân to bè với những ngón tõe ra vì luôn luôn phải bấm sâu vào mặt đường trơn ngập bùn ấy để bước đi cho khỏi ngã khi đến trường. Hồi ấy, biết bao lứa học trò như anh, như tôi đã trưởng thành, lớn lên, ra đi và khi trở về vẫn con đường cũ ấy, vẫn bùn ngập ngụa như chưa bao giờ có con đường nào bùn nhiều hơn đến thế.

Trong mỗi ký ức của một người con Cẩm Bình, hay những người đã từng công tác trên mảnh đất đó năm xưa có lẽ không bao giờ quên được con đường bùn đỏ ấy. Sau này mỗi lần họp lớp, trong các câu chuyện vừa kinh hoàng, vừa âm ấm những giọt nước mắt nhớ thương, lũ học sinh và các thầy cô giáo nhớ tới nhiều nhất là thứ bùn quết đỏ mến người ấy. Bởi vậy mà khi anh kể về những lần mang nguyên cả bộ quần áo sũng nước và bết bùn giữa trời lạnh tái tê để vào lớp học là chuyện chẳng lạ gì vì chúng tôi bao phen trượt ngã trên con đường ấy.

Là một người đàn ông ngay từ bé đã bộc lộ bản tính ôn hòa, cương nghị, anh đã nuôi những giấc mơ to lớn so với những đứa trẻ nghèo khổ khác trên mảnh đất cằn cỗi ấy. Đó là giấc mơ làm khoa học. Anh thích nghiên cứu tìm tòi những lĩnh vực thuộc về kỹ thuật như máy móc, điện cơ...

Thế nhưng, như là một sự run rủi của số phận, nối nghiệp cha mẹ là thầy thuốc Đông y ở làng bốc thuốc chữa bệnh bằng kinh nghiệm truyền đời, anh đã quyết tâm bước vào lĩnh vực y học với khát khao có thể tìm ra các phương cách chữa bệnh cứu người hiệu quả hơn, tốt hơn cái cách mà cha mẹ anh đã làm.

Một học sinh nghèo ở miền quê Hà Tĩnh đậu vào Đại học Y khoa Hà Nội thời bấy giờ thực sự là cả một nỗ lực không những của anh mà còn là của gia đình, dòng họ để vượt lên số phận nghèo khó, và là niềm kiêu hãnh của mọi người. Anh học 6 năm, tốt nghiệp ra trường lại tiếp tục học thêm 3 năm nữa là tròn 9 năm. Tính đến bây giờ anh đã có 24 năm công tác tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đã lên làm Giám đốc bệnh viện được 2 năm, nhưng cái sự học trong anh chưa bao giờ ngưng nghỉ. Và với một tiến sỹ y học như anh, thì có lẽ chỉ đến khi nào mà đời sống chỉ còn là hơi thở nhẹ sau làn khói bay mơ hồ thì việc học mới dừng lại.--PageBreak--

Trong giới, mọi người biết đến anh vì anh nổi tiếng có đôi bàn tay vàng. Anh thích thú và say mê làm khoa học, có năng khiếu vượt trội để có thể lựa chọn và theo đuổi nghề phẫu thuật ở một lĩnh vực khá nhạy cảm bởi sự phức tạp và vô cùng tinh tế, vô cùng đặc biệt là lĩnh vực phụ sản. Sau bao nhiêu năm miệt mài với công việc, đến lúc này, trong giây phút hiếm hoi để có thể ngẫm lại mình, lại nghề, anh phải thốt lên: Với tôi có lẽ chỉ có công việc mới có thể đưa lại cho tôi nhiều áp lực đến thế.

Đối với một bác sỹ phẫu thuật, áp lực về công việc nhiều khi đè nặng đến ngạt thở. Và theo anh, để trở thành một phẫu thuật viên giỏi, cần phải đủ các tố chất: Cần cù, kiên trì, sáng tạo, thông minh, khéo léo, kiên nhẫn, và đương nhiên phải có bản lĩnh của một vị tướng khi ra trận. Đã lên bàn mổ cầm dao, sinh mạng của bệnh nhân tùy thuộc vào lưỡi dao của mình, mọi tình huống bất ngờ xảy ra, nếu mình không thông minh, sáng suốt và bản lĩnh, rất có thể sẽ mắc những sai lầm không cứu vãn nổi.

Công tác trong lĩnh vực phụ sản, đứng trước những cảnh đời éo le, những nỗi thương tâm từ những cặp vợ chồng hiếm muộn khát khao có con, những cuộc hôn nhân bên bờ vực của sự tan vỡ vì không có con, đã thổi cháy bùng trong anh ngọn lửa quyết tâm phải nghiên cứu lĩnh vực chữa trị vô sinh giúp các gia đình có được hạnh phúc có con và các chị em phụ nữ hiếm muộn được quyền làm mẹ.

Năm 1999, anh đã sang Mỹ học 4 tháng về điều trị vô sinh, tiếp cận với nền y học tiên tiến và các phương pháp chữa trị vô sinh hiện đại nhất thế giới. Năm 2000, trở về nước, anh quyết tâm thành lập Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và đã thành công rực rỡ ngay trong những ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên.

Giờ đây, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và điều trị vô sinh ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương nơi anh quản lý đã cập nhật và áp dụng gần như những kỹ thuật cao cấp của y học thế giới trong hỗ trợ sinh sản Thụ tinh trong ống nghiệm; lọc rửa tinh trùng; tiêm tinh trùng vào bào tương của noãn; lấy tinh trùng từ mào tinh; hay các kỹ thuật làm đông phôi, đông lạnh tinh trùng; bảo quản lạnh trứng, ở Trung tâm của anh đều thực hiện hoàn hảo, tỷ lệ có thành công rất cao.

Ngoài ra, Trung tâm còn tiến hành các kỹ thuật điều trị khó đối với những bệnh nhân dị tật bộ phận sinh sản bằng cách phẫu thuật nội soi, vi phẫu thuật, phẫu thuật tạo hình, giúp cho các cô gái, những người phụ nữ chữa trị những khiếm khuyết của cơ thể, để từ đó có thể thực hiện được bản năng làm vợ, làm mẹ.

Hiện nay, mỗi tháng, Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ sinh sản cho 300-400 bệnh nhân. Riêng thụ tinh trong ống nghiệm khoảng 80 bệnh nhân, và tỷ lệ thành công trong thụ tinh ống nghiệm là rất cao (30-35%). Cho đến nay, sau 5 năm đi vào hoạt động, Trung tâm đã cho ra đời gần 1.000 em bé được thụ tinh trong ống nghiệm, phát triển khỏe mạnh, thông minh như những đứa trẻ bình thường khác.

Để gặt hái được những thành công trên, anh đã phải hy sinh rất nhiều, cả về thời gian và cuộc sống cho gia đình. Anh miệt mài với công tác nghiên cứu, với một niềm tin vững chãi không có gì khó khăn, không có gì không làm được một khi có quyết tâm theo đuổi và khám phá đến tận cùng. Với một trái tim giàu say mê, nhiệt huyết, một tâm hồn trĩu nặng những trắc ẩn vì tình thương con người, tình thương chúng sinh bao la, Tiến sỹ y học Nguyễn Viết Tiến đã vượt qua tất cả những khó khăn trắc trở để đi đến những thành công tốt đẹp.

Mang lại hạnh phúc cho những cặp vợ chồng tưởng như đã tận cùng tuyệt vọng với khao khát có được đứa con, chính anh lại là người rơi nước mắt vì sung sướng, vì hạnh phúc. Bao nhiêu sự say mê, tìm tòi, bao nhiêu những kỳ công mà người ngoài thường không thể hiểu thì đối với anh cũng không hề quan trọng khi kết quả đã thành công, một em bé khỏe mạnh sẽ chào đời trong niềm hân hoan của gia đình. Hạnh phúc giản dị là thế nhưng đôi khi chúng ta phải mất quá nhiều thời gian và trả giá quá nhiều, phải tốn bao kỳ công mới hái được quả ngọt. Nhìn những cặp vợ chồng với niềm hân hoan được làm bố làm mẹ, anh đã trào những giọt nước mắt hạnh phúc.

Tôi hỏi anh, liệu với công việc hiện tại và sứ mệnh đặc biệt mà anh đã đặt nó lên đôi vai của mình, có bao giờ anh cảm thấy ngộp thở bởi sức nặng ghê gớm của nó không. Anh chỉ mỉm cười, nụ cười thật nhẹ, ánh mắt sáng hắt lên bừng tỏa trên gương mặt trắng trẻo thư sinh lấp lánh niềm vui cương nghị. Rồi anh đưa cho tôi xem một kỷ vật nhỏ bé mà anh đã vô tình tìm thấy nó trong những ngày đi công tác ở đất nước Canada xa xôi. Đó là một tấm gỗ nhỏ trên đó có khắc dòng chữ: "Tôi sẵn sàng đối mặt với tương lai, vì tôi đã hiểu quá khứ, và tôi yêu cuộc sống hiện tại". Anh đã treo nó trang trọng lên bức tường trước bàn làm việc với ý nghĩa đó là chân lý cuộc sống mà anh đã và đang đi tới.

Đêm đã buông rèm phía ngoài khung cửa sổ. Hà Nội trở nên bí ẩn và quyến rũ bởi những sắc màu lung linh huyền ảo. Trên những con phố tấp nập, niềm vui đang chảy ào ạt theo những bước chân khắp phố phường. Anh tạm dừng câu chuyện với tôi để khoác vội chiếc áo blouse xanh trước khi bắt tay vào một ca mổ khó...

Tôi rời bệnh viện trở về nhà. Chao ôi, những câu chuyện xúc động của những cuộc đời khuyết tật anh kể cho tôi nghe trong đoạn trường đi tìm và trả lại thiên chức cho những người đàn bà không hoàn thiện đã làm cay khóe mắt tôi. Và đêm nay, tôi bắt đầu viết những dòng chữ đầu tiên kể về những cuộc đời kỳ lạ đó như là những sẻ chia cùng bạn đọc.

(Kỳ sau: Trả lại thiên chức cho những người đàn bà bất hạnh và câu chuyện về những đứa trẻ ra đời từ ống nghiệm)

Lê Thị Thanh Bình
.
.