Nhà thiết kế thiết trang Nguyễn Công Trí:

"Đau nhất là những người thợ giỏi bỏ mình ra đi…"

Thứ Bảy, 28/08/2010, 10:30
Sau 5 năm thành công với thương hiệu KIN, Nguyễn Công Trí lại khai trương thêm 1 showroom nữa trên đường Lê Thánh Tôn - TP HCM. Lối kiến trúc màu trắng sang trọng, hiện đại của phương Tây pha trộn màu sắc Á Đông bởi cách bài trí rất điệu đàng những khung ảnh đen trắng của thiếu nữ Việt ngày xưa.

Lịch sử thời trang được in trên kính, ngay lối cửa ra vào gây ấn tượng mạnh với khách hàng. Nguyễn Công Trí là vậy. Anh luôn đề cao cái đẹp đến từng chi tiết, rất thận trọng và tỉ mỉ. Chúng tôi gặp nhau là nói chuyện về thời trang. Con đường đến với thời trang của Công Trí là con đường trải đầy hoa hồng với nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.

Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc năm 2002, vốn liếng gần 100 triệu đồng, đến nay Công Trí đã có 2 công ty riêng với tài sản lên đến hơn mười con số. Anh tâm sự: "Tôi là người may mắn, nhưng con đường sắp bước tiếp đây sẽ gặp nhiều gai của hoa hồng hơn…".

- Khai trương thêm cửa hàng, nghĩa là Công Trí đang kinh doanh thành công?

- Thực ra 5 năm vừa rồi mới chỉ là thăm dò thị trường và trau dồi vốn liếng thời trang đã được học và thẩm thấu qua những sản phẩm đến với khách hàng. Bây giờ mới là bắt đầu của những công việc "lớn" hơn, có chiến lược cụ thể hơn trước.

Nếu trước kia, đối tượng khách hàng là giới nghệ sĩ, doanh nhân thì bây giờ giới văn phòng cũng có thể mặc đồ của KIN và cả giới teen nữa…

- Anh không học chuyên ngành thời trang mà lại rất thành công ở lĩnh vực này, vì sao vậy?

- Do năng khiếu, sở thích và niềm đam mê kinh doanh. Các bạn học 5 năm Trường Kiến trúc, riêng tôi 6 năm mới ra trường vì bỏ đi Pháp vài tháng tìm hiểu xứ sở mang tên kinh đô thời trang nên tốt nghiệp muộn. Ngay từ hồi học đại học đã biết kiếm tiền rồi, làm đủ nghề liên quan đến trang trí nội thất, kiến trúc, thời trang, sản xuất bưu thiếp… để tích lũy được gần 100 triệu. Thời điểm ấy là năm 2002. 

- Anh còn nhớ bộ trang phục đầu tiên là may cho ai không?

- Làm sao quên được, đó là ca sĩ Phương Thanh, thời đó Phương Thanh được hâm mộ nhất và đắt sô nhất. Tôi có vài người bạn là ca sĩ nên những ngày đầu đến với nghề là may đồ diễn cho các bạn mà không lấy tiền. Sau đó các bạn khen đẹp, tiếp tục đặt hàng và giới thiệu với mọi người, thì tôi thực sự thấy phấn khích và quyết định ra thương hiệu KIN vào cuối năm 2004.

- Anh vừa là nhà thiết kế, vừa là ông chủ, anh quản trị công việc thế nào?

- Đây là công việc khó khăn với tôi khi bắt tay xây dựng thương hiệu cho riêng mình. Khó khăn về việc tìm địa điểm, tài chính không bằng khó khăn về nhân sự. Trong sự nghiệp kinh doanh của mình, đã 3 lần những người thợ giỏi nhất bỏ tôi ra đi. Đó là khoảng thời gian buồn nhất. Chua xót và không lý giải nổi là họ bỏ mình không phải vì tiền, mà vì họ muốn được làm chủ, đôi khi chỉ là mở một tiệm may nhỏ trong ngõ.

- Câu chuyện này có vẻ như ám ảnh anh trong một thời gian dài và anh hay nhắc đến nó?

- Thực sự làm nghề kinh doanh thời trang cao cấp rất cần đến những thợ nghề bậc cao và tinh xảo, không kém gì thợ kim hoàn. Gần 10 năm đi theo con đường này tôi nhận ra một điều rằng, tìm và giữ chân 1 người thợ giỏi là không dễ dàng. Sản phẩm của tôi chủ yếu là hàng hand made (gia công bằng tay) nên đào tạo một người thợ lành nghề tốn nhiều công sức lắm. Song, vào một ngày đẹp trời, họ xin nghỉ… để mở tiệm, chỉ đơn giản là không thích làm thợ, mà thích làm chủ. Điều này là tốt, nhưng người Việt Nam chúng ta hầu như chưa trang bị đầy đủ mọi yếu tố cần thiết để làm chủ một cách chuyên nghiệp.

- Với anh, 3 lần ra đi của nhân viên giỏi, có rút ra được những bài học kinh nghiệm nào không?

- Có nhiều kinh nghiệm để nhìn lại mình.

Ra trường được 8 năm, có 2 công ty và 2 showroom thương hiệu KIN, mặc dù đi nước ngoài thường xuyên để cập nhật kiến thức về thời trang nhưng tôi chưa kịp dừng lại để bổ sung kiến thức làm quản trị. Một người bạn vong niên đã nói với tôi rằng, tôi có "căn" làm ông chủ ngành thời trang. Điều đó đúng 1% (tài năng) còn 99% còn lại phải nhờ vào nỗ lực của bản thân (theo Edison). Nỗ lực ấy đã tạo nên 2 cửa hàng được 8 năm rồi, nhưng sắp tới tôi vẫn phải đi học.

- Đi học để là làm CEO ư?

- Có thể lắm, vì hiện nay tôi vừa là nhà thiết kế, vừa là giám đốc điều hành, vừa là chủ tịch HĐQT, có thể không ổn lắm nếu như muốn con đường kinh doanh của mình đi xa hơn…

- Thương hiệu KIN của Nguyễn Công Trí đã có giá trị nhất định trong giới showbiz. Nhiều bộ trang phục được người nổi tiếng đặt hàng có giá hàng ngàn đôla. Trong nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, những sao hàng đầu mặc đồ của Công Trí. Còn Hồ Ngọc Hà thì thường xuyên qua tiệm KIN lựa đồ trước giờ biểu diễn. Thực hư chuyện này thế nào?

- Hoàn toàn đúng. Hồ Quỳnh Hương đã từng đặt may bộ váy lên đến 3.000 USD. Tùng Dương, Hồ Ngọc Hà, Phương Thanh, MayA… đều tín nhiệm những bộ váy áo thương hiệu KIN. Các nghệ sĩ hoàn toàn yên tâm với sản phẩm của tôi. Có những đơn giá thỏa thuận trong thời gian hoàn tất sản phẩm… là 2 ngày.

- Anh đang đi vào lộ trình chuyên nghiệp với các dòng thời trang cho nhiều đối tượng khác nhau, anh có slogan cho thương hiệu KIN không?

- (Công Trí chỉ tay lên tường, đối diện cửa ra vào và cười): Chị nhìn thấy chưa? Made in Vietnam by Nguyễn Công Trí đấy thôi!

- (Tôi vặn lại): Đây không phải slogan mà là tên cửa hàng mới của Công Trí?

- Có nhiều kinh nghiệm để nhìn lại mình.

- Quan điểm thời trang KIN là không sản xuất hàng loạt, không có nhiều chi nhánh, không "ngon, bổ, rẻ", nghĩa là giá trị của KIN nằm ở thương hiệu thuộc nhà thiết kế Nguyễn Công Trí "đẹp, sang trọng và không rẻ" giúp phụ nữ tự tin hơn.

Thật vớ vẩn để tìm slogan cho các sản phẩm thời trang của tôi. Đơn giản thôi, nó là made in Việt Nam.--PageBreak--

- Thưa anh, tôi đã đưa 1 doanh nhân thời trang người Việt thành đạt ở London ghé thăm 3 cửa tiệm thời trang của 3 nhà thiết kế trẻ xuất sắc hiện nay ở Sài Gòn, ông ấy duyệt 1 thương hiệu có xu thế toàn cầu hóa, còn với các sản phẩm của KIN, ông ấy nói rằng "kim tuyến, kim sa… hợp trong nước hơn, hãy cứ để các nhà thiết kế trẻ Việt Nam tưởng tượng rằng họ đang ở trên các tòa tháp, nhưng thật ra… mới chỉ dừng lại ở "gác xép". Nói ra điều này, anh có thấy bị tổn thương không?

- Không hề. Ông ấy nhận xét rất đúng. Chính xác là tôi đã đến văn phòng của doanh nhân Nguyễn Minh Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt kiều tại Sài Gòn, tôi đã gặp CEO và nhà thiết kế của ông đều là người nước ngoài. Ông ấy đã có gần 30 năm ở London và kinh doanh thời trang, ông ấy có nhiều xưởng may bên Anh và 4 xưởng may trong nước với hàng ngàn nhân viên.

Ngược lại, KIN còn quá khiêm tốn với 2 xưởng may nhỏ và 60 nhân viên. Chính cuộc gặp gỡ này tôi đã vỡ lẽ ra nhiều điều và tôi đã quyết tâm với dòng sản phẩm mới đang nằm trong kế hoạch những năm tới và việc sản xuất hàng loạt sẽ là tất yếu. Hiện nay, KIN mới chỉ dừng lại ở phạm vi khiêm tốn.

Ảnh chụp của nhà thiết kế thời trang Nguyễn Công Trí.

- Lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc đang chứng kiến những đổi thay chóng mặt. Đây là cuộc di dân vĩ đại nhất trong lịch sử nước Việt ta. Chỉ cần 1 cú click chuột là các xu thế thời trang trên khắp thế giới hiện ra trước mắt. Xu thế làm đẹp tăng nhanh. Dân trí thức, kẻ nhiều tiền cũng sang trọng hơn với những bộ áo cánh đắt tiền. Việt Nam cũng là thị trường hấp dẫn của hàng hiệu. Nhưng, thưa anh? Không hiểu sao, một số các chương trình sự kiện, lễ hội, dạ hội của chúng ta vẫn "lem nhem" bởi trang phục của người đi dự tiệc và lễ hội vẫn chưa đẹp. Còn "lúa và thắm" lắm!

- Điều này đúng vì chưa hẳn người Việt nhiều tiền là sang trọng và ăn mặc đẹp. Có thể vì quá bận với công việc nên họ chưa chú trọng đến vẻ bề ngoài.

Tôi khẳng định một điều rằng, ai đến với tôi, cả nghệ sĩ lẫn doanh nhân đều hài lòng, tôi sẽ làm họ đẹp và sang trọng hơn. Gần đây, tôi đã có các khách hàng doanh nhân bay từ Hà Nội vào. Họ đang gợi ý tôi là mở 1 showroom ở ngoài đó.

Nam doanh nhân thì trang phục đỡ hơn vì đơn giản chỉ là đồ vest. Nhưng việc chọn tông màu cavat, thắt lưng và giày chưa được quan tâm. Còn nữ doanh nhân Việt Nam thì ăn mặc chưa đẹp và chưa tự tin.

Một lần đi dự tiệc, tôi đã nhìn thấy một doanh nhân thắt cavat rất giống con khô mực hoặc ở Việt Nam đi giày tây màu nâu, dùng thắt lưng đen hoặc đi giày tây vận tất màu trắng là chuyện rất thường gặp. Để thay đổi gu thời trang của mỗi người là chuyện không hề đơn giản. Vấn đề không phải là nhiều tiền hay ít tiền, việc họ có cần đến tư vấn thời trang hay chọn người tư vấn phù hợp mà thôi.

Tôi rất vui khi được các doanh nhân, nghệ sĩ mời tư vấn mỗi khi họ gặp khách hàng hoặc đi dự tiệc. Gần đây nhất, ca sĩ - doanh nhân Trịnh Vĩnh Trinh trước khi gặp đại sứ Braxin đã đặt may 2 bộ trang phục của thương hiệu KIN và rất hài lòng.

- Gần đây các nghệ sĩ Việt Nam đã tham gia nhiều giải thưởng uy tín về âm nhạc và thời trang quốc tế. Trên thảm đỏ, nghệ sĩ Việt Nam đã tự tin sánh bước với các nghệ sĩ nước ngoài. Anh nhận xét điều này như thế nào?

- Tôi thấy tiếc là Liên hoan Canes vừa rồi, các nghệ sĩ Việt Nam mặc đồ quá Tây. Đã ra với thế giới, ngoài việc khoác trên mình bộ cánh sang trọng, theo tôi, phải cho họ nhìn thấy đó là những nghệ sĩ Việt Nam. Nên có ý thức dân tộc khi ra nước ngoài.

Cần phải cho người nước ngoài nhận ra đó là người Việt Nam chứ không phải Nhật Bản, Trung Quốc hay Hàn Quốc… Theo cá nhân tôi, Hải Yến và Phạm Linh Đan mặc trang phục rất đẹp, rất Việt Nam trong buổi họp báo ra mắt phim "Chơi vơi" tại Pháp.

Các nghệ sĩ Việt Nam khi ra sân chơi chung của thế giới, không nên chụp ảnh với các "sao" quốc tế mà nép mình khiêm nhường như là một fan hâm mộ vậy, điều này rất kỳ! Hãy nên tự tin khi đứng cạnh họ.

- Theo anh ở Việt Nam có thời trang không?

- Theo tôi ở Việt Nam không có xu hướng thời trang.

Chúng ta mới thoát nghèo, chuyện ăn no mặc ấm đã qua rồi, nhưng chuyện ăn ngon và mặc đẹp mới dừng lại ở khẩu hiệu thôi. Ăn uống hợp lý và đúng dinh dưỡng, cũng như chuyện mặc đẹp của người Việt chưa thực sự được quan tâm, vì thu nhập của người Việt còn thấp. Người nhiều tiền và người có đẳng cấp trong xã hội với vấn đề mặc đẹp… vẫn còn là câu chuyện dài dài, khó nói.--PageBreak--

- Khó nói nghĩa là không thể không nói ra, trong khuôn khổ bài báo này?

- Tôi nghĩ, ngồi đối diện với tôi hôm nay là một nhà báo biết cách mặc đẹp và lịch sự.

Rất nhiều người giàu có ở nước mình hiện nay chưa thực sự mặc đẹp và sang trọng.

- Nhắc đến Nguyễn Công Trí, vẫn có những lời nhận xét kiểu không thừa nhận anh, rằng, trang phục của Trí, nhiều bộ copy của mẫu nước ngoài? Có nghe thấy điều này bao giờ không? Có phản đối không?

- Tôi có nghe thấy rồi và chẳng lấy làm buồn. Tôi phân chia rất rạch ròi 2 nhóm người của ý kiến này:

Một là, ý kiến xây dựng như nhắc nhở tôi rằng, phải rất thận trọng để tìm sự khác biệt trong các mẫu sản phẩm của mình.

Hai là, ý kiến thị phi của những người không thích mình hoặc không thích gu thời trang của tôi.

Mỗi ý kiến của khách hàng, dù nói trực diện hay qua người khác, tôi đều lắng nghe để xem lại mình, sai thì sửa, khách hàng chưa ủng hộ thì nghĩ cách để thuyết phục hoặc gây lòng tin nơi họ.

Cũng phải bổ sung ý kiến trên một điều nữa là xu thế thời trang thực chất là quay vòng, trong một thời gian nhất định xu thế thời trang lại quay trở lại là điều hết sức bình thường. Thương hiệu KIN đã tạo được phong cách riêng. Tôi đã thành công và tôi tự hào về điều này.

- Thời trang là nghề của nhà giàu? Anh có nghĩ thế không?

- Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo ở Đà Nẵng có tới 8 anh chị em. Tôi là con út, đến với nghề này khi chẳng có nhiều tiền, từ năm 2002 có 100 triệu đồng làm vốn. Điều này chỉ đúng một phần thôi… quan trọng là cái đầu, tư duy của người làm thời trang.

8 năm làm nghề, tôi có nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế, tham gia nhiều chương trình thời trang như Việt Nam Collection Grand Prix, Đẹp Fashion Show… nhưng có thể tôi có máu kinh doanh từ hồi còn rất trẻ - mới hơn 20 tuổi đã có công ty riêng và dám chịu trách nhiệm những quyết định của mình rồi. Giờ cũng là lúc tôi thực hiện những khát vọng và hoài bão của mình sau 5 năm thể nghiệm.

- Showroom mới anh dành cho đối tượng nào? Và anh nhận xét như thế nào về khách hàng của mình?

- Tôi có thêm các sản phẩm cho đàn ông, trang phục cưới, trang phục công sở.

Ở Việt Nam, quan điểm thời trang luôn thay đổi. 5 năm qua là thời gian tôi nghiên cứu thị hiếu của người tiêu dùng nhiều nhất. Họ đến cửa hàng tôi và bị kích thích thị giác khi ngắm nghía các sản phẩm lạ mắt. Họ trầm trồ khen những bộ sưu tập mới nhất, nhưng khi mua thì lại mua những sản phẩm cũ hơn (ra trước đó khoảng 1 đến 2 tháng). Thực ra, không phải là cũ, nhưng cách thiết kế có vẻ an toàn và đỡ phá cách hơn thôi. Quan trọng nữa, giá cả của sản phẩm này (tưởng là cũ) cũng dễ chịu với người mua hơn. Hướng dẫn thị hiếu có thói quen mua sắm, cũng là chiêu kinh doanh của các thương hiệu thời trang, trong đó có KIN.

- Anh có thể lý giải điều này được không? Ngành công nghiệp thời trang ở nước ngoài đã đạt mức chuyên nghiệp, đo ni đóng giày cho tiêu chuẩn cơ thể như S, M, L, XL. Còn ở ta, thời trang chuyên nghiệp đã xuất hiện các thương hiệu Việt nổi tiếng, nhưng ngành may gia công kiểu các cửa hàng nhỏ lẻ vẫn đo kích cỡ trên cơ thể khách hàng, rất chuẩn số đo, nhưng khi hoàn tất sản phẩm vẫn không ưng ý người tiêu dùng? Nói theo các bà, đi may bây giờ "hỏng" nhiều lắm!

- Hình như chị đang hỏi về các nhà may hiện nay ở nước ta, đúng không? Vấn đề là họ không được học về Form. Các nhà may hiện nay là học nghề lẫn nhau, truyền cho nhau cách cắt may nhiều hơn là cách dạy chuẩn về ngành này.

- Anh có thường đi xem các hội chợ thời trang ở Việt Nam không? Anh tìm thấy gì trong đó ?

- Tôi đến đó, tham khảo và mua được các thiết bị, máy móc ngành may. Đặt hàng rồi đối tác chuyển về Việt Nam rất tiện lợi.

Tôi thấy các hội chợ thời trang ở nước mình chưa ổn lắm, nhất là về hình thức. Chúng ta dư sức để các hội chợ này hấp dẫn hơn. Hiện nay, nó mang tính tạm bợ, diễn ra trong thời gian ngắn. Nếu ban tổ chức hoạch định nó mang tính định kỳ, có chiến lược thì sẽ kích thích người xem đến nhiều hơn, thỏa mãn thị giác của họ.

- Một số NTK trẻ đã hợp tác thiết kế trang phục cho các vở diễn và phim. Anh đã tham gia vở nào chưa?

- Tôi được nhiều lời mời nhưng chưa dám nhận vì sợ chưa đủ kinh nghiệm, chưa đủ sức để hợp tác. Làm không đến nơi đến chốn sẽ ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu KIN.

- Lâu lắm không thấy Nguyễn Công Trí xuất hiện trong các chương trình thời trang, truyền hình, nay thấy anh tham gia Đêm phong cách 2010, có gì mới lạ không?

- Lần này không phải tham gia chương trình mà đơn giản là làm theo đơn đặt hàng của chương trình "The Little Mermaid" cho MC Bình Minh, Ca sĩ Đức Tuấn, Triệu Yên, Quỳnh Anh.

- Nghĩa là Công Trí vẫn rất thành công khi trên mặt bàn luôn có hợp đồng đặt hàng? Anh tỉnh trong kinh doanh và thăng hoa khi sáng tạo các mẫu mốt mới?

- Không tỉnh thì không làm kinh doanh được.

Trong tôi có 2 con người, của nghệ thuật và của kinh doanh. Làm thời trang là phải sáng tạo, đôi khi phải thăng hoa trong nghệ thuậ. Còn kinh doanh, thì luôn phải nghĩ tới hiệu quả, và phải lo cuộc sống cho hơn 60 nhân viên của mình. Phải giữ người tài bằng mọi cách, không nên để người ta bỏ mình, mất tiền còn hơn mất nhân viên giỏi.

- Chúc anh luôn thành công với những ý tưởng mới và gặp ít gai hơn trên con đường trải đầy hoa hồng phía trước

Trần Tùng Linh (thực hiện)
.
.